"Đạo" nhạc
Một tác phẩm âm nhạc hay xuất hiện, người ta còn chưa kịp hả hê tung hô, ca ngợi sức sáng tạo nghệ thuật của ca sĩ, nhạc sĩ, đã lại phải ngậm ngùi thất vọng khi phát giác đó là sản phẩm của sự sao chép, xào xáo. Công chúng nhạc Việt cứ thế quay như chong chóng trong câu chuyện "đạo, nhái" mà dường như đã trở thành căn bệnh trầm kha trong đời sống âm nhạc đương đại những năm gần đây.
Sự cóp-py âm nhạc không chỉ diễn ra ở trong nước mà còn phổ biến với những "vay, mượn" từ nước ngoài theo biên độ, cấp độ ngày càng tăng: từ lời tới giai điệu, bản phối, thậm chí tới cả cách phục trang, cách thực hiện ý tưởng, nội dung... Những "vay, mượn" nhạc ngoại diễn ra nhan nhản như cơm bữa, đến nỗi giờ đây, dường như công chúng Việt đã chẳng còn thấy lạ, cũng chẳng còn muốn phản ứng trước những hiện tượng trên. Có điều, thói quen xấu này đang làm hình thành một trào lưu sáng tác nghệ thuật dễ dãi của các ca sĩ, nhạc sĩ thị trường và kéo theo đó là lối hưởng thụ dễ dãi của một bộ phận công chúng trẻ chưa được định hướng nhiều về thẩm mỹ âm nhạc. Lao động nghệ thuật một cách hời hợt, không hết mình vẫn có thể nổi tiếng, điều này cũng đang tạo ra những giá trị "ảo" làm thui chột những sáng tạo đích thực của đời sống âm nhạc trong sự đánh đồng giữa sao chép với sáng tạo, nghệ thuật với giải trí.
Xưa nay, sự gặp gỡ về mặt ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật không còn là chuyện lạ. Ở thời đại "thế giới phẳng", trong bối cảnh giao lưu và hội nhập văn hóa, việc chịu ảnh hưởng lẫn nhau trong sáng tạo nghệ thuật càng khó tránh khỏi. Nhiều khi, sự học hỏi, tham khảo từ những tác phẩm nghệ thuật có sẵn lại là sự gợi ý, khơi mở cho sáng tạo mới của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, sự "vay, mượn" theo kiểu bắt chước, ăn sẵn thì không thể chấp nhận, bởi đó là biểu hiện của sự lao động nghệ thuật lười biếng, không đem lại giá trị cho nền âm nhạc nước nhà. Nói đến sự học hỏi, "vay, mượn" nhạc ngoại, Hàn Quốc là quốc gia đã từng được coi là "bản sao" của âm nhạc Mỹ, khi nhiều ca sĩ, nhạc sĩ của Hàn Quốc đã được cử sang Mỹ để học hỏi về quy trình sản xuất âm nhạc, cách thức trình diễn chuyên nghiệp... Song qua thời gian, với chiến lược phát triển âm nhạc cụ thể trên cơ sở vận dụng bản sắc âm nhạc bản địa, âm nhạc Hàn Quốc đã thoát ra khỏi cái "bóng" của âm nhạc Mỹ, từng bước trở thành nền công nghiệp âm nhạc có sức ảnh hưởng lớn nhất châu Á, mà Việt Nam là một trong những nước đang chịu ảnh hưởng mạnh.
Sự vay mượn tràn lan, khó kiểm soát của nhạc Việt thời gian qua đã làm nên những câu chuyện "dở khóc dở cười", khi mà có nhiều ca sĩ, nhạc sĩ Việt đã bị nghi oan là đạo nhạc trong khi chính những sáng tác của họ bị nhạc sĩ nước ngoài đạo lại. Mỗi khi xuất hiện những ca khúc lời ngoại nhạc Việt, công chúng luôn dồn sự nghi ngờ đầu tiên cho phía ca sĩ, nhạc sĩ trong nước. Điều này cũng đặt ra vấn đề, phải chăng, công chúng Việt đang dần mất niềm tin với những sản phẩm âm nhạc được gắn mác nội địa?
Bàn về lý do của sự "vay, mượn" tràn lan nhạc ngoại, bên cạnh yếu tố lỏng lẻo về chế tài quản lý, thiếu hiểu biết và ý thức về Luật Bản quyền, còn có một nguyên nhân khác sâu xa hơn thuộc về cách nhìn nhận vai trò của nhạc sĩ phối khí tại Việt Nam. Trong khi ở những nền âm nhạc chuyên nghiệp trên thế giới, vai trò của tác giả lời ca, tác giả giai điệu và tác giả bản phối luôn được đặt ngang hàng thì lâu nay ở Việt Nam, người ta mới chỉ chú ý đến nhạc sĩ lời ca, nhạc sĩ giai điệu mà không hoặc rất ít nói tới nhạc sĩ phối khí. Có người đã từng ví, nếu coi tác phẩm âm nhạc là một bức tranh thì nhạc sĩ giai điệu chính là người vẽ lên đường nét, còn nhạc sĩ phối khí là người tô mầu cho bức tranh thêm sống động. Tuy nhiên, vai trò của người phối mầu, công việc đòi hỏi nhiều công phu lại đang ít được quan tâm. Trong các cuộc thi âm nhạc lớn, có giải dành cho tác giả giai điệu và lời ca nhưng không hề có giải cho người phối khí, trong khi những bản phối mới chính là yếu tố tạo nên nét mới và sức hấp dẫn cho giai điệu đã quen thuộc. Như một quy luật, cái gì ít được coi trọng hiển nhiên sẽ thiếu, mà khi thiếu thì ắt hẳn dẫn đến "vay, mượn". Ầy là nguyên nhân sâu xa giải thích tại sao lâu nay, phần "vay, mượn" nhiều nhất của nhạc Việt chính là "vay, mượn" bản phối khí.
(Nguồn: http://www.nhandan.com.vn)