Đặng Lệ Quân và những bản tình ca muôn thuở
Người Trung Quốc có câu: “Cái quan định luận”, tiêu chí đánh giá thân thế, sự nghiệp một con người là phải đợi đến khi “đậy nắp quan tài”. Nếu còn sống, năm nay ca sĩ Đặng Lệ Quân bước sang tuổi 65 (1953 – 1995). Đối với sự nghiệp một ca sĩ sớm bộc lộ tài năng, từ 10 tuổi rồi sáng chói như sao băng cho đến lúc vụt tắt ở tuổi 42 (1995), Đặng Lệ Quân đã nhận được sự đánh giá cao của giới nghiên cứu âm nhạc. Cô từng lọt vào danh sách bảy ngôi sao lớn trong làng nhạc Pop thế giới, nhiều trang mạng quyền uy lần lượt đưa tên Đặng Lệ Quân vào mục Danh nhân thế giới.
Sinh thời nước Nhật sớm phát hiện, phát huy tài năng tiềm ẩn ở người ca sĩ tài danh và bạc mệnh này. Cô hoạt động dai dẳng nhiều năm ở xứ Mặt trời mọc, gặt hái thành công rực rỡ, khởi đầu từ album “Phi trường” phát hành năm 1974, tới năm 1977 phát hành đĩa lớn, cộng với 12 đĩa cá nhân, tất cả đều lọt vào top 30 trong Bảng xếp hạng tại Nhật. Sau khi qua đời, Nhật Bản tổ chức nhiều sự kiện tưởng niệm, triển lãm, sưu tầm, trưng bày album, băng đĩa, tư trang… có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp ca sĩ. Ngay cả nước chủ nhà Đài Loan cũng phải nghiêng mình ngưỡng mộ trước sự suy tôn của người Nhật, đồng thời bày tỏ niềm hối tiếc. Có thể nói, Đài Loan đã làm mất “quốc bảo” của đất nước! Và cũng xuất phát từ bất đồng quan điểm chính trị, cả đời Đặng Lệ Quân chưa từng trở về cố quốc (Trung Hoa Đại Lục) biểu diễn. Đặng Lệ Quân đã lên kế hoạch lưu diễn tại đây, song trước biến cố Thiên An Môn năm 1988, Đặng Lệ Quân bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên. Năm 1989, cô phát biểu công khai tại Kim Môn dẫn tới sự phản đối của chính quyền Trung Quốc, rồi hủy bỏ chuyến lưu diễn. Sau ngày cô từ trần (08/5/1995) nhiều người trong giới quan chức Trung Quốc bày tỏ lòng ái mộ và luyến tiếc vì bỏ lỡ cơ hội chứng kiến một tài năng. Năm 1970 Đặng Lệ Quân từng tới lưu diễn tại Sài Gòn. Tên tuổi của cô lưu truyền, tỏa sáng trong thế giới người Hoa. Bằng tiếng hát mê hồn, tình ca Đặng Lệ Quân đã góp phần gắn kết “hai bờ eo biển” vốn đã chia cách từ nhiều năm.
Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, Trung Quốc có hai nhân vật họ Đặng nổi tiếng thế giới. Thứ nhất là nhà cải cách kinh tế, chính trị Đặng Tiểu Bình, còn người thứ hai chính là ca sĩ có giọng ca ngọt ngào người Đài Loan Đặng Lệ Quân. Tên tuổi của Đặng Tiểu Bình càng ngày càng thu hẹp trong giới chính khách, còn Đặng Lệ Quân đã sớm vượt ra khỏi biên giới để đến với những vùng đất có sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa... Câu thành ngữ: “Ở đâu có khói ở đó có người Hoa”, sau này được cải chính thành: “ở đâu có người Hoa, ở đó có tiếng hát Đặng Lệ Quân” hay “Ban ngày nghe Lão Đặng, ban đêm nghe Tiểu Đặng”... qua đó chứng tỏ sức mạnh vô song của những bản tình ca Đặng Lệ Quân.
Đặng Lệ Quân thừa hưởng một chất giọng đẹp tự nhiên, không cần trang sức, xuất hiện với hình tượng tiểu thư Giang Nam đài các. Cô có vẻ thanh tao, lịch lãm của người đương thời, cộng hưởng với nguồn mạch truyền thống Á Đông kín đáo. Chất giọng mượt mà, nũng nịu đặc trưng tiểu tư sản ấy từng được rất nhiều ca sĩ bắt chước, học tập, nhưng chưa ai chạm được vào đáy huyệt vô hình để cộng cảm với người nghe. Bởi thế, Đặng Lệ Quân đã làm nên cả một thời đại – thời đại Đặng Lễ Quân. Người Đài Loan khái quát nền nhạc Pop vào thập niên 70, 80 thế kỷ XX là “Thời đại Đặng Lệ Quân”. Tình ca Đặng Lệ Quân vang lên khắp nơi, vượt ra ngoài lãnh thổ, ngự trị trong thế giới người Hoa mênh mông. Riêng có Trung Quốc (Đại Lục) cấm lưu hành những bản tình ca của Đặng Lệ Quân vì bị liệt vào dòng nhạc vàng! Sau năm 1978, tiếng hát Đặng Lệ Quân lại trở thành biểu trưng của thời Mở cửa. Ở khu vực miền Nam (Trung Quốc), ca khúc Đặng Lệ Quân phổ biến nhanh chóng ở quán bar, vũ trường, siêu thị hay trên Taxi… Người ta dành tặng cho cô một cái tên hàm súc để thể hiện lòng ái mộ: Teresateng (Tiểu hành tinh Đặng).
Đặng Lệ Quân xuất hiện vào thời kỳ chuyển giao giữa hai xã hội cũ và mới, truyền thống và hiện đại. Cô như vạch nối gắn kết hai giai đoạn trong một xã hội, từ truyền thống khép kín sang hiện đại rộng mở. Đặng Lệ Quân được ghi nhận như người đầu tiên đưa nhạc Pop Trung Hoa ra thế giới, làm nền tảng cho nhiều thế hệ ca sĩ sau này như: Châu Kiệt Luân, F4, Vương Lực Hồng, Đào Triết, Thái Y Linh, S.H.E… bước lên vũ đài lịch sử. Năm 1986 tạp chí “Thời đại” đánh giá Đặng Lệ Quân là một trong bảy ngôi sao lớn trong làng nhạc Pop thế giới.
Sinh thời Đặng Lê Quân có tinh thần dấn thân cao độ vì nghệ thuật. Mặc dù gặt hái nhiều thành công trong và ngoài nước qua hàng loại giải thưởng âm nhạc như Nữ ngôi sao xuất sắc nhất Đài Loan năm 1980, giải đơn nữ Kim khúc tiếng Hoa tại Hong Kong năm 1978, giải Kim vàng Hong Kong năm 1995, giải Đĩa vàng trải qua các năm 1977, 1978, 1979, 1982, 1983, 1988, giải Đĩa bạc năm 1979, 1980, 1981, 1982, 1983, 1984, 1988, giải thưởng âm nhạc tại Nhật cho album “Người tình” năm 1984, “Phi trường” 1974, “Wakare no Yokan năm 1987, 1988… cô vẫn không ngừng học tập nhằm khám phá chân trời sáng tạo vô tận. Hiếm có ca sĩ đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp mà từ bỏ quê hương xứ sở để dấn thân vào con đường tiến tu như họ Đặng. Cô là một trong số ít ca sĩ biết nhiều thứ tiếng. Để đưa giọng hát của mình đến với thế giới đông đảo, Đặng Lệ Quân không ngừng chấp nhận thách thức qua dòng ca khúc tiếng Nhật, tiếng Quảng Đông, tiếng Anh… ngoài tiếng Quốc ngữ (Trung Quốc).
Đối với một ca sĩ, yếu tố Tiên thiên (thừa hưởng chất giọng cộng với năng khiếu) vô cùng quan trọng, nhưng nếu không có sự nỗ lực của Hậu thiên bằng con đường học tập, sớm muộn tài sản trời ban sẽ bị mai một, biến mất. Lời đồn rằng, Đặng Lệ Quân tranh thủ cả thời gan nghỉ ngơi sau cánh gà để học lời ca. Đối với nhiều ca sĩ chuyên nghiệp, vì thời gian tập trung vào hoạt động chuyên môn, nên ít có điều kiện mở mang trình độ kiến văn nói chung, nên ngôn ngữ lời ca góp phần không nhỏ vào việc định hình giá trị thẩm mỹ, nâng cao trình độ nghệ thuật. Đặng Lệ Quân là một trong những trường hợp biết tận dụng, hấp thu văn hóa từ lời ca. Ca từ trong tác phẩm nhạc hát chính là một kênh chuyên tải tri thức hữu dụng đối với ca sĩ. Nó như suối nguồn bồi bổ, hun đúc nên tố chất thẩm mỹ ở người hát. Hiện tượng sa sút thẩm mỹ ở ca sĩ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không quy trách nhiệm về sự yếu kém của người viết lời ca. Việc đặt lời cho ca khúc không chỉ ảnh hưởng đến tố chất thẩm mỹ của người nghe, mà còn trực tiếp “đầu độc” ca sĩ. Khuynh hướng “phóng sự”, “khẩu hiệu”, “chính luận” hóa ca từ trong nhạc hát biến tác phẩm âm nhạc đi theo chiều hướng “thô bạo”, làm mất hình ảnh ẩn dụ, tính chất khơi gợi, đặc biệt là tạo miền huyễn tưởng phong phú trong trí tưởng tượng con người trú ngụ. Chúng ta không chỉ thấy khẩu hiệu tràn lan trong xã hội công cộng, mà ngay cả tình ca cũng đang có khuynh hướng “khẩu hiệu” hóa. Ca từ trong nhiều ca khúc của Đặng Lệ Quân cho thấy sự lựa chọn tỉ mỉ, hàm súc, có dư ba, chuyển tải thông điệp mang tính văn sâu sắc, thấm đượm giá trị truyền thống văn hóa phương Đông. Lấy ví dụ ca khúc: “Hà nhật quan tái lai” (Khi nào chàng trở lại) thường xuyên phát trên Đài phát thanh Đài Bắc nửa cuối thế kỷ trước được mệnh danh có ẩn ý nhằm chỉ “Khi nào quân Nhật trở lại”, nhuốm màu sắc chính trị, nhưng lời hát vẫn đong đầy tính triết lý, xuất thế gian, như “Hoa đẹp không thường nở. Cảnh đẹp không trường tồn” chan chứa chuyện thế thái nhân tình, phong hoa tuyết nguyệt mà truyền thống nghìn năm của Đường Thi, Tống từ, Hội họa thủy mặc… hun đúc. Đăng Lệ Quân được ghi nhận là một trong những ca sĩ thuộc rất nhiều ca khúc. Thời của cô không có sự hỗ trợ của công nghệ thu thanh hiện đại. Ca sĩ nhạc Pop thời nay có thể vừa vỡ bài, vừa thu âm, còn thời đó công việc thu âm chỉ tiến hành sau khi hoàn tất công việc. Nó không phải thời kỳ “quá độ” của việc trình diễn, thậm chí biến việc trình diễn thành “cảnh diễn” với sự hỗ trợ “ma quái”, “phù thủy” của kỹ thuật thu thanh mà là kết quả của quá trình lao động, sáng tạo miệt mài. Rất nhiều tình khúc của Đặng Lệ Quân sau này lần lượt liệt vào hàng kinh điển, như “Vầng trăng nói hộ lòng tôi”, “Hà nhật quân tái lai” (Khi nào chàng trở lại), “Phi trường”, “Chuyện thành phố nhỏ”, “Thiên ngôn vạn ngữ” (tiếng Việt chuyển thành Mùa thu lá bay), “Trả nợ”, “Hoa dại bên đường chớ có hái”, “Bên dòng nước”, “Mật ngọt”, “Tôi chỉ để ý anh”, “Người trên nước”, “Cuộc hẹn sau hoàng hôn”, “Sông mây”, “Hải âu phi xứ”, “Anh nói sao”, “Lòng mẹ”….
Tình ca Đặng Lệ Quân hun đúc từ bối cảnh văn hóa đậm màu sắc phương Đông. Nó là kết quả tổng hợp của cả một thời đại - thời đại mà vùng đất Đài Loan mới đi qua chiến tranh, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội có những bước chuyển mình, phục hồi nhanh chóng... Tại Đại Lục, Cách mạng văn hóa để lại nhiều di chứng, hậu quả nặng nề, đặc biệt là sự hoang hóa về đời sống tinh thần. Giọng ca Đặng Lê Quân với những bản tình ca thể hiện bằng tâm thái điềm nhiên, tự tại, bình thản, nhẹ như mây trời đã góp phần xoa dịu vết thương còn âm ỷ trong lòng người Trung Hoa, đưa họ trở về chốn bình yên được ngự trị bằng những giá trị văn hóa ngàn đời sau biến cố lịch sử. Ngày nay trong nhiều buổi tiệc bên lề Hội nghị xúc tiến thương mại, người ta vẫn sử dụng những bản tình ca quen thuộc của Đặng Lệ Quân để bày tỏ tình cảm. Chúng đã trở thành tiếng lòng của người Trung Hoa khắp nơi trên thế giới.