Điệp khúc mùa xuân

24/01/2014

Trong lĩnh vực nghệ thuật, những sáng tác phản ánh sự biến đổi của thời gian khởi nguồn từ các tác phẩm viết về mùa. Lũy tiến theo chiều dài năm tháng, riêng âm nhạc đã có hàng trăm tác phẩm liên quan tới mùa xuân. Nhờ tính điển hình mà mùa xuân đã đi vào thơ ca, âm nhạc, hội họa... với mật độ cao. Chùm ca khúc về mùa này lan tỏa khắp truyền thống, văn hóa. Vũ trụ vốn là người mẹ vĩ đại có sức cảm hóa, lay động trái tim con người. Trước khi đến với những bài giảng về tình yêu quê hương, đất nước, lịch sử… tình yêu đối với thiên nhiên, đất trời đã hình thành một cách lặng lẽ, âm thầm và bao trùm lên mọi hoạt động sáng tạo.

Mùa xuân đi từ ranh giới sáng tạo của thiên nhiên, đất trời theo chu kỳ không đổi đến thành biểu trưng cho sự hồi sinh, bừng tỉnh giữa nhịp đập giao hòa của con người cùng tạo vật. Tư duy một năm bắt đầu bởi mùa xuân, đời người khởi đầu từ tuổi trẻ đã phản ánh trong âm nhạc hết sức rõ rệt. Nhạc sĩ La Hối viết “Xuân và tuổi trẻ” những năm 1940, ca khúc đã bước sang tuổi ngoài 70 của đời mình mà âm điệu, tính chất hồn nhiên, trong trẻo vẫn dạt dào, ngập tràn trong không khí ban mai như buổi đầu không tuổi.

“Ngày thắm tươi bên đời xuân mới.
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng.
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng...”
(La Hối – Thế Lữ: “Xuân và tuổi trẻ”)

“Xuân và tuổi trẻ” ban đầu có tiêu đề “Thanh niên dữ thanh xuân” (Tuổi trẻ và xuân trẻ), do nhà thơ Hoa kiều Diệp Truyền Hoa viết lời Hoa:

“Tuổi xuân ngập tràn trong em
Hy vọng lấp lánh trong mắt em
Sợ chi gian khổ và đau khổ
Sợ chi khó khăn vây trùng trùng…
Hãy trông gió xuân thổi nhẹ qua mặt đất
Bao nhiêu hoa cùng nở trên đầu cành
Bạn ơi chẳng lẽ không vui sao
Lắng nghe tiếng chim đua hót bài ca mùa xuân…”
(Lê Hải Đăng lược dịch)

Sau khi nhà thơ Thế Lữ viết lời Việt, tác phẩm này đã nhanh chóng phổ biến. Lời ca (tiếng Việt) và giai điệu gắn kết với nhau như chưa từng có sự “gán ghép”. “Xuân và tuổi trẻ” đã đi qua nửa thế kỷ mà vẫn cuộn trào sức sống mặc cho năm tháng phôi pha.

Mùa xuân dường như chẳng bao giờ có tuổi. Vẻ đẹp nguyên sơ đắm đuối sắc hương khiến cho xuân năm nào cũng như “Mùa xuân đầu tiên”. Dù ra đời sau những tác phẩm bất hủ, như “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Cung đàn xưa”, “Trương Chi”, “Buồn tàn thu”… hơn 1/4 thế kỷ, “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao trước sau vẫn thủy chung vẹn nguyên với âm nhạc Lãng mạn. “Mùa xuân đầu tiên” đã đi từ cảm xúc mong manh, sương khói đến tính chất phi thời gian để trở về cõi Đào nguyên của thuở ban đầu.

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đã đến đầu tiền..”

Mặc dù “Mùa xuân đầu tiên” được chuyển tải bằng nét nhạc đẹp trong trẻo như suối nguồn, bay bổng qua điệu Valse truyền thống của âm nhạc phương Tây vốn đã làm nên tên tuổi của Văn Cao từ những ca khúc: “Làng tôi”, “Cung đàn xưa”, “Ngày mùa”… Nhưng, “Mùa xuân đầu tiên” cũng không dấu được nỗi buồn man mác phảng phất bên trong ca từ, cũng như tính chất giai điệu viết bằng điệu thứ. Đây chẳng phải “Mùa xuân đầu tiên” của đất trời mà xuất phát bởi lòng người sau dâu bể cuộc đời đã đi qua.

“Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…”

Với lời ca đầy ẩn ý lẩn vào bên trong từng câu hát đã biến ca khúc thành nơi hội tụ những xúc cảm dồn nén, đa nghĩa. “Với khói bay trên sông gà đang gáy trưa. Bên sông một trưa nắng vui cho bao tâm hồn…” đã đem đến cho lòng người cảm giác ấm áp, bình yên, nồng nàn như gió thoảng bay qua miền ca dao êm đềm.

Mùa xuân có lẽ do gắn liền với mùa tết, nên ca khúc viết về mùa xuân theo đó mang đến không khí ngập tràn vui tươi, phấn khởi… Chúng viết bởi tâm thái hồn nhiên, trong trẻo của lòng người trước thiên nhiên, cảnh vật mùa xuân. Xét về tuổi trời, con người mãi mãi chỉ là đứa trẻ. Đứng trước hình hài kỳ vĩ của vũ trụ cùng sự trở về của người mẹ dịu hiền từ thiên nhiên mùa xuân ấm áp, con người vẫn như trẻ thơ. Tâm thức về mùa xuân dù chìm xuống tầng vô thức hay nổi lên trên ý thức, tiết xuân và tết vẫn hòa quyện vào nhau như bản tình ca trong nắng.

“Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng
Chở tia nắng về trong ánh mùa xuân
Gió mãi mơn man trên môi hồng
Người em yêu tìm quên trong cuộc sống
Bướm vẫn tung tăng bay la đà
Mặt trời mây buồn nhẹ trôi thiết tha
Ánh mắt mơ trông nơi xa vời
Chở mùa xuân đến đem nguồn vui…”
(Quốc Dũng: “Điệp khúc mùa xuân”)

Với “Ngày tết quê em” của nhạc sĩ Từ Huy, nét nhạc mở đầu còn phỏng theo tiết tấu nhịp trống múa Lân rộn ràng, reo lên không khí tưng bừng, náo nhiệt báo hiệu cho một mùa xuân vui.

“Tết tết tết tết đến rồi
Tết tết tết tết đến rồi
Tết tết tết tết đến rồi
Tết đến trong tim mọi người…”

Âm nhạc không chỉ dừng lại ở mục đích chuyển tải bức thông điệp của tình cảm mà còn vươn tới phỏng chiếu thực tại (của tâm) nhằm thu gom nội hàm đa nghĩa. Ở tiếng Việt, bản thân từ “tết” đã chứa đựng ý nghĩa sâu rộng hơn khả năng biểu đạt của một đơn vị từ. Nó chuyển tải giá trị có khả năng biểu ý sang khuynh hướng tượng trưng nhằm kết nối phạm vi tình cảm và ý nghĩa với nhau. Cũng giống như hư từ trong sáng tác âm nhạc dân gian có khả năng chạm vào vùng tri giác mênh mang thay vì phản ánh sự vật, hiện tượng cụ thể. Bởi vậy, tác giả “Ngày tết quê em” đã khéo lồng ghép âm tiết (ngôn ngữ) vào tính chất tượng trưng thông qua kết cấu của nét nhạc mở đầu, từ đó làm thay đổi cách thức tiếp nhận ở người thưởng thức kéo họ theo dòng cảm xúc dạt dào của âm thanh xô đẩy. Ngay trong mấy ô nhịp đầu, không khí hồ hởi, vui tươi, náo nhiệt được “phác họa” trên một âm hình tiết tấu chủ đạo (Tết tết tết tết đến rồi) và được mở rộng bằng thủ pháp “Mô tiến” (tiến hành mô phỏng) để dẫn dắt người nghe lạc vào thế giới âm xanh có hình sắc biến ảo.

“Mừng ngày tết trên khắp quê tôi
Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi
Đàn em thơ khoe áo mới
Chạy tung tăng vui pháo hoa...”

Ngày xưa khi đất trời vào xuân, con người tổ chức nhiều sự kiện để đón mừng khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tiếng pháo Giao thừa có tác dụng xua đuổi con quỷ với âm mưu xâm lấn cõi người được thực hiện bằng thói quen văn hóa (truyền thống) như một phán quyết đầu xuân. Tiếng pháo không chỉ đánh dấu sự khởi đầu cho một chu kỳ mà còn là khúc dạo đầu của mùa xuân.

“Một bài ca đón chào mừng
Hòa theo tiếng pháo đì đùng
Mừng xuân nay đã về rồi
Và mùa đông vừa qua
Ngập trời bao tiếng chào mừng
Nàng xuân duyên dáng về rồi
Về gieo bao thắm tươi vui
Lòng ta thấy yêu đời…”
(Minh Kỳ: “Xuân đã về”)

Xuân đến với trời, tết về với người theo quy luật muôn đời. Trong ca khúc “Đón xuân” của Phạm Đình Chương, cảnh sắc lung linh, giao hòa thiên giới và hạ giới hiện lên giữa niềm vui hân hoan chào đón mùa xuân.

“Kìa trong vạt nắng
Mạch xuân tràn dâng
Khóm hoa nhẹ rung
Môi cười thẹn thùng
Cùng bao nguồn sáng
Bướm say duyên lành
Thắm tô trời xanh
Đàn chim tung cánh
Hãy vui đón mừng mùa nắng tươi lan…”
(Phạm Đình Chương: “Đón xuân”)

Tết năm 2011, ca khúc “Đón xuân” trở thành hiện tượng âm nhạc! Khắp nẻo đường thành phố, nơi công viên, quán sá đông người đều phát ca khúc “Đón xuân”. Hồi cố lại sự kiện năm 2011, nhiều người chắc hẳn chưa quên năm đó có hai cái tết (tết Tây và tết Ta) đến liên tiếp, gần nhau. Dường như mọi người chưa kịp nhận ra tết thì tết đã đến rồi. Tết đến một cách lặng lẽ, âm thầm, vội vã khiến cho phiên chợ cuối năm chưa kịp neo đậu trên những cung đường quen thuộc thì mùa xuân đã về! Tình cảnh chưa chuẩn bị tâm lý trước mùa xuân đã biến giai điệu của “Đón xuân” nhanh chóng lây lan, nói thay cho tiếng lòng người thổn thức.

“Nào ai hững hờ
Xuân vẫn ngóng chờ
Tới đây nắm tay cùng ca múa
Hát lên đón xuân của tuổi thơ.”

Mùa xuân muôn tuổi đã đi qua, nhan sắc, phẩm tính nàng xuân chẳng hề thay đổi. Xuân vẫn đẹp dịu dàng, tượng trưng cho tuổi trẻ, tuổi xuân, sự hồi sinh giục giã. Đi suốt chiều dài năm tháng, mùa xuân cũng để lại bao vấn vương, hoài niệm, phảng phất nỗi khát vọng chưa tròn ngàn đời. “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua. Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.” Cảm nhận về tính hữu hạn của mùa xuân trên hai chiều không gian - thời gian biến đổi đã đem đến niềm khát khao vô bờ một mùa xuân trường tồn và mãi mãi.

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.