Chầu văn - loại hình nghệ thuật cổ truyền huyền bí
Hát chầu văn. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam) |
Cách đây chưa lâu, nhằm mục đích bảo tồn, tôn vinh nghệ thuật hát chầu văn, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội và Câu lạc bộ Bảo tồn Chầu văn Việt Nam đã tổ chức hai đêm diễn loại hình nghệ thuật này, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Là loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền, chầu văn còn gọi là hát văn, hát bóng, có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu tại tỉnh Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội.
Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc có tính tâm linh, lời văn trau chuốt, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu Thánh.
Hát chầu văn có lịch sử hình thành lâu dài, ra đời sớm hơn so với các loại hình dân ca khác.
Trong sách “Kiến văn tiểu lục,” nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) có ghi: “Thời Trần (1225-1400) có lối hát trước mặt đế vương, gọi là hát chầu.” Hát chầu văn có nhiều hình thức biểu diễn như hát thi (văn thi), hát thờ (văn thờ) và hát lên đồng (văn hầu). Hát thi dùng trong các cuộc đua tài thi hát và thường là hát đơn (một người hát). Hát thờ được hát vào ngày Rằm, mồng Một, ngày Lễ tiết, tiệc Thánh… Hát lên đồng dùng trong quá trình thực hiện nghi lễ hầu đồng, hầu thánh.
Hầu đồng là nghi lễ nhập hồn của các vị thánh Tứ phủ vào thân xác ông đồng, bà cốt. Trong nghi lễ đó, hát chầu văn phục vụ cho quá trình nhập đồng, hiển thánh. Sau khi múa, các thánh thường ngồi nghỉ và nghe cung văn hát, kể sự tích, lai lịch vị thánh đang giảng.
Hai đêm diễn ở Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội không chỉ giới thiệu lịch sử hình thành, phát triển mà còn tái hiện không gian diễn xướng chủ yếu của nghệ thuật Chầu văn là khung cảnh đền, phủ, quen thuộc với công chúng hiện nay.
Tại đó, các thanh đồng thường hầu thánh trước bàn thờ Mẫu, hai bên có cung văn hát chầu, kết hợp với hầu bóng. Người xưa quan niệm, đó là phương thức hữu hiệu để mọi người có thể giao tiếp với Mẫu, với các vị thần linh, bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong những điều tốt đẹp.
Với sự tham gia của các nghệ sỹ mà tên tuổi gắn liền với chầu văn qua thời gian như: Đức Hải (kèn tấu), Văn Khải (nhị), Thanh Hà (tam thập lục), Xuân Dũng (sáo), Thanh Ngoan, Văn Chung, Thanh Long, Khắc Tư..., cùng với đó là những lối hát văn, diễn xướng, đặc biệt là các giá đồng như “Quan Tam Phủ,” “Quan Tuần Tranh,” “Chầu Đệ Nhất,” “Chầu Đệ Nhị,” các nghệ sỹ đã giúp cho công chúng có mặt trong hai đêm diễn cảm nhận được rõ nét hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này.
Giáo sư, tiến sỹ Ngô Đức Thịnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn chầu văn Việt Nam cho rằng: “Hát chầu văn có giá trị nghệ thuật cao cần được phổ cập rộng rãi hơn nữa với công chúng trong nước cũng như bạn bè quốc tế để mọi người hiểu biết hơn về di sản văn hóa này, từ đó, có ý thức bảo tồn và phát huy.”
Được đánh giá là một loại hình âm nhạc độc lập trong nền âm nhạc cổ truyền, chầu văn có đủ trữ lượng nghệ thuật để trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới./.
(Nguồn: http://www.vietnamplus.vn)