Diễn văn của Phó Thủ tướng và Chủ tịch Hội Nhạc sĩ tại lễ kỷ niệm 60 thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam

18/12/2017

PHÁT BIỂU CỦA NHẠC SĨ ĐÕ HỒNG QUÂN - CHỦ TỊCH HỘI NHẠC SĨ VN

Kính thưa: Đ/c Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

Kính thưa: Đ/c Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Kính thưa quý vị Đại biểu,  

Kính thưa các nhạc sĩ lão thành, bạn bè quốc tế và anh chị em đồng nghiệp!

Cách đây 60 năm, ngày 30 tháng 12 năm 1957 Hội Nhạc sĩ Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 750, 751 của Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Tiền thân của Hội là Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, nằm trong Hội Văn Nghệ Việt Nam (thành lập từ tháng 7 năm 1948) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. 

Lần giở lại những trang tư liệu về ngày đầu thành lập Hội, khi đó chỉ với gần 50 nhạc sĩ – nghệ sĩ từ chiến khu Việt Bắc về, từ miền Nam tập kết ra và trong lòng Hà Nội đã tập hợp dưới mái nhà chung, mở ra con đường sáng tạo của âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam với những tên tuổi như: nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đình Phúc, Tạ Phước, Lương Ngọc Trác... nay các vị tiền bối sáng lập ra Hội cùng nhiều nhạc sĩ thế hệ đầu tiên đã ra đi mãi mãi.

Từ Đại hội đầu tiên đến Đại hội IX (2015) và tính đến ngày hôm nay, Hội  Nhạc sĩ Việt Nam đã đi trọn một chặng đường 60 năm – lục thập hoa giáp âm nhạc - một chặng đường vẻ vang rất đỗi tự hào.

Chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn các nhạc sĩ đã có công gây dựng “Ngôi nhà âm nhạc”, như các vị: Nguyễn Xuân Khoát (Chủ tịch khóa I, II); Đỗ Nhuận (Tổng thư ký khóa I, II); Lưu Hữu Phước (Phó Tổng thư ký khóa I, II); Huy Du (Tổng thư ký khóa III); Ca Lê Thuần (Tổng thư ký khóa IV); Trọng Bằng (Tổng thư ký khóa V, VI) và các nhạc sĩ tham gia Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, Hội đồng Nghệ thuật trong suốt 9 nhiệm kỳ. Chúng ta cũng không khỏi bùi ngùi xúc động tưởng nhớ tới các nhạc sĩ - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ, tài năng và nhiệt tình đang bừng phát như các anh: nhạc sĩ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Hoàng Việt (tốt nghiệp nhạc viện Sofia Bungari, hy sinh năm 1976 tại Cái Bè, Tiền Giang). Nhạc sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ tranh nhân dân Vĩnh Bảo (tu nghiệp tại Nhạc viện Kiep Ukraina, hy sinh năm 1966 tại phía Bắc sông Sài Gòn). Nhạc sĩ Văn Cận (tốt nghiệp nhạc viện Bắc Kinh Trung Quốc, hy sinh năm 1968 tại Điện Bàn, Quảng Nam). Các nhạc sĩ liệt sĩ: Trịnh Quý, Nguyễn Mỹ Ca, La Hối... Trong ngày vui hôm nay chúng ta vô cùng thương tiếc các anh – những tài năng trẻ tuổi đã để lại những tác phẩm âm nhạc sống mãi với thời gian.

Kính thưa Quý vị,

60 năm qua là sự trưởng thành, phát triển không ngừng về chất và sự lớn mạnh về tổ chức, đội ngũ. Tiêu biểu cho sự phát triển này là những thành tích xuất sắc mà Hội đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao Vàng; Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Với 5 nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I (năm 1995) là: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, đến nay đã có 22 nhạc sĩ được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 120 nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước và 51 Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, hơn 200 Nghệ sĩ Ưu tú, Nhà giáo Ưu tú, là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hội Nhạc sĩ đã phát triển tới trên 1.500 hội viên, gồm 4 chuyên ngành: Sáng tác, Lý luận, Biểu diễn và Đào tạo, với 51 chi hội trong cả nước.

Một dấu son trên chặng đường 60 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam là việc Đảng và Nhà nước cho phép lấy ngày 3 tháng 9 hàng năm làm Ngày Âm nhạc Việt Nam bắt đầu từ năm 2010.

Thưa các vị đại biểu và khách quý,

Không thể kể hết công lao, sức sáng tạo, cống hiến và hy sinh của các thế hệ Nhạc sĩ Việt Nam trong suốt 60 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh và Bác Hồ vĩ đại. Các phong trào: “Tiếng hát tiếng bom” trên miền Bắc trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” tại các đô thị miền Nam trước năm 1975, là sức mạnh tinh thần cổ vũ hàng ngàn, hàng vạn trái tim khát khao độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc.

Bước vào thời kỳ Đổi mới, tiếp tục sự nghiệp sáng tạo của thế hệ Nhạc sĩ đàn anh đi trước, lớp nhạc sĩ kế cận và các nhạc sĩ trẻ vẫn duy trì định hướng “Đề cao chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân”. Bám sát những hoạt động của đời sống xã hội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn phối hợp, tham gia có hiệu quả vào những hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, âm nhạc dân tộc, truyền thống, các cuộc thi tài năng trẻ, các cuộc hội diễn liên hoan nghệ thuật do các Bộ, Ban ngành Đoàn thể tổ chức. Nổi bật là các cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài Biển đảo, An toàn giao thông, Thanh niên, Nông thôn mới, Quân đội, Công an, Biên phòng, Quốc Hội Việt Nam và các đề tài khác. Phương châm phát triển của Hội là luôn đi sâu đi sát cơ sở, chú trọng phát triển các chi hội, coi chi hội là cánh tay nối dài của tổ chức Hội; hoạt động các chi hội có mạnh thì Hội mới mạnh.

Với mục tiêu đó, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động mang tính sáng tạo. Trong những nhiệm kỳ gần đây, từ nhiệm kỳ VII – năm 2005, Ban Chấp hành Hội đã có sáng kiến tổ chức các Liên hoan Âm nhạc khu vực, vùng miền trong cả nước. Tính đến nay, chúng ta đã tổ chức được 31 cuộc Liên hoan tại các khu vực Tây Bắc, Đồng bằng Trung du miền núi phía Bắc, khu vực các tỉnh Bắc Miền Trung, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Đồng Bằng Sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ... Hướng tới kỷ niệm 60 năm đã có nhiều hoạt động biểu diễn trong cả nước, nổi bật là Liên hoan nhạc Kèn toàn quốc lần thứ II (tháng 10 năm 2017), các đêm nghệ thuật với chủ đề “Hội Nhạc sĩ Việt Nam – 60 năm đồng hành cùng dân tộc” được trang trọng tổ chức liên tiếp trong 2 tháng 11 và 12 năm 2017 tại các thành phố: Thanh Hóa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... và đợt công diễn lần thứ 5 vở Nhạc kịch “Lá Đỏ”.

Công tác lý luận phê bình luôn được chú trọng và nâng cao. Hội đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế với các chủ đề “Ca khúc tác giả trẻ thời kỳ đổi mới“, “Âm Nhạc Việt Nam thực trạng và phương hướng”, “Tính dân tộc và tính hiện đại trong âm nhạc”, “Sáng tạo âm nhạc về đề tài lịch sử”. Hội thảo quốc tế “Cây đàn bầu Việt Nam” và “Giao lưu âm nhạc mới Á – Âu”; và gần đây nhất là Hội thảo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Âm nhạc Việt Nam - 60 năm đồng hành cùng dân tộc”.

Về quan hệ đối ngoại: Ngay từ ngày đầu thành lập, Hội đã có quan hệ với các tổ chức âm nhạc quốc tế như: Hội Nhạc sĩ Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Đức, Bungari, Triều Tiên, Nhật Bản, Đan Mạch, Lào, Ba Lan, Cu Ba, Hungari... Thời gian gần đây, Ban Chấp hành đã nối lại quan hệ với Hội Nhạc sĩ Uzơbêkistan, Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga, Hội Nhạc sĩ Trung Quốc; Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Philipines... Hội là thành viên chính thức của Hiệp Hội các nhà soạn nhạc châu Á – Thái Bình Dương (ACL).

Một sự kiện nổi bật trong hoạt động đối ngoại thời gian gần đây là việc tổ chức thành công Festival Âm nhạc mới Á – Âu vào các năm 2014 và 2016. Đây là lần đầu tiên trong 60 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Festival Âm nhạc chuyên nghiệp với qui mô lớn. Đã có hơn 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ của 30 quốc gia tham dự Festival. Qua 2 lần tổ chức Festival, vị thế âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới, có điều kiện hội nhập với âm nhạc khu vực và quốc tế. Hội Nhạc sĩ Việt Nam với tư cách là thành viên chính thức của Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á – Thái Bình Dương (ACL) đã đăng cai tổ chức thành công Festival và Hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á lần thứ 34 của ACL tại Hà Nội tháng 10 năm 2016.

Trên con đường phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội, Hội Nhạc sĩ đã thành lập các trung tâm và các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ Kèn, câu lạc bộ Bel Canto, câu lạc bộ Thính phòng, câu lạc bộ Đàn Bầu và các trung tâm trực thuộc Hội như: Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam và Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam. Các đơn vị cấp 2 đã khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh của tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, góp phần làm phong phú hoạt động của Hội và có ảnh hưởng tích cực đến xã hội.

Một trong những vấn đề được giới âm nhạc quan tâm hiện nay là việc xây dựng đội ngũ kế cận, khi mà lớp nhạc sĩ gạo cội đang dần vắng bóng, việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ nhạc sĩ trẻ đã trở thành mối quan tâm lớn không chỉ trong các nhà trường, các học viện âm nhạc, mà đây còn là mối quan tâm, trách nhiệm của tổ chức Hội chúng ta. Chỉ khi nào có được đội ngũ nhạc sĩ trẻ sẵn sàng tiếp nhận sự chuyển giao thế hệ, kế tục con đường âm nhạc dân tộc với kiến thức, tài năng, ý thức xã hội sâu sắc, thì chúng ta mới hy vọng có được những tác phẩm chất lượng cả về nghệ thuật và nội dung.

Một vấn đề nữa đặt ra là việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ, để mọi đối tượng có thể thưởng thức các sản phẩm âm nhạc trong môi trường nghệ thuật trong sáng, lành mạnh. Thái độ của chúng ta là kiên quyết chống xu hướng nghiệp dư hóa trong nghệ thuật, loại trừ thói lai căng, bắt chước tùy tiện, dễ dãi cả trong việc sáng tác, biểu diễn và hưởng thụ âm nhạc. Coi trọng và đề cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác, biểu diễn, phê bình lý luận và đào tạo.

Bước tiếp những chặng đường vẻ vang 60 năm qua, giới âm nhạc Việt Nam tiếp tục xây dựng một nền âm nhạc tiên tiến, chuyên nghiệp, phấn đấu có những tác phẩm đỉnh cao thuộc các thể loại nhạc kịch, vũ kịch, giao hưởng, hợp xướng, chú trọng tới lính vực ca khúc, thế mạnh truyền thống của nền âm nhạc nước nhà, khuyến khích nhạc sĩ trẻ tìm tòi sáng tạo ra nhiều sản phẩm âm nhạc mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của giới trẻ, hội nhập với thị trường âm nhạc thế giới.

Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, giới nhạc hướng tới các đề tài lớn của đất nước trong đó có đề tài “1000 năm Thăng Long - Hà Nội“, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Biển đảo quê hương”...  cùng các đề tài lớn khác, các hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn là lực lượng hạt nhân đi đầu trong các cuộc vận động sáng tác nói trên. Cùng với việc hỗ trợ đầu tư sáng tạo của nhà nước, sự quan tâm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tạo cho các hội viên điều kiện được tham gia các trại sáng tác trong toàn quốc. Hàng năm đã có hàng trăm tác phẩm mới ra đời từ các trại sáng tác này và nhiều tác phẩm đã đạt giải thưởng quốc gia, giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và của các bộ, ban, ngành, và nhiều tổ chức xã hội...

Nhìn lại chặng đường 60 qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tự hào là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, xứng đáng với lòng tin của Đảng, của Nhân dân. Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ  nghĩa, để lại một di sản âm nhạc đồ sộ, vô cùng giá trị đóng góp vào kho tàng văn hoá của nước nhà.

Tự hào về truyền thống, vững tin ở tương lai, với tinh thần Đoàn kết – Sáng tạo – Đổi mới - Hội nhập, các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam nguyện đồng hành cùng dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xin kính chúc Quý vị đại biểu Sức Khoẻ và Hạnh phúc!

Xin trân trọng cảm ơn.


PHÁT BIỂU CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM

Kính thưa các nhạc sĩ lão thành,

Thưa các Quý vị đại biểu,,

Trước hết, tôi xin trân trọng gửi tới các bác, các anh chị nhạc sĩ, nghệ sĩ lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Tôi cũng xin được chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, và tất cả những người làm công tác âm nhạc nước nhà về những đóng góp to lớn của Hội cùng các thế hệ hội viên của Hội trong suốt 60 năm qua. Trên chặng đường rất vinh quang ấy, các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ đã thực sự hoá thân vào cuộc sống chiến đấu, lao động, và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm âm nhạc thấm đậm tâm hồn dân tộc, hơi thở thời đại, những bài ca mãi mãi đi cùng năm tháng.

Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã viết nên những bản trường ca còn mãi âm vang về Nhân - Trí – Dũng, những trang sử vàng rất đỗi hào hùng và đậm nét văn hoa. Trong 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam được UNESCO vinh danh có tới 8 di sản thuộc về âm nhạc, đây là niềm tự hào của cả dân tộc và đặc biệt là của những người làm công tác âm nhạc nước nhà.

Ngay từ những bước đi đầu tiên, dòng âm nhạc cách mạng với những âm hưởng hào hùng đã trở thành vũ khí sắc bén trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, ra đời giữa những tháng năm đầy cam go, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp thêm sức mạnh, để âm nhạc Cách mạng Việt Nam thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần yêu thương con người, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, góp phần quan trọng và có thể nói không thể thiếu vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi trân trọng ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn và hết sức ý nghĩa của các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, của những người làm công tác âm nhạc nước nhà, trong đó có nhiều nhạc sĩ - chiến, nghệ sĩ – chiến sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cả máu thịt của mình, hiếng dâng cả cuộc đời mình cho chiến thắng của dân tộc.

Kính thưa các Quý vị đại biểu,

Đất nước ngày nay cũng đang rất cần những giai điệu có sức lôi cuốn, những giai điệu kết đoàn muôn người như một, để cùng chung sức đồng lòng để cùng thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để đưa đất nước ta vượt lên sánh cùng bè bạn. Đảng, Nhà nước và nhân dân kỳ vọng, rất mực tin tưởng rằng, với những người làm công tác âm nhạc nước nhà, bằng tất cả tài năng, tình yêu nghệ thuật và tâm huyết sẽ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, có giá trị giáo dục, khơi dậy niềm tự hào, ý chí vươn lên chiến thắng giặc nhạc, hun đúc tâm hồn Việt: Chân – Thiện – Mỹ, làm giàu thêm Di sản Văn hóa của dân tộc.

Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, Chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hội Nhạc sĩ Việt Nam không ngừng phát triển, hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Trước thềm năm mới 2018, tôi xin kính chúc tất cả các bác, các anh chị văn nghệ sĩ sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.

Xin trân trọng cám ơn.

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...