“Chọn nhạc cho em” – Bài hát của những “Bài hát của năm”

10/01/2020

(Dành cho những người yêu nhạc CCCP)

"Bài hát của năm" là một chương trình tuyển chọn những bài hát xuất sắc nhất của Liên Xô cũ, nó tồn tại từ 1971 đến 1991 khi Liên ban Xô viết tan rã. Hàng tháng, hàng quý đều có những buổi biểu diễn sơ tuyển, rồi khi kết thúc năm bao giờ cũng có chương trình truyền hình và công bố "bài hát của năm" - như một số cuộc thi khác thì giải thưởng tặng cho "bài hát" - tức là tác giả (nhạc và lời).

Nhưng chủ nghĩa quân bình của XHCN đưa ra một hình mẫu khá lạ: tất cả các bài hát vào đến buổi chung kết đều coi là được giải - do đó mỗi năm chính khán giải mới là người chọn và nhớ những bài hát nào đọng lại trong ký ức! Sau 1991 thì cuộc thi biến dạng đi rất nhiều lần, chỉ còn lại cái tên, tuy vậy chương trình này vẫn được rất nhiều khán giả truyền hình đón chờ vào dịp năm mới...

Có không ít bài hát nhuốm màu chính trị cũng như những buổi chung kết thường có sự tham gia của càng nhiều đại diện các nước cộng hoà càng tốt nhưng dần dần thì đa số các bài hát "được giải" đều hát về những điều có giá trị bất biến và nhân văn: tình yêu, hoà bình, chia ly rạn vỡ...

Cho đến nay có tổng cộng gần 2300 bài hát tham gia "bài hát của năm" với "kỷ lục gia" là Sophia Rotaru (Moldavia) với 92 lần tham gia, 43 lần vào chung kết (Hơn gấp đôi so với đồng nghiệp Alla Pugacheva). Nhiều cái tên ca sĩ đã trở thành huyền thoại, như Muslim Magomaev, Anna German, Josiv Kobzon... và có nhiều bài đã trở thành quen thuộc với khán giả Việt Nam, như "Bài hát về Tổ quốc xa xôi" (qua phim "17 khoảng khắc của mùa xuân"), "Lòng chung thuỷ của thiên nga", "Điệu nhảy trên trống", "Triệu triệu đoá hoa hồng"...

Dịp đầu năm này xin lựa chọn và giới thiệu bài hát độc đáo nhất, xuất sắc nhất của tất cả các "bài hát của năm" trong lịch sử CCCP.

Jaak Joala (1950-2014) là ca sĩ của nước cộng hoà Estonia vốn được coi là "kẻ lãng mạn" hiếm hoi trong dòng nhạc nhẹ Liên Xô cũ, với tính cách nhẹ nhàng, lãng tử hào hoa và chơi được rất nhiều nhạc cụ. Lại là người "dân tộc" nữa nhưng hát tiếng Nga cực chuẩn, nên anh càng hay được xuất hiện ở trên truyền hình và các cuộc thi quốc tế, của đáng tội tài năng của anh hoàn toàn xứng đáng với sự ái mộ đó! Hãy xem bài hát dịp năm mới anh song ca cùng Sophia Rotaru - "Cây oải hương" ("лаванда"): 

Anh hát truyền cảm đến mức những bài về chiến tranh nghe cũng dễ "nổi da gà" - "Trận chiến đấu cuối cùng" ("Последний бой"): 

Và năm 1979, sau khi tham gia liên hoan ca nhạc quốc tế ở Sopot tại chung kết “Bài hát của năm” anh đã trình diễn bài hát tuyệt diệu “Chọn nhạc cho em” - của tác giả đang ở đỉnh cao sự nghiệp sáng tác Raymond Pauls (người đã đưa All Pugacheva lên vị trí "nữ hoàng âm nhạc" Liên Xô). Phải nói lại, rằng ở Liên Xô cũ hầu như tác giả lời cũng là người khác, thường là nhà thơ chuyên nghiệp, và ở đây là nhà thơ nổi tiếng Voznessenskiy.

"Anh hàng ngày hát tại thị trấn nhỏ của chúng ta, ở một nơi ồn ào chật chội. Em sẽ đến, ngồi trong góc. Anh chọn nhạc dành cho em, cho khuôn mặt em, cho đôi mắt em, cho những lời mà trong đời anh không dám nói... Hãy nhảy với âm nhạc của anh, kệ cho những gì số phận đã an bài, em nhảy dưới âm nhạc của anh, mặc cho tất cả! Em sẽ ra đi cùng ai, anh chỉ tiễn em bằng ánh mắt, ngoài kia chỉ có gió mưa, anh chọn nhạc cho cơn mưa, em hãy nhảy với âm nhạc của anh. Hãy nhảy với âm nhạc của anh, kệ cho những gì số phận đã an bài, em nhảy dưới âm nhạc của anh, mặc cho tất cả! Anh sẽ chọn nhạc cho số phận, sao cho ngoài kia gió ấm. Anh sẽ chọn nhạc dành cho em, như anh nhớ về em. Chúng ta đã tìm được những ngôi sao khác nhau, nhưng âm nhạc thì chỉ có một mà thôi. Một ngày kia trên đường đời anh ngã xuống thì chính âm nhạc sẽ nâng anh đứng dậy".

(Lời bình dành cho những bạn biết tiếng Nga: nội dung bài hát khá đơn giản những thực ra rất khác biệt. Nhà thơ Voznesenskiy dùng thì tương lai, một điều rất hiếm trong các bài hát, ông muốn nói về cô gái thực ra đã chia tay chàng ca sĩ rồi, còn đây chỉ là mong ước lãng mạn của anh thôi. Một điều khá khó cảm nhận cho người Việt chúng ta, là từ "подбирать - подобрать" ngoài nghĩa là "chọn lựa" còn có nghĩa là "nhặt lên", "nâng dậy" - nên cách dùng từ của tác giả ở câu cuối vô cùng khó dịch cho hay: "Если я в жизни упаду подберет музыка меня".)

40 năm đã trôi qua, người Liên Xô cũ không quên bài hát "Chọn nhạc cho em" của chàng lãng tử Jaak Joala này. Tưởng chừng khá đơn giản để mà hát lại nó, nhưng Jaak để lại cái bóng quá lớn với bài hát, không ai hát được hay, sâu lắng mà nhẹ nhàng như anh. Như tượng đài âm nhạc Muslim Magomaev đã nhận xét về anh là "có một hơi thở đặc biệt" và có thể hát bất cứ nốt nào mà không phải lên gân lên cốt hay gào thét xé họng. Cả Liên bang Xô viết yêu mến anh, chứ không chỉ có nước cộng hoà Estonia nhỏ bé...

Bài hát trở thành một "thử thách" quá lớn đối với nhiều nam ca sĩ, đặc biệt trong cuộc thi âm nhạc lớn "Giọng hát Nga" cứ ai liều hát bài này thì cầm chắc bị loại từ vòng giấu mặt:

2017 Кристиан Касеару (một đồng hương Estonia của Jaak):

2019 Ruslan Alekhno (một ca sĩ đã thành danh của Bạch Nga): 

Cả tam ca gồm những giọng ca sau này đều đứng trên những sân khấu lớn (Bạch Nga, Chechnya, Tacta) cũng hát chưa được bài hát đó, năm 2013:

Valerya - giọng ca nữ xuất sắc của Nga cũng muốn thử sức với bài hát này, với cả dàn nhạc và Raimond Pauls nhưng cô hát "không ra":

Raimond Pauls còn thử tiếp với một giọng ca Gruzia xuất sắc nữa, Valery Meladze, nhưng có vẻ mất đi hết phần bay bổng của bài hát này:

Những năm cuối Alexander Malinin - giọng ca vàng chuyên hát tình ca của Nga - cũng hay chọn bài hát này trong những đêm nhạc của Raimond Pauls, anh hát rất hay nhưng có lẽ chỉ thiếu một chút nữa thôi, đó là "hơi thở" thần thánh mà Magomaev đã nói tới đó:

Có lẽ chỉ một lần duy nhất một nam ca sĩ đã đạt gần đến cái "thần" của Jaak Joala trong "Chọn nhạc cho em" -trong chương trình kiểu như "Đi tìm thần tượng âm nhạc" của ta vẫn ca sĩ Ruslan Alekhno phải trình diễn Jaak Joala, và có lẽ chính Jaak Joala đã "nhập" vào anh trong vai diễn xuất thần này:

Vậy đấy, tưởng chừng chỉ một bài hát đơn giản, dù là "bài hát của năm 79" thế mà 40 năm nay chưa ai hát được như Jaak Joala. Cũng ít ai ra đi nhẹ nhàng được như anh. Có lẽ chính âm nhạc đã chọn anh, bài hát này đã chọn anh...

Bạn có nhớ hình ảnh Jaak Joala trong phần cuối bài hát năm 1979 không? Anh rời micro, nhẹ nhàng ra đi trong khi những tràng vỗ tay vang dậy mới bắt đầu vang lên? Hình như số phận của anh gắn liền với hình ảnh này - năm 1988 anh đã bắt đầu không xuất hiện trên truyền hình của CCCP, rồi sau khi Liên Xô tan rã anh sớm dừng biểu diễn nói chung. Anh bảo không còn thích hát nữa, vì nhiều người cứ nói sau lưng anh là "người của điện Kremlin" mặc dù trong nước anh đã hát những bài ca khác hẳn. Anh sống khá ẩn dật, dạy guitar, dạy thanh nhạc, từ chối mọi lời mời biểu diễn mặc dù với tài năng và tiếng tăm của mình anh có thể dễ dàng trở thành đại phú. Những năm cuối đời anh mở một quán bar âm nhạc, nơi ai cũng có thể dùng đồ uống không mất tiền và xem những nhạc sĩ nổi tiếng châu Âu tới biểu diễn - họ tới đây chỉ vì lòng yêu mến Jaak Joala và tất nhiên diễn không thù lao. Thế rồi năm 2014 bệnh tật đã đưa ca sĩ tài hoa này đi mãi - cả đất nước Estonia 1 triệu dân và cả Liên bang Xô viết cũ 240 triệu dân nhớ thương anh!

Anh để lại rất nhiều tuyệt phẩm, trong đó có lẽ nổi bật nhất là "Chọn nhạc cho em".

Xin xem lại một lần biểu diễn theo tôi là xuất sắc nhất của Jaak Joala, năm 1982 với phần đệm đàn "như lên đồng" của chính tác giả Raimond Pauls:

Bonus: một clip rất đẹp của Jay Stiver (Latvia):

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.