Cô bé lọ lem giữa đời thường

13/11/2018

Ngắm cô bé xinh xắn bước ra từ câu chuyện cổ tích, tôi thấy quả thật, Nhã Thanh là cô bé lọ lem thời hiện đại với một kết thúc có hậu cho những ai yêu chuyện cổ Grim.

Tôi muốn gọi em như thế, như cô bé bước ra từ câu chuyện cổ tích của hai anh em nhà Grim. Hình như trong thế giới của các nhà văn, những thân phận nữ xinh xắn, có cá tính, sinh ra trong môi trường khắc nghiệt, nhưng nỗ lực hết mình cần mẫn cho cuộc sống đều kết thúc có hậu. 

Em cũng vậy, bây giờ người ta gọi em là cô gái Bolero nghe thật ngọt ngào, và em cũng thích được gọi như thế. Vào nghề hát từ lâu nhưng để mọi người biết mặt thuộc tên là từ khi em xuất hiện trong chương trình "Thần tượng Bolero 2018".

29 tuổi, em trẻ hơn so với tuổi thật, em chiếm cảm tình của mọi người bằng vóc dáng xinh tươi duyên dáng cùng với giọng hát trong trẻo và tính cách hồn nhiên.

Nhã Thanh sinh ra ở Nghĩa Hưng, Nam Định, trong một gia đình thuần nông. Làng quê nghèo ấy quanh năm chỉ có mỗi nghề trồng lúa. Những đứa  trẻ lớn lên trong ruộng lúa, bên những củ sắn, củ khoai; ngày nhìn đàn bò gặm cỏ, đêm nghe tiếng ếch kêu. Tuổi thơ thuần khiết ấy đã cho em một tâm hồn đầy cảm xúc và may mắn làm sao em có giọng hát thật trong trẻo. Thanh là con thứ hai trong gia đình có ba chị em gái, là đứa trẻ hay hát và hát hay nhất nhà. Vào những đêm trăng thanh, gió mát, ánh trăng lung linh chiếu xuống sân nhà hay vào những ngày mưa gió sụt sùi, cả những ngày đông lạnh cóng đến tê người cô bé đều cất tiếng hát véo von. Tiếng hát líu lo của con trẻ sưởi ấm căn nhà nhỏ của hai vợ chồng người nông dân. 

Năm Thanh lên 8 tuổi biến cố lớn xảy ra, cha mẹ muốn thôi nghề trồng lúa nên đã vay mượn để mua một con thuyền cũ chở vật liệu đi  biển. Vừa chạy đến chuyến thứ hai thì con thuyền đứt làm đôi, gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, ruộng vườn nhà cửa bán hết để trả nợ, nhưng vẫn thiếu. 

Cái nghèo, cái khổ, sự túng quẫn cùng cực bám víu vào thân phận bần hàn của hai vợ chồng người nông dân. Họ đành phải gửi cô con gái út mới 5 tuổi cho ông bà ngoại đang xây dựng kinh tế mới ở Cà Mau. 

Cô con gái đầu lòng 10 tuổi và cô con gái thứ hai Nhã Thanh ở với người bác ruột, chị gái của mẹ. Người bác ruột không có chồng con quanh năm suốt tháng vất vả, giờ lại gánh trên vai hai đứa cháu gái. 

Ba mẹ Thanh vào khu kinh tế mới ở Bình Dương làm công nhân, hàng tháng ki cóp tằn tiện gửi tiền về quê để trả nợ. Ngôi nhà nghèo nhưng ấm cúng  ngày xưa đó giờ tan đàn xẻ nghé mỗi người một nơi. Mấy đứa bé như chim con mất mẹ buồn rưng rức.

Chính trong nỗi buồn đó Thanh cất tiếng hát. Tiếng hát làm cho lòng Thanh dịu lại và cũng vợi đi nỗi buồn đau thương nhớ. Trong nhiều năm đi học Thanh luôn là cây văn nghệ của trường. Suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, sau giờ học ở trên lớp Thanh lại cày cấy, thành thục việc đồng áng. 

Đến năm lớp 12 Thanh bỏ thúng lúa xuống đất nói với người bác ruột: "Đội lúa từ bé đến lớn, cổ con rụt vào, vai con nặng trĩu, chắc sau này con không cao được nữa đâu". 

Quanh năm bươn bả ngoài ruộng lúa mà thu hoặch chẳng đáng là bao, cái nghèo cái khổ đeo bám cả gia đình. Cha mẹ đi làm công nhân ở Bình Dương từ khi Thanh 8 tuổi đến năm Thanh 18 tuổi cha mẹ chỉ về tết có ba lần. 

Thanh kể, hồi ấy cha mẹ nợ nần, trả mãi mới đỡ được đôi phần. Tiền lương chẳng đáng là bao, mỗi lần đến Tết đi về tàu xe quà cáp mua sắm tốn kém nên 10 năm trời bố mẹ chỉ về ăn tết có 3 lần. Những cái Tết của Thanh tuổi thơ buồn lắm, đói nghèo cực khổ quanh năm suốt tháng.

Cái nghèo ám ảnh đến độ, vừa tốt nghiệp lớp 12, Thanh tuyên bố với cả gia đình: "Con đi thi làm ca sĩ đây, con muốn từ giã nghề làm nông. Con muốn thoát nghèo". Người bác bảo với cô cháu gái: "Nếu con thi không đỗ thì sao?". 

Thanh trả lời dứt khoát: "Con làm nghề gì cũng được, miễn sao thoát được kiếp nghèo". 

Năm 2007, Thanh mười tám tuổi, lần đầu tiên xuống Hà Nội thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hôm đến thử giọng để thi vòng sơ tuyển, thầy Quốc Hưng lúc đấy là Phó khoa Thanh nhạc nghe thấy giọng của cô bé liền đến hỏi chuyện: "Cháu có biết kí xướng âm không?". Thanh đáp: "Dạ, thưa chú, con không biết ạ". Thầy Quốc Hưng ngạc nhiên: "Trời! con không biết thì làm sao con thi".

Nhìn cô bé ở quê lên, da đen nhẻm, người bé nhỏ như cái kẹo mút, lại chưa hề biết nốt nhạc là gì, thầy rút điện thoại ra gọi điện cho cô Việt Anh nói: "Có cô bé này giọng hát tốt lắm, nhưng không biết kí xướng âm, em thu xếp dạy cho cháu vài buổi để thi vào trường".  

Hai hôm sau Thanh là 1 trong 80 thí sinh đỗ vòng sơ tuyển, đợt thi đấy gần 500 thí sinh nộp hồ sơ. Với số tiền ít ỏi, cô bé đóng 100 nghìn để được ở kí túc xá ôn thi hai tuần nữa là đến ngày thi chung tuyển. 

Trong vòng hai tuần cấp tập ấy, Thanh có 5 buổi học kí xướng âm ở nhà cô Việt Anh. Thương cô bé ở quê lên, nhà nghèo, người gầy nhẳng, thầy cô dạy miễn phí. Sau đó Thanh may mắn vừa điểm đỗ kí xướng âm cộng thêm phần thanh nhạc thế là trúng tuyển hệ trung cấp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 

Thanh gọi điện báo cho cha mẹ ở trong tận Bình Dương. Nhận được tin con gái, bố mẹ mừng lắm gửi ra cho con 5 triệu đồng.

Mẹ gọi điện căn dặn: "Đây là số tiền bố mẹ vay mượn mãi mới có được, 2,8 triệu là để con đóng tiền học phí. 1, 2 triệu là đóng được tiền ở một năm ký túc xá. Còn lại 1,5 triệu làm sao cố gắng ăn trong ba tháng, bố mẹ không có tiền đâu". 

Thanh nhận tiền gửi của mẹ, mân mê trên tay, mắt cay xè, làm thế nào để 1 triệu rưỡi mà tiêu trong vòng ba tháng. Ngày ấy Thanh ăn chỉ 8.000 đồng một xuất cơm bụi ở gần trường. Bước chân từ vùng quê nghèo ra Hà Nội, với duy nhất là hai bộ quần áo đã cũ.

Thanh kể: Vào ở kí úc xá, có một chị tên là Quỳnh, chị là người cho mượn từ cái gối, đến tặng Thanh cả cái áo dài, Thanh yêu quý chị vô cùng, chị là người dắt mối cho Thanh đi hát các quán để kiếm cơm trong những ngày khốn khó ấy. 

Chị bảo với Thanh: "Em muốn đi làm hay muốn đi hát thì phải có cái quần, cái áo chứ, em mặc thế này thì ai còn mời em đi hát nữa". Người chị bạn kí túc xá tốt bụng đã dẫn Thanh đi mua hai bộ quần áo vừa để mặc đi học vừa mặc đi hát. Lâu lắm rồi Thanh mới có cảm giác mặc được bộ quần áo mới nó như thế nào.

Được chị Quỳnh kết nối, Thanh đi hát cho nhà hàng mỗi tuần hai buổi tối, mỗi tối được 80.000 đồng. Có chưa đầy trăm nghìn mà một tối hát 8 bài. Tính trung bình thì vỏn vẹn có 10.000 đồng một bài hát. 

Một tuần có 160 nghìn, Thanh bảo: "Chị ơi lúc đấy em vui lắm chị ạ. Thế là không lo bị chết đói nữa rồi. Vừa mới ở quê ra có được số tiền như vậy đã là quá lớn đối với em". 

Cả một ê kíp đi hát như vậy gồm sáu người, hai ca sĩ, hai người chơi nhạc cụ dân tộc, một anh đánh đàn organ, một bầu sô. Khánh hay yêu cầu bài hát và cho Thanh thêm tiền bo, nhưng số tiền phải chia đều cho cả sáu người. Lắm khi hát 20 bài một buổi tối nhưng số tiền cầm về chỉ khoảng 200 nghìn. 

Khách mỗi người có sở thích, họ yêu cầu bài hát khác nhau, lắm bài Thanh chưa thuộc bị bầu sô phê bình. Thanh ráng chỉ trong vòng hai tháng Thanh học thuộc 100 bài hát. 

Thấy Thanh hát hay nhiều khách của nhà hàng xin số; cơ quan có hội nghị, tổng kết cuối năm họ điện thoại cho Thanh đến hát. Những năm tháng sau này Thanh quen thêm được nhiều ca sĩ, bầu sô hơn, công việc ngày càng nhiều. 

Thanh bảo: "Em phải cảm ơn những tháng ngày đi hát đầu tiên tại nhà hàng đó lắm, cát sê chỉ có 10 nghìn đồng một bài nhưng em được rèn luyện để có Nhã Thanh của ngày hôm nay".

Ra trường Thanh công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Tổ ấm của Thanh là một người chồng hơn vợ một tuổi, và một bé gái 2 tuổi rưỡi. Chồng Thanh tuy không công tác trong ngành nghệ thuật nhưng là người yêu âm nhạc, nên tạo điều kiện để cho vợ theo đuổi ước mơ âm nhạc của mình. 

Sau khi lấy chồng, nghỉ 2 năm sinh con, Thanh bảo: "Ở nhà không được bước lên sân khấu em như con chim bị nhốt trong lồng. Năm 2017, mất nửa năm em cấp tập học hát để thi âm nhạc Opera ở Hồng Kông, may mắn em đoạt Huy chương Vàng. Về nước em được nhận làm giảng viên của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. 

Cuộc thi âm nhạc "Thần tượng Bolero 2018" vừa qua, sự xuất hiện của Thanh trên sóng truyền hình khiến cho khán giả khắp nơi biết và nhớ đến một cô gái có giọng hát trong trẻo và khuôn mặt gây nhiều thiện cảm. Thanh cũng vừa đầu tư làm một DVD ca khúc nhạc Bolero chất lượng với tên gọi ngọt ngào: "Chuyện tình yêu".

Giờ con chim đó bay đi khắp cả phương trời Âu xa xôi để cất tiếng hát dâng lên cuộc đời. Ngắm cô bé xinh xắn bước ra từ câu chuyện cổ tích, tôi thấy quả thật, em là cô bé lọ lem thời hiện đại với một kết thúc có hậu cho những ai yêu chuyện cổ Grim. 

(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...