Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam với nhạc trưởng Kah Chun Wong

30/03/2016

Đêm 24 tháng 3 năm 2016, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, đã diễn ra buổi hòa nhạc mang tên “Reformation” của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam. Có rất nhiều các vị khách quốc tế, đại diện các đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội và đông đảo khán giả Thủ đô đến thưởng thức.

Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Singapore – Kah Chun Wong và nghệ sĩ độc tấu kèn Clarinet Nguyễn Minh Hoàng đã trình bày các bản giao hưởng nổi tiếng của các nhà soạn nhạc thiên tài thế giới như: Bản giao hưởng số 7 “Unfinished” của nhà soạn nhạc người Áo - Franz Schubert (1797–1828). Đây chính là bản giao hưởng lãng mạn nhất trong số các bản giao hưởng Schubert viết. Một thế giới âm thanh mới được tạo ra ở đây, hài hòa, cân xứng và được chọn lọc tinh tế theo màu sắc riêng biệt của từng nhạc cụ, giai điệu cũng được điều chỉnh tới mức tỉ mỉ; bản nhạc được viết theo phong cách đối âm, phức điệu với phạm vi vô cùng rộng lớn và cường độ mãnh liệt. Unfinished “Bỏ dở” được sinh ra bởi cấu trúc 2 chương của tác phẩm, trong khi đó, một bản giao hưởng truyền thống thường bao gồm ba đến bốn chương. Tuy nhiên, về phương diện tư duy nghệ thuật âm nhạc thì đây thực sự là một bản giao hưởng hoàn chỉnh.

Tiếp theo là bản “Concerto cho Clarinet” của nhà soạn nhạc lãng mạn bậc thầy người Đức - Carl Maria Friedrich Ernst Von Weber (1786–1826). C. Weber đã soạn bản Concerto số 1 viết cho kèn giọng Pha thứ, OP.73 vào năm 1811. Khác biệt với các bản concerto ông viết trước đó là vui tươi, nhẹ nhàng, đầy màu sắc thì bản Concerto số 1 cho Clarinet lại đậm chất trang nghiêm, kịch tính. Concerto số 1 bao gồm 3 chương: Chương Allegro mở đầu mạnh mẽ, chương giữa Adagio mang tính biểu cảm một cách dữ dội, chương cuối Rondo Allegretto tràn đầy năng lượng.

Và bản giao hưởng số 5 “Reformation” Op. 107 của nhà soạn nhạc thời kỳ âm nhạc lãng mạn người Đức – Felix Mendelssohn. Bản giao hưởng số 5 giọng Rê trưởng/ Rê thứ Op. 107 được biết đến với tên “Cải cách” được F. Mendelssohn soạn năm 1830. Ông là một người sùng đạo Tin Lành và vô cùng ngưỡng mộ Bach, F. Mendelssohn bị cuốn hút bởi ý tưởng về một bản giao hưởng tượng trưng cho cải cách Tin Lành – không phải là một tác phẩm hợp xướng lớn trên một văn bản thiêng liêng như mong đợi – mà là một bản giao hưởng bốn chương không lời.

*
* *

Kah Chun Wong là một trong những nhạc trưởng trẻ và năng động nhất châu Á. Tháng 8 năm 2013, anh đoạt giải Nhất trong cuộc thi Chỉ huy Quốc tế lần thứ 4 “Jeunesses Musicales Bucharest”, tạo nên ấn tượng vô cùng lớn với năng khiếu âm nhạc bẩm sinh và sự trưởng thành đến kinh ngạc. Sau những vòng thi quyết định cuối cùng của các cuộc thi, anh được mời chỉ huy trong hai chương trình biển diễn trên truyền hình cùng Dàn nhạc George Enescu Philharmonic, ngay sau đó anh lại được mời chỉ huy trong 4 chương trình hòa nhạc đặt trước trong hai mùa diễn tiếp theo của dàn nhạc này. Năm 2011, Wong giành giải Nhì trong cuộc thi Lovro von Matacic đành cho các chỉ huy trẻ tuổi diễn ra tại Zagreb, Croatia.

Là một tài năng trẻ nhận được sự bảo trợ của nhạc trưởng Kurt Masur, Wong đã được ông chọn vào nhóm 5 người từ các hội thảo về những nhạc trưởng quốc tế xuất sắc được săn đón nhất – đó là những cuộc hội thảo kết thúc một tuần làm trợ lý chỉ huy tại Dàn nhạc Leipzig Gewandhaus tháng 9/2013. Anh cũng từng tham dự các lớp học nâng cao về Chỉ huy dưới sự dẫn dắt của Bernard Haitink tại Liên hoan Lucerne Easter, dưới sự hướng dẫn của Esa-Pekka Salonen tại Liên hoan Singapore Sun và dưới sự giảng dạy của Hainz Holliger tại Học viện Lucerne Festival. Wong đã trải qua 2 mùa hè 2011 và 2012 tại Aspen Music Festival, học chỉ huy với Robert Spano, Hugh Wolff và Larry Rachleff.

Sinh năm 1986, Wong bắt đầu học soạn nhạc với Phoon Yew Tien và tiếp tục học với giáo sư Ho Chee Kong tại Học viện Âm nhạc Yong Siew Toh (Singapore) theo chương trình học bổng toàn phần. Tốt nghiệp, anh được mời làm trợ lý chỉ huy cho Dàn nhạc Trung Sing dưới sự lãnh đạo của Giám đốc Yeh Tsung và biểu diễn đều đặn cùng dàn nhạc trong suốt mùa diễn. Là người đầu tiên được nhận học bổng Lý Quang Diệu về lĩnh vực Văn hóa và Nghệ thuật, anh tiếp tục theo học chỉ huy Opera và dàn nhạc với thầy Christian Ehwald tại Học viện Âm nhạc Hanns-Eister tại Berlin, Đức.

Tại Festival Âm nhạc Mới “Á – Âu” Việt Nam lần nhất 2014, Kah Chun Wong đã chỉ huy 2 chương trình hòa nhạc thính phòng gồm các tác phẩm của các nhà soạn nhạc quốc tế và Việt Nam, và Kah Chun Wong sẽ tiếp tục đồng hành với vai trò là nhạc trưởng của chương trình giao hưởng thính phòng Viện Âm nhạc Asia / America New Music Institute tại Festival Âm nhạc Mới “Á - Âu" lần thứ II và Festival - Hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á Thái Bình Dương (ACL) lần thứ 34 tại Việt Nam năm 2016.

Nghệ sĩ kèn Clarinet Nguyễn Minh Hoàng sinh năm 1983 tại Nam Định trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Anh bắt đầu làm quen với kèn Clarinet từ năm 11 tuổi. Từ năm 1995 – 2006, Nguyễn Minh Hoàng là học sinh kèn Clarinet tại Nhạc viện Hà Nội dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Lâm và thầy Nguyễn Quốc Bảo. Từ năm 2007 – 2014, anh học và tốt nghiệp Đại học và Thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc C.M.von.Weber thành phố Dresden, Cộng hòa Liên Bang Đức dưới sự giảng dạy của giáo sư Joachim Klemm và giáo sư đệm đàn Sonja Gimaletdinow. Năm 2009, anh cùng dàn nhạc của Học viện Âm nhạc Dresden lưu diễn tại thành phố Köhl và Leipzig. Năm 2013, anh làm cộng tác viên của dàn nhạc Dresden Symphonietta. Hoàng tham gia lớp Master class của giáo sư Milan Rericha năm 2010 và lớp Master class của giáo sư Jörg Widmann năm 2013. Hiện nay, Nguyễn Minh Hoàng là thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...