Con bướm xuân và giấc mộng thăng hoa

24/02/2014

Trước khi đến với “Con bướm xuân” để trở thành hiện tượng âm nhạc của tết năm 2014, ca khúc đại chúng Việt Nam nói chung đã bước vào thời kỳ suy thoái, không còn xuất hiện những tác phẩm nổi đình nổi đám như thời nhạc Việt mới lên ngôi, cũng không bội thu nhiều ca khúc vượt thời gian như thời đầu đổi mới (1986). Trong sự sôi động, dồi dào về số lượng trên thị trường, đời sống âm nhạc lại vắng vẻ, tẻ nhạt đến lờ nhờ một sắc đơn điệu, nghèo nàn. Tư duy cái cũ bỏ quên lâu ngày thành cái mới lên ngôi, dọn đường cho giải pháp lấp đầy khoảng trống hư vô bằng cách cover lại một bản nhạc ngoại từng được biết đến vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước là “Trung Quốc cha cha cha” lột xác thành “Con bướm xuân” Việt Nam.


(Ảnh trích từ youtube)

1. Cái đẹp thời Thẩm mỹ viện lên ngôi

Chúng ta có thể link các dữ kiện bên ngoài xã hội với những hiện tượng xảy ra bên trong văn hóa. Cách đây vài năm, người mẫu Phi Thanh Vân đầu tiên lên tiếng thừa nhận sắc đẹp bản thân nhờ hỗ trợ của công nghệ giải phẫu thẩm mỹ. Sự kiện đó đã gây sóng gió trên dư luận và kéo theo làn sóng làm đẹp bằng công nghệ giải phẫu thẩm mỹ. Câu chuyện “Con bướm xuân” của mùa xuân năm nay cũng có những điểm tương đồng văn hóa với hiện tượng trên. “Con bướm xuân” không ra đời từ vũ điệu chuyển kiếp tuyệt diệu trong thiên nhiên mà lột xác, thoát xác bởi công nghệ “giải phẫu thẩm mỹ”, từ việc cover một bản nhạc Hoa cũ, khoác lên bộ cánh mới lời Việt, phối khí theo phong cách nhạc Dance và những màn trình diễn gắn liền với múa minh họa đang trở thành thời thượng của nhiều ngôi sao Vpop. Từ đó, “Con bướm xuân” trở thành thực thể mới, thay đổi rõ rệt về thân phận và đặc biệt là vận hội. Tuy nhiên, do gắn kết với vũ điệu cha cha cha, nên “Con bướm xuân” vẫn không thoát khỏi tính chất nửa vời của dòng nhạc Latinh thịnh hành vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước với nội dung phản ánh phong khí Âu hóa của xã hội Trung Quốc (Đài Loan) thời bấy giờ. Tiếng vọng của vũ điệu Cha cha cha để lại một cách xuyên suốt qua cách tiến hành giai điệu và lời ca còn bỏ ngỏ chưa được Việt hóa. Sau khi khoác lên tấm áo mới bằng lời ca, tiết điệu, cách trình bày của ca sĩ, vũ điệu Cha cha cha Trung Quốc (phương Đông) đã chuyển hóa thành “Con bướm xuân” Việt Nam!

“Con bướm xinh, con bướm xinh, con bướm đa tình
Đùa vui với lũ hoa đóa hoa mai lan đang hòa mình
Con én bay, con én bay, con én la đà
Tựa bày tiên nữ trong khúc nhạc tình cha cha cha”

Có lẽ, dấu ấn nguyên tác đã ràng buộc người viết lời (Việt) vào khuôn khổ của vũ điệu Cha cha cha, nên cuối mỗi đoạn nhạc, hư từ “cha cha cha” lại xuất hiện như một minh chứng cho thân phận “Đầu Ngô mình Sở”. Xét về phương tiện biểu hiện trong ngôn ngữ âm nhạc, đây coi như một phương diện được ghi nhận mới mẻ rõ rệt. Còn cái lạ nằm ở chỗ, “Con bướm xuân” vốn là một ca khúc “nhạc già” sau khi Việt hóa đã trở thành nhạc trẻ. Quá trình trẻ hóa đó hiển nhiên đã đi qua khoảng thời gian dài bị giãn cách với thị hiếu, lãng quên, ngủ vùi trong mấy chục năm ít được nhiều người biết đến. Điều đó dường như tạo cho ca khúc cũ cái mới về mặt cảm quan. Ngoài ra, sự tạo tựu của bối cảnh văn hóa đóng vai trò then chốt đưa tác phẩm lên ngôi như một sự kiện văn hóa (chứ không phải âm nhạc). Nó phảng phất những dấu hiệu trái gió trở trời, trái tính trái nết của một trong nhiều hiện tượng văn hóa xứ sở, cũng giống như thời tiết Nam Bộ trong không khí se lạnh những ngày đầu xuân, tuy đẹp quyến rũ, nhưng đong đầy tính chất biến ảo, dị thường.

2. Vô thức tập thể

“Mơ mộng” có lẽ đang trở thành tâm điểm trong ca khúc Việt Nam. Hầu hết các ca khúc đang trên đường hướng quay trở về giấc mơ cá nhân. Đứng trước hiện thực bị đánh mất niềm tin, giá trị nhân văn đi vắng và truyền thống đạo đức ngủ vùi trong lòng dĩ vãng mênh mông, mơ mộng trở thành biện pháp dễ dãi nhất để đặt chân lên cõi Đào nguyên từ nấc thang hiện thực. Trên bề mặt xã hội bề bộn, lộn xộn những giá trị giả tưởng, mâu thuẫn nhau cộng tồn, khuynh hướng này phản ánh mức độ bao dung, chấp nhận mọi hiện tượng từ thượng vàng đến hạ cám nhằm đưa đẩy bối cảnh văn hóa đến chỗ hỗn tạp, bất phân nhiều giá trị và nhấn chìm chân giá trị vào cõi tù mù, giả tưởng. Sa đà vào “hư cấu lãng mạn” dẫn con người tới thực trạng giả dối kép, tự dựng lên những chuyện tình “thương vay khóc mướn” lạc lõng giữa thời hiện đại. Sự trở về tâm thái lãng mạn qua nhiều ca khúc báo trước sự thiếu vắng nền tảng triết học và tư duy thẩm mỹ tương ứng. Có thể thấy, hiếm thời kỳ nào mà ca từ trong ca khúc tệ hại như thời cận đại. Nó là kết quả tổng hợp của giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường yếu kém, sự hun đúc của bối cảnh văn hóa sa sút và sự phát tác của chiếc mặt nạ kỹ trị. Đứng trước hiện thực bị chao đảo, lạc mất phương hướng, niềm tin, con người dễ dàng tự lừa phỉnh, quay lưng với hiện thực để trở về nội tâm, thăng hoa bằng những giấc mộng huyền vi cá nhân. Vì, thiếu nền tảng triết học, tư duy thẩm mỹ lãng mạn và một bối cảnh thiết thực của xã hội đương đại quy mọi cá nhân vào chỗ không thể thoái thác, nên dòng cảm thức lãng mạn bị trôi dạt về miền huyễn tưởng mê hoặc, thiếu khả năng cộng thông do chỉ dựa trên một chiều thuần túy hư ảo.

“Xuân ngất ngây, xuân ngất ngây, xuân có hương hoa
Nàng xuân đến với bao nhiêu say mê yêu đậm đà
Tia nắng mai, tia nắng mai, tia nắng chan hòa
Bầy lộc non biếc xanh trên cành cha cha cha...”

Nếu không xuất hiện câu vĩ thanh “cha cha cha” với tần suất lớn, “Con bướm xuân” chắc hẳn cũng làm nên tính hoàn hảo của mình! Nhưng, nó vốn là một hợp thể chưa được lột xác, chuyển kiếp rốt ráo, nên còn để lại trên thân xác mới thân phận cũ. Từ đó, cả “Trung Quốc cha cha cha” và “Con bướm xuân” đều có tính chất lẳng lơ vốn có của vũ điệu gốc La tinh, sau khi chuyển sang nhạc Dance Vpop, không khí ấy vẫn được bảo lưu như một nhân tố mang tính “di truyền”.

“Tia nắng mai tia nắng chan hòa
Bầy lộc non biếc xanh trên cành cha cha cha
Gió phất phơ ru nhẹ, làm rơi cánh hồng đào
Ríu tít chim non chuyền cành cây đó ồn ào
Nàng ngồi hong tóc bên hiên nhà
Chàng nhìn mây trắng bay xa mờ
Tuyệt vời trong bức tranh sơn nhạc tình cha cha cha…

Rõ ràng, cảnh sắc, con người, chim muông, hoa lá… mùa xuân đều đang say mê, lả lơi, tỏ tình, ve vãn nhau trong cảnh xuân rộn ràng, không kém phần xô bồ… Dù hình ảnh cố tạo nên thơ, chất mơ, chất tình đậm đà, nhưng tiền kiếp của “Con bướm xuân” vẫn theo đuổi làm nên tính chất phong tình của nó.

“Em ước mơ, em ước mơ, em ước mơ không
Tuổi xuân má thắm đôi môi em xinh duyên như nụ hồng
Em ước mơ, em ước mơ, em ước mơ gì
Một trời xuân có chim ca vang mừng em vu quy…”

3. Giấc mộng chóng tàn

“Con bướm xuân” vốn là một ca khúc Hoa, sau khi chuyển hóa sang lời Việt đã hóa kiếp trở thành bướm với bộ cánh lung linh sắc màu, chao liệng trên bầu trời năm mới 2014. Tiếp nối Gangnam Style nổi đình nổi đám của năm cũ, “Con bướm xuân” đã kế thừa “vận hội” này vững bước vào những ngày đầu xuân năm nay. Với xu hướng “sớm nở tối tàn” điển hình của những hiện tượng âm nhạc thời kỳ Hậu hiện đại mà mọi thứ đều nhanh chóng sinh ra và mất đi, “Con bướm xuân” cũng sẽ không là một ngoại lệ. Sự thoát xác hóa bướm ẩn hiện dấu hiệu báo trước cho một hiện tượng văn hóa chóng vánh lại tái diễn. Năm 2013 Gangnam Stlye mới dừng lại ở ngưỡng cửa nhạc Hàn du nhập vào văn hóa Việt. Còn “Con bướm xuân” đã hội nhập sâu hơn, có “nội dung” Việt Nam hơn, song qua đó càng thấy rõ khoảng trống, lỗ hổng, khiếm khuyết trên nền văn hóa đại chúng.

Như đã trình bày, “Con bướm xuân” vốn là một ca khúc “nhạc già” ở Đài Loan, sau khi “giải phẫu thẩm mỹ” mang dáng dấp của nhạc trẻ Việt Nam và tiếp tục khoác thêm bộ cánh của tuổi teen. Do đó, nó phù hợp với nhiều đối tượng đa dạng, từ mới lớn, thanh niên, trung niên đến ngấp nghé về già với khát khao trẻ hóa vĩnh hằng. Cuộc sống thường nhật đã bào mòn đi tuổi thanh xuân của nhiều người. Họ càng ngày càng có nhu cầu được trở về tuổi xuân trong những ngày đầu năm đặc biệt mà ngay cả đất trời cũng làm duyên làm dáng cho mùa xuân hồn nhiên. “Con bướm xuân” nhắc chúng ta nhớ tới câu truyện “Giấc mộng Nam Hoa”, trong đó nhân vật Trang Chu mơ thấy mình thành bướm, sau khi tỉnh dậy, Trang Chu không biết mình vừa mơ hóa bướm hay bướm kia đang mơ thành Trang Chu?

Khoan hãy bàn về khía cạnh triết học sâu sắc của câu truyện, chỉ xét riêng quá trình chuyển kiếp của “con bướm” trong những ngày đầu xuân này, ta có thể link hai dữ kiện trên lại với nhau nhằm lý giải cho hiện tượng “Con bướm xuân”. Bất kể, “Trung Quốc cha cha cha” đã mơ thành “Con bướm xuân” hay “Con bướm xuân” đang mơ giấc mơ “Trung Quốc cha cha cha”, văn hóa Việt Nam vẫn cần một chuyển biến sâu sắc để vươn tới cảnh giới“tỉnh thức”, chứ không chỉ hóa bướm chập chờn trong những ngày đầu xuân ngắn ngủi.

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.