“Đãi cát tìm vàng” cho âm nhạc dân tộc
“Nếu âm nhạc dân tộc không thích ứng được với xã hội thì cái chết của nó là không thể tránh khỏi. Nó phải bám sâu vào gốc rễ hàng mấy trăm năm của văn hóa dân tộc nhưng mặt khác nó phải ra lá, ra hoa, phải sống trong môi trường và khí hậu mà chúng ta đang sống”.
Nghệ sĩ Võ Vân Ánh - Ảnh: Lê Tân Sơn
Đó là chia sẻ của nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh (hiện sinh sống tại Mỹ) trong chuyến trở về Việt Nam để khởi động dự án Music bridge - Under 25 - dự án khuyến khích các sinh viên khoa nhạc cụ dân tộc tự sáng tác tác phẩm cho cây đàn của mình.
Nghệ sĩ Vân Ánh nói: “Chúng ta đang đào tạo đóng, tức là chỉ dạy cho các bạn biết chơi đàn thôi mà không nghĩ rằng mình cần phải sáng tác. 30-40 năm nay vẫn chỉ có vậy, bài bản nghèo nàn, nhiều bài không chuyển tải được cái hồn của nhạc Việt. Mà điều quan trọng đối với người nghệ sĩ là phải tạo ra những tác phẩm cho riêng mình, chuyển tải được suy nghĩ, cảm xúc của mình vào. Nếu là một nghệ sĩ chơi đàn giỏi, bạn sẽ thành công, nhưng nếu biết sáng tác, bạn sẽ hoàn toàn khác biệt. Phải làm sao để khi bạn chơi nhạc, người ta nhận ra ngay đó chính là bạn chứ không phải một người nào khác. Sáng tác không phải là cái gì đó cao xa vời vợi không thể với tới. Nghệ sĩ của mình rất giỏi nhưng chưa có điều kiện, chưa biết cách làm sao để suy nghĩ, tạo tiếng nói riêng và tính cách cho âm nhạc cho mình.
Dự án của chúng tôi không chọn cách trao học bổng, bởi học bổng chỉ tốt cho một vài người. Còn nếu bạn tạo ra tác phẩm, kết quả đó sẽ được tái sử dụng bởi nhiều người khác, nó sống và đóng góp cho hệ thống âm nhạc dân tộc Việt Nam”.
* Chị có nghĩ các bạn trẻ chơi nhạc cụ truyền thống hào hứng với dự án này?
- Các sinh viên tham gia chương trình tỏ ra rất hứng thú, bày tỏ rất nhiều thắc mắc về công việc sáng tác. Dự kiến từ nay đến tháng 6-2013 sẽ là thời gian để các sinh viên nộp đơn tham gia dự án. Sau đó, sinh viên sẽ tham gia nhiều buổi đối thoại, chia sẻ trước khi nộp sáng tác vào đầu năm 2014. Các bạn sẽ được chính các nghệ nhân giảng dạy về âm nhạc truyền thống. Ngoài ra, tôi mời chuyên gia nước ngoài trao đổi với các bạn về các xu hướng âm nhạc mới. Mục đích là để các bạn gốc vẫn bám lấy đất của mình nhưng cây lá mọc lên phải phù hợp với thế hệ này, thời tiết này.
* Như vậy, chị sẽ phải giải quyết câu chuyện đang rất nóng trong đời sống âm nhạc dân tộc hiện nay là cổ thì không ra cổ, cải biên thì mất gốc?
- Đó là một thực tế. Rất nhiều người đi học ở nước ngoài, đáng ra phải học cái hay của người ta để làm cho cái của mình tốt hơn. Nhưng nhiều trường hợp đi học về bỏ hết tất cả của mình, bê nguyên xi của người ta vào, biến nó thành cái không phải ta cũng chẳng phải tây. Nếu lấy nguyên của người ta thì sẽ không bao giờ bằng người ta. Ngược lại, có những người chưa hiểu cái cổ, lại cứ hoắng lên bảo tồn này nọ, cuối cùng là mất gốc. Cho nên các bạn sinh viên phải làm việc với nghệ nhân, để họ truyền cho các bạn kinh nghiệm lẫn vốn văn hóa. Khi đã có một cái phông đầy đủ, các bạn sẽ biết mình phải làm gì.
Nhạc dân tộc nếu chết là vì không ai giúp nó biến hóa uyển chuyển để phù hợp với đời sống đương đại. Cho nên, các bạn giữ lại vốn cổ nhưng phải nói được tiếng nói của thế hệ mình, tức là câu chuyện của ngày hôm nay. Khi đó, các bạn mới thấy âm nhạc đó gắn bó máu thịt với bản thân mình.
* Trong công cuộc đãi cát tìm vàng này, chị tin có thể tìm thấy vàng?
- Tôi nghĩ là có triển vọng, tôi tin vào khả năng của thế hệ mới. Nghệ thuật dân tộc không hiếm tài năng, chỉ có một vấn đề làm sao để nuôi được tài năng của các bạn. Mỗi bạn chỉ cần sáng tác một tác phẩm, 60 bạn tham gia đã có 60 bài. Thà thế còn hơn là không có gì. Kể cả có một bạn tham gia thôi, chỉ có một tác phẩm thôi cũng rất đáng trân trọng rồi. Công cuộc này sẽ không thất bại. Tôi sẽ làm ba năm, sau đó sẽ trao lại cho các cơ sở như Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện âm nhạc Huế hay Nhạc viện TP.HCM. Họ sẽ là những người tiếp tục vận hành để giúp sinh viên tìm thấy cá tính của mình trong nghệ thuật.
(Nguồn: http://tuoitre.vn)