Chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc: Lắm chương trình, nhiều sao 'xịt'

23/03/2016

Vài năm trở lại đây, các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc nở rộ, sản sinh ra rất nhiều tài năng.

Thế nhưng, sau mỗi mùa thi, chương trình khép lại, khán giả thất vọng khi chứng kiến sự im hơi lặng tiếng của hàng loạt những tài năng vừa bước ra từ những chương trình đó. Từ thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng cần phải dừng các chương trình này lại để tránh việc “gặt non”...

Lắm chương trình, nhiều sao “xịt”

Mấy năm vừa qua, khán giả truyền hình chứng kiến sự bùng nổ của các cuộc thi ca hát trên sóng truyền hình dành cho mọi lứa tuổi. Cuộc thi này chưa qua, cuộc thi khác đã tới, thậm chí diễn ra cùng lúc. Không khó để có thể đọc ra Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, Vietnam Idol, Solo cùng Bolero, Cặp đôi hoàn hảo, Đố ai hát được, Tôi là người chiến thắng, Ngôi nhà âm nhạc, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Chuông vàng vọng cổ truyền hình…

Tại những sân chơi này, chỉ cần ai đó có một chút khả năng ca hát, một chút khả năng trình diễn trên sân khấu là có thể tìm kiếm danh vọng cho mình. Cùng với công nghệ lăng xê, đánh bóng tên tuổi rất chuyên nghiệp và bài bản như hiện nay, một giọng ca “cấp phường” có thể được thổi lên thành ca sỹ, thậm chí nghệ sỹ biểu diễn. Nói vậy để thấy rằng, sau mỗi mùa thi, có rất nhiều những quán quân của các cuộc thi ca nhạc xuất hiện nhưng con đường để đi từ tài năng thành ngôi sao vô cùng gian nan và đa phần đều chìm nghỉm sau những vinh quang nhất thời. Đơn cử như chương trình Vietnam Idol, một cuộc thi truyền hình thực tế về âm nhạc xuất hiện rất sớm ở Việt Nam. Nhưng kể từ khi bắt đầu năm 2007, mỗi năm một quán quân nhưng cho tới giờ, chỉ có Uyên Linh là còn giữ được chút hào quang và danh tiếng (dẫu cho cô ca sỹ này cũng có không ít scandal cả trong lẫn ngoài sân khấu).


Hình ảnh trong chương trình Học viện Ngôi sao

Một ví dụ khác là chương trình Giọng hát Việt. Mùa đầu tiên phát sóng, khán giả thích thú trước những giọng ca tạo sức hút riêng, đầy triển vọng như: Bùi Anh Tuấn, Bảo Anh, Hương Tràm, Đinh Hương, Đồng Lan... Nhưng hiện tại, khán giả thất vọng cho rằng, không có cái tên nào đáng chú ý dù cho người đó có là quán quân đi chăng nữa. Không giọng ca hay hình ảnh cá nhân nào thực sự là nhân tố bứt phá, vượt trội. Các tiết mục trình diễn cũng khá nhạt nhòa.

Còn nhớ trước kia, khi Sao mai điểm hẹn vẫn là sân chơi duy nhất cho những người yêu ca nhạc thì một thế hệ ca sỹ mới đầy triển vọng xuất hiện từ cuộc thi đã chiếm lĩnh được thị trường âm nhạc như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Hà Anh Tuấn, Phương Linh… Nhưng ở thời điểm hiện tại, nếu tính đơn giản một năm có 10 chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc thì mỗi năm sẽ có 10 quán quân. Như vậy chỉ trong vòng 5 năm thôi, số người được mệnh danh là tài năng âm nhạc sẽ rất nhiều. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, đã mấy ai khẳng định được mình?

Một điều dễ nhận thấy là các cuộc thi âm nhạc hiện nay hoàn toàn lép vế trước những chương trình hài kịch. Nếu như 2 năm trước, các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc bùng nổ rầm rộ và tạo nên sức hút khủng khiếp từ truyền thông lẫn khán giả thì hiện tại, khán giả lại khá thờ ơ. Một phần nguyên nhân có thể lý giải là do chất lượng chương trình đi xuống. Sự bùng nổ hàng loạt cuộc thi khiến cho các thí sinh tiềm năng không còn nhiều và chất lượng các thí sinh cũng không còn được như trước. Các giọng hát không còn mang lại yếu tố bất ngờ. Quá nhiều gương mặt cũ, tham gia hết chương trình này đến chương trình khác khiến cho khán giả “phát ớn”.

Nhiều cuộc thi gây được sự chú ý ở mùa đầu tiên nhưng sang mùa thứ hai đã làm khán giả chán tận cổ. Một ví dụ điển hình là chương trình The Remix. Chất lượng thí sinh không đồng đều, scandal lấn át chất lượng chương trình… đã làm cho nó có nguy cơ kết thúc trong tẻ nhạt.


Ban giám khảo của chương trình The Remix 2015

Nên chấm dứt những cuộc thi âm nhạc

Đó là ý kiến của nhạc sỹ Thanh Bùi – người có một thời gian dài làm giám khảo cho nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát trên sóng truyền hình – khi trả lời báo chí. Lý lẽ của vị nhạc sỹ này đưa ra là: “Vì ngành âm nhạc cần thêm thời gian để thở và phát triển một cách đúng đắn, cân bằng với chất lượng của những nghệ sỹ. Tài năng trẻ cần được nuôi dưỡng và phát triển theo thời gian. Mọi thứ đều cần thời gian, nhiều show thực tế ở nước ngoài đã ngưng lại, đã đến lúc cần những sân chơi mới cho thị trường âm nhạc, mà không phải cho bản thân những thí sinh muốn trở thành ngôi sao”.

Trong khi đó, trao đổi với PV báo ĐS&PL nhạc sỹ Hoàng Châu cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng: “Mỗi năm các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc diễn ra rất nhiều, nhiều đến mức khi bật tivi lên, khán giả không biết chương trình nào với chương trình nào? Tôi nói thật, một tài năng âm nhạc thì cần ít nhất 5-7 năm mới có một người thực sự giỏi. Vậy một năm mà tổ chức hàng chục chương trình thì thí sinh ở đâu ra? Tôi cho rằng, một năm chỉ cần tổ chức một cuộc thi thôi là đủ. Bởi lẽ một cây non thì cũng cần thời gian để cứng cáp. Nếu không chúng ta sẽ tìm được những tài năng âm nhạc “chín ép”, khó có thể có những giọng hát hay thực sự được”.


Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha

Thế nhưng, bất chấp thực tế nhiều chương trình truyền hình về âm nhạc đi xuống cả về chất và lượng, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng nên tiếp tục tổ chức những chương trình tìm kiếm. Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thuỵ Kha chia sẻ quan điểm: “Tôi nghĩ ý kiến dừng các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình là không nên. Bản thân tôi và nhiều nhạc sỹ cũng vẫn đang đi tìm kiếm người tài để có người tiếp nối nền âm nhạc Việt Nam. Việc dừng các chương trình gameshow, các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc là không dân chủ. Chúng ta tìm kiếm có thể không có, chưa có tài năng mà ban tổ chức mong đợi nhưng vẫn phải tìm. Chuyện đi tìm tài năng và chuyện không thấy tài năng là hai chuyện khác nhau. Cũng có thể, tìm rất nhiều năm mới có một tài năng âm nhạc. Tuy nhiên, phải tìm thì mới có, không tổ chức các chương trình ấy thì sẽ không có. Tôi không cho rằng, việc dừng tìm kiếm các tài năng âm nhạc trên truyền hình là một ý kiến hay”.

Chia sẻ ý kiến xung quanh vấn đề này, ca sỹ Linh Trần – một thí sinh từng tham gia chương trình Vietnam GotTalent cho biết: “Tôi cho rằng càng tổ chức nhiều các cuộc thi, thí sinh càng có cơ hội để cọ xát, học hỏi và thể hiện tài năng. Tôi thấy rằng, các chương trình khác nhau thì sẽ có gu tìm kiếm tài năng và thí sinh khác nhau. Điều này có lợi cho từng lĩnh vực âm nhạc. Đúng là năm vừa rồi và năm nay, chất lượng chương trình có đi xuống nhưng không phải là không có ai xuất sắc. Còn việc nên dừng hay tiếp tục phụ thuộc vào chính ban tổ chức những chương trình đó. Nếu họ thấy nhu cầu của thí sinh còn nhiều, khát vọng muốn thể hiện mình trong lĩnh vực nghệ thuật còn nhiều và khán giả vẫn đón đợi thì chẳng có lý do để dừng lại cả. Tôi từng đi du học chuyên ngành âm nhạc ở Mỹ về và thấy rằng, ở đó người ta vẫn tổ chức đều đặn mỗi năm”.

(Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...