Công diễn vở ba lê gây chấn động thế giới cách đây 100 năm

24/06/2013

“Vở ba lê “Nghi lễ mùa xuân” được công diễn lần đầu tiên vào ngày 29/5/1913 tại nhà hát Champs-Élysées (Paris, Pháp). Ngay từ khi mở màn, những tiếng la hét giận dữ rộ lên khắp phía sau dàn nhạc, rồi được đáp lại bằng những tiếng chửi thề từ các ban công nhà hát”.

Ngày 21/6, ông Nicolas Bergeret, Trưởng văn phòng Trung tâm văn hóa và hợp tác Pháp tại TPHCM đã giới thiệu như trên về vở ba lê mà trung tâm sắp đưa đến Việt Nam công diễn trong khuôn khổ năm Việt - Pháp. Vở ba lê “Nghi lễ mùa xuân” này được tác giả người Nga Igor Stravinsky sáng tác và vở công diễn đầu tiên do Vaslav Nijinski làm biên đạo múa.

Vở “Nghi lễ mùa xuân” sẽ diễn tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, mỗi nơi diễn 1 suất duy nhất

(ảnh: Tổng lãnh sự quán Pháp tại TPHCM)

Tác giả Stravinsky từng miêu tả: “Nghi lễ mùa xuân không có cốt truyện. Đó là một chuỗi các nghi thức tại nước Nga xưa. Tôi tưởng tượng ra khung cảnh của một nghi lễ đa thần: những nhà hiền triết lớn tuổi, ngồi thành vòng tròn, quan sát điệu nhảy trước ngưỡng cửa cái chết của cô gái trẻ mà họ hiến tế cho vị thần mùa xuân”.

Theo ông Nicolas Bergeret, sở dĩ vở ba lê này khiến cả nhà hát rất nổi tiếng tại Pháp hỗn loạn trong đêm công diễn đầu tiên là vì cả phần nhạc lẫn phần vũ đạo quá mới lạ, khó mà chấp nhận được trong thời điểm ấy. Thế nhưng, đến nay nó đã được đánh giá là 1 trong những tác phẩm lớn nhất của thế kỷ XX.

Vở “Nghi lễ mùa xuân” không chỉ nổi tiếng vì yếu tố mới lạ, phá cách mà còn nổi tiếng vì độ khó của bản nhạc. Nhiều nhạc công rất khó khăn để trình diễn hoàn tất bản nhạc, các biên đạo múa thì đau đầu vì “nhạc như thế làm sao mà múa”.

Ông Nicolas Bergeret cho biết: “Đến nay, bất kỳ nhạc công nào xin vào các đoàn nhạc lớn đều được yêu cầu chơi 1 đoạn trong vở ba lê này. Còn các nhà biên đạo múa thì không ai không mơ ước được 1 lần tái dựng nó và đưa lên sân khấu”.

Vào năm 2012, nhà biên đạo múa Jean-Claude Gallotta đã tái dựng thành công vở “Nghi lễ mùa xuân” này. Cuối năm 2012, vở ba lê này đã được công diễn tại nhà hát Thành phố (Pháp).

 

Vở “Nghi lễ mùa xuân” sẽ chỉ có 1 suất diễn duy nhất tại TPHCM (20h ngày 27/6 tại nhà hát Bến Thành) và 1 suất diễn tại Hà Nội (20h ngày 29/6 tại nhà hát Tuổi Trẻ).

Theo ông Nicolas Bergeret, Gallotta là 1 trong những nhà biên đạo múa tài danh nhất nước Pháp. Ngay từ những năm đầu thập niên 1980, Gallotta đã được xem là một đại diện quan trọng nhất của nghệ thuật múa đương đại Pháp. Cho nên, theo ông thì khán giả Việt Nam sẽ hài lòng với tác phẩm “Nghi lễ mùa xuân” nổi tiếng khắp thế giới 100 năm trước qua sự tái hiện của nhà biên đạo múa tài danh này.

Trong vở ba lê do mình biên đạo, Gallotta có một chút điều chỉnh nhỏ trong nội dung. “Không chỉ có duy nhất một “Cô gái bị hiến tế” như trong nguyên bản. Trong vở mới này, Gallotta sắp xếp để mỗi nghệ sĩ nữ sẽ lần lượt là người được chọn làm “Cô gái bị hiến tế” – ông Nicolas Bergeret nói.

Ông khẳng định: “Phiên bản lần này được thể hiện bởi những vũ công tràn đầy sức sống và năng lượng, nhưng chất lượng của từng động tác vẫn hết sức tinh tế. Phối cảnh được tinh giản hết mức và nhờ đó, thông qua sự trống vắng để làm nổi lên sức sống mạnh mẽ của những đường nét cơ thể và sự xù xì của phần nhạc. Vở diễn chỉ kéo dài chừng 1 tiếng đồng hồ nhưng sẽ có nhiều tình tiết dồn dập với nhau…”.

Dự kiến nhà biên đạo múa Gallotta và 16 vũ công sẽ đến TPHCM 2 ngày trước khi công diễn suất đầu tiên để tập dược. Trong buổi tập trước khi công diễn, học viên trường múa TPHCM cũng được mời dự để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các vũ công đến từ Pháp.

(Nguồn: dantri.com.vn)  

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...