Chiêng cồng Ê Đê ở Đắc Lắc: Hiểu sao cho đúng
Đến bây giờ, khi tổ chức UNESCO đã chính thức xem Không gian cồng chiêng Tây nguyên là một trong những kỳ quan phi vật thể của nhân loại, những chiếc chiêng cồng của Tây nguyên đã được đối xử đúng như cái nó có. Và một lần nữa, các nhà nghiên cứu lại đua nhau đi tìm thêm những nét đẹp của hình thái âm nhạc này.
Cách đây đã nửa thế kỷ, nhà dân tộc học tài ba Georges Condominas, người mới chia tay gia đình và bè bạn vào cuối năm ngoái, đã thốt lên: “Tôi cảm nhận rằng có một điều kỳ diệu nào đó, từ lâu đã ngấm vào máu thịt của con người tôi, thôi thúc, tạo cảm xúc mạnh mẽ cho tôi hay cho cả cộng đồng - đó chính là âm thanh của dàn chiêng Ê-Đê. Tiếng chiêng ấy vừa mang âm hưởng của huyền thoại, vừa mang hơi thở say đắm, nồng nhiệt của đời sống hiện thực…” Georges Condominas đã cảm thấy hạnh phúc mỗi khi có mặt ở những ngôi nhà dài Ê Đê và chỉ có những lúc như thế ông mới cảm nhận điều này.
Đã quá nhiều lần nghe rằng, đối với cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên, chiêng cồng không chỉ là nhạc cụ mà còn là tài sản của bà con, dòng họ, của các bộ tộc. Cũng từ rất lâu rồi, tiếng chiêng được xem là có khả năng giao tiếp giữa con người với thần linh, với một thế giới siêu nhiên nào đó mà sự hiện hữu là có thật. Ngày nay, tiếng chiêng cũng mang trong mình những gì mà cuộc sống mới đang diễn ra. Vậy thứ nhạc cụ hết sức độc đáo và cũng có phần “bí hiểm” ấy đã được tấu lên theo cách thức nào?
Gần 15 năm bôn ba trên mảnh đất Tây nguyên, đã bao lần tôi nghe thấy tiếng vang vọng của dàn chiêng Ê Đê trong các ngôi nhà dài truyền thống.
Khác xa vẻ “âm u” trong một cấu trúc âm thanh của người Mơ nông, tiếng chiêng Ê Đê sầm sập “như trời đổ mưa” (Truyện Kiều) vang lên bởi bàn tay của các nghệ nhân (nam) ngồi đánh trên những chiếc ghế Kpan truyền thống. Sự khác biệt về hình thức giữa chiêng của hai dân tộc đông dân nhất tại Đắc Lắc là rất rõ: người Mơ nông lấy tay đánh vào mặt lồi của chiêng, còn người Ê Đê lại lấy dùi gỗ đánh vào mặt trong của những chiếc chiêng lõm. Trong các lễ hội, các bài chiêng thể hiện có quy định chặt chẽ nhưng cũng không kém phần ngẫu hứng, sáng tạo, mang những tiết tấu riêng của từng dân tộc. Năm 1985, tôi may mắn đi cùng GS Tô Vũ, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, GS Tô Ngọc Thanh và cả vị GS Marceda, người Philippines, đi điền dã để chuẩn bị cho Hội thảo chiêng cồng Đông Nam á. Và tại đó, tôi có dịp tiếp cận và tìm hiểu thêm nhiều điều hay của dàn chiêng Ê Đê. Trong dàn chiêng 9 chiếc của đồng bào Ê Đê, chiếc Char lớn nhất, âm thanh trầm ấm, GS Tô Vũ chỉ vào nó rồi nói với vị đồng nghiệp người Philippines: “contrebass”, ông đã ví chiếc chiêng lớn nhất này như cây đàn lớn nhất ở bộ giây của dàn nhạc giao hưởng vậy. Bên cạnh là hai chiếc chiêng có núm mang tên là M'du và Ana, chúng phụ trách phần tiết tấu trong dàn chiêng, điều đặc biệt là chiếc M'du khi tấu sẽ đặt úp xuống, nghệ nhân dùng chiếc dùi gỗ đầu bịt da thú đánh vào làm M'du kêu như tức thở,tiếng vang xa nhất dàn. Tuy nhiên, nhân vật trung tâm của cả dàn là 6 chiếc chiêng khác, lần lượt mang tên là Knati, Hliang, Khơc, Hluê khơc, Hluê liang và M'du khơc diêt... kết thành tiếng đối thoại của hai nhóm chiêng Hliang và Khơc, được ví như sự qua lại giữa giọng nam và giọng nữ. Sự liên tưởng ấy là có nguyên nhân của nó. Một thành viên (không thường trực) của dàn chiêng này là chiếc trống lớn, gọi là H'Gơr.
Hãy hình dung dàn chiêng này như một gia đình mẫu hệ của người Ê Đê cổ xưa. Gia đình lớn sẽ có bà chủ, chính là H'Gơr. Chiếc Char tượng trưng cho già làng, còn hai chiếc chiêng M'du và Ana là ông bác và ông chú. Còn 6 chiếc chiêng kia là những anh em trong gia đình, trong đó Khớc (số 3) là nhạc trưởng, khó đánh nhất. Tiếng Ê Đê, khớc nghĩa là ngắt, liang nghĩa là theo, còn diêt là nhỏ, M'du khơc diết y như cô gái út trong gia đình. Khi tấu nhạc, không kể chiếc M'du và chiếc Ana đối thoại nhau, nguyên tắc là nhóm Khớc dẫn dắt và nhóm liang đi theo, y như những luật tục thời mẫu hệ vậy. Thành thử, mọi cuộc tấu chiêng của người Ê Đê chẳng qua chỉ là những câu chuyện qua lại về thế tục và là sự tưởng nhớ đến thần linh, tổ tiên, thông qua các cuộc đối thoại của 2 nhóm nam-nữ. Hơn mười năm ở Đắc Lắc, dù tự xem là người có chút vốn liếng về âm nhạc và đã nhiều lần được bà con cho phép thử ngồi vào dãy ghế Kpan tấu chiêng cùng bà con mà tôi chưa sao đủ tự tin ngồi vào vị trí của chiếc chiêng Khớc, thế rồi sau nhiều ngày suy đi nghĩ lại, tôi cho rằng cái thiếu chủ yếu của mình chưa phải là vấn đề kỹ năng mà chính là tâm hồn âm nhạc của người Ê Đê, điều mà nói thì dễ mà làm thì thật khó.
Trong các sách về văn hóa dân gian Tây Nguyên, người ta có ghi rằng chiêng Ê Đê có nhiều chủng loại với các nhóm tộc người khác nhau trong cùng dân tộc Ê Đê. Ví như chiêng Jhô của người Ê Đê Bih, hoặc chiêng Knah của người Ê Đê Kpă... Cũng có nhiều loại chiêng được gìn giữ từ lâu đời và được coi là vật quý. Nó được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, đại đa số là thép (non), gang, đôi khi có pha cả các kim loại quý như vàng, đồng đen hay bạc thường được nói đến trong các trường ca. Âm thanh của dàn chiêng sẽ vang xa hay không là do cách pha chế chất liệu khi đúc chiêng và theo nghiên cứu của chúng tôi, những lò đúc chiêng “xịn” để cung cấp cho Tây Nguyên đều từ Bình Định hay Thuận Hải mà ra. Nhưng dù là chất liệu gì thì các dàn chiêng đều được diễn tấu trong các sự kiện quan trọng của dân tộc, cộng đồng mình hay các sự kiện lớn của quê hương, dòng tộc.
Ông Krông Y Tuyên, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Đắc Lắc từng tâm sự với báo chí rằng: “Kể từ khi Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, cả thế giới lắng nghe cồng chiêng với một tâm thế ngưỡng mộ, sẻ chia và đồng cảm. Không những thế, để tôn vinh văn hoá nghệ thuật cồng chiêng, vào cuối năm 2007, UBND tỉnh Đắc Lắc còn tổ chức một Festival văn hoá cồng chiêng khá hoành tráng nhằm quảng bá bản sắc riêng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đến bạn bè thế giới. Điều đặc biệt hơn nữa là Festival cồng chiêng sẽ được tổ chức thường kỳ hằng năm để khuếch trương và quảng bá nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Nhưng rồi làm gì để mong muốn tốt đẹp ấy trở thành hiện thực, đó lại là một vấn đề không đơn giản.
Mới đây, khi phát biểu về đề tài này, nhạc sĨ Võ Đức Trí, người có nhiều sáng tác về Tây Nguyên đã cho rằng: “Ứng dụng cồng chiêng vào dàn nhạc lúc này là đáng khuyến khích, không sớm cũng không là muộn, chỉ có điều là phải cân nhắc, thận trọng, phải có thủ pháp, tay nghề và nhất thiết người dàn dựng, sáng tác phải nắm được tính năng của từng loại chiêng cồng. Thử lấy một ví dụ như trong bộ chiêng Knah của đồng bào Ê Đê, có người đã sử dụng chiếc M'du treo trên giá chiêng hoặc đeo vào vai mà đánh thì không thể đúng với phong cách, tính năng của nó, vì lối đánh này chỉ dùng cho chiếc Ana Ching có núm hoặc các dàn chiêng của người Gia Rai, Ba Na, người Mường… Còn chiếc M'du người Ê Đê chỉ có một lối đánh là để úp xuống với âm sắc tối, đục, câm tiếng, chứ không đánh vang lên, bung tiếng như các chiêng khác. Vả lại cái hay của dàn chiêng là cùng lúc kết hợp 8,9 chiếc hòa âm trên một điệu thức, có bài bản khác nhau, nếu đem tách rời một vài chiếc trong cả bộ chiêng thì khi tấu lên không thể tạo được tính độc đáo của giai điệu, tiết tấu, đôi khi còn tai hại hơn khi bị dàn nhạc điện tử lấn át bởi màu sắc hòa âm của Tây phương. Cuối cùng chỉ có tác dụng như một loại nhạc khí gõ, làm tô điểm màu sắc chứ không đảm bảo được tính cộng hưởng trong thang âm của dân tộc…”. Những kiểu tìm tòi lạ lẫm, chẳng hạn đưa chiêng cồng vào nhạc nhẹ, thậm chí vào cả dàn nhạc giao hưởng hay lên sân khấu nào đó đều vấp phải những rào cản không dễ vượt qua.
Xem ra, những nhạc cụ cổ truyền sẽ chỉ được nhận rõ nhất và trân trọng nhất nếu như được đặt giữa chính cái không gian đã tạo nên chúng.
(Nguồn: http://www.songnhac.vn)