Consonnances - Tiếng đàn tranh thương nhớ

26/09/2014

Album Consonnances là món quà mà nghệ sĩ piano và đàn tranh Trí Nguyễn dành riêng cho quê hương, với những tâm tình và thương nhớ của một người Việt thuần túy, trọn vẹn cả tâm hồn và thể tính.

Tôi đã nghe CD Consonnances (dịch nghĩa: Hòa điệu) tới lần thứ năm. Mỗi lần lại thấy tiếng đàn réo rắt tâm tư kia như thấm thêm một lớp tình ý vào lòng mình, cái điệu ý mênh mang và da diết, buồn mà không lụy, thương mà không sỗ, sang mà vẫn thân. Người tặng tôi đĩa nhạc quý này là một nghệ sĩ đã khẳng định được tên tuổi của mình ở xứ người, nhưng luôn đau đáu một niềm hoài hương. Sau 28 năm, cuộc trở về của anh nhỏ nhẹ, bình lặng như một cậu trai lên phố học cuối tuần ghé thăm nhà, khiến người trò chuyện không khỏi ngỡ ngàng.

Anh có vóc dáng của một chàng thư sinh và cách nói chuyện duyên dáng của một người lịch thiệp. Những câu hỏi mà tôi chuẩn bị sẵn, rốt cuộc lại không muốn mang ra sử dụng. Vì quả thực, anh Việt Nam hơn những gì tôi tưởng tượng quá nhiều. Sinh ra trong một gia đình miền Nam có gốc quý tộc, mới năm tuổi rưỡi, anh đã được học piano với gia sư riêng, đồng thời học đàn tranh với nghệ nhân nổi tiếng nhất thời bấy giờ, cố nghệ sĩ Hai Biểu, người mà Trí Nguyễn luôn dành cho lòng kính trọng và thương mến đặc biệt. Anh kể, thầy Hai Biểu dạy nhạc lý cho anh theo đúng kiểu cổ, nghĩa là ký âm ngũ cung Hò Xừ Xang Xê Cống, và những điệu Bắc, điệu Nam, hơi Ai, hơi Dựng… Âm nhạc dân tộc và cây đàn tranh 16 dây đã thấm vào cậu bé Trí Nguyễn một cách bài bản như thế, dù rằng với một đứa trẻ, điều đó thực chẳng dễ như trò chơi.

Anh say sưa kể cho tôi về đàn tranh, về những điệu thức, và về hành trình tìm sự hòa điệu giữa cây đàn Việt Nam với những nhạc cụ phương Tây. Vốn được đào tạo bài bản về piano ở École Normale de Musique de Paris (Trường Sư phạm Âm nhạc Paris), có lẽ đàn tranh với Trí Nguyễn sẽ mãi chỉ là một sở thích đặc biệt, như thư họa, hay cờ vây, cho đến khi một người bạn gợi ý anh nên chơi đàn tranh ở buổi biểu diễn trong khuôn khổ Festival de Musique Classique ở Montreuil, Paris mùa hè năm 2007. Chơi một nhạc cụ hoàn toàn không nằm trong hệ thống nhạc cổ điển phương Tây tại một liên hoan nhạc cổ điển, nhưng phần biểu diễn của Trí Nguyễn lại được đón nhận nồng nhiệt! Phản ứng vô cùng tích cực của khán giả tại buổi diễn đó và những buổi thử nghiệm tiếp theo đã khiến anh tự tin rằng, nghệ thuật không phân biệt biên giới và luôn có khả năng đánh thức những rung động trong lòng người.

Consonnances là album đầu tiên của Trí Nguyễn, kết hợp trình tấu đàn tranh cùng tứ tấu đàn dây của phương Tây những khúc cổ cầm theo đúng thể thức Nhã Nhạc truyền thống.

Album gồm 13 bài (Khóc Hoàng Thiên / Trăng Thu Dạ Khúc / Lý Giao Duyên / Lưu Thủy Đoản / Lý Con Sáo / Sương Chiều / Khổng Minh Tọa Lầu / Nam Ai / Lưu Thủy Hành Vân / Ái Tử Kê / Từ Quy Từ / Rao Buồn / Hoài Xứ), trong đó, có những bài được Trí Nguyễn đưa vào một số trích đoạn ngắn trong những nhạc phẩm cổ điển nổi tiếng của Vivaldi, Beethoven, Mussorgsky…

Trí Nguyễn bắt đầu thu âm Consonnances cùng với nhóm tứ tấu đàn dây Ilios Quartet từ tháng 8/2013 và anh sẽ có buổi biểu diễn ra mắt album vào ngày 26/9 tới tại Paris với bảy tác phẩm trong đó.

Nhưng tôi lại nghĩ, âm nhạc dân tộc, cũng như 16 dây đàn tranh đã trở thành máu thịt và hơi thở của Trí Nguyễn, chờ tới đúng độ mới khai hoa. Cứ cho sự gợi ý của người bạn là một cơ duyên, nhưng với tấm lòng luôn khắc khoải thương nhớ về cố hương, luôn trân trọng những giá trị truyền thống, chắc chắn chỉ có cây đàn tranh mới giúp anh giãi bày trọn vẹn tâm tư, cảm xúc. Giống như cách anh vẫn luôn ký âm cho cây đàn tranh theo ngũ cung, anh không bao giờ có ý định “bắt” đàn tranh phải “gồng mình” chơi nhạc cổ điển hay những nhạc phẩm chuyển soạn. Anh cũng không “phổ biến” âm nhạc dân tộc bằng cách “phối nhạc” theo những âm hưởng hiện đại như một số nghệ sĩ Việt Nam đang làm. Anh tìm sự hòa điệu giữa tư duy và tâm hồn nhạc của hai nửa thế giới bằng cách chọn biểu diễn cùng tứ tấu đàn dây của âm nhạc bác học phương Tây. Và đây đó trong mỗi khúc cầm, anh đưa vào vài câu nhạc trong những nhạc phẩm cổ điển nổi tiếng của Vivaldi, Beethoven, Mussorgsky… như một sự nhấn nhá để làm nổi bật thêm chủ đề “Hòa điệu”. Consonnances thực sự là một bản hòa tấu với vai trò lĩnh xướng nổi bật và vô cùng duyên dáng của cây đàn tranh. Tôi đặc biệt thích hai bản Sương Chiều và Hoài Xứ. Sự kết hợp với violin trong Sương Chiều như vẽ nên một bức tranh thủy mặc thâm trầm u tịch nhưng cũng xiết bao phóng khoáng với tầng tầng lớp lớp mờ ảo chơi vơi tâm tình ẩn kín sau tiếng đàn.

Anh nói, nhẹ bẫng, anh như đứa trẻ đi học xa nhà, được chút thành tích thì chỉ muốn chạy về khoe Mẹ trước tiên. Sau khi Consonnances thành hình và nhận được những đón nhận nồng nhiệt từ phía người nghe nhạc trực tuyến thông qua nhà phân phối, rất sớm thôi, anh sẽ tổ chức một buổi biểu diễn giới thiệu Consonnances tại Pháp. Nhưng anh không muốn trở thành “hiện tượng” trong mắt người nước ngoài trước, rồi sau đó báo giới trong nước mới lại nói về anh như một “Việt kiều” ngay trên quê nhà yêu dấu. Bởi vậy, đầu tháng Chín này, anh đã về Việt Nam, giới thiệu album Consonnances tại TP.HCM. Anh mãi mãi là người Việt, mang tâm hồn Việt và mong muốn được chứng tỏ tính cách Việt ấy. Trên website cá nhân, anh tự nhận mình là An artist from elsewhere - Nghệ sĩ từ xứ lạ, có lẽ cũng bởi niềm mong mỏi nhớ thương luôn chênh chao giữa hai bờ thế giới.

Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, Trí Nguyễn, tên thật là Nguyễn Hữu Trí, sang Pháp tiếp tục theo học chuyên ngành piano tại Ecole Normale de Musique de Paris.

Hiện nay, Trí Nguyễn là nghệ sĩ biểu diễn piano độc lập, thường xuyên được mời giảng dạy tại các lớp Master Class. Bên cạnh piano, anh gắn bó với cây đàn tranh một cách nghiêm túc và đầy đam mê. Anh tuân thủ phương thức chú âm cổ, theo ngũ cung, thay vì chú âm theo hệ thống nốt nhạc phương Tây, điều giờ đây đã không còn phổ biến ngay cả trong những trường lớp đào tạo nhạc dân tộc ở Việt Nam.

Trí Nguyễn đã biểu diễn piano kết hợp đàn tranh trong nhiều sự kiện ở Mỹ và châu Âu. Ở Pháp, anh là một trong những nghệ sĩ quen thuộc trên các kênh radio quốc gia. Anh cũng được mời biểu diễn trong các hoạt động thường niên của giới nghệ sĩ Pháp như Music Festivals, A Village for Artists Festival…

(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn)

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...