Chảy máu nhân tài âm nhạc hàn lâm: Lấy ai làm thầy?
Những người được đào tạo từ thời bao cấp bây giờ đã lạc hậu nhưng họ lại đang đảm nhận vai trò đào tạo chính.
Sự hụt hẫng nhân tài âm nhạc hàn lâm tại Việt Nam thể hiện rõ ở chỗ sau 2 cuộc thi quốc gia Âm nhạc mùa thu 1990 và 1993 cho đến nay vẫn chưa tổ chức được cuộc thi thứ ba (tất nhiên có nhiều lý do nhưng lý do chính vẫn là không có các tài năng để mà thi). Đôi khi đào tạo cả chục năm mới có được một nhân tài thực thụ nhưng hiện không có thầy giỏi (đã ở nước ngoài cả) thì việc thiếu trò giỏi là nguy cơ.
Không người kế cận
Nếu nhìn vào đội ngũ giảng viên ở các nhạc viện hiện nay, khi những giáo sư nổi tiếng về hưu hay qua đời, chưa thấy có gương mặt trẻ tài năng nào thế chỗ, vậy làm sao có được một thế hệ tài năng mới?
Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy biểu diễn trong chương trình
Giai điệu mùa thu Nguồn: HSBO
Giai đoạn phát triển từ năng khiếu (những tài năng bẩm sinh) trở thành tài năng thực sự cần một quá trình đào tạo bài bản và dài hạn. Kinh nghiệm từ những nhà chuyên môn cho thấy tỉ lệ năng khiếu trở thành tài năng thực sự chỉ chiếm 1/10, tức 100 người có năng khiếu thì chỉ 10 người có thể được thừa nhận là nhân tài. “Đó là chưa kể trong số 10 nhân tài này, chỉ 1 người có thể rạng danh tên tuổi trong thế giới showbiz” - nghệ sĩ Đặng Thái Sơn khẳng định. Điều đó phần nào cho thấy quá trình đào tạo có tầm quan trọng trong việc làm nên những nhân tài.
Nếu các nước châu Âu, Mỹ thường đi khắp thế giới để tìm nhân tài trẻ về đào tạo bổ sung cho các dàn nhạc của họ thì nhiều nước châu Á lại chọn cách đi tìm những giảng viên giỏi về đào tạo nhân tài tương lai của nước mình. Và Việt Nam là một trong những nước có thể cung cấp nhiều nhân tài như vậy.
Đây là điều tự hào nhưng cũng đáng tiếc nhất của các tài năng âm nhạc hàn lâm Việt Nam. Ở nước ngoài, họ nhanh chóng thành tài nhưng không hẹn ngày về. Thường họ đều là những nhân vật giữ vị trí quan trọng trong dàn nhạc ở các nước nên khả năng trở về quê hương làm việc và giảng dạy là rất xa vời.
Thầy quá lạc hậu
Bà Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP HCM, thừa nhận giáo trình giảng dạy hiện tại của Nhạc viện TP HCM ngày càng lạc hậu dù mỗi cá nhân giảng viên đều cố gắng rất nhiều. Theo bà Hương, lớp giảng viên đời đầu - những người đã được đào tạo trong môi trường âm nhạc thế giới trở về - đã làm rất tốt công việc đào tạo thế hệ kế cận của mình. Minh chứng là sự xuất hiện nhiều tài năng trẻ âm nhạc hàn lâm của Việt Nam mà mọi người đã biết đến thời gian qua. Thế nhưng, từ thế hệ thứ hai, thứ ba trở đi được ra nước ngoài học tập, họ đã không trở về bởi những lý do nêu trên. Bà Hương cho biết:
“Điều đáng lo ngại nhất chính là nhạc hàn lâm Việt ngày càng lạc hậu khi giảng viên không có điều kiện ra nước ngoài cập nhật kiến thức, trong khi âm nhạc phát triển mỗi ngày với rất nhiều điều mới mẻ. Nếu không đi học, thật khó để áp dụng khoa học công nghệ vào âm nhạc như cái cách mà thế giới vẫn làm hiện nay. Những người được đào tạo từ thời bao cấp bây giờ đã quá lạc hậu nhưng họ lại đang đảm nhận vai trò đào tạo chính”.
Những tài năng làm nên tên tuổi ở xứ người Tính đến thời điểm này, vẫn chưa có ai vượt qua Đặng Thái Sơn. Thế nhưng, không ít những nhân tài nhạc hàn lâm đã để lại ít nhiều ấn tượng với bạn bè quốc tế. Đến nay, 2 anh em nghệ sĩ Dương Văn Thắng và Dương Minh Chính (con của giảng viên violin Dương Văn Chinh) vẫn được nhắc đến bởi khả năng chơi violon xuất sắc ngay từ khi còn bé. Được cử đi Liên Xô học, đến nay, cả hai đều định cư ở nước ngoài với công việc giảng dạy. Sau 2 người trên, đi từ Nhạc viện Hà Nội còn có Lê Phi Phi, Đỗ Phượng Như, Nguyễn Nguyệt Thu, Nguyễn Công Thắng, Bùi Tuấn Dương, Nguyễn Bích Trà, Trinh Hương... Lê Phi Phi học chỉ huy ở Nga, sau đó lấy vợ người Nam Tư rồi sang chỉ huy một dàn nhạc ở quốc gia này. Đỗ Phượng Như là một soloist trong dàn nhạc Moscow Philharmonic Orchestra. Nguyễn Công Thắng (giải nhất violon cuộc thi quốc gia Âm nhạc mùa thu 1990) du học ở Nga rồi học tiếp tại Hồng Kông. Hiện nay, anh cùng vợ sang giảng dạy ở Thái Lan. Ra đi từ Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM có 2 anh em Hữu Nguyên và Khôi Nam, Quốc Trường. Anh em Hữu Nguyên và Khôi Nam sau khi tốt nghiệp cao học tại Nhạc viện Paris đã thi đỗ vào Dàn nhạc quốc gia Pháp (ONF). Hiện nay, Nguyên ngồi ở vị trí soloist thứ 3 của ONF. Tham gia Dàn nhạc trẻ châu Á - AYO 3 lần, Quốc Trường được nhạc trưởng Mark Churchill (Mỹ) chú ý và tạo cơ hội cho du học Mỹ. Quốc Trường thi đỗ vào Nhạc viện New England - NEC (Boston, MASS - Mỹ), trường nhạc nổi tiếng thế giới. Sau khi tốt nghiệp, Quốc Trường chơi trong dàn nhạc của Miami để chờ trúng tuyển vào một dàn nhạc lớn tại Mỹ. Trần Hữu Quốc (tốt nghiệp cao học tại Nhạc viện Gnesin - Nga) hiện cùng vợ người Hàn Quốc - một nghệ sĩ piano học cùng trường- đã đến Hàn Quốc sinh sống. Hữu Quốc dạy tại 2 trường đại học và làm concertmaster 3 dàn nhạc ở Seoul và thành phố khác. Linh Chi đã tốt nghiệp cao học tại Nhạc viện Tchaikovsky, có 2 giải violon quốc tế, hiện nay là thành viên Dàn nhạc Giao hưởng thành phố Cordoba của Tây Ban Nha. Em trai của Linh Chi là Tuấn Cương, tốt nghiệp Nhạc viện Freiburg (Đức) và hiện đã trúng tuyển làm thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Hamburg (Đức)….. |
(Nguồn: http://nld.com.vn)