Đầu tư văn hóa - nghệ thuật ở TPHCM: Chưa đúng tầm

04/10/2018

TPHCM nổi bật trong cả nước về sự đầu tư và phát triển ở nhiều mặt, nhưng riêng lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật (VHNT) lại tồn tại một khoảng trống lớn: Những thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất chưa đủ chuẩn; sự thiếu chú trọng trong chế độ đãi ngộ và đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ kế thừa chất lượng… 

Sân khấu lưu động được trang bị sơ sài, khó thu hút khán giả và quảng bá tốt cho nghệ thuật truyền thống  

Nhà hát kém chất

Từ nhiều năm qua, vấn đề cơ sở vật chất các nhà hát, rạp hát, luôn là nỗi lo lắng của VHNT. Nhìn vào một thành phố phát triển mạnh nhất nhì cả nước, sau hơn 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, TPHCM vẫn chưa xây dựng được một nhà hát, rạp hát nào đủ chuẩn, có thể đáp ứng tốt nhu cầu tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật. 

Nhà hát Thành phố khởi công xây dựng từ năm 1898, hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 1900. Công trình này từng được cải tạo và nâng cấp nhiều lần với kinh phí trùng tu, phục chế lên đến hàng chục tỷ đồng. Hàng năm, bên cạnh những buổi hội nghị, họp mặt, các chương trình giao lưu văn hóa - nghệ thuật, kỷ niệm các ngày lễ lớn của thành phố, mặt bằng nhà hát lại được các đơn vị nghệ thuật, doanh nghiệp, trường học quốc tế… thuê mướn gần như kín lịch. Do được khai thác tối đa công suất nên đến thời điểm này, điểm diễn ở khu đất vàng - trung tâm thành phố, cũng xuống cấp nhiều. Nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn bên trong, thường chịu đựng tiếng ồn từ bên ngoài. Nghĩa là, vấn đề cách âm không đáp ứng được tiêu chuẩn cần có của một nhà hát quy chuẩn. 

Sau Nhà hát Thành phố, Nhà hát Bến Thành được dân làm nghề chọn vì đáp ứng được không gian biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật. Nhưng đây vẫn là sân khấu của một trung tâm văn hóa quận và chi phí thuê mướn khá đắt đỏ, khoảng 60 - 70 triệu đồng/đêm diễn, chưa tính những chi phí phát sinh (chạy chương trình, máy lạnh, nhân sự…). Còn Nhà hát Hòa Bình, sau một thời gian dài được ưu tiên chọn lựa vì mới, hiện đại, quy mô, những năm sau này, đã giảm hẳn sức hút do ít nhiều xuống cấp...  

Rạp Thủ Đô sau nhiều năm thuộc sở hữu của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, gần 2 năm qua được giao lại cho Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội. Rạp này được cố gắng tu sửa để bảo tồn, hơn là hoạt động tổ chức biểu diễn. Rạp Hưng Đạo, sau khi xây mới hoàn toàn với kinh phí hơn 132 tỷ đồng, đã được bàn giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Nhưng rạp bị cho là thi công kém, nhiều lỗi thiết kế, không phù hợp với nhu cầu tổ chức biểu diễn cần có của một sàn diễn cải lương chuyên nghiệp.

Riêng các đơn vị nghệ thuật kịch nói xã hội hóa thì mặt bằng hội trường trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi các quận vẫn là sự chọn lựa duy nhất. Mỗi đêm diễn, chi phí thuê mướn mặt bằng, nhân công lên đến chục triệu đồng - chính là nỗi khổ mà họ phải bấm bụng chịu đựng (chấp nhận lỗ thường xuyên) để có được cơ hội làm nghề.

Leo lét ánh đèn

Năm 2018 là năm kỷ niệm một thế kỷ sân khấu cải lương hình thành và phát triển. Mảnh đất Sài Gòn - TPHCM từng được mệnh danh là cái nôi sân khấu cải lương - loại hình nghệ thuật mang đậm đặc trưng văn hóa miền Nam. Đã từng một thời rực rỡ vàng son, thế nhưng đến nay, ngoài vài ba suất diễn eo sèo mỗi năm (do đơn vị nghệ thuật công lập là Nhà hát Trần Hữu Trang thực hiện), chỉ còn lèo tèo vài đêm sáng đèn của các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa. Cải lương đã gần như chìm nghỉm giữa muôn vàn các hoạt động vui chơi giải trí hiện đại. 

Nhìn lại thời hoàng kim với hàng chục rạp hát, gánh hát hoạt động sôi nổi, sáng đèn thường xuyên, đến nay thành phố không thể tổ chức và duy trì nổi mỗi tuần 1-2 suất diễn cải lương để nuôi dưỡng lượng khán giả mộ điệu. Khi sàn diễn không sáng đèn, lượng khán giả mộ điệu cũng lần lượt giảm dần. 

Ngay cả các suất diễn phục vụ nhân dân theo kế hoạch của Sở VH-TT TPHCM giao cho các đơn vị nghệ thuật lưu diễn phục vụ tại những khu vực vùng sâu vùng xa, cũng thường xuyên vắng khán giả. Nguyên nhân lớn được nhận định là do kinh phí thấp, sự đầu tư hời hợt, qua loa, chương trình không tạo được sức hấp dẫn, cuốn hút. Lâu dần, khi nghe có những suất diễn về “làng”, khán giả không còn hào hứng đi xem. Các suất diễn sân khấu học đường cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi kinh phí hoạt động thấp, chưa có sự đầu tư kịch bản hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi học sinh, sinh viên… 

Trông chờ 2 dự án

Trong một loạt đơn vị nghệ thuật công lập tại TPHCM, còn hoạt động hiệu quả nhất là Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO), với đều đặn 3 suất diễn/tháng (có thu). Mỗi suất dành tặng 50 vé cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó là những hoạt động giao lưu, lưu diễn quốc tế. Tuy hoạt động thường xuyên và hiệu quả, nhưng nghệ sĩ HBSO lại khá vất vả vì không có chỗ làm nghề ổn định. Dàn nhạc tập luyện ở rạp Thanh Vân (kho nhạc cụ của HBSO), các nghệ sĩ múa thường xuyên phải thay đổi sàn tập, từ 81 Trần Quốc Thảo (quận 3), sang Trường Múa TPHCM,  hoặc Thư viện KHTH TPHCM. Sắp tới, chỗ tập của nghệ sĩ chuẩn bị dời qua Rạp Nhân Dân (quận 5). Nhân sự cũng là vấn đề nan giải của nhà hát này. Hiện HBSO ký hợp đồng với 140 người, nhưng làm việc thường xuyên với 200 người, mà trong biên chế chỉ có 75 người.

NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, tâm tư: Cũng hơn 20 năm nhà hát không có “nhà” rồi. Sở VH-TT, HBSO đang tiến hành các thủ tục cần thiết để trình dự án xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm (quận 2) lên thành phố. Miếng đất xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm khoảng 5.000m2 hơi nhỏ. Nhà hát đang có đề xuất được hợp nhất với công viên sát bên, khoảng 13.000m2, để khuôn viên nhà hát mở rộng hơn. Dự án do Nhà nước thực hiện, ngân sách ước chừng hơn 1.500 tỷ đồng. Nhà hát cũng có đề nghị với Sở VH-TT để được là thành viên của ban quản lý dự án, để có thể tham gia ý kiến về chất lượng và nội dung xây dựng. Có thế, nhà hát mới mới có thể đáp ứng tốt nhất yêu cầu tổ chức biểu diễn của một nhà hát chuyên nghiệp…”. 

Dự án xây dựng Nhà hát HBSO đã có ý tưởng, bản vẽ khoảng 20 năm, nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Năm nay, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam được thành phố duyệt kế hoạch động thổ xây dựng nhà hát đa năng, với 2.000 chỗ ngồi, theo tiêu chuẩn quốc tế. Công trình quy mô này sẽ khởi công vào năm 2019 tại khu đất Lữ Gia (quận 11), kinh phí xây dựng dự trù đến 1.500 tỷ đồng. Hai dự án lớn này khi hoàn thành sẽ đáp ứng được một nhu cầu rất lớn về tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại TPHCM.

Nguồn: http://www.sggp.org.vn

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...