Đến thời... máy viết nhạc

28/06/2017

Dùng phần mềm sáng tạo ca khúc mà không còn nhờ đến khối óc con người đang được ứng dụng chắc hẳn sẽ gây kinh ngạc, thậm chí khiến giới nhạc sĩ sáng tác truyền thống lo ngại

Một phần mềm công cụ hỗ trợ nhạc sĩ viết ca khúc hoặc hỗ trợ hòa âm tự động cho ca khúc sẵn có không còn mới lạ trên thế giới. Hơn thế, một phần mềm sáng tạo ca khúc mà không còn nhờ đến khối óc con người đã hình thành và đang hoàn thiện. Vay mượn các phương pháp và trí tuệ nhân tạo để viết ca khúc đang dần trở thành xu hướng.

"Nhạc sĩ robot"

Thử nghiệm nội bộ và gặt hái thành quả như mong đợi, Soncamedia (công ty nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng và sản phẩm điện tử truyền thông sử dụng cho ngành quảng cáo, thông tin) chuẩn bị giới thiệu các ca khúc do robot sáng tác với công chúng trong vài ngày tới. Ông Lê Văn Chính, Cố vấn Kỹ thuật Công ty Cổ phần Truyền thông Soncamedia, cho biết: "Đó là hành trình thu thập phản ứng khen chê của người nghe, từ đó hoàn chỉnh hơn phần mềm robot tự sáng tác ca khúc này trong tương lai gần".

Phần mềm "tự viết ca khúc" hiểu một cách đơn giản là "một văn bản được hát lên". Đây không phải là trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) mà chỉ vay mượn các phương pháp và giải thuật của trí tuệ nhân tạo nhưng quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Đó là các giải thuật phân tích "dữ liệu lớn" (big data), kỹ thuật học máy (machine learning) và kỹ thuật thống kê suy diễn.


Robot khó có thể tạo được những tác phẩm bất hủ như của các nhạc sĩ tài danh viết ra lâu nay

Thực tế hiện nay, các nhà sản xuất karaoke ở Việt Nam đều sở hữu một lượng ca khúc khổng lồ (có bản quyền). Với tài sản của mình, các nhà sản xuất sẽ làm tăng doanh thu bằng phương pháp ứng dụng phần mềm tự viết ca khúc, tức tự nhân bản tài sản ca khúc sẵn có của mình mà không cần nhờ đến các nhạc sĩ.

Theo đó, máy tính sẽ phân tích diễn biến của quãng, tiết tấu, giai điệu để "học" cách phát triển khúc thức của một ca khúc được yêu thích. Sau đó, máy tính sẽ dùng kỹ thuật mô phỏng và suy diễn để viết lại thành khúc thức mới rồi phát triển thành một ca khúc hoàn chỉnh. Dữ liệu lớn (big data) lời bài hát và thi ca sẽ được đưa vào thử nghiệm để viết phần lời của ca khúc cho phù hợp với giai điệu.

Quan trọng nhất là phân tích dữ liệu lớn. Với dữ liệu MIDI - truyền dẫn các tín hiệu dữ liệu số, bao gồm sự biểu đạt về âm nhạc (nốt nhạc, sắc thái chơi nhạc) và lệnh điều khiển hệ thống - nó có khả năng điều khiển, tự động hóa và tương tác với tất cả thiết bị phòng thu - từ bàn mix nhạc của DJ, Keyboard, Synthesizer, Mixer đến phần mềm thu âm, phần mềm nhạc cụ ảo (VSTi), thiết bị/phần mềm hiệu ứng âm thanh… Các nhà sản xuất cho biết tính năng ưu việt của phần mềm viết nhạc là có thể phân tích được cách viết bài boléro của Trúc Phương khác với cách viết boléro của Lam Phương như thế nào; ca khúc Trịnh Công Sơn đời đầu (trước năm 1965) khác với ca khúc cũng của chính ông viết sau đó ra sao về phát triển khúc thức, ca từ...

Thỏa mãn nhu cầu giải trí

Nhiều người dự báo phần mềm tự sáng tác nhạc này sẽ trở thành xu hướng thịnh hành, ít nhất là trong lĩnh vực kinh doanh karaoke. Bởi lẽ, trên thị trường đang có rất nhiều ca khúc hit (ăn khách) nhưng diễn biến khúc thức đơn điệu và ca từ ngô nghê.

"Chúng tôi đồ rằng đã có robot tự viết ca khúc xuất hiện, ai đó đã làm trước và thị trường vẫn chấp nhận các ca khúc này, thậm chí yêu thích. Chúng tôi nhận ra rằng hiện nay, nhiều người rất dễ tính trong thị hiếu thưởng thức. Vì vậy, chúng tôi quyết định tạo ra một robot viết nhạc thực sự trong phương thức kinh doanh của mình" - đại diện một đơn vị kinh doanh karaoke giải thích.

Niềm tin của các nhà sản xuất về tương lai phát triển robot tự sáng tác nhạc, hay chính xác là phần mềm tự viết nhạc, hoàn toàn có lý. Thực tế, thị trường ca khúc mới hiện nay dung chứa loại bài hát "ăn liền", được ưa thích ngay và lãng quên nhanh chóng. Phần mềm viết ca khúc được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu này. Dễ hát chóng quên và những ca khúc này khó có thể trở thành tác phẩm âm nhạc đúng nghĩa.

Các đơn vị sản xuất thừa nhận không thể kỳ vọng những ca khúc do phần mềm sáng tạo lại có thể trở thành tác phẩm "bất hủ". "Tranh cổ động đường phố không thể so sánh với kiệt tác hội họa trưng bày trong phòng tranh. Hay đơn giản hơn là uống một lon nước ngọt để giải khát sẽ rất khác với thưởng thức nghệ thuật trà đạo" - một nhà sản xuất ví von.

Ông Lê Văn Chính cho rằng dù máy móc có hoàn chỉnh cỡ nào thì cũng sẽ chẳng thể làm nên những tác phẩm âm nhạc được viết bởi các nhạc sĩ tài ba như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đỗ Nhuận, Phạm Duy… 

Cảm xúc - sự khác biệt

 

Bên cạnh sự tán dương về một cuộc chơi mới đậm tính giải trí, không ít nhạc sĩ đã kịch liệt phản đối phần mềm tự sáng tác này. Theo họ, đó là cách tạo nên sự trì trệ, lười biếng trong sáng tạo nghệ thuật.

 

"Với tôi, đây cũng là một hình thức copy, ăn theo những sáng tạo sẵn có. Mọi sự vay mượn, dù dưới bất kỳ hình thức nào, cũng cần bị dẹp bỏ ngay từ khi mới chỉ là ý tưởng" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gay gắt. Nhạc sĩ Nguyễn Hà phân tích: "Sáng tạo trong nghệ thuật rất khác với nhiều loại hình sáng tạo khác. Nó không có mẫu số chung và càng không nên khuyến khích tạo nên những công thức mang tính chuẩn mực. Nếu chấp nhận điều đó thì xã hội sẽ mãi mãi chẳng có những thiên tài như nhiều nghệ sĩ mà chúng ta đã biết".

 

Trong khi đó, ca sĩ - nhạc sĩ Hoàng Bách cho rằng không nên hay bắt buộc sáng tác âm nhạc là phải thế này, thế khác, mọi sáng tạo miễn làm cho con người vui đều có giá trị riêng của nó. "Thế nhưng, máy cũng vẫn chỉ là máy và nó sẽ chẳng bao giờ thay thế trí tuệ sáng tạo của con người được. Bởi lẽ, con người có cảm xúc và đây chính là chất liệu làm nên sự khác biệt với cỗ máy" - anh nhìn nhận.

(Nguồn: http://nld.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...