Cha, con và chiếc đũa chỉ huy

08/05/2015

Âm nhạc quả là người xe duyên mát tay cho vợ chồng GS.TS.NSND Quang Hải. Sau ngày Nam Bộ kháng chiến và trước năm 1954, cả ông và bà đều là những diễn viên vị thành niên trong tổ Quân nhạc Khu 8 dưới sự dẫn dắt của các nhạc sĩ đàn anh như nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí (tác giả ca khúc nổi tiếng “Tiểu đoàn 307”), nhạc sĩ Huê Nhu (thày dạy nhạc đầu tiên cho Quang Hải và Hoàng Khanh). Quang Hải từng có lần “thú nhận” với một người bạn vong niên trong ngành văn hóa rằng, trong sự rung động của ông khi ngắm nhìn Hoàng Khanh (sau này là vợ ông) chơi mandoline và violon, chẳng biết bao nhiêu là từ trái tim đa cảm của chàng trai mới lớn, bao nhiêu là từ những giai điệu âm nhạc tuyệt vời!

Lời gửi gắm của cha

Nhưng điều mà Giáo sư Quang Hải biết rõ nhất, đó chính là âm nhạc chiếm một vị trí rất đặc biệt trong gia đình ông. Nghệ sĩ Hoàng Khanh, ngoài vai trò diễn viên kịch nói, cải lương, điện ảnh còn là người chơi nhạc. Cả ba cô con gái đều học nhạc ở nhạc viện: Hoàng Điệp, violon và sau này là nhạc trưởng; Hoàng Mai, piano, lý luận âm nhạc; Hoàng Lan, piano, kỹ sư hóa thực phẩm và hiện giờ cũng như Hoàng Mai là biên tập viên vững nghề của HTV. Vợ chồng Quang Hải không ai áp đặt con cái đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp của cha. Tự các con quan sát, chia sẻ, thấm dần cảm xúc và… quyết định. Trường hợp Hoàng Lan là một ví dụ. Tự quyết định vào Nhạc viện học hết sơ trung piano 11 năm, rồi tự quyết định không tiếp tục học nhạc để thi vào Đại học Bách khoa và tốt nghiệp kỹ sư hóa thực phẩm. Một thời gian sau, cũng chính Hoàng Lan nộp hồ sơ xin vào HTV và chỉ đến khi cô trúng tuyển biên tập viên chương trình thiếu nhi mọi người mới biết cô là con gái bà Hoàng Khanh từng là chánh văn phòng và trưởng phòng tổ chức của Đài.


Nhạc trưởng Quang Hải và nhạc trưởng Hoàng Điệp. Ảnh nhân vật cung cấp

Trong gia đình âm nhạc của Giáo sư Quang Hải, Hoàng Điệp được xem là người con nối nghiệp cha thành công nhất. Là nữ nhạc trưởng thế hệ thứ ba ở Việt Nam (sau Bình Trang và Minh Cầm), ThS. Huỳnh Thị Hoàng Điệp không chỉ được đánh giá cao về chuyên môn chỉ huy mà chị còn nổi bật trong vai trò giảng viên sáng tác - chỉ huy - âm nhạc học và tổ chức quảng bá âm nhạc hàn lâm thông qua hình thức xã hội hóa. Chị đã có ba chương trình biểu diễn độc lập, đã được tặng danh hiệu NSƯT và đã đào tạo được nhiều học trò đang phát huy tốt trong lĩnh vực âm nhạc. Tổ chức một chương trình biểu diễn, Hoàng Điệp luôn trong tư thế “chân không bén đất” để có thể hoàn thành được cả vai trò cầm đũa chỉ huy lẫn nhiệm vụ huy động nguồn tài chính cho chương trình. Nếu chỉ trông vào khoản ngân sách ít ỏi được cấp hàng năm thì làm sao âm nhạc hàn lâm có thể đến với công chúng thường xuyên hơn để xóa dần đi định kiến “là loại âm nhạc khó hiểu, khó gần”. Xuất thân trong gia đình có truyền thống âm nhạc hàn lâm, Hoàng Điệp không chỉ yêu mà còn muốn dòng âm nhạc hàn lâm được nhiều người yêu mến, trân trọng và ngày càng có chỗ đứng vững chắc hơn trong lòng công chúng Việt Nam. Đến với các chương trình xã hội hóa biểu diễn âm nhạc hàn lâm theo lời mời của nhạc trưởng Hoàng Điệp, các nhà tài trợ không quan tâm đến danh hiệu tài trợ độc quyền, họ thích được gọi là “những người bạn tri kỷ của âm nhạc”, “những tấm lòng vàng của sinh viên nhạc viện”. Họ đã chia sẻ như vậy với Hoàng Điệp khi nhìn vào cái lõi công việc của chị. Còn Hoàng Điệp, chị chưa bao giờ dám quên lời gửi gắm của GS.TS Quang Hải - người cha và cũng là người thầy cho đứa con nối nghiệp và cũng là đồng nghiệp thuộc thế hệ đi sau: “Mình có theo đuổi dòng nhạc nào, khó đến đâu thì cũng phải ghi nhớ cái câu “mình viết cho dân mình nghe”. Muốn vậy, thì vừa phải chú ý thể hiện điều ấy trong sáng tác, trong dàn dựng chỉ huy và cả trong phổ biến nữa”. Không chỉ đưa ra cái slogan nổi tiếng “viết cho dân tôi nghe”, trên thực tế Quang Hải là người đã sáng tác nhiều concerto nhất Việt Nam và được ghi nhận trong Vietbook 2007 là “Người có tác phẩm độc tấu nhạc khí dân tộc hòa với dàn nhạc giao hưởng (concerto, variation) nhiều nhất Việt Nam (11 tác phẩm)”. Hoàng Điệp nối nghiệp cha một cách tự nhiên, tự nguyện và nhận lại từ ông những trao gửi như với một đồng nghiệp, một người bạn, như chị tâm sự trong cuộc trò chuyện dưới đây với chúng tôi, vào lúc mà ông đã không còn trên thế gian này nhưng đã kịp chứng kiến những thành công của đứa con nối nghiệp.

Kế tục và tự tỏa sáng

“Cái cách ba tôi truyền dạy tình yêu âm nhạc, tri thức, kỹ năng âm nhạc cho tôi không bao giờ là cách lên lớp. Ông đam mê và vô cùng nghiêm túc với nghề. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu ông cũng có thể suy nghĩ sáng tác, trao đổi về phương pháp sư phạm âm nhạc và về nghề nhạc trưởng (khi ấy còn rất mới mẻ ở Việt Nam). Với bạn bè, với học trò và cả với… vợ. Điều đó tôi quan sát và cảm nhận được khi còn nhỏ, trong những kỳ nghỉ ngắn ngủi ông từ Liên Xô về nghỉ hè, lên thăm con ở trường nội trú nơi sơ tán. Điều cảm nhận ấy ngấm dần vào máu huyết tôi hồi nào không hay.

Khi tôi lớn lên, chưa bao giờ ba tôi can thiệp vào các quyết định của tôi mà chỉ phân tích để tôi tự hiểu và quyết định về mọi lựa chọn của mình. Khi tôi quyết định theo nghề nhạc trưởng, ông chỉ cảnh báo nhẹ nhàng “Con nên nhớ, ở Việt Nam phụ nữ theo nghề này ngoài những khó khăn do quan niệm ấu trĩ của xã hội, còn phải vượt qua rất nhiều “chông gai” trong cuộc sống và nghề nghiệp thì mới có thể trụ được với nghề…”. Khi tôi quyết định làm “liveshow” chỉ huy của mình, không chỉ một lần mà đến ba lần, ba tôi chọn cách có ý kiến bằng việc ngồi nghe tôi trình bày ý tưởng rồi mới tư vấn, không áp đặt mà chỉ là những lời trao đổi chuyên môn. Rồi sau đó ông ngồi nghe thật đầy đủ toàn bộ chương trình tôi làm. Trong hai liveshow đầu, ông còn đưa ra đôi ba ý kiến về chuyên môn. Đến lần thứ ba thì cả ba và mẹ tôi đều im lặng một cách khó hiểu. Sau này tôi mới được mẹ cho biết, sự im lặng đó là biểu hiện của sự hài lòng của cả ông và bà khi thấy tôi thật sự trưởng thành trong nghề. Tôi đã không ngăn được xúc động khi chứng kiến thái độ nghiêm khắc và bao dung đó của người cha - người thầy.


Cha con Quang Hải và Hoàng Điệp. Ảnh nhân vật cung cấp

Cái bóng lớn của cha trong âm nhạc có lúc nào tạo ra áp lực cho tôi trong học tập và hoạt động nghề nghiệp không? - có người từng hỏi tôi như vậy. Câu trả lời của tôi là Không và Có. Sau mười năm theo học và tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovski chuyên ngành chỉ huy hợp xướng, tôi về nước làm giảng viên Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy của Nhạc viện từ năm 1990. Năm 1994, tôi học cao học chuyên ngành chỉ huy giao hưởng dưới sự hướng dẫn của chính ba tôi. Ngay lập tức, ông đưa ra và được con cái hưởng ứng nguyên tắc “Không làm việc tại nhà riêng mà phải làm việc ở trường lớp như các sinh viên khác; phải tự soạn thảo và xử lý tài liệu tra cứu, chỉ khi thật sự không tìm ra mới được thầy (và cũng là cha) giúp đỡ; việc thưởng, phạt áp dụng công minh như những học trò khác; khi đi thi, tất nhiên cha không được chấm điểm hoặc bỏ phiếu cho con… Cha tôi làm giám đốc Nhạc viện TP.HCM những 22 năm (1975 - 1997), vì thế mọi việc của chúng tôi trong quan hệ cha - con, thầy - trò đều được “soi” rất kỹ. May là nhờ có nếp nhà tử tế với sự giáo dục kỹ lưỡng của cha mẹ và ý thức tự học, tự trau dồi bản thân của mấy chị em chúng tôi nên cả cha mẹ và con cái trong gia đình chúng tôi không phải chạy vạy, nhờ vả xin việc khi ra trường. Chị em chúng tôi có thể tự hào vì đã “đi bằng đôi chân của chính mình”, mỗi người một sở trường, phát huy được thế mạnh trong những lĩnh vực ngành nghề mà mình theo đuổi.

Được nối nghiệp cha, với tôi là một hạnh phúc hay trách nhiệm ư? Tôi tự hào về cha nhưng không bao giờ dám huênh hoang là con ông. Sau một thời gian dài cha con tôi hoạt động nghề nghiệp cùng nhau, giới truyền thông mới biết rõ “Quang Hải và Hoàng Điệp là hai nhạc trưởng đồng thời là cha con”, đó là khi tôi làm chương trình “Kỷ niệm 70 năm ngày sinh của GS.TS NSND Quang Hải” và khi tôi dàn dựng tác phẩm concerto Bình minh mà cha tôi viết cho đàn kìm và dàn nhạc giao hưởng trong chương trình liveshow thứ ba của tôi Dấu ấn một chặng đường. Cả cha mẹ tôi và đám con cái là chúng tôi nữa đều hiểu quy luật khắt khe của sự đào thải trong nghệ thuật và chính vì vậy mà mọi người đều cùng phải tuân thủ nguyên tắc “phải tự mình tỏa sáng, không được dựa dẫm vao hào quang của người khác”. Tôi hạnh phúc vì vẫn sống được bằng nghề và với nghề, được cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc bằng đam mê của chính mình được cha truyền lại. Tinh thần trách nhiệm của cha trong sáng tác và giáo dục âm nhạc cho thế hệ kế thừa vẫn đang được tôi gìn giữ và phát huy trong công việc hiện tại. Tôi hạnh phúc vì Quang Hải và Hoàng Điệp không chỉ là cha con. Chúng tôi là những người bạn tri kỷ trong nghiên cứu âm nhạc, là bạn trà mỗi sáng của nhau và nhất là cùng có trên tay một chiếc đũa gọi âm thanh trong dàn nhạc!”.

(Nguồn: http://www.nguoidothi.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...