Đào hát, đào rượu – lận đận và vinh quang của Ca trù

14/02/2017

Đã thành truyền thống, trước đây, nhiều miền quê vẫn tổ chức hội hè đình đám vào dịp mùa xuân, thường có nhiều đám hát Ca trù tham gia. Có những trường hợp đặc biệt, không cứ hội hè gì cả, nhưng một gia đình danh giá nào đó có việc khao vọng, người ta cũng đón cô đầu về hát. Và gia đình ấy được tiếng là sang, trong thôn ngoài huyện sẽ bàn tán và nhớ rõ lâu.

Trong mỗi nhóm hát Ca trù thường có ít nhất ba người, hai cô đào sẽ thay nhau hát, và một kép chuyên gảy đàn đáy đệm cho đào nương. Kép mặc áo dài thâm, khăn lượt. Đào thì chít khăn nhung, trong mặc áo dài lụa màu mỡ gà, ngoài khoác chiếc áo the mỏng, quần lĩnh tía, chân đi dép da. Họ có phong thái giản dị, khiêm nhường, đặc biệt là luôn nhẹ nhàng, ấm áp trong nói năng giao tiếp. Bao giờ cũng thế, lúc chủ và khách gặp nhau đều cung kính chắp tay, bên chào, bên đáp lễ, lịch thiệp và lễ độ. Khi chủ cùng khách an tọa, qua vài tuần trầu, nước thì người giúp việc mang trống và chiếc roi chầu tới. Có thể người đứng đầu nhóm hát, cũng có thể là chủ nhà, thong thả nổi lên ba tiếng trống chầu. Thế là bắt đầu, người kép vặn trục đàn đáy để chỉnh âm cho thật chuẩn; tiếng phách trong tay đào nương nẩy lách tách ròn rã và gợi cảm, giọng thỏ thẻ mở đầu hai câu mưỡu: “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách/ Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu”. Ngay sau đó chuyển sang hát nói, cả nhóm hòa cùng lời, cùng nhịp. Những bài hát thường được ưa thích là Thu hứng (thơ của Đỗ Phủ), Tỳ bà hành (Thơ của Bạch Cư Dị). Lời thơ ý tứ sâu sắc, được hát theo thể Ca trù có sức rung cảm thật lớn. Và rồi các bài được mến mộ nữa là Thông minh nhất nam nhi của Nguyễn Công Trứ, Người đẹp không thấy lần hai của Cao Bá Quát, Đào Hồng, đào Tuyết của Dương Khuê. Nếu là nhóm hát thông tuệ, có thể dùng những bài thơ nổi tiếng để ca ngâm làm xao xuyến người nghe, như các bài Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan, Thú Hương Sơn của Chu Mạnh Trinh, Thề non nước của Tản Đà...Những cung đàn, giọng hát có thể khiến người nghe say mê đến mức quên ăn, mất ngủ, bâng khuâng lòng dạ và luôn sống trong xúc cảm thẩm mỹ cao đẹp. Thú nghe hát cô đầu đâu phải là thú ô trọc!

Vậy rồi, đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, một số nơi đô hội xuất hiện những nhà hát, chuyên cho các buổi diễn cô đầu. Hà Nội là nơi những cuộc hát cô đầu có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Đầu tiên, chỉ xuất hiện đôi ba nhà hát cô đầu, chẳng mấy chốc đã phát triển nhanh như nấm. Như ở Hàng Giấy, cả dãy phố trở thành nhà hát cô đầu. Quãng phố Huế (ngày nay) thì có nhà hát hai mươi bốn gian. Hát cô đầu thành cuộc thương mại. Các chủ nhà hát chỉ cần thuê, mượn độ một, hai đào hát thực sự để làm mồi, còn thì nuôi thêm nhiều cô gái để phục vụ rượu. Chẳng mấy chốc, người ta gọi họ là “đào rượu”. Các cô đào rượu không cần biết hát, không cần có giọng hát hay, cốt trông sạch mắt, biết chiều khách. Dần dần nghề đào rượu có những kỹ năng, như duyên dáng đa tình nâng chén rượu tận môi khách, nũng nịu dễ thương, nô đùa gợi cảm. Và, nhà hát không còn thuần nhất là chốn thanh tao nữa. Phần đông các quan viên đến nhà hát không phải chỉ để thưởng thức nghệ thuật Ca trù.

Hầu hết những cô gái trở thành đào rượu là do những hoàn cảnh éo le, khổ sở. Có cô do gia cảnh nghèo khó, có cô chán đời do thất tình, cũng có cô cần tiền để đua đòi ăn diện...nên tìm đến gặp chủ nhà hát cô đầu. Thoạt đầu chủ nhà hát ngon ngọt dỗ dành và hứa hẹn rằng các cô sẽ có lưng vốn và còn gặp may trong trường đời nữa. Chủ nhà hát nuôi các cô, nhưng các khoản ăn, mặc đều tính từng đồng, và nó thành món nợ các cô phải mang mỗi ngày một nhiều thêm. Các chủ nhà hát cô đầu hầu như đều là hạng anh chị đã qua nghề gá bạc hoặc cầm đồ. Thực chất, họ là những Tú Bà. Do vậy, các cô đào rượu không thể giữ thân được nữa. Đến cái tên cha mẹ đặt cho cũng không còn là của các cô, mà thành những Huệ, Hồng, Đào, Cúc, Tuyết, Vân, Yến, Oanh... Thế là các cô đã dấn thân vào làng son phấn. Ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, mỗi buổi chiều tà, trên các ngả đường Vạn Thái, Láng, Ngã Tư Sở, Vĩnh Hồ, các cô vận áo dài xanh, vàng, hoặc in hoa sặc sỡ, tốp năm tốp bảy lượn đi lượn lại, như đi hội. Gặp những khách si tình, hoặc bất cứ người thanh niên nào các cô cũng níu kéo, lả lơi chào mời. Khu vực phố Khâm Thiên, các cô đào chưa đến mức ra tận đường tìm khách, mà khi khách bước vào trong nhà họ mới ra tiếp. Những nhà hát cô đầu ở đây, dẫu có đào rượu phục vụ, nhưng vẫn có đào hát đáp ứng nhu cầu của khách ưa âm nhạc. Những ngày đầu tháng lương, khách đến các nhà hát cô đầu ở Khâm Thiên đông hẳn lên. Hầu như suốt dọc phố, quãng nào cũng nghe tiếng trống chầu, có lúc rộ lên như ếch nhái báo mưa.

Các cô đào sống cuộc đời lấy đêm làm ngày. Khổ nhất là các đào rượu, có khách đến là khổ nhục. Không có khách còn khổ đau hơn, nợ ăn, nợ mặc dày thêm. Nhiều cô đào liều thân bỏ trốn, nhưng đâu dễ thoát. Mong ước làm lại cuộc đời mỗi ngày một thêm xa vời. Có câu ca chua chát về thân phận những cô đào thời ấy: “Lấy quan, quan bị cách/ Lấy khách, khách về Tầu/ Lấy nhà giầu, nhà giầu hết của...”. Sự bế tắc của các cô đào tưởng như không gì hóa giải nổi. Nhưng đến tháng 8 năm 1945, Cách mạng thành công, chỉ trong vòng một tháng, các nhà hát cô đầu bị xóa sạch và các cô đào được giải phóng...

Dẫu nhiều thập kỷ nghệ thuật Ca trù bị vùi dập, nhưng phẩm giá của môn nghệ thuật này có sức sống lạ thường. Giữ được phẩm giá thanh cao cho nghệ thuật Ca trù, là bởi có những đào nương luôn nêu cao được phẩm hạnh của mình ngay cả trong những năm tháng gian khổ nhất. Đơn cử trường hợp đào nương xuất sắc nhất thế kỷ XX của nước ta, là Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ. Quê đất Hưng Yên, con một đào nương tài hoa, Quách Thị Hồ được học đàn phách từ năm lên 7 tuổi. Năm 1930, 1931 vừa vào tuổi đôi mươi, đào nương Quách Thị Hồ lên Hà Nội hành nghề và được liệt ngay vào hàng ca nương quý hiếm. Để có thể sống và hát Ca trù, đào Hồ đã phải hát ở nhà hát hai mươn bốn gian và cả nhà hát ở Vạn Thái, những nơi nườm nượp đào rượu. Trong bất cứ hoàn cảnh nào đào Hồ cũng khiến thính giả say đắm nghệ thuật Ca trù, và vì thế mà luôn giữ được phẩm giá. Đối nghịch với trào lưu đào rượu, ở Hà Nội những năm đó luôn có những ca nương danh giá, như Đàm Mộng Hoài, Nguyễn Thị Phúc, Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm và đặc sắc nhất là Quách Thị Hồ. Họ tạo nên cái đẹp thanh cao trong nghệ thuật ca hát. Đồng thời, người đời coi giọng ca của đào Hồ như một báu vật của tạo hóa, với đủ độ vang, độ nảy, đủ rền và mượt. Trong giai âm của đào Hồ chất chứa sự đời, phập phồng những cuộc tình duyên, có mơ màng khói sương cùng chút tâm linh huyền diệu. Một chầu hát của đào Hồ có khi lên đến hàng trăm đồng Đông Dương. Và lạ lùng nhất là, tiền thu nhập cao như vậy nhưng đào Hồ không tiêu phí như những kẻ có tiền khác, mà toàn giúp đỡ những đào nghèo khó, cơ nhỡ. Đến cuối năm 1945, đào Hồ xóa hết nợ cho chị em đồng nghiệp. Rồi kháng chiến, Quách Thị Hồ vẫn hát Ca trù phục vụ ở các vùng Vĩnh Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên...

Hòa bình lập lại, giọng ca Quách Thị Hồ lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi những năm 1970, lên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Liên hoan ca nhạc quốc tế tại Iran năm 1976, giọng Ca trù của bà đoạt Giải Nhất. Năm 1978, Liên hoan ca nhạc quốc tế tại Mông Cổ, bài Tỳ bà hành do Quách Thị Hồ trình bày được tất cả hội trường đứng dậy hoan hô. Bà đoạt Giải Nhất và một giải thưởng Hàn lâm. Năm 1983, tại Liên hoan ca nhạc quốc tế ở Bình nhưỡng, Triều Tiên; bà lại đoạt Giải Nhất và một giải thưởng Hàn lâm...Ngoài tám mươi tuổi, Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ vẫn hát trên sóng phát thanh và truyền hình khiến hàng triệu thính giả say mê. Có thể nói, ca nương kiệt xuất của Ca trù Việt Nam, Quách Thị Hồ, đã đi suốt hành trình ca trù thế kỷ XX với vô vàn gian truân, và bằng cuộc đời ca hát của mình, đã làm vinh quang cho nghệ thuật ca hát Việt Nam!

Vào tháng giêng năm 2001, Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ lặng lẽ qua đời, hưởng thọ 91 tuổi. Rất nhiều điều khiến công chúng nghệ thuật còn nhớ mãi tên tuổi của bà, trong đó có một điều là, vào những ngày cuối đời, NSND Quách Thị Hồ thường nói với mọi người rằng: “tôi chỉ là một cô đào yêu nghề Tổ”. Điều đó thật bình dị, khiêm nhường, nhưng cũng khiến ta có thể tự hào sâu xa về những người mà dân chúng nhiều đời thường gọi là đào hát.                                               

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...