Chị và em cùng hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam

03/03/2021

Bố tôi đã mê tiếng hát của bác Huyền mà để lại mẹ tôi cùng bốn con thơ, theo bác Huyền về Hà Nội, thi tuyển và trở thành ca sĩ của Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) năm 1955. Từ đó, bác và bố tôi, hai chị em ruột đã thành đồng nghiệp ca sĩ, cùng hát trên Đài TNVN.

MỘT. Khởi nguồn từ ông nội mê hát ả đào

Ông nội tôi có hai dòng con với hai bà nội, cho phép cháu nội gọi theo thứ tự: bà Nội và bà Trẻ. Bố tôi và bác Huyền thuộc dòng lớn, gồm bảy người, bác Huyền thứ ba, bố tôi thứ tư, là con giai độc đinh trong dòng con thứ nhất của ông nội. Dòng thứ hai của bà Trẻ có ba con, cũng duy nhất một trai. Bố tôi Văn Hanh và chú tôi Hùng Chiến, đều được cô bác gái của cả hai dòng gọi là “giai hoi” (giai hiếm).

NSND. Thương Huyền và NSƯT. Văn Hanh trong một tiết mục song ca. Ảnh: TL

Ông nội tôi là trai làng Thượng Mỗ, Hoài Đức, Hà Đông, chết năm 1962, khi 62 tuổi. Trên 60 năm đời mình, ông chỉ mê hai thứ: uống rượu quê và nghe hát chèo cổ cửa đình từ bé. Đến tuổi xuân, ông mới thật mê đắm ca trù (hát ả đào). Chính ông tự luyện thành tay đàn đáy số một của vùng Hoài Đức, Hà Đông, đua theo bạn bè, lên Hà Nội chơi đàn đáy ở Khâm Thiên, mà phải lòng một ca nương đẹp người, đẹp nết, hát ca trù thậm hay, tóc dài chấm gót, giọng Hà Nội thánh thót oanh vàng. 

Ông mê chơi đàn đáy cho bà, theo bà về nhà riêng ở Thái Hà ấp, lập “phòng nhì”, có thêm một dòng ba con, thành mười người con cả thảy. Rồi ông đưa bố tôi và bác Huyền lên Hà Nội ở, cho bố tôi đi học đến bằng Thành chung (Certificat), cho học đàn, học hát, truyền cho hai con tình yêu ca trù, yêu tân nhạc. Rốt cuộc, bác tôi và bố tôi cùng phải lòng tân nhạc, mà thành những ca sĩ có giọng hát trời cho, tự đệm guitare cho mình hát, phong cách đầy tự do và ngẫu hứng…

HAI. Bác Huyền tôi, từ chim sơn ca thủ đô đến chiến khu Việt Bắc

Một nhạc sĩ nổi tiếng, Nguyễn Văn Thương thì phải, đến chơi nhà ông bà tôi ở ấp Thái Hà. Ông choáng người khi nghe từ phòng khách giọng hát bác Huyền, trong khiết ngọc tuyền, tươi sáng đồng quê, như giọng Trời, chưa hề nhuốm bụi thị thành. Ông liền trịnh trọng mời cô thiếu nữ chân quê xứ Hà Đông, đến hát khai mạc Tuần lễ Vàng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Với giọng nữ cao trong vắt, du dương, bác được công chúng thủ đô yêu dấu gọi là “con chim sơn ca của thủ đô Hà Nội”. 

Dường như từ ngày đó, bắt đầu định mệnh hát của bác tôi. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bác Huyền tôi nghe tiếng gọi kháng chiến, bỏ “đô thành nghi ngút cháy sau lưng”, theo Cụ Hồ lên chiến khu Việt Bắc, chính thức khởi nghiệp hát trên làn sóng điện Đài TNVN. 

Cả gia đình ông nội tôi tản cư theo bác Huyền, lên Thái Nguyên, mua một cái trại, Trại Cau, ở chung cả hai dòng con, luôn giữ liên lạc với bác Huyền ở thủ đô kháng chiến Việt Bắc. Bố tôi đi lính Vệ quốc đoàn, giải ngũ, về Trại Cau ở cùng gia đình, làm việc ở Chi sở kho thóc Thái Nguyên, gặp mẹ tôi tản cư theo gia đình từ làng Đình Bảng - Bắc Ninh lên, cưới nhau, sinh ra tôi và ba đứa em tại tỉnh Thái và đặt tên tôi là Thái, theo tên cái nơi mà ông bà đã thành vợ thành chồng…

NSND Thương Huyền. Ảnh: TL

Tuổi đôi mươi, Thương Huyền thành ca sĩ đầu tiên của Đài TNVN, hát từ phòng thu thanh của đài, đặt giữa rừng sâu Việt Bắc, mái lá, vách tranh, nhiều khi chỉ với người đệm đàn duy nhất, chơi đàn mandoline tay ngang. Đó là ông Doãn Phú, công nhân phòng thu, mê say tiếng hát dân dã, vời vợi đa tình, trong vắt du dương của Thương Huyền mà đã thành chồng bà (*). 

Từ làn sóng điện của Đài TNVN, tiếng hát Thương Huyền bay khắp chiến khu Việt Bắc, xuống trung du, về Hà Nội bị tạm chiếm, bay sang tận Paris, thủ đô nước Pháp - suốt chín năm kháng chiến trường kỳ chống Pháp.

Tiếng hát của bà đã trở thành kỷ niệm âm nhạc của một thời kháng chiến không thể nào quên, của tất cả những ai từng nghe bà hát dân ca: Hoa thơm bướm lượn, Ngồi tựa mạn thuyền, Trèo lên núi Thiên Thai, Người ơi người ở đừng về, Ra ngõ mà trông… Và những ca khúc trữ tình của nền tân nhạc Việt Nam: Suối mơ, Con chim non, Con chim lạc đàn, Thiên thai, Sơn nữ ca... Rồi những ca khúc tiêu biểu của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này, trong đó có những bài song ca với ca sĩ em trai Văn Hanh: Gặp nhau dưới ánh trăng, Tình trong lá thiếp, Sao cô em chưa về, Dòng sông Đăkrông…

Từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội hòa bình năm 1954, tiếng hát của bà như được chắp cánh bay ra thế giới. Nhân Đại hội Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ sáu tại Moscow, thủ đô Liên bang Xô viết, có tổ chức cuộc thi hát dân ca thế giới với hàng trăm nước tham dự, ca sĩ Thương Huyền đã đoạt giải nhì. Bà hát rất hay bài dân ca Nam bộ Ru con, lần đầu đem về cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một giải thưởng quốc tế về âm nhạc.

Trong những ngày nước nhà chưa thống nhất, “nửa mình còn trong lửa nước sôi”, bà đã đến tận bờ con sông giới tuyến Bến Hải, lên sân khấu dựng ngoài trời, hát vọng sang bờ bên kia sông, những bài ca tin tưởng, hy vọng, đợi chờ, son sắt tình non sông đất nước: Tình trong lá thiếp (song ca cùng em trai Văn Hanh), Câu hò bên bờ Hiền Lương, Bài ca hy vọng, Hà Nội - Huế - Sài Gòn…

Bà đã hát, như từng hát trong kháng chiến chống Pháp mong ngày độc lập, giờ đây mong ngày thống nhất, sum họp Bắc - Nam. Tiếng hát sáng đẹp, thiết tha, đẫm tình của bà đã lay động, quyến rũ lòng người, vượt qua cả biên giới Việt Nam, chinh phục công chúng quốc tế.

Sau hơn 40 năm hát, kể từ 1946, chim sơn ca chừng đã mệt. Bác Huyền tôi biết mình sắp về cõi, đến lúc phải từ biệt cuộc hạnh ngộ giữa tiếng hát của bà với cách mạng và kháng chiến. Bà thanh thản nhắm mắt trong một ngày tháng 7.1989 tại Hà Nội, như người nông dân yên ngủ êm đềm trên liếp cỏ sau khi đã hết sức cấy cày!

Bà mất, kết thúc cuộc đời người đàn bà chói sáng nhất họ nội tôi, một nghệ sĩ suốt đời hát cho đất nước, cho đồng bào mình. Theo lòng yêu dấu thiên lệch của tôi, Nghệ sĩ Nhân dân Thương Huyền là người hát dân ca hay nhất, không ai có thể hát hay bằng…

BA. Bố tôi hát cùng chị ruột Thương Huyền trên Đài TNVN

Chính là bố tôi, đã mê tiếng hát của bác Huyền mà để lại mẹ tôi cùng 4 con thơ, theo bác Huyền về Hà Nội, thi tuyển và trở thành ca sĩ của Đoàn Ca nhạc Đài TNVN năm 1955. Từ đó, bác và bố tôi, hai chị em ruột đã thành đồng nghiệp ca sĩ, cùng hát trên Đài TNVN. 

Sinh năm Đinh Mão 1927, năm nay, 2021, bố tôi đã vào tuổi 94, vốn là con trai duy nhất dòng một của ông nội tôi và đến nay, là người duy nhất còn sống, bởi sáu chị em gái của bố tôi đều đã mất. Năm 89 tuổi, ông mới được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, và là nghệ sĩ cao tuổi nhất trong đợt phong tặng năm 2016.

Tôi nhớ ngày bố đón năm mẹ con từ Thái Nguyên về Hà Nội đoàn tụ năm 1957, tôi vào học lớp một ở ngôi trường dân lập, đặt ngay trong chùa Quán Sứ, phố Quán Sứ, gần nơi bố tôi hành nghề hát: Đài TNVN, 58 Quán Sứ. Chính bố tôi đã dạy tôi nghe hát và biết yêu tiếng hát bác Huyền, và của cả bố tôi, từ năm tôi bảy tuổi, khi gia đình tôi định cư ở ngôi nhà lá số 8 ngõ Dã Tượng.

Tôi luôn nhớ hồi bé, mới năm tuổi đầu, ở cùng mẹ trong ngôi hàng xén phố Tân Long tỉnh Thái, lâu không thấy bố từ Hà Nội lên thăm, tôi vòi vĩnh mẹ đòi bố. Mẹ tôi cười cười, chỉ tay ra đầu phố, bảo tôi chạy đến cái loa phát thanh treo trên cây mà hỏi. Cái loa đang văng vẳng tiếng hát bố tôi. Tôi nghe bập bõm bài Tình trong lá thiếp: “Ngày mai anh về anh hát bài Lý tang tình… cho thỏa lòng nhớ mong, cho lúa chín vàng thơm…”. 

Tôi hong hóng mặt lên cái loa bằng thiếc to tướng trên đầu, gào lên: “Bố ơi xuống đây với con”. Loa vẫn oang oang trên cao, không thấy bố xuống. Tôi òa khóc, chạy về nhà, lăn ra bắt đền mẹ: “Sao bố cứ hát mãi trên cái loa, chẳng xuống chơi với con?”. Và cứ thế, tôi đã để nằm lòng thật ngây thơ và tự nhiên, những giai điệu tân nhạc thật đẹp, trong tiếng hát của bố tôi, ngay từ khi chưa hiểu gì về ý nghĩa ca từ của bài hát.

NSƯT Văn Hanh. Ảnh: TL

Nhớ năm đầu về Hà Nội, mới bảy tuổi, tôi hay được chứng kiến những buổi tối mùa đông Hà Nội rét căm căm, bố tôi tập hát một mình thật say mê và thật nhọc nhằn. Cảnh tượng ấy vẫn như in trong lòng và tôi đã viết trong một thiên hồi ký: “Vào những đêm khuya giá buốt và tĩnh lặng trong ngõ Dã Tượng, mẹ tôi ngồi nhẫn nại đan áo len thuê. Bố tôi bò trên cánh phản xướng âm bài hát. Chiếc đàn guitare nằm yên bên cạnh. Tôi đương lơ mơ ngủ, bỗng choàng tỉnh, bởi tiếng mưa đêm báo rét gõ lộp bộp xuống mái lá. Từ cây đàn guitare gỗ trên tay bố tôi, rơi theo mưa bập bùng những hòa âm trầm, nghe buồn não lòng. Ông đang tập bài Dòng sông, tình ca buồn của Trần Viết Bính: “Nhà em ở phía bên sông. Nhớ ngày phiên chợ còn đông. Đôi bờ chia cách dòng sông, anh cùng em chung một cánh đồng. Mẹ cha ta đã hẹn nhau, miếng trầu với lại quả cau”…

Ông đang hát, khi các con đã ngủ. Hát khe khẽ, đàn nhẹ nhẹ, chuẩn bị cho buổi thu thanh ngày mai ở Đài TNVN. Đêm sâu lắng, thanh khiết. Mưa đêm và tiếng đàn đêm cứ rơi rơi lãng đãng xuống tim tôi. Trái tim tôi quá non nớt, nhưng đã mơ hồ cảm thấy cái sức mạnh vật chất của tiếng đàn đêm bập bùng, và bắt đầu thấm thía cái đau đớn, xuyên thấu trong từng ca từ ở đâu đó trong lòng… 

Rồi có đêm, bố tôi đang hát thì đột ngột dừng đàn. Trên cái radio đầu giường ngủ của tôi đang phát ra tiếng hát thấm thía tình cảm và trong trẻo vô ngần của hai chị em, bác tôi và bố tôi, song ca bài Tình trong lá thiếp của Phan Huỳnh Điểu. Hai tiếng hát quấn quyện, đong đầy tình thương ấy đã gieo vào tâm hồn tôi, làm mê man tôi như bị bùa mê. Tôi lại có dịp trở về cô bé năm tuổi ngày nào trên Thái Nguyên, đã từng nghe chính bài hát này phát ra từ cái loa thiếc, trong nỗi nhớ bố ở xa tận Hà Nội. Hai giọng hát song ca hòa quyện ấy cứ lơ lửng bay trong đêm, ngân rung réo rắt, đã làm thổn thức lòng tôi…

Và không chỉ tôi biết yêu tiếng hát của bố tôi và bác tôi, khi hát đơn ca, lúc hát song ca. Bố tôi còn đặc biệt được người nghe đài nhớ những bài ông đơn ca, bằng giọng nam cao đầy tình cảm và nội lực: Câu hò bên bờ Hiền Lương của Hoàng Hiệp, Tiếng hát trong rừng cọ đồi chè của Trương Quang Lục, Đổi công tát nước của Phạm Hanh, Bên kia sông Đuống (Hồ Bắc phỏng thơ Hoàng Cầm), Dòng sông, Chiếc nón Huế của Trần Viết Bính…

Ngoài hát song ca rất hay với danh ca Thương Huyền, ông còn hữu duyên song ca với các danh ca khác của Đài TNVN: Với Nguyễn Thị Hồng, bài Gọi nghé trên đồng của Doãn Mẫn, và Ta sẽ cưới nhau của Phan Huỳnh Điểu, với Kim Oanh bài Thư em của Đặng Đình Hưng, với Mộng Dung bài Múc nước giếng thơi của Thịnh Trường. Rất tiếc, Thương Huyền, chị ông đã mất sớm, có người hâm mộ chịu tìm kiếm và tìm thấy, thu đĩa CD và đưa lên mạng đến hơn 20 bài ông đã hát và họ đã nhớ…

Và hôm nay, đã bắt đầu năm 2021, năm đầu tiên thập niên thứ ba thế kỷ XXI, ông bố ca sĩ của tôi, khi nhìn mình từ điểm nhìn hiện tại của tuổi 94, ông chỉ thấy lòng tràn ngập biết ơn cái nôi sinh thành và thăng hoa tiếng hát của hai chị em ông: NSND. Thương Huyền và NSƯT. Văn Hanh, suốt hơn nửa thế kỷ qua, trên làn sóng điện Đài TNVN. 

______________

(*) Người chồng đầu của bà là đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, bị tòa án kháng chiến kết tội tham nhũng và Cụ Hồ đích thân ký lệnh tử hình. Nhà viết kịch Lưu Quang Hà đã viết kịch bản Đêm trắng, hư cấu từ câu chuyện này, dựng Bác Hồ thành nhân vật trung tâm, đích thân cùng tòa án, luật sư điều tra, luận tội và dứt khoát xử lý vụ án tham nhũng đầu tiên của sĩ quan cao cấp Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngay trong chiến khu Việt Bắc. Nhà hát Kịch Việt Nam đã dựng kịch Đêm trắng lần thứ nhất, cách đây 30 năm; lần hai, cách 15 năm và lần ba, Đêm trắng vừa được đạo diễn Xuân Bắc dàn dựng và tổng duyệt đêm 27.12.2020.

(Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...