Chi hội Âm nhạc tỉnh Bắc Ninh tham gia chương trình Quốc Tổ toàn cầu 2019 tại Lào và Thái Lan

15/04/2019

Trước sự chứng kiến của Đại sứ Nguyễn Phú Bình – nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao, nhạc sĩ Nguyễn Trung – Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc, Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh trao tặng bức tranh dân gian Đông Hồ cho Hội người Việt Nam tại Thái Lan trong Lễ Quốc tổ toàn cầu 2019 tổ chức ở Udon Thani.

Nhận lời mời của Đại sứ Nguyễn Phú Bình – Nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, từ ngày 04/4/2019 đến 09/4/2019, đoàn đại biểu Chi hội Âm nhạc Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh do nhạc sĩ Nguyễn Trung – Uỷ viên BCH Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc làm trưởng đoàn đã tham dự chương trình Quốc tổ toàn cầu 2019 do Hội Liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào và Thái Lan  tổ chức.

Việc ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại ''đã góp phần vào việc công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên dân tộc Việt ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới(có cộng đồng người Việt sinh sống), qua đó khuyến khích cộng đồng thừa nhận sự tương đồng văn hóa Việt trên các vùng lãnh thổ.

Vì vậy, từ năm 2015, ý tưởng và Dự án ''Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu'' ra đời. Đây là một dự án văn hóa - xã hội, phi lợi nhuận, nhằm mang lại các giá trị cho các đối tượng công chúng kiều bào Việt Nam trên toàn thế giới. Dự án này mang tính cộng đồng và quốc tế. Ngoài sự tham gia của bà con kiều bào, còn có sự tham gia của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế. Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu phối hợp tổ chức thống nhất Ngày Giỗ tổ Hùng Vương với Ngày Việt Nam trên toàn cầu. mà Hùng Vương là người sáng lập ra đất nước và là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Ngày Quốc tổ Việt Nam ra đời với mục tiêu góp phần gắn kết tinh thần đại đoàn kết dân tộc, làm cầu nối với cộng đồng Việt kiều, mà hiện nay khoảng 4 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài trên khắp 5 châu. Ngày Quốc tổ Việt Nam thực sự là Ngày lễ toàn cầu. Mục tiêu chính của dự án này là bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt Nam, Ngày lễ này sẽ giúp vượt qua những rào cản về chính kiến, tuổi tác, trình độ học vấn và các thang bậc xã hội, giao lưu liên văn hóa giữa Việt Nam và các nền văn hóa trên thế giới, củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Tại thủ đô Viêng Chăn (CHDCND Lào) và tỉnh Udon Thani (Vương quốc Thái Lan), các buổi lễ trang trọng đều được bắt đầu bằng nghi thức hô thần nhập tượng sau khi tượng Vua Hùng mang từ Việt Nam sang được chuyển giao và an vị. Bài tế lễ giỗ tổ có đoạn:

Lật trang sử ngàn năm nước Việt
 Mỗi một trang đều thấm máu hồng
 Từ Bà Triệu, Bà Trưng đến Ngô Quyền, Lê Lợi
 Tiếng chiêng trống rền vang bốn cõi
 Khí ngất trời, cờ Sát Thát giương cao
 Kẻ trước tiếp bước người sau…
Vậy nên: Thắp nén hương thơm dạy răn con cháu
 Không được nguôi quên, dù ở nơi đâu
 Phải biết trọng sơn hà, xã tắc
 Chữ nghĩa nhân phải đội lên đầu
 Nhớ lấy câu, bí phải thương bầu
 Người Việt Nam chung một dòng máu đỏ
 Cây có gốc, phải tìm về cội rễ…
 Chúng con nguyện: Thề trước anh linh các bậc tiền nhân, tiền liệt
 Góp sức chung tay dựng xây cơ đồ đất Việt
 Hơn bốn triệu người con yêu sống xa Tổ quốc
 Với nước non không thể tách rời
 Phong tục, ngữ ngôn xin gìn giữ đời đời
 Cho dòng máu Lạc Hồng thắm mãi
 Trên đất người vẫn đơm hoa, kết trá
 Cùng sánh vai nhân loại, ngẩng cao đầu.
 
Đại sứ Nguyễn Phú Bình chia sẻ: “Khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận năm 2012 là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, không chỉ đồng bào trong nước, mà kiều bào ta ở nước ngoài cũng đều hết sức tự hào và vui mừng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, thờ cúng Hùng Vương đã dần dần trở thành tín ngưỡng thiêng liêng của toàn dân, các triều đại phong kiến Việt Nam từ sớm đã quyết định lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch là Ngày Lễ trọng đại và ngày này đã trở thành ngày Lễ chính thức của đất nước. Tại nước ngoài, chính đồng bào ta định cư đã đưa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến nước sở tại, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phát huy giá trị lich sử, văn hoá của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nhằm gắn kết cộng đồng, gắn bó với quê hương, nguồn cội và làm cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với nhân dân nước sở tại”.

Tham gia chương trình Quốc tổ toàn cầu năm nay, các nghệ sĩ hội viên và cộng tác viên của Chi hội Âm nhạc, Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh đã vượt hàng nghìn km, đem những làn điệu dân ca quan họ đến phục vụ kiều bào Việt Nam ở Lào và người Thái gốc Việt ở hai tỉnh Udon Thani và Nakhon Phanom (Thái Lan). Từ những bài quan họ cổ như Mời nước mời giầu, Cây trúc xinh, Giữa tối hôm rằm, Chim kêu gióng giả… đến những bài hát mang âm hưởng dân ca như: Tìm trong chiều Hội Lim của Nguyễn Trung, Câu quan họ người ơi của Ngọc Lĩnh, Lúng liếng cái duyên của Bá Quang… được thể hiện qua giọng hát của các nghệ sĩ: Minh Hằng, Ánh Tuyết, Thanh Hiền, Hữu Hiếu, Diệu Thuý, Quang Hưng… đều được khán giả ở cả hai nước cổ vũ và hoan nghênh nhiệt liệt. Cuối mỗi buổi diễn cùng với màn Giã bạn đằm thắm nghĩa tình của người quan họ, các nghệ sĩ Bắc Ninh đều cùng bà con Việt kiều hoà vào vòng Lăm Vông rộn rã của Lào và điệu dân vũ nhịp nhàng của người Thái gốc Việt.

Cũng trong khuôn khổ của chương trình, đoàn đã đến dâng hương tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Udon Thani và Nakhon Phanom (Thái Lan), cùng kiều bào Việt Nam tại đây ôn lại những kỷ niệm quảng thời gian của Bác Hồ hoạt động trên đất Thái với bí danh Thầu Chín.

Cùng với hai buổi lễ trang trọng được tổ chức tại Lào và Thái Lan, dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” năm nay sẽ được tiếp tục tiến hành tại nhiều nước, theo một chương trình chung, một nghi lễ chung, nhằm tạo nên một sự kiện văn hóa đặc biệt, nối liền các dân tộc Việt trên khắp năm châu, nhằm khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết, gắn bó lẫn nhau trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các hoạt động trong Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu mà nội dung chính là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương càng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, là dịp để các thế hệ người Việt sống xa Tổ quốc hiểu biết thêm về nguồn gốc và tổ tiên của mình. Sự có mặt của các nghệ sĩ Bắc Ninh trong chương trình này đã góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung và Dân ca quan họ Bắc Ninh nói riêng ra nước ngoài, giáo dục đạo lý “ uống nước nhớ nguồn”,  và đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, ủng hộ rộng rãi của cộng đồng kiều bào Việt Nam sống xa Tổ quốc.

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...