Đàn bầu trong suy ngẫm và sáng tác của tôi

06/12/2019

Đàn Bầu – cây đàn độc đáo có một không hai của dân tộc Việt. Từ hình dáng, cấu tạo, tính năng, cách chơi đến ÂM THANH đều rất độc đáo – không giống bất cứ nhạc cụ nào trên thế giới. Đàn bầu được sinh ra từ khi nào thì sử sách không ghi rõ, nhưng chắc chắn phải liên quan tới vùng thiên nhiên sinh thái cây trái, thực vật trù phú tốt tươi. Bằng cứ là thân đàn được làm bằng loại gỗ nhẹ, cần rung bằng tre dẻo, loa đàn là quả bầu khô (vì thế gọi là Đàn Bầu) có chức năng như hộp cộng hưởng và que đàn (để gẩy) cũng bằng tre. Đàn chỉ có một dây, nguyên thủy có thể làm bằng tơ tằm hoặc ruột mèo, sau thay bằng dây kim loại. Về tổng thể có thể thấy các cụ xưa chế tác Đàn Bầu là một nhạc cụ theo nguyên tắc TỐI GIẢN: 1 dây, 1 cần, 1 que mà phát ra muôn tiếng: trầm, bổng, vang, rền, nền, nảy, bi, ai, hỷ, nộ…

Âm thanh của Đàn Bầu phát ra gần gũi với giọng nói của con người (người Kinh) về độ rung, âm vực, luyến láy, có khả năng mô phỏng các cung bậc cao thấp của 6 âm ngữ trong tiếng Việt là: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, không. Âm thanh của Đàn Bầu tuy không to, không bị cố định bởi các thế cromatic mà có sự “du di”, “non – già” trong mỗi cao độ, thích hợp với lối hát dân ca như Hát Ru, Hát Xẩm, Cải lương, Ca Huế… Đặc tính của âm thanh Đàn Bầu – đó chính là chất “CA HÁT”. Đàn Bầu là nhạc cụ của giai điệu, thiên về trữ tình, ngân nga, êm đềm, luôn đóng vai trò bè chính trong các hình thức diễn tấu: độc tấu, hòa tấu, thậm chí đệm cho hát hoặc trong các ca khúc chuyển thể cho nhạc đàn. Có rất nhiều ví dụ trở thành kinh điển khi nhắc tới một ca khúc thì ta thường nhớ tới giai điệu do Đàn Bầu chơi như: “Việt Nam quê hương tôi” (Đỗ Nhuận), “Lên ngàn” (Hoàng Việt), “Con kênh xanh xanh” (Ngô Huỳnh), “Tiếng Đàn Bầu” (Nguyễn Đình Phúc) hay “Về quê” (Phó Đức Phương)…

Chính vì tính chất nổi bật của âm sắc Đàn Bầu – mà ta có thể nói: Đàn Bầu là nhạc cụ SOLO. Khác với các nhạc cụ dân tộc hoặc quốc tế, trong các dàn nhạc giao hưởng hoặc dàn nhạc dân tộc; ở đó mỗi nhạc cụ có thể đóng vai trò “kép” solo hoặc là thành viên của dàn nhạc (ví dụ: concerto cho violon và dàn nhạc, hoặc hòa tấu cho đàn tranh và dàn nhạc dân tộc…), khi không là nhạc cụ solo nữa, thì các nhạc cụ này dễ dàng hòa mình vào trong tổ hợp các bộ hơi, bộ dây, bộ gảy, bộ gõ… của dàn nhạc, hòa quyện trong âm hưởng chung, khó phân biệt, tách rời. Nhưng đối với Đàn Bầu, do âm thanh quá đỗi đặc biệt và nổi trội (nhất là hiện nay đa số sử dụng Đàn Bầu lắp môbin khuếch đại tiếng) nên ta rất dễ nhận ra trong bất kỳ hình thức trình tấu nào. Tính solo (độc diễn) là một đặc thù mà chỉ có Đàn Bầu có được, cho phép ở mọi lúc, mọi nơi Đàn Bầu luôn thu hút người nghe, làm chủ về giai điệu, dẫn dắt, thu hút các yếu tố khác đi theo. Cũng có những thể nghiệm để Đàn Bầu đi bè đệm trong dàn nhạc, hoặc đệm cho giọng hát. Nhưng hiệu quả vẫn chỉ tạo nên bè đối bè (contrapoint) hoặc bè đuổi, bè luồn (canon), chứ không trở thành bè đệm đúng nghĩa, vì âm sắc quá nổi trội của nó.

Từ những năm 1956, cây Đàn Bầu đã được đưa vào giáo trình giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Các thế hệ nghệ sĩ như Nguyễn Văn Tiếu, Nguyễn Mạnh Thắng đã cải tiến, lắp mô-bin vào thân đàn để khuếch đại tiếng cho to hơn, phục vụ số đông khán giả - nhất là đi biểu diễn lưu động ngoài trời trong những năm tháng chiến tranh. Các nghệ sĩ Đức Nhuận, Ngọc Hướng đã thể hiện thành công nhiều tác phẩm như “Ru con Nam Bộ”, “Hà Nội – Huế - Sài Gòn” (Hoàng Vân)… trong đó phải kể đến tác phẩm “Vì miền Nam” của nhạc sĩ Huy Thục – một trong những tác phẩm thành công nhất viết cho Đàn Bầu và dàn nhạc. Ca khúc “Tiếng Đàn Bầu” nhạc Nguyễn Đình Phúc, thơ Lữ Giang là hiện tượng độc đáo: “Đàn Bầu hóa giai điệu ca khúc về Đàn Bầu”. Tác giả đã xây dựng giai điệu bài hát mô phỏng âm hưởng Đàn Bầu, và sau đó lồng ghép thơ (ca từ) về cây đàn, nên hiệu quả là chỉ nghe riêng phần âm nhạc ta cũng hình dung ra cả hình ảnh, âm thanh của cây đàn độc đáo này. Cho dù không nghe lời ca, ta vẫn cảm thụ đầy đủ và trọn vẹn hình tượng “ĐỘC HUYỀN CẦM”.

Tôi đã sử dụng Đàn Bầu như thế nào trong các tác phẩm của mình?

- Đánh giá được tính chất đặc biệt quý hiếm của Đàn Bầu, tôi đã sớm sử dụng âm sắc đàn bầu như tiếng nói, tình cảm của người dân quê mộc mạc, bình dị… trong nhiều tác phẩm của mình ở các thể loại khác nhau, như trong phim truyện, nhạc sân khấu (kịch nói, cải lương), nhạc múa và hòa tấu, nhạc giao hưởng.

Trong phim truyện, những trường đoạn tả nhân vật với tâm trạng trăn trở, lo âu, buồn thương… tôi thường dùng Đàn Bầu chơi giai điệu chính như cảnh cô Na mong chờ tin người yêu ngoài chiến trường (phim Anh chỉ có mình em) hoặc cảnh các phụ nữ luống tuổi sau chiến tranh ngồi bên sông (phim Bến không chồng)…

Cũng có những cảnh hội hè, không khí dân gian vui tươi được thể hiện bằng cây Đàn Bầu như trong phim Đêm Hội Long Trì, Kiếp phù du, Thằng Bờm… Trong một số tác phẩm múa như “Hoa sen”, “Tát nước đêm trăng”, “Bắt trạch”… chủ đề chính đều được trao cho Đàn Bầu. Tôi cũng đã chuyển soạn các ca khúc nổi tiếng như “Bác Hồ một tình yêu bao la” của Thuận Yến, hoặc “Việt Nam quê hương tôi” của Đỗ Nhuận cho Đàn Bầu và dàn nhạc.

Trong các tác phẩm giao hưởng:

Lần đầu tiên tôi đưa Đàn Bầu vào giao hưởng là trong Fantasy “Mở đất” viết nhân dịp 300 năm Sài Gòn – Gia Định. Ngoài các chủ đề chính – phụ được cấu trúc như một chương Sonate, tôi đã đưa 2 nhạc cụ Bầu và Tranh vào phần Cadenza, chơi phong cách ngẫu hứng. Đây là 2 nhạc cụ đặc trưng cho vùng Nam Bộ. Tương phản với phần âm nhạc khúc triết của dàn nhạc giao hưởng, phần ngẫu hứng Tranh – Bầu đã phần nào khắc họa được tính cách những con người phóng khoáng, dũng cảm, yêu tự do đi khai khẩn miền đất phương Nam.

Tôi đã viết riêng 2 tác phẩm cho Đàn Bầu. Tác phẩm “Sắc Xuân” viết theo yêu cầu của Singapore – Chinese Orchestra. Đây là dàn nhạc gồm các nhạc cụ châu Á (Trung Quốc) được tổ chức như một dàn nhạc giao hưởng, gồm các bộ hơi, bộ gảy, bộ kéo, bộ gõ… với sự bổ sung nhóm Violoncelli và Contrabassi.

Tác phẩm “Sắc Xuân” (2003) được biểu diễn tại Singapore và tại Festival Âm nhạc châu Á (ACL) tại Đài Loan năm 2018. Với những motif âm nhạc dân gian (đồng bằng Bắc Bộ, Nhã nhạc cung đình Huế, dân ca Nam Bộ)… Tôi đã xâu chuỗi âm nhạc theo hình thức Suite. Dựa vào thế mạnh của Đàn Bầu là tính giai điệu và tính dẫn dắt (lôi cuốn dàn nhạc theo sự phát triển của tuyến giai điệu chủ đạo). Đàn Bầu đóng vai trò “Hướng dẫn viên” đưa thính giả “du lịch” qua các miền quê Việt Nam trong những ngày Xuân – ngày Tết. Đoạn CODA tôi sử dụng thủ pháp Pizzicato, mô phỏng tiếng mõ chùa (không tạo âm thanh cố định mà chỉ là hiệu quả tiếng CHUÔNG – MÕ cùng lời cầu nguyện NAMO-ADI-DA PHẬT.

Sau “Sắc Xuân” tôi đã viết một tác phẩm cho Đàn Bầu và dàn nhạc giao hưởng. Đó là tác phẩm “Đối thoại” (Dialogue) từ suy nghĩ âm nhạc Việt Nam có nhiều điểm nổi bật, độc đáo so với âm nhạc các nước (tiêu biểu là cây Đàn Bầu) nói rộng ra là âm nhạc châu Á có nhiều tính chất khác biệt với âm nhạc châu Âu. Những cặp phạm trù tương phản như: Á - Âu, dân tộc – quốc tế, Diatonic – Pentatonic, dàn nhạc giao hưởng – dàn nhạc Nhã nhạc, âm chuẩn – âm không chuẩn (tự do), truyền thống – hiện đại, hòa thanh chiều dọc – hòa thanh bề ngang… đã thúc giục tôi viết một tác phẩm để trước hết là Đối thoại giữa cây Đàn Bầu với dàn nhạc giao hưởng, đối thoại giữa âm nhạc Việt Nam và âm nhạc kinh điển Academi quốc tế. Sau nữa là ngay trong cây Đàn Bầu cũng tìm ra sự đối thoại tự thân: giữa thủ pháp, sở trường, là Legato – với Staccato, giữa tốc độ chậm – ngân nga với tốc độ nhanh – hoạt bát, giữa âm vực cao – vang với âm vực trầm – lắng sâu… và tiếp tục phát triển theo các cặp phạm trù tương phản trong quá trình sáng tác tôi đã tìm ra nhiều điều thú vị.

Chính vì thế nên khi xây dựng tác phẩm “Đối thoại” ngay từ khúc mở đầu tôi đã thể hiện sự đối thoại ngay trong bộ gõ chia làm 2 bên: một bên hỏi, một bên đóng lại và không đi tới hồi kết. Lúc đó cây Đàn Bầu lên tiếng: Chỉ với 1 dây nhưng trong đó đã chứa đựng những đối thoại tự thân, bằng những quãng 4 đi xuống, hoặc đi lên, âm nhạc đã hình thành ra những câu hỏi và câu trả lời. Trên nguyên tắc đó, đã thiết lập nên quan hệ hỏi – đáp giữa Đàn Bầu và dàn nhạc.

Cũng có lúc 2 bên hòa quyện với nhau hoặc hỗ trợ nhau trong cùng một ý tưởng thống nhất như đoạn chậm Andante, hoặc đoạn kết CODA, khi mà dàn nhạc làm động lực tiết tấu cho giai điệu Đàn Bầu thả sức trưng trổ kỹ thuật và tốc độ như một cuộc thi đua về hiệu quả nghệ thuật gồm 2 nguồn âm thanh, một bên là cây Đàn Bầu mỏng manh – đơn lẻ, một bên là cả một dàn nhạc giao hưởng hùng hậu – mạnh mẽ. Kết quả là có được mối liên minh thống nhất trong đa dạng, tôn vinh giọng chủ đạo chính là cây Đàn Bầu.

So với thời kỳ trước, hiện nay các nhạc sĩ ít viết cho cây Đàn Bầu. Ngoại trừ một số nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú vẫn tiếp tục say mê truyền bá và biểu diễn Đàn Bầu như NSND Thanh Tâm, NSND Hoàng Anh Tú, NSƯT Bùi Lệ Chi, ở nước ngoài có nghệ sĩ Hoàng Bích và Khắc Chi…

Lực lượng nghệ sĩ chuyên nghiệp và những người yêu Đàn Bầu đã tập hợp trong Câu lạc bộ “Những người yêu Đàn Bầu” do NSND Thanh Tâm làm Chủ nhiệm. Hàng năm dưới sự bảo trợ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Câu lạc bộ có tổ chức gặp gỡ, tổ chức Festival Đàn Bầu với hàng chục tay đàn chuyên và không chuyên. Đây là dịp để các tác phẩm mới viết cho Đàn Bầu được giới thiệu ra mắt công chúng.

Khả năng khai thác nghệ thuật diễn tấu của cây Đàn Bầu là phong phú trên cả hai lĩnh vực sáng tác và biểu diễn. Giờ đây ngay các nhạc sĩ quốc tế cũng bắt đầu quan tâm tìm hiểu và viết cho cây Đàn Bầu như tại Festival quốc tế Âm nhạc mới Á – Âu, nhạc sĩ Robert Casteels (Singapore) với tác phẩm “Cụ Rùa” Symphonic poem for Đàn Bầu and orchestra; Natalya Vagner (Australia) với tác phẩm “The ride to the crescent moon” cho Fl, Ob, Vn, Đàn Bầu; Mark Armanini (Canada) với tác phẩm “Dance of Many Colour” cho Chamber Orchestra và 2 Đàn Bầu; Maria Christine Muyco (Philippines) với “Bu(u)kot” (Hidden maiden in a dance) for Chamber Orchestra; Hoàng Bích (Canada) với “The River of Memories” for Dan Bau and  Chamber Orchestra… Dàn nhạc thính phòng cùng Đàn Bầu và múa phụ họa…

Các nhạc sĩ Nhật Bản đặc biệt yêu thích cây Đàn Bầu, tiêu biểu là cố GS.nhạc sĩ Isao Matsushita đã hợp tác với nhạc sĩ Nguyễn Xinh từ những năm 80 của thế kỷ XX để đưa Đàn Bầu sang Nhật Bản và ông đã nhiều lần mời các nghệ sĩ Việt Nam sang Nhật biểu diễn, chính ông đã chỉ huy “Đối thoại” do NSƯT Bùi Lệ Chi biểu diễn với dàn nhạc Buyco Symphony Orchestra tại Tokyo và Hà Nội, và chính tác giả cũng đã chỉ huy tác phẩm “Đối thoại” với dàn nhạc giao hưởng Tokyo Philharmonic Orchestra và Bogotá Philharmonic Orchestra (Colombia)…

Hy vọng trong tương lai các nhạc sĩ sẽ chú ý dành tâm huyết nhiều hơn nữa với cây Đàn Bầu, trong đó có các hình thức độc tấu, hòa tấu kết hợp dàn nhạc dân tộc và dàn nhạc giao hưởng. Đàn Bầu – nhạc cụ Việt Nam độc đáo – độc nhất vô nhị - tiếng nói âm nhạc thuần khiết, một đại diện xúng đáng cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...