Cô gái Mường với chất giọng Opera gây sửng sốt

22/02/2013

(Dân trí) - Vừa qua, nhân kỷ niệm 50 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận, vở nhạc kịch Cô Sao được dàn dựng lại sau hàng chục năm vắng bóng. Nhân vật Cô Sao - điểm sáng nhất của vở Opera tên tuổi này lại do một cô gái Mường đảm nhận.

Trong đêm diễn với hàng trăm vị khách sang trọng, lịch lãm đến từ những đất nước mà loại hình âm nhạc cao sang này phát triển hàng trăm năm, vậy mà tiếng hát của một cô gái Mường đã thực sự chinh phục họ. Và cũng đêm đó, hàng chục nhạc sĩ tên tuổi: Hoàng Vân, Phạm Tuyên,Văn Ký, Phó Đức Phương, Hồ Quang Bình... đều xúc động, hân hoan vì giờ đây đã có người tiếp bước Ngọc Dậu, Lê Dung... Tôi tìm gặp chị ngay sau đêm diễn...


Nghệ sỹ Thăng Long trong vai Cô Sao.

Bây giờ Hà Phạm Thăng Long được nhiều người yêu âm nhạc ''sang trọng'' ca ngợi là giọng ca Opera hàng đầu của Việt Nam, công chúng cũng đã bắt đầu biết đến cái tên Hà Phạm Thăng Long khá ấn tượng này. Tài năng, tất nhiên cũng nhờ ơn trời cho, song quá trình học tập, khổ luyện chắc chắn không đơn giản. Xin chị cho biết đôi nét về quá trình học tập của chị?

Vâng, để có được những thành quả như hiện nay, có được một lượng khán giả nhất định thì tôi đã phải học tập, rèn luyện thực sự vất vả. Ngay từ khi còn nhỏ thì bố tôi là người thầy đầu tiên đã dạy tôi hát, ông là người định hướng cho sự nghiệp của tôi bây giờ.

Sau khi thi vào trường Cao đẳng Sư phạm nhạc họa (Nay là trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương), tôi may mắn được học với cô giáo Ngọc Mai là cô giáo dạy tốt nhất lúc đó. Sau 3 năm học tập tôi đã tốt nghiệp và lại thi tiếp vào lớp Hợp xướng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Với 2 năm học tại đây tôi cũng được học với cô giáo Mai Tuyết (cô là một diễn viên solo của Nhà hát). Sau đó tôi thi tiếp vào hệ đại học của Nhạc viện Hà Nội và được học tập với cô giáo Lê Dung và thầy Trung Kiên.

Tôi có may mắn được học tập và làm việc với những thầy cô giáo giỏi nên rất thuận lợi cho việc luyện tập. Tất nhiên trong quá trình học tập có những khó khăn đặc thù nghề nghiệp vì nghệ thuật là trừu tượng và nhất là nghệ thuật ca hát thì càng trừu tượng hơn.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi trở thành diễn viên của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Đây cũng là thời điểm tôi bắt đầu làm việc và rèn luyện chuyên môn trong những lớp học của các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy. Tuy thời gian học tập với họ không nhiều, nhưng họ đã cho tôi những trải nghiệm mới rất có ích và cho công việc sau này.

Về việc học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, để hỗ trợ cho công việc khi tôi làm việc với các bạn nước ngoài, tôi đã phải cố gắng rất nhiều, phải tự học thêm ở nước ngoài. Tôi coi mỗi chuyến đi ra nước ngoài là một dịp để học hỏi.

Năm 2004, tôi được mời tham dự cuộc thi tại Mỹ. Đây là một chuyến đi kết hợp với công tác biểu diễn, tôi tham gia với tư cách khách mời. Khi đó tôi mới tốt nghiệp đại học nên kinh nghiệm chưa nhiều, thực tình là đi học nhiều hơn đi thi, nhưng nhờ những cuộc thi như vậy mà tôi tự tin hơn.

Có thể nói, học, học và học trong suốt gần 20 năm qua, và môi trường gia đình đã giúp chị thế nào trong học tập?

Vâng, tôi tự hào vì có bố là giáo viên dạy nhạc và bố cũng là người thầy giáo đầu tiên dạy cho tôi kiến thức âm nhạc và cách hát từ khi còn rất bé. Bên cạnh đó mẹ cũng là người luôn bên cạnh và ủng hộ, thúc đẩy tôi bước tiếp. Bây giờ, khi đã có gia đình riêng của mình thì chồng tôi vừa là đồng nghiệp nên anh rất ủng hộ và hỗ trợ tôi được làm nghề đúng theo khả năng. Chính vì có những thuận lợi như vậy nên tôi đã hoàn thành tấm bằng thạc sỹ.


Giọng ca Opera hàng đầu đất nước.

Học âm nhạc đã khó, gần đây qua các vai diễn tôi thấy chị hát nhuần nhuyễn các thứ tiếng nước ngoài mà phải qua tai của các chuyên gia âm nhạc đến từ các nước ấy... chắc không dễ chút nào đúng không?

Khi hát Opera, người ca sỹ phải biết ít nhất là phát âm chuẩn tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức. Để phát âm chuẩn những thứ tiếng đó, đòi hỏi người nghệ sỹ Opera phải rèn luyện một cách nghiêm túc và thật sự vất vả. Tôi cũng may mắn là ngoài những kiến thức được học với các thầy cô giáo trong nước thì tôi cũng được rèn luyện với các chuyên gia nước ngoài khi họ đến Việt Nam giảng dạy nên về cơ bản phải đạt chuẩn thì mới đi tiếp được, ít nhiều thì cũng có lượng kiến thức nhất định đủ để làm nghề. Hát cho chuẩn đã là khó, để thuộc lòng cả một vở Opera dài hơn 2 tiếng thì bản thân phải học mọi lúc, mọi nơi, cả khi đang lái xe, nấu ăn, thậm chí khi đang ngủ tỉnh dậy cũng phải nghĩ đến lời bài hát...Trên thế giới khi diễn Opera, người nghệ sỹ luôn có một người làm nhiệm vụ nhắc vở để phòng khi diễn viên quên lời hát khi biểu diễn, tuy nhiên việc sử dụng đến phương án này là rất ít.

Theo chị trong nghề hát Opera, điều gì là khó khăn nhất?

Với nghề hát Opera thì sự khổ luyện về kỹ thuật thanh nhạc là cần phải có thời gian và sự quyết tâm nghiêm túc rất cao, ngoài ra diễn viên Opera vừa hát vừa phải diễn kịch như khán giả xem vở Cô Sao vừa rồi. Tôi vừa hát, vừa phải diễn kịch theo tâm trạng nhân vật, vừa phải chạy, có những cảnh diễn rất mệt và ngay sau đó phải hát luôn. Để làm được việc này người diễn viên phải biết phân bổ sức khỏe để không bị hụt hơi khi hát. Tôi đã mất hơn 10 năm học tập và đến nay vẫn phải rèn luyện từng ngày.

Vở diễn Cô Sao có thể nói là khá thuận lợi với chị khi vào vai một cô gái Thái, có đúng vậy không? Từ đây chị có nghĩ rằng Opera có thể đến được với đông đảo quần chúng, giọng ca của chị có thể phục vụ được bà con dân tộc thiểu số nhiều hơn?

Tôi tham gia vào vở ca kịch Cô Sao trong vai một cô gái Thái thì cũng có thuận lợi riêng vì tôi cũng xuất thân là người dân tộc Mường nên tôi hiểu cuộc sống của người dân tộc thiểu số, miền núi. Về phần âm nhạc thì lại đúng với chất giọng của tôi nên tôi đã vượt qua rất nhiều khó khăn nghề nghiệp để chinh phục khán giả.

Opera xuất phát từ phương Tây nên để nói là phục vụ đồng bào miền núi với hình thức âm nhạc là rất khó khăn vì để hiểu được, cảm nhận được loại hình âm nhạc này thì khán giả phải có kiến thức âm nhạc nhất định. Tuy nhiên tôi cũng có thể hát những ca khúc Việt Nam dễ nghe, dễ hiểu với kĩ thuật thanh nhạc đó để khán giả cảm nhận được và đón nhận dễ hơn.

Xuân Quý Tị này chị đang có dự định gì, đi đâu, làm gì... và đôi điều kỳ vọng?

Xuân Quý Tị này tôi rất mong một ngày không xa sẽ mang tiếng hát của mình đến những vùng sâu, vùng xa phục vụ bà con dân tộc thiểu số, miền núi. Và kì vọng hơn của tôi là ở một thế hệ ca sỹ trẻ sẽ có niềm đam mê hơn với nghệ thuật hát opera.

Cám ơn chị, chúc tiếng hát của chị ngày càng vang xa! Chúc tên tuổi chị ngày càng trở nên quen thuộc với khán thính giả nhiều nước trên thế giới và cũng sẽ có một ngày gần đây chị gửi tới đồng bào các dân tộc thiểu số những gì chị mong ước. 

(Nguồnhttp://dantri.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...