Có hay không Nhạc bác học?

16/08/2013

1. Lâu nay, cụm từ “Nhạc bác học” luôn được giới báo chí nêu lên để chỉ âm nhạc cổ điển phương Tây cùng các loại nhạc cổ truyền Việt Nam như Ca trù, Tuồng, Cung đình Huế... Với tư cách là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc, theo ông, cách sử dụng đó liệu có ổn không?


PGS.TS Vũ Nhật Thăng

Nhớ hồi còn nhỏ, khoảng gần giữa thế kỷ XX, tôi đã được nghe người ta nói tới "nhạc bác học", không phải bằng tiếng ta như hiện nay mà bằng tiếng tây (Pháp): musique savante. Những người dùng chữ này là các bậc tiền bối của Nhạc cải cách. Sau này, tôi mới hiểu đó là nhạc cổ điển Phương Tây do dàn nhạc giao hưởng lớn diễn tấu, nghe đồ sộ, trầm bổng, réo rắt mà vẫn êm tai. Loại nhạc này cũng có thể được tấu bởi một nhạc cụ với một nhạc công hoặc bởi hai, ba, bốn, năm v.v..nhạc công và khi tăng số lượng hơn nữa thì trở thành một dàn nhạc nhỏ, chưa bằng dàn nhạc giao hưởng đầy đủ. Tất cả đều được gọi là: musique de chambre (nhạc thính phòng). Thời đó, các nhạc sĩ ở nước ta đều dùng tiếng Pháp cả. Chính bởi thế mới dịch tiếng Pháp sang tiếng Việt mà gọi là "nhạc bác học". Tuỳ ngữ cảnh, tính từ savant(e) có thể dịch là tài giỏi, khéo léo hoặc thông thái, bác học. Các cụ nhạc sĩ thời đó đã chọn từ "bác học". Cứ thế, từ này được lưu truyền tới ngày nay. Tuy bây giờ đã là người cao tuổi nhưng thực tình tôi cũng chưa biết hồi ấy các cụ lấy chữ "musique savante" ở đâu, có thể là ở câu nói cửa miệng của người Pháp chăng (?), chứ sau này khi đọc sách nhạc bằng tiếng Pháp thì quả là tôi chưa gặp từ này. Hay người Pháp cũng ít dùng thì tôi không rõ.

2. Ở Việt Nam, liệu có một thuật ngữ chuyên ngành nào để mô tả cho cụm từ “nhạc bác học” không?

Cố giáo sư - nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết một bài đăng trên Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật số 1 năm 1987, nhan đề "Có phải, có ba dòng âm nhạc hay không?". Mục đích của bài này là bàn về việc các đoàn nghệ thuật lúc đó nhiều khi suy nghĩ chưa chuẩn xác về nhạc bác học, nhạc dân gian và nhạc nhẹ, do đó có những ý định phát triển hoặc sắp xếp chương trình biểu diễn chưa được thống nhất về mặt nghệ thuật. Ông đã dành một đoạn ngắn để giải thích về "nhạc chính thống của các nước Tây Âu mang nhiều danh từ, tính từ khác nhau" như sau: "Nó được dạy trong trường lớp, dựa vào khuôn mẫu của các tác phẩm nghệ thuật thời cổ đại Hy Lạp, La Mã làm mẫu mực, do đó mang tên là cổ điển. Được những người chuyên sáng tác hoặc thu thập để xây dựng tác phẩm điêu luyện, lấy lao động nghệ thuật làm sinh kế, mang tên là chuyên nghiệp. Được nghiên cứu, phân tích, gắn với các mẫu mực lưu lại từ các chế độ chính trị trước để tổng kết và phát huy thêm, nó mang tên là bác học". Như thế, ta có thể gọi nhạc chính thống của châu Âu trước đây là nhạc cổ điển hay nhạc chuyên nghiệp, chứ không nhất thiết phải gọi là nhạc bác học. Tôi cũng không hiểu tại sao ngoài đời nhiều người thích chữ "bác học" đến thế. Có lẽ vì nghe nó "oai" chăng, còn trong giới nhạc chuyên nghiệp, người ta chỉ nói là nhạc cổ điển mà thôi. Đương nhiên, những người trong nghề ai chẳng biết loại nhạc cổ này không phải là đồng nhất, nó đã biến đổi liên tục trong khoảng thời gian dài, được tính bằng thế kỷ và luôn mang sắc thái riêng của từng tác giả, từng đất nước, từng vùng miền ở một châu lục nhỏ bé.

3. Có người cho rằng, xét cho cùng, âm nhạc cổ điển thính phòng cũng là âm nhạc cổ truyền của phương Tây, vậy thì Ca Trù, Ca Huế từng được phục vụ ở chốn Cung đình xưa cũng nên được đóng mác “âm nhạc bác học”. Ông có nhận xét gì về quan điểm này?

Khi đã coi nhạc cổ của Tây là bác học thì nhiều người cũng muốn gọi nhạc cổ của Ta là bác học. Phải chăng điều đó xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc? Tuy vậy, những lý lẽ để người ta gọi là nhạc bác học nhiều khi khó tránh khỏi gây khó hiểu. Chẳng hạn, có người cho rằng Ca trù là nhạc bác học vì lời của các bài Hát nói đều do các danh sĩ nước ta đặt ra, và nhạc Cung đình cũng là bác học vì có nhiều luật lệ rất khắt khe trong diễn tấu do các quan lại có học thức, có quyền thế trong triều đình đưa ra và, khi nhạc Cung đình có cả hát nữa thì lời ca phải được Bộ Lễ duyệt hoặc ban hành... Tất cả đều là những lý do được viện dẫn từ ngoài âm nhạc. Tác dụng "tốt" của cái tên gọi "bác học" kiểu ấy sẽ dẫn tới hệ quả là cho dù người nghe chẳng thấy hay, thấy thích gì nhưng vẫn phải cố gắng ngồi nghe, vẫn tỏ ra kính nể ,e dè và không dám chê bai, bởi chẳng lẽ ta lại tối tăm đến nỗi không hiểu được nhạc bác học(!).

Cá nhân tôi không phản đối những ai dùng từ nhạc bác học vì đó là kết quả của lối dịch từng chữ, đồng thời cũng là ý thích của mỗi người, chỉ thấy rằng những ai từng được học nhạc tại các trường chuyên nghiệp và càng học lên cao bao nhiêu thì càng ít dùng cái từ ấy bấy nhiêu, thậm chí chẳng bao giờ dùng. Tôi cho rằng có hiện tượng như thế là bởi khi đã hiểu rõ bản chất của từng loại nhạc thì người ta thấy ngay cái từ "bác học" kêu rất to nhưng rất chung chung ấy thực chất chẳng nói lên điều gì.

4. Có lý giải cho rằng “nhạc bác học” được phân ra để đối lập với “nhạc không bác học – nhạc bình dân” nhằm chỉ rõ độ khó – dễ giữa hai thể loại này. Ông đánh giá thế nào về lý giải trên?

Thực tình mà nói, vì tôi cũng chưa hiểu rõ "nhạc bác học" là cái gì (ngoài câu định nghĩa rất ngắn gọn của GS. Lưu Hữu Phước mà tôi vừa nêu trên) nên tôi chưa khi nào nghĩ tới việc thay thế nó bằng một từ khác cho chính xác hơn. Tôi nhận ra đó là sự kém cỏi về trí tưởng tượng của mình và tôi nghĩ rằng muốn thay thế thì tôi phải tìm ra một từ nào đó chứa đựng đủ mọi căn cứ để chỉ ra một cách chính xác "bản chất" của loại nhạc ấy. Tôi lại thấy rằng từ trước tới nay, các từ dùng để chỉ các loại nhạc khác nhau đều dựa vào mấy cách như sau: Thứ nhất, ở bên tây với nhạc có tác giả, người ta thường dựa vào không gian, thời gian mà loại nhạc đó ra đời và tồn tại. Chẳng hạn, nhạc của thời kỳ Phục Hưng (1450 - 1600), nhạc của thời kỳ Baroque (1600 - 1750), nhạc của chủ nghĩa Cổ điển Viên (1750 - 1800), nhạc của chủ nghĩa Lãng mạn (1800 -1860), nhạc Thế kỷ XX, nhạc Hiện đại v.v.. Thứ nhì là họ dựa vào tên tác giả, tất nhiên kèm theo tiểu sử, chẳng hạn nhạc của nhạc sĩ này, nhạc sĩ nọ. Nhạc mới Việt Nam cũng đã theo cách ấy. Thứ ba, nếu là nhạc cổ truyền dân tộc không có tác giả thì gọi theo cái tên được đặt ra bởi những người sinh ra nó, kèm theo là lịch sử của từng loại nhạc gắn với vùng miền và giai đoạn ra đời cùng sự tiến triển của nó theo thời gian. Hầu hết các loại nhạc cổ truyền ở nước ta đều như thế. Các tên gọi có thể được căn cứ vào mục đích thực hành, chẳng hạn Hát ru, Hát giao duyên, Hát Ghẹo, Hát chèo đò, Hò kéo gỗ, Hò sông Mã, Hát thờ, Hát chơi v.v..Rồi nhạc chuyên diễn trong cung đình, nhạc gắn bó với các loại sân khấu v.v.. Nhạc dân tộc của ta có thể chia thành nhạc chuyên nghiệp, nhạc dân gian nhưng cần hiểu rằng ranh giới giữa chúng không phải lúc nào cũng rành mạch. Còn nhiều chuyện lắm, kể sao cho xiết! Có một điều cần thấy rõ là không hề tồn tại một cái tên gọi nào mang tính chất ca ngợi như "nhạc bác học" hoặc chê bai như "nhạc vô học". Tóm lại, vì tôi chưa hiểu "nhạc bác học" là cái gì nên tôi tự nhận là không đủ trình độ và khả năng để tìm ra một từ nào khác thay thế cho nó.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...