Có những nghệ sĩ tên Chơi

21/10/2013

Ông thứ Sáu, cũng tên Chơi, nhưng là chơi trong làng hò. Ông là tay hò cự phách không ai sánh nổi. Ngày nay còn những tay hò “bứt xương sống” tuổi tác thấp nhứt phải trên lục tuần đều vinh dự tự xưng là đệ tử của Sáu Chơi.

Hỏi kỹ, mười người như một, chưa từng biết mặt, chưa từng nghe người “nghệ sĩ nhân dân” ấy hò, nhưng họ tả như đã từng cày cấy với ông trong đám ruộng, từng thả mái chèo trên sông Đốc Binh Kiều, hay chia sẻ bao nỗi thăng trầm với ông vậy. Uổng biết bao, phải chi ông còn sống! Mỗi khi ông cất giọng hò thì… nước đang ròng lòi bãi bỗng lớn ngập bờ, trời đang sáng mà ngỡ đã tối rồi, con gái thất tình đau tương tư mà nghe ông thả giọng trầm thì…


Ảnh: Khắc Hiếu

Em nghe anh bỏ giọng trầm

Hồn xiêu phách lạc vàng cầm em cũng buông.

Còn con trai đang thất cơ lỡ vận yếu xìu, bỗng phấn chấn:

Dây bìm bìm lá cũng bìm bìm

Dẫu tối trời như mực anh cũng tìm theo em.

…Đúng là một bài thơ đầy chất lãng mạn để tôn vinh về một người nghệ sĩ, mà chắc là không có bài thơ nào nói về một ca sĩ hay và đẹp đến như vậy. Chớ phải chi ổng còn sống, chớ phải chi ông sống lại! Thôi hết rồi, đất này trời sanh có một người hay như ổng mà thôi!

Chúng tôi mải miết đi theo tiếng đồn của một giọng hò. Và đi, trong những cơn mưa đầu mùa về đất Gò Tháp, lặn lội tới miệt Nha Mân nổi tiếng “gà hay, gái đẹp”… miệng lầm thầm van vái: “Ông Sáu Chơi ơi! Ông hãy cất giọng cho đất Tháp Mười qua cơn lũ lụt, đồng lúa bạt ngàn. Ông hò đi ông Sáu, cho đôi chân chúng cháu hóa đôi hài ngàn dặm tìm được gặp ông. Ông Sáu hò đi ông Sáu, cho nắng trưa dịu lại, và cơn khát đi tìm ông bỗng hóa rừng dừa, buồng sai trĩu nặng, “giải khát” cho con cháu”.

Trời không phụ lòng người! Kìa! Ông Sáu đã hiện lên. Ông bước vào sự ngưỡng mộ bằng tâm linh của tất thảy đang tồn tại quanh đây. Ông cất tiếng rao văng vẳng:

Hò ơ… Anh mất cái hộp quẹt, bực đà quá bực

Dang tay đấm ngực, căm đã quá căm

Đũa so le đôi chiếc khó cầm

Liệu sao thì em liệu, chớ thương thầm quả thiệt khó thương.

Ông tiếp nối tiếp nối mải miết giọng hò vút lên cao xé gió xé mây. Rồi từ trên trời xanh mây trắng, ông lại lặn xuống với tiếng trầm của cây đờn cò bài Xuân Nữ, ông chúc tụng, tỏ tình, chào hỏi, dẫn tích xưa, than thở công cuộc mần ăn. Giọng hò của ông lúc thì chọc cho thiên hạ cười thầm nôn ruột, lúc lại buồn thấu ruột thấu gan.

Đã vậy rồi mà cái hơi của ông hãy còn dư. Cảm xúc ngập tràn, ngoài cánh đồng hoang kia dường như có một người đàn bà đang đi tới, than thở trong mưa lạnh mà không hề giấu giếm:

Mãn mùa rồi đồng lấp lúa xanh

Còn gì đi cấy để gặp anh cho thường

Chắc là ông Sáu, người nghệ sĩ của nhân dân là nguyên nhân của nỗi nhớ thương. Chiều nay thì anh về xứ, còn để em ở lại mà thương vì bóng nhớ vì hình. Cái âm vang xa xưa ấy đang hầm hập ngoài cánh đồng thực hư trong nắng cháy. Dù là trong vầng sáng của tâm linh, nhưng âm thanh ngọt bùi mùi mẫn ấy, vẫn biểu hiện từ những người con gái đã một thời say đắm tài ba của ông Sáu Chơi.

Trong đó có dì Hai Chơi. Chúng tôi bước vô sân nhà, khom lưng, khi đi qua bàn “ông Thiên”… Ông bà ta ở miệt vườn ngày xưa, thường đặt con tên là Chơi. Chơi, khi còn con nít là chạy nhảy vui chơi, không ốm đau quặt quẹo. Còn Chơi, đã lớn rồi thì phải biết cách Chơi:

Hò chơi đôi câu có chi đâu mà sợ

Chiều hai đứa lên bờ anh trả căn nợ cho em

Ôi, cũng vì cái tên Chơi mà phái nữ có bài “tình ca” nghe “bứt xương sống” cho một thời đã yêu, một thời đã hò sau đây:

Tôi khéo khen anh Sáu Chơi, hò cuộc cũng hay, mà hò mép hò môi thời cũng lẹ. Anh cất tiếng lên rao thiệt giòn mà khi anh hát lên cao hay thả giọng trầm như đờn cò Xuân Nữ, có oán có ai, có hồi rỉ rả rồi anh dứt chót giọng hò hơi đã còn dư…

Quả vậy:

Thiếp đứng gần chàng như vàng chín nén

Chàng đứng gần thiếp hơn chén thuốc tiên.

Dì Hai Chơi dứt giọng, nghe cũng đủ mùi thấu ruột thấu gan, thì đâu phải là huyền thoại, đâu phải chuyện ngày xưa. Vì, còn đó:

Mả ai chôn tại bìa gò

Phải chăng người nghĩa dứt câu hò chôn đây.

Ôi, hò cho tới chết, hát cho tới chết, để còn lại người nghệ sĩ - người nghĩa!

(Nguồn: http://phunuonline.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...