Đâu dám tự cho mình hơn người xưa để mà thay đổi một “kiệt tác”
Từ 10 năm nay Nhã nhạc cung đình Huế được Unesco tôn vinh là một kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, là một danh hiệu rất lớn so với những danh hiệu sau này (Unesco đã bỏ chữ “kiệt tác” và thay thế chữ “của” bằng chữ “đại diện”), vì những lẽ đó mà việc bảo tồn và phát triển nhã nhạc Huế có phần khó khăn.
GS Trần Văn Khê - Ảnh: internet
Đã là một “kiệt tác” thì chúng ta ngày nay đâu dám tự cho mình hơn người xưa để mà thay đổi một “kiệt tác”. Và bộ môn đó sau khi được nhìn nhận đã trở thành “của nhân loại” chứ không phải riêng của Việt Nam. Lẽ tất nhiên chúng ta ở bên trong biết rõ những cái thật hay của chúng ta, nhưng cũng có thể phát triển cho đẹp hơn, nhất là:
1. Về hình thức: trang phục - điều chỉnh cho thật giống ngày xưa mà dùng những vật liệu mới để màu sắc được rực rỡ hơn; cách đi ra sân khấu, trở vào hậu trường; tư thế ngồi đàn... nên sắp xếp cho được đồng bộ; nhạc khí phải được đóng lại cho đúng phong cách của nhạc khí dùng trong nhã nhạc ngày xưa: đàn tỳ bà phải có 4 tượng băng ngà hay băng xương; đàn nguyệt chỉ có 8 phím trúc thay vì 12 phím như cây đàn nguyệt dùng trong chầu văn; đàn nhị phải có ống bằng gỗ, mặt đờn tròn chứ không phải bát giác như cây nan-hu (Trung Quốc).
2. Về nội dung thì khi tô điểm chữ nhạc bằng những cách rung, nhấn, mổ, chúng ta phải rất chính xác và khi biểu diễn phải tôn trọng những chữ “già - non” như trong cổ nhạc. Lúc đàn không phải chỉ lo đàn cho trúng chữ, mà phải tập trung để đàn cho có “thần”.
Chúng ta ngoài việc bảo tồn còn phải nghĩ đến việc phát triển bằng cách tìm trong những bài bản xưa có những bản nào cần phải xây dựng lại. Các nghệ nhân khi nắm vững tay nghề có thể sáng tác một vài bản theo phong cách xưa mà diễn tả những tình tiết ngày nay.
Từ 10 năm nay về hình thức chúng ta có nhiều tiến bộ, nhưng cũng có việc cho nữ nhạc công vào dàn nhạc phụ hoạ cho các vũ điệu cung đình, việc đó nên suy nghĩ lại có nên hay không? Chúng ta có thể căn cứ trên những tư liệu ghi trong Lê Triều Hội Điển, Lịch Triền Hiến Chương Loại Chí, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ để dựng lại những dàn nữ nhạc trong cung.
Chúng ta nên nghiên cứu lại cách ‘thài’ dùng trong khi ca công biểu diễn những chương dùng trong cổ nhạc. Điều này chúng ta cần tham khảo ý kiến của những nghệ nhân đã tham gia vào nhạc cung đình mà hiện nay còn sống và tỉnh táo như cụ Lữ Thi, hay là tìm các vị cao tăng biết rõ cách “tán tụng”, “thỉnh bạch”, “thài”... trong nhạc Phật giáo, để chấn chỉnh lại cách biểu diễn những chương cho phù hợp với truyền thống ngày xưa.
Chúng ta nên bảo tồn vốn cổ mà không “nệ cổ”, nên phát triển vốn cổ mà không làm “biến chất” vốn có và sáng tạo những loại nhạc ngoại lai hay có tính chất Âu hóa.
Trên đây là một vài ý kiến sơ lược của tôi. Có dịp chúng ta sẽ đi sâu vào công việc bảo tồn và phát triển để giữ cái đẹp của vốn cổ mà không làm cho nó bị xơ cứng.
T.V.K.
(SDB12/03-14)
(Nguồn: http://tapchisonghuong.com.vn)