Da diết nhạc Jazz

12/01/2015

Những âm thanh đượm buồn của nhạc Jazz vẻ như không hợp lắm với không khí náo nhiệt đầy khí thế của nhạc trẻ hay sự ngổ ngáo của tuổi trẻ trong nhạc rock, pop. Số phận của nhạc Jazz ở Việt Nam là một dấu hỏi.


Các nghệ sĩ trẻ TPHCM rất yêu thích nhạc jazz - blue nhưng thiếu đất diễn. Ảnh: T.N.A

Quá khứ nhạt nhòa

Nhạc Jazz điển hình cho cái mốt “cũ người mới ta” trong âm nhạc. Nhạc jazz thịnh hành từ những năm 1930 của thế kỷ trước, nhưng cái nôi của nó là âm nhạc Mỹ và được du nhập vào Pháp cũng như châu Âu khá chậm, khiến cho phải tới thời Mỹ xâm lược Việt Nam thì nhạc jazz mới được chú ý ở miền Nam. Trước đó người ta chủ yếu nghe nhạc Pháp. Nghệ sĩ nhạc jazz Trần Mạnh Tuấn cho biết “một trong những người ảnh hưởng tới tôi là nghệ sĩ kèn Trần Vịnh của miền Nam trước 1975”. Thời kỳ Mỹ xâm lược, nhiều nghệ sĩ cũng dày công nghiên cứu nhạc jazz. Người ta nói tới nhạc sĩ Hoàng Trọng, một nhạc sĩ cùng thời với Đặng Thế Phong cũng từng nghiên cứu nhiều về nhạc jazz, một tác phẩm của ông với bút pháp hiện đại là bài “Dừng bước giang hồ”.

Miền Nam sau 1975, đời sống âm nhạc xu hướng chống ngoại lai, bài nhạc Mỹ. Linh “xù”, một cây ghi ta chơi nhạc jazz rất hay nói với tôi: “Lúc mới giải phóng, không mấy ai dám nghe nhạc ngoại. Nhà tôi có cái đài Akai, phải giấu trong bàn thờ, sau tấm ảnh thờ, chỉ mở nho nhỏ đủ một vài người nghe như nhạc tụng kinh vậy. Ai vào thì vội chạy tới tắt”. Thời mở cửa, những năm sau 1986, nhạc ngoại được biểu diễn công khai, nhưng các nghệ sĩ chủ yếu biểu diễn nhạc rock.

Nhân chứng nhạc jazz thật hiếm hoi. Một lần, tôi nhìn thấy một nghệ sĩ chơi ghi ta đã ngoài 60 tuổi tập cùng ban nhạc của Trần Mạnh Tuấn, tiếng đàn trầm ấm. Song không hiểu sao, sau lại không thấy anh biểu diễn. Cũng tại Jazz Clup của Trần Mạnh Tuấn ở gần chợ Bến Thành, thỉnh thoảng tôi gặp nghệ sĩ nhạc jazz Tuyết Loan. Chị nói: “Không phải bây giờ, mà trước 1975 thì nghệ sĩ nhạc Jazz cũng ít được biết tới”. Người ta thường nhắc tới tên tuổi của Khánh Ly, Lệ Thu chẳng hạn, với dòng nhạc trữ tình. Trong một quán cà phê, tôi được mời nghe một đĩa nhạc jazz rất hay. Hóa ra người trình bày là nghệ sĩ Tuyết Loan và Album này được người Singapore thu âm từ năm 1995! Xem ra, người Singapore lại nâng niu nhạc jazz Việt Nam hơn người Việt Nam? bởi vào thời điểm 1990 thì vô số đĩa nhạc đỏ, nhạc xanh được in ấn mỗi năm.

Vào nhạc viện

Năm 1996, tôi gặp nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn lần đầu tại quán cà phê ở Hàng Mành. Khi đó anh mới trở về sau một năm học nhạc jazz ở Mỹ. Anh gần như là nghệ sĩ trẻ miền Bắc đầu tiên học dòng nhạc đặc trưng của Mỹ ngay tại Mỹ. Ban nhạc Phương Đông dành nhiều thời gian luyện tập nhạc jazz. Hà Nội “tràn ngập” người nước ngoài. Anh bạn ở cùng chúng tôi là nhạc sĩ Xuân Thủy chơi ghi ta bass tại câu lạc bộ Hồ Gươm Xanh. Buổi tối, quán này đông nghẹt, tiếng nhạc ầm ỹ, vẻ như người ta đến để lấy không khí giao lưu hơn để nghe nhạc.


Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đang truyền nghề cho một sinh viên Hàn Quốc

Cách đây một tháng, trở lại Hà Nội, tôi tìm tới quán nhạc jazz của nghệ sĩ Quyền Văn Minh. Anh em chúng tôi vẫn nhận ra nhau sau mấy năm xa cách. Hồi trước, chúng tôi đón giao thừa năm mới dương lịch trong quán của anh. Quyền Văn Minh đã “dũng cảm” mở quán nhạc jazz đầu tiên cho chính mình biểu diễn, tụ họp nhiều anh em và sinh viên các trường nhạc. Anh Minh kể: “Tớ tự học.

Trước kia chỉ thổi nhạc đám cưới, rồi nghe các ban nhạc jazz nổi tiếng chơi, tự mà nghiên cứu”. Trong khi Trần Mạnh Tuấn tham gia dạy nhạc jazz tại Trường Nghệ thuật Quân đội thì Quyền Văn Minh giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội. Người ta nhận ra rằng hầu hết các trường nhạc danh tiếng trên thế giới đều giảng dạy nhạc jazz, thậm chí lấy lý thuyết nhạc jazz làm nền tảng giảng dạy âm nhạc hiện đại nên Việt Nam cũng không thể quay lưng với nhạc jazz.

Quyền Văn Minh đầu tư vào quán nhạc đến vài trăm triệu đồng, một khoản tiền khổng lồ lúc ấy, nhưng chẳng bao lâu, chủ quán lấy lại mặt bằng. Giờ đây, anh đã tìm được một vị trí có thể nói là “đoàn tụ” với giới âm nhạc, một cái quán nho nhỏ nằm bên hông Nhà hát lớn. Tôi gặp ở đây một buổi tối cuối tháng 11/2014 với nhạc sĩ Phó Đức Phương, gia đình nhà sử học Dương Trung Quốc…

Thú vị nhất là Đạo diễn Quốc Trọng, người thủ vai Xuân Tóc Đỏ kinh điển bỗng ngẫu hứng lên hát cùng tiếng kèn của Quyền Văn Minh.

Con trai của anh Minh là nghệ sĩ trẻ Quyền Thiện Đắc, thế hệ thứ hai du học nhạc jazz đã trở về. Công việc quán xá dường như Đắc dần thay thế bố đảm nhiệm. Nhạc sĩ Quyền Văn Minh mang kèn ra ngoài sảnh thổi cùng bạn bè tóc hoa râm bài “Mười năm tình cũ”.

Những dấu lặng không ngờ

Cách đây vài năm, khi ra Hà Nội, tôi có ghé quán nhạc jazz của hoa hậu Ngô Phương Lan. Quán ấm cúng với ban nhạc jazz - blue rất bùi tai. Nhưng bây giờ quay lại thì quán đã đóng cửa và chủ quán đã lên xe hoa với anh chồng ngoại quốc. Cảnh cũng diễn ra tương tự với quán nhạc jazz Le Petit ở Sài Gòn. Cô Thúy, một người yêu nhạc jazz đã đầu tư tiền tỷ cho tụ điểm của mình, nơi các nghệ sĩ nhạc jazz như Tuyết Loan, Trọng Hiếu biểu diễn. “Người ta đến quán nhạc để giải trí nhiều hơn là để thưởng thức”- Thúy cho biết, cô đã chuyển từ nhạc jazz sang dòng nhạc Bolero và Le petit hiện là nơi biểu diễn thường xuyên của nhạc sĩ Đài Phương Trang với những ca khúc của ông như “Người yêu cô đơn” hay “Căn nhà dĩ vãng”.


Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc quyết tâm nối nghiệp cha là Quyền Văn Minh. Ảnh: T.L

Một khi âm nhạc phòng trà ế ẩm thì nhạc jazz còn “bạc phận” hơn. Năm trước, ban nhạc jazz trẻ mang cái tên ấn tượng là jazz to jazz còn diễn tại Yoko, một quán nhạc ngoại nổi tiếng ở Sài Gòn. Năm nay, họ đã tan đàn sẻ nghé. Quân, tay chơi organ đang tập trung cho các chương trình diễn trên ti vi còn Duy, tay chơi ghi ta tự làm đàn cho mình vì không đủ tiền mua đàn jazz xịn đã nhập bọn với một ban nhạc Tây: “Chúng em vẫn chơi nhạc anh ạ, nhưng chỉ không chơi nhạc jazz nữa thôi” - Duy nói. Thu nhập chính của Duy hiện nay là bán cây cảnh tự trồng. Thật khó miêu tả hết được cảm giác người nghệ sĩ nhạc jazz khi họ bỏ nghề. Để gắn bó với nhạc jazz, không chỉ cần tài năng, lòng yêu nhạc và còn cần sự kiên nhẫn trong tập luyện, thời gian kéo dài đôi khi hàng chục năm. Rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Thanh Lam từng thử sức với nhạc jazz, nhưng rồi họ cũng lại quay về với những dòng nhạc truyền thống của mình. Có người nói nhạc jazz rất ít người nghe, không chỉ vì sự trừu tượng của dòng nhạc thiên về hòa tấu, ngẫu hứng mà đơn giản là “vì nó vốn kén thính giả” - một vài nghệ sĩ kinh nghiệm nói: “Ngay ở Mỹ thì lượng khán giả nhạc jazz hằng đêm cũng rất ít ỏi so với lượng fan của các chương trình nhạc pop, rock, blue hay nhạc đồng quê”.

Bắc những chiếc cầu

Trong vài lần đến thưởng thức nhạc jazz tại quán nhạc jazz của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn - một trong vài điểm hiếm hoi còn diễn nhạc jazz tại Sài Gòn mỗi đêm, tôi được giới thiệu về một nghệ sĩ chơi organ rất hay, đẹp trai, tài năng và đầy hứa hẹn. Không ngờ vài tháng sau, được tin nghệ sĩ này đã nhảy sông Sài Gòn tự tử vì chuyện tình cảm. Để chơi trong ban nhạc của Trần Mạnh Tuấn thì tay nghề không phải là xoàng, nhưng đám tang của anh chàng này khá lặng lẽ, bởi nghệ sĩ nhạc jazz dường như chỉ nổi tiếng trong cộng đồng nhỏ bé và bền bỉ của họ.

Một lần, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho tôi xem một đề án tổ chức festival nhạc jazz quốc tế của Việt Nam. Anh nói: “Tổ chức được, đây sẽ là một festival rất ý nghĩa, thu hút du khách quốc tế. Ở Thái Lan, ở Indonesia hàng năm có mấy liên hoan quy mô, chúng ta thì chưa tổ chức được”. Hai cái khó đối với nhà tổ chức, là số lượng các ban nhạc jazz của Việt Nam không nhiều. Họ chỉ chơi nhạc jazz tay trái và không có ban nhạc ổn định. Cái khó thứ hai là ai sẽ đầu tư cho một liên hoan nhạc jazz ít người nghe ở Việt Nam? Dự án đã được viết ra, vô cùng kỹ lưỡng, nhưng đến giờ, Trần Mạnh Tuấn cũng chỉ biết trả lời : “Vẫn không tìm được nhà tài trợ!”.

12/2014

Một khi âm nhạc phòng trà ế ẩm thì nhạc jazz còn “bạc phận” hơn. Năm trước, ban nhạc jazz trẻ mang cái tên ấn tượng là jazz to jazz còn diễn tại Yoko, một quán nhạc ngoại nổi tiếng ở Sài Gòn. Năm nay, họ đã tan đàn sẻ nghé. Quân, tay chơi organ đang tập trung cho các chương trình diễn trên ti vi còn Duy, tay chơi ghi ta tự làm đàn cho mình vì không đủ tiền mua đàn jazz xịn đã nhập bọn với một ban nhạc Tây

(Nguồn: http://www.tienphong.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...