Chương trình Sol vàng tháng 11-2015: Tái hiện giọng hát đại ngàn

10/11/2015

Y Moan (ảnh), tiếng hát hoang dã từ đại ngàn Tây Nguyên sẽ tái hiện trong chương trình Sol vàng chủ đề Y Moan - Huyền thoại cao nguyên diễn ra lúc 20 giờ ngày 14-11 tại Nhà hát Hòa Bình nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của ông.

Mở đường phong cách Tây Nguyên

Y Moan có lẽ là cái tên biểu trưng mạnh mẽ nhất cho những gì thuộc về đại ngàn Tây Nguyên, như đất bazan đầy nhựa sống, như những dòng thác tuôn trào bất tận… Trước ông, có không ít những giọng ca xuất thân từ Tây Nguyên cũng lưu dấu không ít thành tựu nhưng chỉ đến ông và từ ông, phong cách hát đầy bản năng, như thoát thai từ hơi thở của rừng già Tây Nguyên mới định hình và có sức lan tỏa mạnh mẽ mãi đến hôm nay với nhiều thế hệ tiếp nối dù thực sự chưa một ai để lại dấu ấn sâu đậm như ông.

Y Moan cũng là trường hợp thú vị trong góc nhìn từ một nghệ sĩ biểu diễn có sự nghiệp đồ sộ. Bởi, gần như cả đời ông dành trọn để gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên đến khi trút hơi thở cuối cùng. Ông vẫn tự nhận và giữ cho mình tinh thần và lối sống như một nông dân thực thụ. Vẫn lên nương, làm vườn như bao nông dân khác trên mảnh đất sinh ra mình dù cơ hội thoát ly để về những thành phố lớn, bằng chính giọng hát, luôn luôn thường trực. Có lẽ, hơn ai hết ông ý thức tuyệt đối về thứ “dưỡng chất” mang tên đại ngàn Tây Nguyên trong giọng hát của mình nên muốn hòa mình một cách tuyệt đối vào đấy. Chính vì vậy, mỗi lần nghe Y Moan hát, người ta như thấy một ngọn lửa cao nguyên đang hừng hực cháy.

NSND Y Moan tên thật Y Bliêo, sinh ngày 6-9-1957 trong một gia đình nông dân dân tộc Ê Đê ở buôn M’Đrắk (nay là huyện M’Đrắk, Đắk Lắk). Nhà nghèo, lại có đến 7 anh chị em nên đến năm lớp 6, Y Moan phải bỏ học để giúp cha mẹ làm nương rẫy. Nhưng rồi có lẽ cơ duyên của đời ông và cũng là cơ duyên của tân nhạc Việt Nam khi năm 18 tuổi, ông được tuyển vào Đoàn văn công giải phóng Đắk Lắk, làm quen dần với âm nhạc chính thống, để rồi sau đó nhanh chóng trở thành giọng ca chính của đoàn.

Con đường tiếp xúc với âm nhạc chuyên nghiệp của Y Moan trở nên rộng mở khi ông ra miền Bắc học ở Nhạc viện Hà Nội và được nhạc sĩ Nguyễn Cường phát hiện tài năng dụng công bồi dưỡng. Sau đó Y Moan tiếp tục được tu nghiệp tại Bulgari, Đức, Nga, Hungary, Rumania…

Năm 1981, Sở Văn hóa - Thông tin Đắk Lắk mời nhạc sĩ Nguyễn Cường vào sáng tác các ca khúc cho tỉnh và đây cũng xem như một bước ngoặt lớn đưa sự nghiệp của Y Moan lên đến đỉnh cao. Những ca khúc của Nguyễn Cường như dành riêng và “đóng đinh” vào giọng hát của Y Moan, có thể kể đến như Ơi M’Đrắk, Ly cà phê Ban Mê, Anh muốn sống bên em trọn đời...

Kể từ đó, cùng với hình ảnh làn da nâu, mái tóc xoăn, đôi mắt sáng ngời của người Tây Nguyên, mỗi khi đứng trên sân khấu, Y Moan lại “cháy” hết mình cùng những ca khúc về vùng đất hùng vĩ này. Tiếng hát ấy cũng vang xa ra ngoài lãnh thổ trong những lần lưu diễn tại nhiều nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Pháp…

Tháng 4-2010, dù đang mang trong mình căn bệnh ung thư dạ dày, quãng thời gian còn lại của cuộc đời không còn nhiều nhưng nghệ sĩ Y Moan vẫn giành giật từng hơi thở để làm việc, vừa chống chọi với bệnh tật vừa rong ruổi đi biểu diễn khắp các sân khấu cả nước. Và đến tháng 8-2010, với sự giúp sức của nhạc sĩ Nguyễn Cường, NSND Y Moan cùng hai con trai Y Vol, Y Garia đã có live show tại Hà Nội mang tên Ngọn lửa cao nguyên. Đây cũng là live show duy nhất và cuối cùng của ông bên cạnh một album riêng (cũng duy nhất) trong suốt cuộc đời gần 35 năm theo đuổi hoạt động nghệ thuật.

Hồi tưởng những ký ức

Đêm nhạc tôn vinh ông lần này có 3 chương: Nồng nàn cao nguyên, Giai điệu núi rừng, Chim bay về cội. Đạo diễn Đinh Anh Dũng cho biết, đêm nhạc hứa hẹn sẽ rất ấn tượng khi những ca khúc gắn với tên tuổi của Y Moan sẽ một lần nữa vang lên với giọng ca của hai cậu con trai Y Vol, Y Garia cùng hàng loạt giọng hát của những người con Tây Nguyên như: Siu Black, Y Zak Arun, Rođamic, Y Soan, H’Zina Bya, Đình Nguyên, Mai Trang, Hà My… và đội chiêng Ê Đê. Y Vol, người lên ý tưởng chính cho phần âm nhạc của đêm nhạc chia sẻ, anh đã ấp ủ ý định tổ chức đêm nhạc tưởng niệm cha mình từ khá lâu nhưng đến hôm nay mới thực hiện được. Y Vol cũng khẳng định, bằng nhiều cách, giọng hát của cha mình sẽ vang lên trong suốt chương trình. Ngoài ra, những câu chuyện, ký ức của mình về người con đại ngàn cũng sẽ được nhắc nhớ qua những hồi tưởng, chia sẻ của già làng K’blin và nhạc sĩ Nguyễn Cường - người thầy, người bạn thân thiết của Y Moan. Thông qua đêm nhạc, những tư liệu quý khi còn sinh thời của Y Moan cũng sẽ được giới thiệu đến khán giả.

Đêm nhạc được truyền hình trực tiếp trên VTV9 và tiếp sóng trên VTV Huế, Đài PTTH Lâm Đồng và Đài PTTH Bình Phước.

(Nguồn: http://sggp.org.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...