Đàn piano trong âm nhạc hòa tấu thính phòng Việt Nam
Khi chúng ta nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam từ thế kỷ XX đến nay, các nghiên cứu đã cho thấy sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX được chia làm ba thời kỳ thì các hình thức và thể loại sáng tác cho lĩnh vực thanh nhạc thường chiếm ưu thế hơn so với lĩnh vực âm nhạc hòa tấu thính phòng. Và đến nay, sang thế kỷ XXI, lĩnh vực thanh nhạc vẫn thường được quan tâm, đầu tư phát triển nhiều hơn so với các lĩnh vực khác trong đời sống âm nhạc của Việt Nam.
Có thể thấy, chúng ta hầu như rất ít cơ hội được thưởng thức các tác phẩm âm nhạc Việt Nam thuộc lĩnh vực hòa tấu thính phòng, cả cũ và mới, trên các phương tiện nghe nhìn trong đời sống âm nhạc hiện nay. Điều đó đang khiến cho rất nhiều những tác phẩm âm nhạc hòa tấu thính phòng của rất nhiều các nhạc sĩ tài năng thuộc thế hệ đi trước của Việt Nam dần bị lãng quên, còn các tác phẩm của thế hệ các nhạc sĩ trẻ sau này không có cơ hội được giới thiệu đến công chúng yêu nhạc hàn lâm.
Đây là một thực trạng trái ngược hoàn toàn với đời sống âm nhạc của Việt Nam trong những thập niên cuối của thế kỷ trước, khi những hoạt động biểu diễn các tác phẩm âm nhạc hòa tấu thính phòng của các nhạc sĩ Việt Nam diễn ra rất thường xuyên. Đặc biệt, có khá nhiều các nhạc sĩ sáng tác khi đó vừa kiêm luôn vai trò nghệ sĩ biểu diễn các tác phẩm của mình, đấy là điều mà các nhạc sĩ sáng tác trẻ của Việt Nam bây giờ không phải ai cũng có thể thực hiện được. Có thể kể đến những nhạc sĩ tiêu biểu của thời kỳ đó như Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Tạ Phước, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Phúc, Huy Du, Hoàng Đạm, Chu Minh, Đàm Linh, Trọng Bằng, Ca Lê Thuần, Nguyễn Xinh, Nguyễn Văn Nam, Ngô Hoàng Dương, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Phúc Linh..., và rất nhiều các nhạc sĩ khác mà chúng tôi không thể liệt kê một cách đầy đủ. Thêm vào đó, hoạt động biểu diễn các tác phẩm hòa tấu thính phòng của các nhạc sĩ Việt Nam luôn nhận được sự tham gia đông đảo của các giảng viên, nghệ sĩ biểu diễn lúc đó như Thái Thị Liên, Bùi Gia Tường, Vũ Hướng, Tạ Bôn, Nguyễn Bích Ngọc, Ngô Văn Thành, Hoàng Mi, Hoàng Mãnh, Nguyễn Hữu Tuấn, Trần Tuyết Minh, Trần Thu Hà, Tôn Nữ Nguyện Minh... Các tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam sử dụng ngôn ngữ âm nhạc mang bản sắc dân tộc rất rõ nét và cũng rất đa dạng về hình thức, thể loại từ các tác phẩm có quy mô nhỏ như prelude, bài ca không lời, ballade, romance, serenade... cho đến những tác phẩm có quy mô lớn hơn như sonate, liên khúc sonate, tổ khúc...
Lịch sử phát triển của nghệ thuật hòa tấu thính phòng - giao hưởng của Việt Nam nói chung tuy mới chỉ thực sự bắt đầu được hình thành từ thập niên 60 của thế kỷ trước nhưng lĩnh vực nghệ thuật này được coi là một bộ phận quan trọng của âm nhạc mới Việt Nam trong thế kỷ XX, đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử âm nhạc Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XX.
1. Các tác phẩm hòa tấu thính phòng với piano tiêu biểu.
Đối với lĩnh vực hòa tấu thính phòng với piano của các nhạc sĩ Việt Nam, đây cũng là thể loại chiếm số lượng phong phú và có nhiều tác phẩm nổi bật nhất. Các tác phẩm hòa tấu thính phòng với piano của các nhạc sĩ Việt Nam khá đa dạng, từ hình thức song tấu (duo) đến ngũ tấu. Các tác phẩm tiêu biểu viết cho nhạc cụ hòa tấu với piano ở quy mô nhỏ như các duo cho piano và violon của các nhạc sĩ: Tạ Phước (Ra khơi), Huy Du (Miền Nam quê hương ta ơi), Nguyễn Thị Nhung (Chiều quê hương), Đàm Linh (Bài ca chim ưng)… Hay các duo cho piano và cello của các nhạc sĩ: Nguyễn Văn Thương (Trở về quê hương), Hoàng Dương (Giai điệu quê hương), Trọng Bằng (Vũ khúc Tây Nguyên), và một số duo cho piano và kèn gỗ của các nhạc sĩ: Phúc Linh (Fantasie Núi cho clarinet), Hoàng Dương (Biến tấu cho Oboe). Hình thức tam tấu, ngũ tấu cũng có hai tác phẩm tiêu biểu như tam tấu piano Kể chuyện sông Hồng của nhạc sĩ Huy Du, ngũ tấu piano Phong cảnh của nhạc sĩ Nguyễn Chính Nghĩa.
Đối với các tác phẩm có quy mô lớn hơn một chút, được viết theo hình thức sonata một chương , khá nhiều nhạc sĩ cũng đã rất thành công và đã có những tác phẩm nổi bật, như nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn với sonata cho violin và piano giọng sol-moll (được nhà xuất bản Moskva ấn hành năm 1963), nhạc sĩ Hoàng Dương với Capriccio Khát vọng cho cello và piano (tác phẩm đã được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1998), nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung với bản trio Huyền thoại mẹ cho piano, violin và bassoon, còn nhạc sĩ Chu Minh với bản trio cho piano, violin và cello.
Các tác phẩm hòa tấu thính phòng cho piano viết ở hình thức liên khúc sonata nhiều chương có số lượng khiêm tốn hơn một chút so với hai thể loại trước. Có thể nói nhạc sĩ viết nhiều sonata nhất cho violin và piano phải kể đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ với 9 bản sonata cho violin và piano (một số bản đã được biểu diễn tại Pháp, Thụy Sĩ). Cả 9 bản sonata này đều được viết theo cấu trúc của liên khúc sonata cổ điển nhưng mang đậm âm điệu và tiết tấu của âm nhạc dân gian Việt Nam. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với bản sextet Bất khuất - sự kết hợp giữa piano và tứ tấu đàn dây cũng là một tác phẩm nổi bật và đã được nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1996. Nhạc sĩ Nguyễn Phúc Linh với bản Improvisation cho oboe (hoặc viola), basson và piano, sáng tác theo bút pháp mới, đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt tại liên hoan âm nhạc dân tộc châu Á tại Bangkok - Thái Lan năm 1995, tác phẩm này khi đó được chính tác giả trình tấu cùng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (piano) và nghệ sĩ Nguyễn Anh Tuấn (viola).
2. Hoạt động giảng dạy các tác phẩm hòa tấu thính phòng Việt Nam
Nhìn chung, nếu nhìn vào nền âm nhạc mới Việt Nam trong thế kỷ XX, lĩnh vực âm nhạc hòa tấu thính phòng là một bộ phận quan trọng. Các tác phẩm viết cho âm nhạc hòa tấu thính phòng Việt Nam khá đa dạng về hình thức, thể loại với ngôn ngữ đậm chất dân tộc rõ nét. Tuy nhiên, trong các chương trình biểu diễn cũng như giảng dạy âm nhạc hòa tấu thính phòng tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp của chúng ta hiện nay, những tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam vẫn thường bị coi nhẹ. Theo chúng tôi, đây thực sự là một thiếu sót rất đáng tiếc mà chúng ta cần phải thay đổi. Chúng ta có nhạc sĩ sáng tác với những tác phẩm chất lượng nhưng lại không được quan tâm đúng mức để đưa vào chương trình học tại trường lớp, không được thường xuyên biểu diễn để giới thiệu tới công chúng. Chính những yếu tố bất cập trên sẽ làm cho các tác phẩm hòa tấu thính phòng có giá trị của Việt Nam dần bị quên lãng, và khiến cho những sáng tác mới của các nhạc sĩ trẻ không có điều kiện được trình diễn trước công chúng.
Như chúng tôi đã đề cập ở trên, lĩnh vực đệm và hòa tấu thính phòng nói chung tại Việt Nam hiện đang tồn tại khá nhiều vấn đề bất cập trong việc phát triển đào tạo mang tính chuyên nghiệp, có chiều sâu tại các cơ sở đào tạo âm nhạc lớn tại Việt Nam, tiêu biểu là tại Học viện Âm nhạc quốc gia. Trong công tác đào tạo bộ môn hòa tấu thính phòng tại Học viện quốc gia hiện nay, theo chúng tôi, bên cạnh việc sử dụng các tác phẩm thính phòng kinh điển của âm nhạc thế giới, thì những tác phẩm tiêu biểu và nổi bật của các nhạc sĩ Việt Nam cũng cần phải được sử dụng nhiều hơn trong giáo trình giảng dạy.
Số lượng các tác phẩm hòa tấu thính phòng của Việt Nam tuy không nhiều nhưng khá đầy đủ về mặt hình thức và thể loại, và hơn hết đều có giá trị nghệ thuật rất cao được các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác từ giữa thế kỷ XX đến nay. Tuy nhiên, những lý do khiến cho các tác phẩm Việt Nam không được phổ biến rộng rãi trong giảng dạy và biểu diễn hiện này bởi ba nguyên nhân chính sau:
a. Về nhận thức: Các tác phẩm hòa tấu thính phòng của Việt Nam vẫn thường bị coi là dễ, không mất công tập luyện. Đây là một thực trang rất phổ biến, tồn tại từ lâu đối với phần lớn những người học nhạc cổ điển chuyên nghiệp tại Việt Nam. Theo chúng tôi, đây là một quan niệm cần phải thay đổi. Trong quá trình giảng dạy, khi theo dõi các em học sinh - sinh viên trình bày tác phẩm, chúng tôi nhận thấy một thực tế là rất nhiều các em sinh viên Đại học khi chơi các tác phẩm hòa tấu thính phòng kinh điển với độ khó rất cao cả về kỹ thuật cũng như thể hiện âm nhạc, thì đều trình bày tác phẩm một cách khá hoàn chỉnh, nhưng khi chuyển sang trình bày các tác phẩm Việt Nam thì lại khá sơ sài, thể hiện sự thiếu đầu tư làm việc một cách nghiêm túc và chi tiết. Như vậy có thể thấy ngay trong quan niệm của chúng ta, âm nhạc của Việt Nam đã luôn bị đánh giá thấp.
b. Công tác giảng dạy: Hiện nay trong chương trình học các môn liên quan đến kiến thức âm nhạc tổng hợp, chúng tôi nhận thấy lĩnh vực âm nhạc hòa tấu thính phòng của Việt Nam hầu như không được chú trọng giảng dạy, thậm chí là hầu như không được đề cập một cách chi tiết. Chúng ta mới chỉ có môn Lịch sử âm nhạc Phương Tây, và Lịch sử âm nhạc dân tộc Việt Nam để giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia, nhưng giảng dạy vẫn còn mang tính phổ cập chứ không mang tính chuyên sâu. Còn với lĩnh vực âm nhạc hòa tấu thính phòng của Việt Nam, lĩnh vực này lại chưa nhận được sự lưu tâm và chú trọng để giảng dạy cho các em sinh viên thuộc chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ, hoặc nếu có thì mới chỉ được giảng dạy trong phạm vi của khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy, với những sinh viên mà theo như thực tế hiện nay có khả năng chơi nhạc cụ rất hạn chế.
Những tài liệu, công trình khoa học nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc thính phòng của Việt Nam tuy không nhiều nhưng đều là những tài liệu vô cùng có giá trị, có thể kể đến như công trình nghiên cứu của Phó Giáo sư Nguyễn Thị Nhung với tiêu đề "Âm nhạc thính phòng - giao hưởng Việt Nam (Sự hình thành và phát triển - Tác phẩm & tác giả)" xuất bản năm 2001. Theo chúng tôi, đây là một công trình khoa học vô cùng giá trị, với những nghiên cứu rất chi tiết về quá trình lịch sử hình thành và phát triển của âm nhạc thính phòng - giao hưởng Việt nam, tuy nhiên lại không được đưa vào sử dụng trong chương trình giảng dạy bậc Đại học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đây thực sự là một thiếu sót cần được bổ sung.
c. Về Tư liệu học tập: Tuy vậy, bên cạnh những nguyên nhân mang tính chủ quan như chúng tôi nêu trên, cũng có những yếu tố khách quan tác động đến việc phổ cập và giảng dạy các tác phẩm hòa tấu thính phòng Việt Nam. Để có thể học, hay biểu diễn các tác phẩm Việt Nam, người học cần có bản nhạc, cần được nghe bản nhạc đó. Nhưng cũng có nhiều lý do khách quan khác khiến cho khá nhiều những tác phẩm hòa tấu thính phòng của Việt Nam, đặc biệt là những tác phẩm sáng tác trước năm 1975, không được phổ biến đến người học hiện nay như do bị thất lạc trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, hay do điều kiện bảo quản không tốt, và thậm chí nhiều tác phẩm chỉ tồn tại dưới dạng chép tay, không có điều kiện in ấn... Còn những tư liệu khác như băng, đĩa thì có chất lượng khá thấp, bởi phần lớn các bản ghi âm đó đều được thực hiện từ lâu, với kỹ thuật thu âm còn lạc hậu. Đứng trước thực trạng như vậy, với điều kiện về kỹ thuật phục chế, in ấn và thu âm hiện đại ngày nay, chúng ta cần có những hoạt động sưu tầm, tái bản và hiệu đính lại các tác phẩm của Việt Nam, phục hồi và nâng cao chất lượng các bản thu âm trước đây cũng như thu âm lại các tác phẩm đó để lưu giữ, làm tư liệu học tập và lên lớp cho học sinh sinh viên tại Học viện Âm nhạc quốc gia.