Daniel Barenboim: Cả thế giới dưới đôi tay
Trong thế giới âm nhạc, không ít nghệ sỹ thành công trên cả hai lĩnh vực, độc tấu và chỉ huy, nhưng ít có trường hợp nào lên tột đỉnh vinh quang như Daniel Barenboim.
Bên phím đàn, ông cuốn hút với lối chơi đầy kịch tính và giàu chất thơ, trên bục chỉ huy, ông là một nghệ sỹ quyền lực dám đương đầu với những tác phẩm opera và giao hưởng thách thức bậc nhất. Viết sách, sáng lập dàn nhạc, tham gia phổ biến âm nhạc, Daniel Barenboim tin tưởng vào bản chất và sức mạnh kết nối của âm nhạc bởi “âm nhạc có khả năng kiến tạo nên hiện thực vĩ đại”.
Âm nhạc không bao giờ cũ
Nếu bộ Well-Tempered Clavier (Bình quân luật) của J.S.Bach được ví như bản kinh Cựu ước thì 32 bản sonata của Beethoven chính là cuốn kinh Tân ước của đàn phím. Các sonata của Beethoven gần như trở thành nghi thức bắt buộc để đưa một nghệ sỹ piano vươn tới tầm thế giới, và chúng cũng là một phần quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Daniel Barenboim, đưa ông xuất hiện ở mọi nhà hát nổi tiếng trên thế giới. Nhưng ở mỗi lần trình diễn, Barenboim lại mang đến những xúc cảm mới mẻ. Nhận xét về tám đêm diễn sonata Beethoven của Barenboim vào giữa năm 2005 tại nhà hát Staatsoper Berlin, trên tờ Berliner Morgenpost, Klaus Geitel viết: “Chất khác thường trong màn trình diễn của Daniel Barenboim chính là sự nhạy cảm và độ mãnh liệt mà ông đã trình tấu với một tầm bao quát rộng lớn của các bản sonata để tái hiện chân dung một con người: Beethoven, đơn độc bên cây đàn, nhận biết được sự cô lập không tránh khỏi của bệnh điếc. Daniel Barenboim đã truyền cảm hứng một cách sâu sắc, miêu tả thấu đáo bi kịch đầy đau đớn của Beethoven. Ông tái tạo những nỗi đau của Beethoven dưới sự đồng cảm của nghệ sỹ”.
Còn sau các buổi biểu diễn 32 bản sonata của Beethoven ở Royal Festival Hall, London, vào năm 2008, Barenboim lại khiến nhà phê bình âm nhạc Anthony Holden của The Observe phải ngạc nhiên vì: “Không có nghệ sỹ đương đại nào có khả năng trình tấu được đầy đủ các yếu tố mạnh mẽ, độc đáo và gây ấn tượng sâu sắc như Barenboim… 32 bản sonata của Beethoven được Barenboim chia theo chủ đề chứ không theo thứ tự thời gian. Ông đã dàn dựng mỗi buổi biểu diễn thành một chương trình riêng. Ví dụ buổi biểu diễn mở màn là sự tương phản giữa nét nguyên sơ hồn nhiên của tuổi trẻ trong bản sonata số một với chất điềm tĩnh, trầm tư mặc tưởng của bản số 18. Nhưng phần tinh túy của chương trình lại là bản số 29 cung Si thứ, Hammerklavier, được ông thể hiện với chất nguy nga tráng lệ như opera, đặc biệt xuất sắc trong nét trữ tình truyền cảm của phần adagio, sự tương phản mạnh mẽ giữa tiếng sấm huy hoàng của chương một và năng lượng mang sức lan tỏa của chương cuối đầy phức tạp. Những hiệu ứng dồn nén của đêm diễn khiến khán giả phấn khích đến mức như tan chảy trong âm nhạc còn người nghệ sỹ dường như được tái sinh.”
Barenboim viết khá nhiều sách, bao gồm cuốn tự truyện “Một đời trong âm nhạc” (A Life in Music), “Những song hành và nghịch lý” (Parallels and Paradoxes) - viết cùng Edward Said, “Âm nhạc sống mãi với thời gian” (Music quickens time), “Dàn nhạc vượt biên giới: Những tiếng nói của West-Eastern Divan orchestra” (An Orchestra Beyond Borders: Voices of the West-Eastern Divan Orchestra) - viết cùng Elena Cheah, “Kết nối tất thảy: Quyền năng của âm nhạc” (Everything is Connected: The Power of Music), và “Đối thoại về âm nhạc và nhà hát: Tristan và Isolde” (Dialogue sur la musique et le théâtre: Tristan et Isolde) – viết cùng với Patrice Chéreau. |
Với Chopin, Barenboim đã mang đến cho thính giả “những âm điệu mờ ảo trong ngân”, và “độ bao quát trong những sáng tác của Chopin đã được Barenboim tái tạo lại bằng nét cân đối đầy khoáng đạt của tiết nhạc và những khuôn nhạc du dương như hát…”.
Choáng váng trước bản thu âm trực tiếp đêm độc tấu Chopin ở Warsava, nhà phê bình âm nhạc Mark Bebbington của tạp chí BBC Music Magazine đã thốt lên: “Điều làm tôi ấn tượng là mãnh lực của dàn nhạc hàm chứa trong lối chơi của Barenboim – trước đây tôi chưa bao giờ thấy cách tiếp cận âm nhạc của Chopin như vậy từ góc độ này… Ông đem đến những sắc màu mới mẻ cho cây đàn piano mà tôi chưa bao giờ nghe thấy ở bất cứ nghệ sỹ nào.”
Sự nghiệp lẫy lừng
Sinh ra ở Buenos Aires, Argentina, và lớn lên ở Israel, song Barenboim được tiếp thu tinh hoa âm nhạc châu Âu (ông học piano và chỉ huy ở Salzburg; học sáng tác ở Paris; học violin, sáng tác và lý thuyết âm nhạc ở Rome, Siena) và đây cũng là nơi khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc của ông. Bắt đầu làm quen với sân khấu từ năm 1955, ngay trong năm tiếp theo, ông đã có buổi ra mắt khán giả London ở Royal Festival Hall, chơi piano concerto cung La trưởng K.488 của Mozart với Josef Krips khi mới 14 tuổi. Hơn 10 năm sau, ông được hãng đĩa EMI mời thu âm bộ 32 bản sonata của Beethoven, một vinh dự mà không phải nghệ sỹ nào ở độ tuổi đó cũng có được.
Từ năm 1975 đến 1989, ông là nhạc trưởng chính của Orchestre de Paris và cùng dàn nhạc này biểu diễn các tác phẩm của Lutoslawski, Berio, Boulez, Henze, Dutilleux và Takemitsu. Lần đầu xuất hiện ở Festival Bayreuth vào năm 1981, trong 18 mùa hè tiếp theo, ông chỉ huy các siêu phẩm opera Tristan und Isolde, Ring, Parsifal và Die Meistersinger. Năm 1991, ông kế tục Solti trong vai trò giám đốc âm nhạc của Chicago Symphony và trong năm 2006 trở thành “nhạc trưởng danh dự suốt đời”. Năm 1992, ông trở thành tổng giám đốc âm nhạc của nhà hát Deutsche Staatsoper Berlin và năm 2000, dàn nhạc Berlin Staatskapelle bổ nhiệm ông “nhạc trưởng chính suốt đời”. Ông cũng xuất hiện với Berliner Philharmoniker và Wiener Philharmoniker. Năm 2007, ông có mối liên hệ mật thiết với nhà hát Teatro alla Scala ở Milan, nơi ông thường chỉ huy các vở opera, các buổi hòa nhạc giao hưởng cũng như biểu diễn các tác phẩm thính phòng. Ông được bổ nhiệm chức vụ giám đốc âm nhạc của nhạc viện Milan huyền thoại.
Nhiều trong một
Ở Barenboim vừa có sự nhạy cảm của một nghệ sỹ độc tấu lại vừa có cái tỉnh táo, tầm nhìn bao quát - phẩm chất cần có ở nhạc trưởng. Những bản giao hưởng do Barenboim chỉ huy thường được gắn với những cụm từ “đẹp siêu phàm”, “hào phóng xúc cảm”, “hiệu ứng đẹp khác thường”… Bình luận về bộ chín bản giao hưởng Beethoven do Barenboim chỉ huy, nhà phê bình Tom Service trong “Barenboim với Beethoven: Chín bản giao hưởng làm thay đổi thế giới” nhận xét, ông đã tái hiện Beethoven sinh động hơn rất nhiều nhạc trưởng khác. Điều đó từng được dùng để nói về Karajan, cũng như Toscanini và Schnabel của kỷ nguyên âm thanh đơn sắc (mono). Sự khác biệt là cả ba nhạc trưởng này đều bị giới hạn bởi bục chỉ huy, dàn nhạc hay cây đàn piano (ám chỉ việc Karajan tập trung vào chỉ huy còn Toscanini chơi cello, Schnabel chơi piano trước khi trở thành nhạc trưởng). Làm chủ được cả ba, nhưng Barenboim không hề bị phân tâm mà còn có thể lý giải một cách chính xác vì sao trọn bộ piano sonata hay trọn bộ symphony Beethoven của ông lại trở nên nổi trội.
Bên cạnh sự thành công cá nhân trong sự nghiệp âm nhạc, Barenboim còn là một tác nhân chính để xây dựng những chiếc cầu nối khác như:
Là một người Do Thái sinh ra trong thời kỳ Thế chiến II – và mang quốc tịch Israel – nhưng Barenboim lại gắn bó nhiều năm với ba dàn nhạc của Đức – Berliner Philharmoniker, Staatskapelle Berlin, và Bayreuth Festival Orchestra. Và ở dàn nhạc nào, ông cũng được yêu mến và kính trọng.
Giống như người đồng nghiệp Claudio Abbado – Barenboim là người chỉ huy bản nhạc truy điệu Abbado hồi tháng giêng vừa qua – Barenboim cũng rất quan tâm tới việc thu hút giới trẻ đến với âm nhạc. Ông là thành phần chủ chốt trong quá trình thành lập ECHO - trung tâm âm nhạc tương tác mới của Chicago Symphony Orchestra. Khai trương vào tháng 9/1998, ECHO là trung tâm âm nhạc đầu tiên trên thế giới cho phép trẻ em thuộc mọi lứa tuổi tham gia khám phá các thể loại âm nhạc thông qua công nghệ tương tác và các triển lãm đặc biệt.
Cuộc gặp tình cờ đầu thập niên 1990 giữa Barenboim và giáo sư/nhà văn Edward Said (1935-2003) người Palestine đã nảy sinh một tình bạn đẹp, mang lại những kết quả tốt đẹp cho cả chính trị và âm nhạc. Thay vì sự mâu thuẫn thường tình giữa một người Israel và một người Palestine, ngay trong cuộc gặp đầu tiên kéo dài tới bốn giờ đồng hồ, cả hai nhận thấy rằng họ đều có chung quan điểm về một khả năng hợp tác trong tương lai giữa hai nước. Kết quả là, những sự kiện âm nhạc đã ra đời nhằm truyền đạt ý tưởng của cả hai về nền hòa bình ở Trung Đông. Barenboim đã thực hiện buổi hòa nhạc lần đầu trên Bờ Tây, một màn độc tấu piano tại trường Đại học Birzeit, Palestine năm 1999, và tham gia buổi hội thảo dành cho các nhạc sĩ trẻ đến từ Trung Đông diễn ra tại Weimar, Đức hồi tháng 8/1999.
Đưa âm nhạc Wagner trở lại Israel
“Cái kém may mắn nhất của Wagner là ông lại trở thành nhà soạn nhạc được ưa thích của Hitler. Đó không phải là lỗi của ông ấy. Mà các vở opera thì không bài trừ người Do Thái” –Barenboim |
Âm nhạc hàn gắn mọi vết thương và vượt qua mọi ngăn cánh, sự tin tưởng vào điều đó đã khiến Barenboim quyết tâm đưa âm nhạc Wagner trở lại Israel. Đây là một quá trình đầy khó khăn, bởi Wagner bị tẩy chay ở mảnh đất này, các nghệ sỹ Do Thái đã từ chối trình diễn tác phẩm của ông. Trong cuộc đối thoại với Edward Said, Barenboim thừa nhận: “Về phương diện cá nhân, Wagner là một kẻ hoàn toàn kinh khủng, hèn hạ và theo cách đó, thật vô cùng khó khăn để đặt con người ông cạnh thứ âm nhạc mà ông viết nên, trong đó luôn chứa đựng những cảm xúc đối lập nhau… cao quý, phóng khoáng…”
Tại Festival Israel ở Jerusalem vào tháng 7-2001, Barenboim đã ấn định biểu diễn màn một vở opera Walkure của Wagner với ba nghệ sỹ, trong đó có tenor Placido Domingo. Tuy nhiên những phản đối mạnh mẽ của những người Do Thái sống sót qua thời kỳ diệt chủng cũng như chính phủ Israel đã khiến chương trình phải thay đổi thành tác phẩm của Schumann và Stravinsky. Bất ngờ đã đến vào cuối buổi hòa nhạc, với dàn nhạc Berlin Staatskapelle ngày hôm đó, Barenboim thông báo rằng ông muốn được chơi Wagner trong phần biểu diễn thêm (encore) và mời những ai phản đối ra về. Một cuộc tranh luận kéo dài nửa giờ sau đó, một vài người đã gọi Barenboim là “phát xít”. Kết cục, một vài khán giả bỏ ra ngoài nhưng đa số những người ở lại vỗ tay như sấm cho màn trình diễn khúc mở màn “Tristan und Isolde”.
Hội đồng lập pháp Israel (Knesset) đã đòi Barenboim xin lỗi về việc trình diễn âm nhạc Wagner tại đất nước này nhưng động thái này cuối cùng bị giám đốc âm nhạc của Israel Philharmonic, Zubin Mehta lên án. Trước khi nhận Wolf Prize, giải thưởng cao quý nhất của Israel, Barenboim nói: “Nếu ai thực sự bị tổn thương, tôi xin lấy làm tiếc, bởi vì tôi không muốn làm hại bất cứ ai.” Sau cú “phá rào” của Barenboim, âm nhạc Wagner bắt đầu được công diễn trở lại ở đất nước này.
(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn)