Đàn nghe đất nước thấy thêm gần

22/12/2014

Sự thăng hoa trong từng câu hát, sự hứng khởi của các thành viên Hợp Ca Quê Hương, sự hòa quyện tuyệt vời giữa hợp xướng và dàn nhạc đã được thể hiện rất rõ nét trong đêm 06/12/2014 trong buổi biểu diễn rất thành công tại nhạc viện Rouen của Hợp Ca Quê Hương. Dư âm của không khí hào sảng, đầy tự hào của Hợp Ca khi cùng các bạn người Pháp cất cao những giai điệu hợp xướng bất hủ như vẫn còn đọng lại trong mỗi thành viên.


ẢnhL Rouen Lâm Tuyết

Vậy là chúng tôi đã trở về sau chuyến đi “lưu diễn” của Hợp ca Quê hương thân yêu vào hai ngày cuối tuần, ngày 6 và 7 tháng 12 năm 2014. Gọi là “lưu diễn” thoạt nghe thì có thể nghĩ xa xôi lắm nhưng thực ra cũng gần thôi, thành phố Rouen nhỏ bé dễ thương chỉ nằm cách Paris hai giờ đi xe car. Chúng tôi đến với buổi biểu diễn trong khuôn khổ năm giao lưu văn hóa Việt Nam tại Pháp 2014 trong lòng chứa đầy sự háo hức, sự tự hào dân tộc và có chút “hồi hộp”, phải rồi, sao lại không khỏi hồi hộp chứ nhỉ, dù là những “nghệ sỹ a-ma-tơ” nhưng để chuẩn bị cho chương trình này, cả hợp ca chúng tôi đã tập luyện suốt ba tháng trời cùng cô Ngân Hà – nhạc trưởng thân yêu của chúng tôi. Ba tháng và một buổi biểu diễn kéo dài vẻn vẹn chỉ hai tiếng đồng hồ, nhưng đã để lại trong mỗi chúng tôi những cảm xúc thật khó nói lên lời. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đứng trên sân khấu và được một dàn giao hưởng của Pháp đồng hành cùng, nhưng mỗi buổi biểu diễn lại đem cho chúng tôi những ấn tượng và xúc cảm khác nhau. Và lần này cũng vậy, sau khi buổi biểu diễn kết thúc và nhận được những tràng pháo tay không ngớt từ phía khán giả – những người bạn bản xứ có thể đã từng hoặc chưa bao giờ nghe những bài hát Việt Nam, nhưng có lẽ cũng để lại trong họ một ấn tượng sâu đậm về giai điệu khi thì mượt mà, da diết, lúc lại hùng tráng, tràn đầy hứng khởi đến như vậy. Khán giả vỗ tay và yêu cầu cả hợp xướng biểu diễn lại chương hai của tác phẩm Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy của nhạc sĩ Tô Hải càng làm cho chúng tôi, những “nghệ sĩ nhỏ bé” không khỏi cảm thấy xúc động và tự hào.

Rouen 2014, không hẹn mà gặp, từ ba tháng nay, “sếp trưởng” Nguyễn Ngân Hà đã không quản biết bao vất vả trong việc tập luyện cho mỗi bè chúng tôi cách hát sao cho đúng, sao cho tình cảm để chuẩn bị cho một chương trình có ý nghĩa quan trọng trong năm giao lưu văn hóa Việt Pháp này. Ba bài hát mà chúng tôi biểu diễn trong chương trình Cantique de Jean Racine (Gabriel Faure), Thành phố ngàn năm văn hiến (Đoàn Bổng) và Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy (Tô Hải), mỗi bài có một vẻ đẹp rất riêng và khi tất cả các bè: Soprano, Alto, Tenor và Basso cất giọng lên, hòa quyện và tạo nên một chỉnh thể thật hay. Những người bạn bản xứ đến từ đội hợp xướng của Choisy-le-Roi nhiệt tình đồng hành cùng chúng tôi để đem đến cho khán giả một đêm diễn không thể nào quên. Lần thứ hai có cơ hội diễn cùng những người bạn Pháp-hát-tiếng-Việt rất dễ thương này cho chúng tôi cảm nhận thật đẹp về tình hữu nghị Pháp - Việt, về sự cố gắng không ngừng của họ trong việc học phát âm, hát tiếng Việt và trên hết là sự nhiệt thành cùng lòng yêu âm nhạc vô bờ bến.

Khởi hành từ Paris vào lúc 12h trưa thứ bảy đẹp trời ngày 6/12, chỉ hơn hai tiếng sau, chúng tôi đã đặt chân đến Rouen, một thủ phủ xinh xắn của vùng Haute-Normandie, khí trời thật trong lành chào đón chúng tôi. Laurent Boer, nhạc trưởng của hợp xướng Choisy-le-Roi giúp chúng tôi luyện thanh trước giờ khai mạc. Vinh dự được dàn nhạc giao hưởng của nhạc viện Rouen đồng hành, những bài hát như được tăng thêm phần hồn, thêm mượt mà trong Cantique de Jean Racine , uyển chuyển với Thành phố ngàn năm văn hiến và hùng tráng với Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy. Chúng tôi thực sự ấn tượng và như “tan chảy” trước phần đệm của dàn nhạc Rouen khiến cho giai điệu của các bài hát trở nên hay tuyệt vời. Tôi vô cùng xúc động trước giai điệu thật nhẹ nhàng, dịu êm ở phần dạo đầu chương 3 bài Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy mang tiêu đề Tiếng gọi của quê hương. Phần đệm đã diễn tả thật sâu sắc cái tâm tình của người chiến sĩ khi phải xa quê hương chiến đấu. Còn với riêng chúng tôi, đó là cảm xúc thương nhớ về quê hương của những người con xa xứ, nay nhờ có âm nhạc, được cất tiếng hát và bày tỏ nỗi lòng, còn điều gì trân quý hơn thế...

Buổi biểu diễn bắt đầu lúc 8h tối, nhạc trưởng Claude Brendel bước ra cười thật tươi và giới thiệu về chương trình, về đêm nhạc của tình hữu nghị Việt Pháp trong một không khí nhiều hứng khởi. Khán giả lấp đầy khán phòng như sưởi ấm cho ngày đông lạnh lẽo ở Pháp và tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Mở đầu chương trình là hai tiết mục của nhạc viện dẫn dắt khán giả vào không gian khi thì du dương, êm ái, khi lại hùng tráng, khí thế của nhạc cổ điển. Tiết mục Thành phố ngàn năm văn hiến trước giờ nghỉ giải lao mở màn cho không gian nhạc Việt được khán giả đón nhận nhiệt tình. Trong tôi lại tràn về nỗi nhớ Hà Nội đến lạ lùng “Thăng Long Thăng Long Hà Nội, nền văn hiến có từ ngàn xưa... Nơi đây, trời đất linh thiêng, tạo dựng nên Hoàng Thành dáng uy nghiêm, đặt niềm tin cho giống nòi”. Không khí hào hùng cùng sự tự tôn dân tộc trong lòng mỗi người con xa quê giúp cho bài hát thêm phần cảm xúc. 

Tiết mục cuối cùng có lẽ để lại ấn tượng nhiều nhất trong lòng khán giả, Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy - Tô Hải gồm bốn chương với giai điệu và âm hưởng khác nhau, thể hiện nội dung cho từng chương đã mang đến cho chúng tôi và khán giả những xúc cảm khác nhau. Thật tự hào bởi chúng tôi là dàn hợp xướng đầu tiên thể hiện tác phẩm lớn, kinh điển này ở nước ngoài. Chương một ca ngợi vẻ đẹp của Tổ Quốc trong “Núi rừng hùng vĩ của Tổ Quốc ”. Tinh thần bất chấp gian khổ của người chiến sĩ cất tiếng hát vang trong thời khói lửa được thể hiện trong chương hai “Tiếng hát của người chiến sỹ biên phòng”. Chương ba “Tiếng gọi của quê hương” ghi dấu ấn sâu đậm tới khán giả bằng nỗi nhớ quê da diết của người chiến sĩ nơi biên giới xa xôi. Và chương cuối cùng trong hào khí vui tươi, rộn ràng nhất thể hiện tinh thần dân tộc đi lên sau chiến tranh “Bảo vệ lao động kiến thiết Tổ Quốc”. Phải nói là chúng tôi có một tình cảm vô cùng đặc biệt với tác phẩm này của nhạc sĩ Tô Hải vì cả bốn chương mang đến cho chúng tôi những cảm xúc tuy khác nhau nhưng đều gặp ở lòng tự hào, tự tôn dân tộc cùng sự xúc động rưng rưng đến nghẹn ngào khi tiếng hát của dàn hợp xướng quyện vào với dàn nhạc. Cả hai đội hợp ca Choisy-le-Roi và chúng tôi đã cùng nhau mang tới không khí rất Việt Nam cho chương trình, dù cho các khán giả ở dưới có thể không hiểu phần lời tác phẩm này, nhưng chúng tôi tin rằng, trái tim họ đã “cảm” được phần hồn của nó. Âm nhạc đã xóa tan đi khoảng cách và thực sự đưa hai dân tộc đến gần nhau. Những tràng pháo tay không ngớt của khán giả là phần thưởng vô giá cho tất cả chúng tôi sau những tháng tập luyện vừa qua.

Kết thúc buổi biểu diễn thành công tại Rouen, chúng tôi ra về và không giấu nổi sự xúc động và tự hào về hai tiếng Việt Nam. Cô Ngân Hà và chú Tích Kỳ ơi, chúng con cảm ơn cô chú thật nhiều vì đã dẫn dắt, bảo ban và tập luyện cho chúng con thời gian vừa qua, để khi ra về, chúng con giữ lại trong mình kỉ niệm không quên trong những ngày tham gia Hợp ca Quê hương. Con xin mượn câu thơ của GS.TS Trần Văn Khê “Đàn nghe đất nước thấy thêm gần” để nói lên tiếng lòng của mình bởi mỗi khi giai điệu của những bài hát Việt Nam được cất lên, chúng con như thấy quê hương thật gần …

Thu Paris

Nghe Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy

Thành phố ngàn năm văn hiến

Cantique de Jean Racine

A

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...