“Cùng nhau đi hồng binh”: Sống mãi cùng thời gian
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu: TTXVN) |
“Cùng nhau đi hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh…” Hơn sáu mươi năm đã qua đi nhưng âm hưởng hào hùng của khúc tráng ca giữa mùa Thu cách mạng năm xưa vẫn luôn vang vọng; và ngày hôm nay, chúng ta vẫn nhắc tên người nhạc sỹ của “Cùng nhau đi hồng binh” mỗi dịp thu về.
Chuyện của 15 năm trước
Cùng với “Lên đàng” (Lưu Hữu Phước), “Tiến quân ca” (Văn Cao), “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi)… “Cùng nhau đi hồng binh” (Đinh Nhu) đã vang lên như hồi kèn xung trận, thôi thúc toàn dân đứng lên giành chính quyền.
“Giữa không khí sục sôi của cách mạng khi đó, ai cũng nghĩ ‘Cùng nhau đi hồng binh’ ra đời cùng thời điểm với một loạt ca khúc cách mạng rất phổ biến ở thời điểm này. Thế nhưng, sự thật là, bài hát đã ra đời từ trước đó khoảng 15 năm,” nhà nghiên cứu âm nhạc Đình San cho biết.
Khi đó, Đảng Cộng sản Đông Dương mới ra đời, lãnh đạo nhân dân đấu tranh với khí thế sục sôi mà đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931).
Cũng trong thời điểm này, tác giả Đinh Nhu bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam và đày ra Côn Đảo.
“Chính khí thế cách mạng đó đã thôi thúc, tạo nguồn cảm hứng cho tác giả Đinh Nhu viết nên ca khúc này. Cùng với đó, bản thân người nhạc sỹ ấy là một chiến sỹ sớm hòa mình vào dòng thác đấu tranh cách mạng của dân tộc nên ông thấu hiểu sâu sắc không khí cách mạng khi đó. Chất liệu đời sống thực tiễn đi vào lời ca của nhạc sỹ Đinh Nhu một cách tự nhiên,” nhà nghiên cứu âm nhạc Đình San chia sẻ.
“Cùng nhau đi hồng binh” ra đời trong chính xà lim nhà tù Côn Đảo thời kỳ đó.
Xuất phát từ thực tiễn cách mạng nên lời ca của “Cùng nhau đi hồng binh” thể hiện chân thực khí thế đấu tranh, thôi thúc nhân dân vùng lên giành chính quyền. “Nào anh em nghèo đâu/ Liều thân cho đời sống/ Mong thế giới đại đồng/ Tiến lên quân hồng…”
Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam hiện đại, “Cùng nhau đi hồng binh” dễ được phổ biến trong quần chúng lúc đó còn bởi cấu trúc tác phẩm rất gọn, lời ca hàm súc và âm hưởng hào hùng, giàu tính khích lệ, động viên.
Nhà nghiên cứu Đình San cũng cho hay, “Cùng nhau đi hồng binh” được đông đảo giới chuyên môn coi là một trong những bài hát tân nhạc đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. [Tân nhạc (hay còn gọi là nhạc cải cách) để chỉ một kiểu sáng tác nhạc mới; xuất hiện ở nước ta vào khoảng năm 1928. Cùng với trào lưu văn học lãng mạn xuất hiện trước đó vài năm, tân nhạc thể hiện sự thay đổi trong suy nghĩ, cảm xúc và đời sống của người dân đô thị-PV].
Biểu tình giành chính quyền ngày 19 tháng 8/1945 tại Phủ Khâm sai Bắc Kỳ
(Sau Cách mạng tháng Tám là Bắc Bộ Phủ, nay là Nhà khách Chính phủ). (Ảnh tư liệu)
Hừng lên giữa mùa Thu cách mạng
Với thể hành khúc một đoạn đơn, tiết tấu như tiếng kèn xung trận và lời ca biểu hiện ý chí của số đông, “Cùng nhau đi hồng binh” được lan truyền rộng rãi trong Cách mạng tháng Tám 1945.
Nhà nghiên cứu Đình San cho hay, “Cùng nhau đi hồng binh” được đồng bào truyền tai nhau, hát ở khắp nơi trong những cuộc mít tinh, biểu tình tuần hành suốt những ngày tháng Tám lịch sử ấy.
Cùng với đó, những lời ca của “Cùng nhau đi hồng binh” đã liên tục vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam ngay từ những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám, như tiếng kèn xung trận hùng tráng, kêu gọi đồng bào đứng lên giành chính quyền.
Tiếc rằng, “tác giả Đinh Nhu đã không được chứng kiến những giây phút mà ‘đứa con tinh thần’ của mình vang lên cùng bước chân rầm rập của những đoàn quân trong những ngày Thu cách mạng. Trước đó, anh đã hy sinh trong cuộc nổi dậy phá trại giam Nghĩa Lộ cùng tám chiến sĩ cách mạng khác vào ngày 17/3/1945,” ông Đình San bồi hồi chia sẻ.
Hiện nay, khu tưởng niệm chín liệt sỹ tại thị xã Nghĩa Lộ được xây dựng trong quần thể khu di tích lịch sử cách mạng Nghĩa Lộ./.
Nhạc sỹ Đinh Nhu sinh năm 1910 trong một gia đình bán hoa tươi tại Hải Phòng.
Năm 1927, ông tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Cuối năm 1929, ông bị Pháp bắt giam tại Hoả Lò (Hà Nội) rồi kết án chung thân đày ra Côn Đảo. Năm 1936 ông được thả, về Hải Phòng ông tiếp tục hoạt động cách mạng, sau đó lại bị địch bắt giam tại Nghĩa Lộ (Yên Bái).
Ngày 17/3/1945, ông đã hy sinh trong cuộc nổi dậy phá trại giam Nghĩa Lộ cùng tám chiến sỹ cách mạng khác. |
(Nguồn: http://vietnamplus.vn)