Chương trình nghệ thuật “Hát mãi khúc quân hành”

18/12/2017

Tối 15 tháng 12 năm 2017, tại Nhà hát ca múa nhạc Quân đội, Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phối hợp với trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ chức đêm nhạc “Hát mãi khúc quân hành”, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2017); 73 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 28 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân; 73 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đến dự có: Thượng tá Đỗ Xuân Tụng – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; NGƯT, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy – Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội; các đồng chí trong Đảng ủy, Ban giám hiệu, sinh viên trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội; các cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 144, Học viện kỹ thuật quân sự, cùng đông đảo khán giả Thủ đô.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội; và các nhạc sĩ lão thành, các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội, các nhạc sĩ, nghệ sĩ của quân đội và Hà Nội…

Chương trình nghệ thuật “Hát mãi khúc quân hành” với sự góp mặt của các nghệ sĩ, ca sĩ, sinh viên, giảng viên của Trường Đại Học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội, các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, và các NSND, NSƯT… đã làm nên một đêm nhạc vô cùng đặc biệt. Chỉ đạo nội dung: Hội nhạc sĩ Việt Nam; Chỉ đạo Nghệ thuật và Tổng đạo diễn: Thượng tá, NGƯT, Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ; Kịch bản và đạo diễn âm nhạc: nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn; Dàn dựng âm nhạc: nhạc sĩ Đức Tân, Đức Nghĩa, Cao Xuân Dũng, An Hiếu; Biên đạo múa, dàn dựng sân khấu: NSND Thu Hà, Thanh Tùng, Thái Sơn, Ngọc Hoàng, Lan Phương; Hình ảnh: Tôn Thất Tùng, Tiến Dũng; Âm thanh, ánh sáng: An Thông, Anh Trường, Đình Điện, Nguyễn Hải…

Khai màn là liên khúc “Tiến bước dưới Quân kỳ” của nhạc sĩ Doãn Nho và “Quân đội ta Quân đội anh hùng” của nhạc sĩ Văn An, do dàn hợp ca và múa trình bày. Chương trình gồm 3 phần:

Phần I: Trường Chinh ca, với các tác phẩm “Du kích Sông Thao” sáng tác: Đỗ Nhuận, biểu diễn: ca sĩ Vũ Thắng Lợi và múa; “Quê em miền Trung du” sáng tác: Nguyễn Đức Toàn, biểu diễn: tốp ca nữ; “Mơ đời chiến sĩ” sáng tác: Lương Ngọc Trác, biểu diễn: NSƯT Dương Minh Đức và ca sĩ Nhật Huyền; “Lá xanh” sáng tác: Hoàng Việt, biểu diễn: tốp nữ; “Sẽ về Thủ Đô” sáng tác: Huy Du, biểu diễn: Xuân Hảo; “Tiểu đoàn 307” sáng tác: Nguyễn Hữu Trí, biểu diễn: NSND Quang Thọ, NSƯT Dương Minh Đức, NSƯT Quang Huy, NSƯT Thanh Vinh,  NSƯT Mạnh Chung...

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, âm nhạc có vai trò đặc biệt quan trọng, những đóng góp chép sử bằng âm nhạc, những tác phẩm của các nhạc sĩ đã góp phần không nhỏ khích lệ tinh thần của toàn quân, toàn dân vượt qua mưa bom bão đạn, kiên cường chiến đấu và giành chiến thắng, xứng danh Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Phần 2: Bài ca không quên, với các tác phẩm “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” sáng tác: Huy Thục, biểu diễn: tốp ca nam và múa; “Người Châu Yên em bắn máy bay” sáng tác: Trọng Loan, biểu diễn: Ngô Hương Diệp; “Xuân chiến khu” sáng tác: Xuân Hồng, biểu diễn: tốp nữ; “Xe tăng qua miền Quan Họ” sáng tác: An Thuyên, biểu diễn: ca sĩ Lương Nguyệt Anh; “Miền xa thẳm” sáng tác: Đức Trịnh, biểu diễn Thu Thủy và múa; “Bài ca không quên” sáng tác: Phạm Minh Tuấn, biểu diễn: Quang Huy (violon), ca sĩ Thu Thủy và múa; “Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara” sáng tác: Minh Quang, biểu diễn: Ngô Đức; “Gửi em ở cuối sông Hồng” thơ: Dương Soái, sáng tác: Thuận Yến, biểu diễn: Xuân Hảo - Lương Nguyệt Anh…

Trong cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc, tạc vào lịch sử là sự hy sinh anh dũng của hàng triệu chiến sĩ. Tổ quốc ghi công các anh, dân tộc ghi nhận sụ hy sinh của các anh, dòng tên anh đã ghi vào đá núi. Ở miền xa đó, các anh vẫn luôn ghi dấu trong tâm trí của những người đồng đội và là bài ca không bao giờ quên của mỗi người dân Việt Nam. Các  nhạc sĩ đã ghi lại cảm xúc của mình qua các ca khúc, những nốt nhạc trầm hùng rất đỗi da diết và lắng sâu, để đến hôm nay mỗi khi trở về hay đi qua những miền đất thân thương ấy, trong mỗi chúng ta lại trào dâng niềm thương nhớ, tư hào, biết ơn sâu sắc.

Phần 3: Trái tim người chiến sĩ, với “Nhớ Bác” sáng tác: Xuân Thủy, biểu diễn: Vũ Thắng Lợi và múa; “Lính trẻ” sáng tác: Mai Kiên, biểu diễn: tốp nam Đoàn Văn công quân khu I; “Trái tim em tình yêu người lính” sáng tác: Tuấn Khanh, biều diễn: tốp nữ; “Đêm tuần tra cùng sóng gió” sáng tác: Hồ Trọng Tuấn, biểu diễn: Viết Danh. Liên khúc “Thư nhà” sáng tác: An Hiếu, biểu diễn: Lâm Bảo Ngọc; “Nắng thao trường” sáng tác: Đức Tân, biểu diễn: tốp nam; Liên khúc “Chúng tôi Bộ đội Cụ Hồ” sáng tác: Trần Quốc Đạt và “Hát mãi khúc quân hành” sáng tác: Diệp Minh Tuyền, biểu diễn: hợp ca và múa…

Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn ở trong trái tim các thế hệ chiến sĩ, trong mỗi bước hành quân chúng ta luôn có Bác, Bác tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ để vượt qua mọi khó khăn gian lao và thử thách. Dù ở ơi biên cương hay hải đảo xa, tình nghĩa quân dân vẫn luôn trọn vẹn, đậm đà, ngày đêm các anh vẫn chắp tay súng vững một niềm tin, hướng về đất mẹ - Tổ quốc thiêng liêng.

Tại lễ khai mạc, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phát biểu:

“Hôm nay là buổi biểu diễn đặc biệt nằm trong chuỗi các hoạt động nghệ thuật của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài quân đội, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam – một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp đã được Đảng và Nhà nước thành lập và lãnh đạo trong suốt 60 năm qua. Để nói tới lịch sử của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam chúng ta không thể không nhớ tới bước hành quân đầu tiên, những bước đi đầu tiên của âm nhạc mới Việt Nam từ năm 1930 với bản nhạc cùng nhau đi Hồng binh của nhạc sĩ – liệt sĩ Đinh Nhu, và từ đó nền âm nhạc mới Việt Nam như một dòng chảy chính thống – một dòng chủ lưu trong nền âm nhạc mới Việt Nam và đóng góp tích cực vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đặc biệt là sau năm 1975 khi đất nước thống nhất thì nền âm nhạc mới Việt Nam lại tiếp tục phát triển và nở rộ, để phấn đấu có một nền âm nhạc mới hoàn chỉnh, có nội dung sâu sắc, tính nghệ thuật cao. Có điều kiện hòa nhập với khu vực và thế giới, có những đội ngũ các thế hệ nhạc sĩ đã viết nên những bài ca, bản nhạc đi cùng năm tháng, trong đó có cả những nhạc sĩ là liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang quân đội nhân dân Việt Nam như nhạc sĩ Hoàng Việt, nhạc sĩ Văn Cận, nhạc sĩ Vĩnh Bảo và nhiều nhạc sĩ khác. Để nhớ tới công ơn các nhạc sĩ cũng như ghi nhận những đóng góp của các thế hệ nhạc sĩ đối với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, hôm nay Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ chức một đêm nhạc đặc biệt, đó là những giai điệu của các thế hệ nhạc sĩ đã đi cùng năm tháng, từ cuộc kháng chiến chống Pháp, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đặc biệt là những giai điệu mới của các thế hệ nhạc sĩ trưởng thành trong môi trường Quân đội, môi trường âm nhạc chuyên nghiệp và tiếp tục đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, viết nên những trang sử mới cho nền âm nhạc mới Việt Nam”.

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...