Có một người đồng hành cùng văn nghệ sĩ

16/01/2018

 

Chỉn chu, nhỏ nhẹ vừa… đủ theo đúng kiểu công chức cũ điển hình, ông Huỳnh Văn Ngàn luôn khiến người đối diện ngạc nhiên khi được giới thiệu là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, điều hành đến 7 nhà sáng tác văn học nghệ thuật trên cả nước. 

Nhưng với giới văn nghệ sĩ, ông là người bạn đồng hành tin cậy. Kể cả nhiều cây bút nổi tiếng, thuộc hàng “ăn sóng, nói gió” nhất, khi kể chuyện hậu trường văn nghệ vẫn hay nhắc về ông với tư cách là người tốt tính và… chơi được.

Có một chuyện khá lạ là trong nhiều dịp trò chuyện thân tình của các văn nghệ sĩ, ông Huỳnh Văn Ngàn thường không “xuất hiện” với vai trò của một giám đốc Trung hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, đang điều hành đến 7 nhà sáng tác trên cả nước. 

Ông hay được nhắc đến như một người bạn, thậm chí được gọi một cách thân thiện pha chút tếu táo là… người phục vụ lâu năm nhất cho văn nghệ sĩ  hay “bà đỡ” lâu năm cho tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam. Biết chuyện, ông Ngàn không giận, thậm chí còn rất vui vẻ.

Năm 1986, lần đầu tiên công chức trẻ Huỳnh Văn Ngàn tiếp nhận công tác tại Nhà sáng tác Đà Lạt. Đây là một trong các cơ sở có nhiệm vụ đón tiếp, phục vụ, hỗ trợ văn nghệ sĩ cả nước tập trung dồn sức sáng tác trong một khoảng thời gian nhất định hàng năm. Nhà sáng tác vốn là một biệt thự cũ được xây dựng từ thời Pháp. Khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chủ nhà đã bỏ lại. 

Năm 1983, biệt thự được bàn giao cho Bộ Văn hóa. Thời điểm tiếp nhận, biệt thự chỉ còn xác nhà không. Nhà vệ sinh được tận dụng để… nuôi heo. Chất đốt mang vào sử dụng tùy ý nên nền nhà, tường đều nhếch nhác. Cả Nhà sáng tác chỉ có 5 người, kiêm tất cả các công việc, từ quản lý đến dọn dẹp, phục vụ cơm nước. 

Khách đến ở đều là những “cây đa, cây đề” của giới văn học nghệ thuật cả nước như nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Sáng… 

Ông Ngàn trong phòng để các tặng phẩm của các văn nghệ sĩ.

Thế nhưng, trái với lo lắng của ông Ngàn, hầu hết các văn nghệ sĩ đều rất điềm đạm, lịch thiệp. Ông vô cùng ngạc nhiên khi có những văn nghệ sĩ, bề ngoài khá dữ dằn nhưng cư xử vô cùng nho nhã. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì luôn như một thế giới khác. Trong khi thời sự, chính trị là đề tài quen thuộc của nhiều nhà văn, nhạc sĩ họ Trịnh ít khi để tâm tới chuyện thời cuộc. Ông chỉ tập trung cho tác phẩm của mình…

Nhớ về khoảng thời gian này, ông Ngàn kể rằng, tiêu chí chọn nghệ sĩ đi Nhà sáng tác chưa cởi mở và rộng rãi, chỉ có văn nghệ sĩ là hội viên của các hội văn học, nghệ thuật trung ương mới có tiêu chuẩn. Số lượng người đến ở Nhà sáng tác Đà Lạt mỗi đợt không nhiều mà lịch sinh hoạt ít ai giống ai nên không thể vận dụng cơ chế hành chính thông thường.

Nhà văn Tô Hoài có thói quen làm việc liền một mạch. Có ngày nhà văn làm việc từ sớm đến 3 giờ chiều, có ngày viết từ chiều đến gần sáng ngày hôm sau. Theo quy định, cán bộ nhân viên không được làm phiền nghệ sĩ khi họ đang làm việc. 

Nhà văn Tô Hoài tuổi đã cao. Sợ ông gặp sự cố sức khỏe bất ngờ, cán bộ nhân viên của nhà sáng tác thường cắt cử, thay phiên nhau qua lại bên ngoài nghe ngóng động tĩnh. Đến bữa, nhà văn chưa kịp xuống ăn, người phục vụ để phần cơm canh. Cũng may là thời tiết Đà Lạt lạnh nên thức ăn được bảo quản. 

Khi nhà văn tạm nghỉ, người phục vụ chỉ việc hâm lại thức ăn cho nóng. Thời điểm này, mức chi 5.000 đồng đến 10.000 đồng cho mỗi người một ngày khá cao so với mặt bằng chung nên Nhà sáng tác cũng dễ xoay xỏa. Có lấn cấn chăng là về thời gian phục vụ. 

5h sáng, Nhà sáng tác phải có sẵn nước nóng. Đun nước thủ công nên người phục vụ phải làm việc từ 4h sáng. Giờ nghỉ trưa, chiều, tối đều thất thường. Thế nên, việc ông Ngàn không kịp tạt qua nhà vài ngày liền cũng đã trở thành quen với vợ, con, dù rằng, gia đình ở ngay Đà Lạt…

Hơn 30 năm gắn bó với công việc của người quản lý các nhà sáng tác, lượng nghệ sĩ ông Ngàn tiếp xúc, làm việc chắc chắn lớn hơn con số 3.000 văn nghệ sĩ hiện tại của cả nước. 

Ông chia sẻ rằng, nghệ sĩ đích thực thường cá tính. Nghệ sĩ có tài càng cá tính, đôi khi còn “giàu” tật. Nhà sáng tác được thành lập nhằm hỗ trợ nghệ sĩ tập trung sáng tạo. Nếu người làm quản lý như ông không dung hòa được những thủ tục hành chính với các cá tính ấy, mục đích tốt đẹp của nhà sáng tác sẽ không thành.

Làm việc lâu năm, ông Ngàn vô tình thuộc luôn tính nết, thói quen làm việc của nhiều người. Việc nắm bắt những cá tính thói quen rất đặc thù của cá nhân người nghệ sĩ, của từng bộ môn văn học, nghệ thuật giúp ông có cách sắp xếp, bố trí công việc hiệu quả hơn, tìm được cách phối hợp với người nghệ sĩ sáng tạo. Khi được hiểu và thông cảm, nghệ sĩ sẽ vô cùng xuề xòa, chân thành, dễ mến. Cũng nhờ sự chân thành và xuề xòa này mà không ít lần ông “thoát hiểm” trong gang tấc.

Vào khoảng những năm cuối 80, đầu 90, Liên Xô cũ có nhiều biến động. Ở trong nước, đời sống văn nghệ rất phức tạp. Một đợt đón văn nghệ sĩ vào nhà sáng tác Đà Lạt, khá nhiều văn nghệ sĩ tại địa phương đồng loạt vào thăm đồng nghiệp. Việc nghệ sĩ vào thăm nhau không lạ nhưng kéo thành đoàn vào thăm nhau thì hơi lạ. 

Nghệ sĩ lại không kiêng dè gì, hồn nhiên hội họp một nhóm ngay tại nhà sáng tác, bàn việc soạn thảo văn bản, luận cương này nọ. Nếu văn bản phát tán, cơ quan điều tra truy ra nguồn gốc từ nhà sáng tác, chắc chắn, người phụ trách quản lý như ông không thể không chịu trách nhiệm. Vì vậy, ông kiên quyết đề nghị văn nghệ sĩ muốn nhóm họp thì ra bên ngoài nhà sáng tác. Vụ việc được giải tỏa, dù sau đó, một số văn nghệ sĩ không hài lòng.

Ông Huỳnh Văn Ngàn và giây phút thảnh thơi cuối ngày sau những bộn bề công việc cuối năm.

Theo yêu cầu công tác, năm 2002, ông Huỳnh Văn Ngàn chính thức tiếp nhận vị trí Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tại Hà Nội. Làm giám đốc một nhà sáng tác đã phức tạp, làm giám đốc của một trung tâm gồm nhiều nhà sáng tác còn phức tạp hơn gấp nhiều lần. Con cái đã bắt đầu trưởng thành, vợ ông lại là một cán bộ văn hóa của Đà Lạt nên ông không khó để “đả thông” tư tưởng gia đình. 

Nhưng, với công việc thì không dễ. Ở tạm cơ quan một thời gian ngắn, để tránh va chạm mang tính vụn vặt, ông xin thuê nhà công vụ của Bộ. Kinh nghiệm, các mối quan hệ với văn nghệ sĩ trong nhiều năm làm việc tại Nhà sáng tác trở thành tài sản quý với ông lúc này.

Đáp ứng quy định của cơ quan và để tránh các tình huống tương tự từng xảy ra tại Đà Lạt, Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật yêu cầu tất cả văn nghệ sĩ đến các nhà sáng tác đều phải thông qua giấy giới thiệu, xác nhận của tổ chức hội trung ương và địa phương, hoặc một đơn vị có uy tín. 

Với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, cá tính mạnh, việc xin chữ ký lãnh đạo bị coi như là hạ mình xin xỏ. Họ nhất định không làm. 

Trong đời sống văn hóa văn nghệ nước nhà, ông Ngàn cũng đã quá quen chuyện nghệ sĩ này không phục nghệ sĩ khác, không “chơi” với nghệ sĩ khác. Nếu đúng thủ tục hành chính mà làm, chắc chắn, nhiều trường hợp sẽ không giải quyết được. Nhà văn Chu Lai và tiểu thuyết “Mưa đỏ” là một điển hình.

Nhà văn Chu Lai là con của nhà viết kịch Học Phi. Ông Huỳnh Văn Ngàn cũng từng khá nhiều lần đón tiếp nhà viết kịch gạo cội này lên Nhà sáng tác Đà Lạt. Chu Lai nổi tiếng là nhà văn tài hoa nhưng lãng tử cũng… vô cùng. Một ngày kém đẹp trời, nhà văn gọi điện cho Giám đốc Ngàn kèm một loạt các ý tưởng, đề cương mới. 

Nhiều năm gắn bó với các văn nghệ sĩ, hơn ai hết, ông Ngàn hiểu, với họ, ý tưởng sáng tạo quan trọng đến thế nào. Chu Lai lại quảng giao, thậm chí cả nể. Những cuộc gọi, cuộc hẹn trà dư tửu hậu cùng bạn văn, bạn xã hội, đồng đội, người yêu mến nhiều vô số. 

Vì vậy, Nhà sáng tác là nơi ông tìm đến như một chốn tạm “ở ẩn” để tập trung viết. Vướng mắc là Chu Lai không chịu xin giấy giới thiệu của Hội Nhà văn Việt Nam. Bí bách, ông Ngàn gợi ý nhà văn lấy giấy giới thiệu của đơn vị hợp tác xuất bản. 

Chu Lai hỉ hả đồng ý, nhanh chóng bổ sung giấy xác nhận của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Kết quả là 3 tháng, nhà văn ở liền tù tì 3 nhà sáng tác và tiểu thuyết “Mưa đỏ” ra đời. 

Sau này, nhà văn lãng tử cũng “tạm” tổng kết: “Tính đến 2017 - ăn mòn bát đũa trong nhà sáng tác, tôi khẳng định vai trò của Nhà sáng tác không chỉ là cung cấp vật chất mà quan trọng hơn là điểm tựa tinh thần. Nếu ở nhà, vợ càu nhàu, con cáu kỉnh, hàng xóm lằng nhằng thì vào Nhà sáng tác, tôi chỉ tập trung để viết. Viết đến nơi đến chốn, viết đến tận cùng. 

“Nắng đồng bằng”, tôi viết một tháng ở Đà Lạt muốn rã cả cánh tay, một ngày xong một chương. Một truyện ngắn viết tại nhà, nay viết mai bỏ vì trăm nẻo buồn vui. Đi nhà sáng tác, ngày nào cũng viết khoán, buộc mình vào kỷ luật sáng tạo nghiêm ngặt. Ba tháng đầu tư chiều sâu, viết hết mình, tiểu thuyết “Mưa đỏ” hoàn thành. Ba tháng đầu tư đợt 2, tôi cho ra được “Gió xanh”… Kết quả này, một phần là từ sự mở lòng của Nhà sáng tác”.

Nghe tâm sự của nhà văn Chu Lai, Giám đốc Huỳnh Văn Ngàn đùa vui rằng, 31 năm gắn bó với công việc, “ân oán” giữa ông với nghệ sĩ nhiều không kể xiết. Ông cũng là độc giả của không ít bài thơ, nhiều trang tiểu thuyết khi người sáng tạo chúng vẫn đang trong quá trình “đánh vật” với chữ nghĩa. 

Ông cũng thường được khá nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ nổi tiếng tặng quà. Khi là bản nhạc viết tay, câu thơ, bức tranh vừa ráo mực, có khi là những tập sách còn vương mùi giấy mới hay đơn giản hơn chỉ là một cuộc điện thoại báo tin vui, tác phẩm này được giải, tác phẩm kia được in. Nghệ sĩ vốn nhiều cảm tính. Đã yêu, yêu đến tận cùng. Nếu không ưa, ghét như xúc đất đổ đi. 

Làm việc với họ, đặc biệt là những nhân cách lớn, ông học được nhiều điều. Tình cảm, sự tin cậy của những con người này, với ông, luôn là sự động viên lớn nhất mà công việc mang lại, là những quà tặng quý giá nhất của cuộc đời…

(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...