Đi tìm giao hưởng số 10 của Beethoven

16/07/2015

Nhạc trưởng kiêm nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng, Hans von Bülow người Đức (1830 – 1894) đã gọi bản “Giao hưởng số 1” của Johannes Brahms (1833 – 1897) là “Giao hưởng số 10 của Beethoven” do những điểm tương đồng giữa tác phẩm này với các tác phẩm khác của Ludwig van Beethoven (1770 – 1827), đặc biệt là chủ đề “số phận” trong chương I như Beethoven đã dùng trong“Giao hưởng số 5” và chủ đề chính ở chương kết rất giống với chương kết trong“Giao hưởng số 9” của Beethoven.

Ở đây, chúng tôi không nói đến sự so sánh ấy mà muốn bàn đến một bản giao hưởng mới ra đời sau bản giao hưởng hợp xướng đầu tiên của nhân loại. Sau nguyên nhân cái chết của Mozart thì vấn đề có hay không bản giao hưởng số 10 của Beethoven là một trong những sự kiện được bàn cãi nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới.

Trong một bài báo được công bố vào năm 1844, Anton Schindler, một thời là thư ký của Beethoven, đã cho rằng kể từ năm 1822 (tức hai năm trước khi hoàn tất “Giao hưởng số 9”) Beethoven đã bắt đầu có những ghi chú chuẩn bị cho bản giao hưởng số 10 và phác thảo mới nhất là vào tháng 10 năm 1825. Liên tục kể từ đó đến nay, vấn đề này đã thu hút sự chú ý và nghiên cứu từ rất nhiều nơi. Cứ ít lâu lại có thêm manh mối về bản giao hưởng giả định này nhưng đa số những tình tiết có được chỉ làm câu chuyện thêm bí ẩn và gay cấn như truyện trinh thám. Về sau, có nhiều bằng chứng cho thấy Schindler không phải là một nhân chứng đáng tin cậy. Karl Holz, một thư ký khác và cũng là bạn của nhà soạn nhạc, quả quyết rằng mình đã từng nghe Beethoven chơi chương I của giao hưởng này trên đàn piano. Holz mô tả tóm lược như sau: đó là một đoạn mở đầu nhẹ nhàng ở giọng Mi giáng trưởng theo sau là một đoạn Allegro mạnh mẽ ở giọng Do thứ. Tuy nhiên, ở một nơi khác, Karl Holz lại tuyên bố là toàn bộ giao hưởng này mới chỉ được phác thảo. Người ta tìm thấy một lá thư do Beethoven ký tên (nhưng được Schindler viết) vào thời điểm 8 ngày trước khi ông mất. Đó là bức thư gửi cho Ignaz Mocheles (1794 – 1870, nhà soạn nhạc người Czech) nội dung bức thư này có đề cập đến việc phác thảo một giao hưởng mới. Lúc này, có giả thuyết cho rằng Beethoven chỉ mới vài soạn chi tiết cho chương I nhưng cũng có người cho rằng ông đã phác thảo xong chương I và chương III.

Trong khi đó, Gustav Nottenbohm, một học giả hàng đầu cuối thế kỷ 19 chuyên về Beethoven, sau khi khảo sát những cái mà Schindler gọi là phác thảo cho Giao hưởng số 10 đã cho rằng đó chỉ là những ý tưởng âm nhạc rời rạc của Beethoven và không có gì chứng tỏ ông đã chấp bút ghi nhanh ra để dành cho một giao hưởng mới cả. Những phác thảo ấy đa phần chỉ là những dòng nhạc đơn (một bè), thậm chí không ghi khóa nhạc hay số chỉ nhịp, khá cẩu thả nên rất khó đọc.

Ngày nay người ta ước tính có khoảng 800 trang bản thảo mang bút tích của Beethoven được phân tán khắp hơn cả chục nơi và một điều chắc chắn là những phác thảo ấy không chỉ dành cho riêng một tác phẩm nào. Mãi đến những năm đầu của thập niên 1960, việc nghiên cứu các phác thảo của Beethoven mới được thực hiện một cách có hệ thống và khoa học hơn. Nhưng vẫn không thấy có dấu hiệu nào về một bản giao hưởng mới cả. Đến năm 1977, trong một chuyên đề quan trọng được viết bằng tiếng Đức mang tên “Noch einmal: Wo sind Beethovens Skizzen zur Zehnten Symphonie?” (Một lần nữa: bản thảo của Beethoven về giao hưởng số 10 ở đâu?), tác giả Robert Winter đã cho thấykhông có cánh cửa nào hé mở về hoạt động sáng tạo của Beethoven sau khi hoàn tất bản “Giao hưởng số 9” cả. Đến khoảng năm 1984 - 1985, chỉ cách nhau vài tháng, có hai tài liệu nghiên cứu quan trọng về đề tài này lần lượt ra đời: “Die Skizzen zur Neunten Symphonie” (Các phác thảo của giao hưởng số 9 - Harry Goldschmidt, 1984) và “Newly Identified Sketches for Beethoven's Tenth Symphony” (Những phác thảo mới nhất cho Giao hưởng số 10 của Beethoven – Tiến sĩ Barry Cooper).

Dựa trên khoảng 50 phác thảo được coi như gần với một giao hưởng mới nhất được lưu lại (đa số là rời rạc, đoạn dài nhất chỉ khoảng 30 nhịp) và kết hợp với nhiều tác phẩm khác của Beethoven, TS Barry Cooper đã gần như tiếp cận được với phương pháp làm việc, phong cách sáng tác, thủ pháp phát triển các chủ đề giao hưởng của nhà soạn nhạc để hoàn thành chương I của giao hưởng số 10. Năm 1988, Cooper đã cho công bố trong công trình nghiên cứu “Chương I, Giao hưởng số 10 của Beethoven: Một cách thực hiện”. Tổng phổ dàn nhạc này được giao cho nhà xuất bản Universal ở London. Chương I (Andante – Allegro – Andante) của giao hưởng giọng Es-Dur (Mi giáng trưởng) này được thu âm bởi dàn nhạc giao hưởng London (London Symphony Orchetra) dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Wyn Morris. Ngay từ những nhịp đầu tiên, người nghe khó tính nhất cũng phải nhận ra tính chất appassionata (đam mê, cảm xúc) đặc thù của âm nhạc Beethoven mà chúng ta đã gặp ở các ouverture Egmont, Coriolan,...Điều trùng hợp thú vị nữa là: Bản “Giao hưởng số 1” của Brahms (vốn được ví như “Giao hưởng số 10” của Beethoven) và bản “Giao hưởng số 10” (giả định của Beethoven) do Cooper thực hiện đều chung đặc điểm là đều được viết ở giọng c-moll (Do thứ) có phần Allegro ở nhịp 6/8.

Cho tới nay , ngoài Cooper ra còn có một số người đã và đang làm công việc hoàn tất giao hưởng số 10 thay cho Beethoven. Trong số đó, đáng kể nhất là nhà soạn nhạc Nhật Hideaki Shichida với việc tái tạo lại cả 4 chương nhưng khi công bố, ông chỉ thực hiện trên nhạc cụ tổng hợp (synthesizer). Chỉ có bản soạn thảo của Ts Barry Cooper làđược trình diễn với dàn nhạc đầu tiên trên thế giới hiện với 3 bản thu âm khác nhau dưới sự chỉ huy của: nhạc trưởng Wyn Morris cùng dàn nhạc Giao hưởng London (1988, London Symphony Orchestra), nhạc trưởng Walter Weller với dàn nhạc Giao hưởng thành phố Birmingham (1988, City of Birmingham Symphony Orchestra) và chỉ huy Douglas Bostock với dàn nhạc hòa tấu thính phòng Czech (2004, Czech Chamber Philharmonic Orchestra).

Như vậy, bản “Giao hưởng số 10 giọng Es-Dur” (Mi giáng trưởng) của Beethoven là một tác phẩm giả định, được Barry Cooper tập hợp lại từ những phác thảo rời rạc của Beethoven. Đây là một đề tài còn được bàn cãi vì chưa có gì chứng minh được rằng những phác thảo này được xây dựng cho cùng một tác phẩm. Tuy nhiên, có một sự thật mà mọi người phải thừa nhận rằng Beethoven đã có ý định viết một giao hưởng nữa. Nói về giao hưởng số 10 của Beethoven, nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp Erik Satie (1866 - 1925) cho rằng: “Trong số các tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại này, bản giao hưởng số 10, mà không ai biết rõ, chắc hẳn phải là lộng lẫy nhất. Bản giao hưởng này đã phải tồn tại vì số 9 không thích hợp với Beethoven. Ông thích hệ thống thập phân như thường nói mình có 10 ngón tay”.

 (Nguồn: ANVN)

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...