Dấu ấn những “vết chân tròn”

19/12/2018

“Vết chân tròn trên cát” là một ca khúc “đẹp” cả về âm nhạc và ca từ. Hơn thế, đó còn là tấm lòng tri ân, là tình cảm sâu sắc, nhớ ơn những anh hùng, những thương binh, liệt sĩ đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc.

“Vết chân tròn trên cát” là một trong những ca khúc nổi tiếng được nhiều người yêu thích. Có thể khẳng định, bài hát “đẹp” cả về âm nhạc và ca từ. Hơn thế , đó còn là tấm lòng tri ân, là tình cảm sâu sắc, nhớ ơn những anh hùng, những thương binh, liệt sĩ đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: vannghequandoi

“Vết chân tròn vẫn đi về/ Trên con đường mòn cát trắng quê tôi/ Anh thương binh vẫn đến trường làng/ Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”. 

Một không gian bao la gợi mở cùng những hình ảnh đẹp như bức tranh hiện lên qua từng câu từ mà người nghe hình dung thật rõ nét. Đó là hình ảnh của một người lính trở về từ chiến trường. Sự trở về ấy thật kỳ diệu so với bao nhiêu cuộc chia ly vĩnh viễn, những người mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, những người lính “rải rác biên cương mồ viễn xứ” mà “hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Tuy nhiên, hình hài anh đã không còn lành lặn bởi một phần đã gửi lại nơi chiến trường nhưng hàng ngày anh vẫn cùng đôi nạng gỗ đi trên dải đường cát trắng đầy nắng gió đến trường làng, dạy cho những em thơ các bài hát quen thuộc về quê hương yêu dấu. Anh - một người lính với tâm hồn vẫn trong sáng vẹn nguyên, vẫn chan chứa tình yêu với con người và cuộc đời.

Và hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất chính là hình ảnh "vết chân tròn". “Vết chân tròn” hiện lên như dấu lặng giữa cuộc đời bao day dứt, giữa sự đằng đẵng của mấy mươi năm trường kỳ gian khổ, biết bao mưa bom bão đạn của chiến tranh tàn khốc. Vết chân đó cũng chính là tâm điểm làm nên cái "hồn" của bài hát, chạm vào tận sâu thẳm trái tim nhiều thế hệ.

Và cứ thế, âm điệu bài hát vút cao trong trẻo, dịu dàng, tràn đầy những xúc cảm: Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời/ Bài hát có đồng lúa miên man câu hò/ Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm/ Cho hôm nay những gót chân son/ Vui quanh dấu chân tròn. Từng ca từ giản dị hòa cùng âm điệu đã tạo nên những hình ảnh vừa thực tế vừa đầy ý nghĩa tượng trưng. Thấp thoáng đâu đây là bóng dáng của bầy trẻ thơ ríu rít, nhứng gót chân son đang vui vầy quanh “dấu chân tròn” của người thương binh. Đó là hình ảnh của thế hệ tương lai, nhờ những hy sinh của thế hệ đi trước mà ngày nay được sống trong sự yên bình và hạnh phúc. 

Bài hát có trận đánh không quên bên đồi/ Bài hát có người lính biên cương thương mẹ/ Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn/ Chỉ để lại một bài ca trên cát trắng bao la… Câu chuyện về người lính tiếp tục được “kể” lại với những kỷ niệm không thể nào quên của một thời đã qua. Đó không chỉ là ký ức về chiến trường đầy bom đạn, về những trận đánh ác liệt mà còn là những tình cảm nghẹn ngào dồn nén trong lòng các anh, là những nhớ thương hướng về quê nhà, về người mẹ đang ngày đêm trông ngóng…

Nhiều thế hệ khán giả yêu bài hát “Vết chân tròn trên cát” không chỉ vì ca từ, giai điệu, mà hơn thế còn bằng những rung cảm chân thật từ trái tim. Dù là bao nhiêu năm đi chăng nữa, chúng ta vẫn hát mãi khúc hát ngợi ca những anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh đã hy sinh vì độc lập, tự do dân tộc. Bài hát sẽ mãi mãi là giai điệu tự hào đi cùng năm tháng để ca ngợi, tôn vinh những người thương binh "tàn nhưng không phế", để “Vết chân tròn vẫn đi về/ Trên con đường mòn cát trắng quê tôi/ Như bài ca anh hát trong thầm lặng/ Như bài ca không lời/ Cứ hát mãi trong tôi, hát mãi trong tôi”…

(Nguồn: http://toquoc.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.