Câu chuyện âm nhạc [4]: Tranh tài âm nhạc và mặt trái của tấm huy chương

27/08/2014

Bạn nghĩ thế nào về những cuộc thi đấu biểu diễn nhạc khí? Bạn có thực sự tin vào giá trị của chúng? Có phải chúng là những cơ hội cần thiết để các nhạc sĩ chứng tỏ tài năng đích thực của mình? Nhưng, nhạc sĩ có cần những “đấu trường” để chứng tỏ tài năng của mình hay không? Và liệu rằng kết quả của những cuộc thi đấu ấy có trung thực và khách quan không?

Nhạc tác gia vĩ đại Béla Bartók (1881-1945) có phát biểu một câu rất nổi tiếng: “Những cuộc thi đấu thì để cho những con ngựa, chứ không phải cho những nghệ sĩ.” (”Competitions are for horses, not artists”). Ông luôn luôn từ chối ngồi vào ghế giám khảo vì ông không muốn lương tâm của ông bị cắn rứt bởi những phán quyết không thể tránh khỏi chủ quan của ông. Nếu bây giờ Béla Bartók sống lại thì chắc hẳn ông sẽ cảm thấy kinh hoàng. Từ năm 1945 cho đến nay, càng ngày càng có nhiều thêm những cuộc thi đấu biểu diễn nhạc khí. Không kể vô số những cuộc thi đấu ở cấp địa phương và cấp quốc gia nhan nhản khắp nơi, mà ngay cả số lượng những cuộc thi đấu ở cấp quốc tế cũng tăng rất nhanh, chẳng hạn, theo bản thống kê của Alink-Argerich Foundation thì chỉ riêng trong lãnh vực piano, năm 1945 có 5 cuộc thi đấu piano quốc tế, năm 1950 có 11 cuộc, đến năm 1989 thì có 66 cuộc, rồi tăng vọt lên 114 cuộc trong năm 1990, rồi năm 2010 thì có đến 312 cuộc, và bây giờ thì trên toàn thế giới có hơn 750 cuộc thi đấu piano quốc tế, trong đó có những cuộc thi đấu diễn ra theo chu kỳ 3, 4 hay 5 năm một lần, và trung bình mỗi năm có hơn 350 cuộc được tổ chức. Nếu kể thêm những nhạc khí khác (như violin, cello, guitar, flute,...), thì có lẽ mỗi năm có đến hàng nghìn cuộc thi đấu quốc tế được tổ chức, với hàng trăm nghìn “đấu thủ” tham dự.

Thế nhưng, mỗi năm, trong số hàng nghìn người đoạt Giải Nhất ấy, có được bao nhiêu người sẽ trở thành những nhạc sĩ lớn của thế giới? Hay là đại đa số những người ấy, ngay cả những người đã đoạt nhiều Giải Nhất, đều nhanh chóng chìm vào quên lãng mà không để lại một dư âm nào trong lịch sử âm nhạc?

Không riêng Béla Bartók mà rất nhiều nhạc sĩ khác cũng không thích những “đấu trường” âm nhạc. John Williams, một nhạc sĩ guitar cổ điển thượng thặng, từ khi còn trẻ cho đến khi thành danh, không hề tham dự một cuộc thi đấu nào cả, và ông cũng không thích ngồi vào ghế giám khảo, tuy có đôi lần ông đã ngồi “vì cả nể,” nhưng rồi ông khẳng định rằng ông sẽ không bao giờ chấp nhận làm giám khảo nữa. Năm 1980, trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Australian Guitar Journal, [1] ông nói:

“Nói cho cùng thì tôi không thích và không tán thành những cuộc thi đấu về bất cứ nhạc khí nào. Tôi không nghĩ rằng âm nhạc có thể được đánh giá như một cuộc chạy đua. Tôi biết rằng nói như vậy thì có vẻ bộc trực quá, vì cũng nó những cái ‘nếu’ và những chi ‘nhưng’, và những cuộc thi đấu cũng có ích cho một số nghệ sĩ và khiến quần chúng chú ý hơn đến âm nhạc... Nhưng việc thắng giải là một vấn đề khẩu vị [âm nhạc] trong hầu hết mọi trường hợp, và thường thì có nhiều người thi đấu cũng xứng đáng ngang hàng với người đoạt Giải Nhất. Tôi nghĩ, để công bình hơn, thì nên trao giải đồng hạng cho tất cả những người đã vào chung kết.”

John Williams cho rằng không nên tìm cách xếp hạng khít khao 1, 2, 3... trong số những người đã vào chung kết. Ông nói:

“Tôi nghĩ việc tuyên dương sự tuyệt hảo trong âm nhạc thì không sai, nhưng cái cách xếp hạng giá trị theo kiểu cạnh tranh hơn thua ấy là sai.”

Julian Bream, một nhạc sĩ guitar cổ điển ngoại hạng, cũng cho rằng nhạc sĩ cần phải có thời gian để bản sắc âm nhạc của cá nhân được phát triển và trưởng thành, thay vì vội vã dồn sức vào việc tập luyện kỹ thuật và một số bài bản tiêu chuẩn để đoạt giải trong những cuộc thi đấu. Ông cho rằng không nên xem sự đoạt giải trong một cuộc thi đấu là sự thành tựu đích thực của một nhạc sĩ có bản sắc.

Không chỉ John Williams và Julian Bream, mà rất nhiều nhạc sĩ trình tấu thượng thặng khác cũng đã không hề tham dự một cuộc thi đấu nào cả, chẳng hạn, về piano: Sviatoslav Richter, Vladimir Horowitz...; về violin: Fritz Kreisler, Yehudi Menuhin...; về cello: Pablo Casal, Yo-Yo Ma... Ngoài ra, cũng có nhiều nhạc sĩ đã từng tham dự thi đấu, và thua cuộc, nhưng lại trở thành những nhạc sĩ thượng thặng, chẳng hạn, trong cuộc thi đấu piano quốc tế “Anton Rubinstein” ở St. Petersburg, Nga, năm 1910, Arthur Rubinstein đã hớp hồn khán giả, làm rơi lệ các nữ giám khảo, và khiến cho toàn ban giám khảo đứng dậy vỗ tay tán thưởng. Thế nhưng, ông đã không đoạt giải nhất, vì công tước Ernest Louis (người đỡ đầu của nhạc sĩ Alfred Hoehn) đã nhờ hoàng hậu của Nga căn dặn ban giám khảo hãy cho điểm cao nhất cho Alfred Hoehn. Sau này, Alfred Hoehn chỉ thu âm được 4 nhạc phẩm ngắn vào đĩa, rồi chìm vào quên lãng. Ngược lại, Arthur Rubinstein, người thua cuộc, lại trở thành một trong những nhạc sĩ piano lớn nhất của thế kỷ 20.

Dường như ít có cuộc thi đấu biểu diễn nhạc khí nào mà kết quả được xem là hoàn toàn khách quan. Như John Williams nói, “việc thắng giải là một vấn đề khẩu vị trong hầu hết mọi trường hợp,” và đôi khi kết quả còn lệch lạc hơn nữa, nếu có những thành viên trong ban giám khảo cố tình thiên vị vì lý do tình cảm, tiền bạc hay chính trị. Một trong những giải thưởng nổi tiếng nhất nhưng cũng mang nhiều tai tiếng nhất là giải quốc tế Tchaikovsky. Nhạc sĩ Andrew Llyod Weber đã công khai nhận xét rằng đó là một giải thưởng từ trước đến nay đã có rất nhiều điều gian lận. Ông nói:

“Cuộc thi đấu Tchaikovsky ở Moscow — hoặc là mang tính chính trị quá trớn hoặc là một trò dàn xếp để học trò của ai đó đoạt giải. Bạn sẽ rơi vào một tình thế mà trong đó một giám khảo này thì có quan hệ thân thiết với một giám khảo khác và có một trò đổi chác diễn ra.”[2]

Ðó là lý do vì sao từ năm 1990 đến năm 2011, chỉ có một nhạc sĩ piano ngoài nước Nga đoạt giải. Những trò gian lận ấy thậm chí đã từng được ghi nhận trong cuốn phim tài liệu về giải Tchaikovsky năm 1990. Nhạc sĩ James Gibb của nước Anh, một giám khảo của giải Tchaikovsky năm ấy, đã công khai thuật lại rằng một thân nhân của một đấu thủ đã đến trao cho ông một bì thư đựng 1000 đô-la, nhưng ông không nhận. Sau đó, khi ông phát hiện ra rằng đấu thủ đó chính là học trò của một thành viên trong ban giám khảo, ông liền yêu cầu loại bỏ tên của cậu ta ra khỏi danh sách đấu thủ, nhưng ban tổ chức không đồng ý với ông, và vẫn cho phép cậu ta thi đấu. Cuốn phim tài liệu còn tiết lộ rằng ngay trước ngày thi đấu, cha của một đấu thủ đã tặng một chiếc đại dương cầm Hamburg Steinway mới toanh trị giá 80 ngàn đô-la thời ấy cho Nhạc viện Moscow, chính là nơi tổ chức giải Tchaikovsky. Từ năm 2011, giải Tchaikovsky đã bắt đầu cố gắng chỉnh đốn diện mạo bằng cách mời nhiều nhạc sĩ có uy tín trên thế giới vào ban giám khảo.

Nhiều nhà phê bình đã nhận xét rằng những “đấu trường” âm nhạc hiếm khi có thể tạo nên những nghệ sĩ lớn, vì đa số những nhạc công tham dự phải miệt mài tập luyện để có thể trình tấu các bài bản theo đúng những “tiêu chuẩn” mà ban giám khảo mong đợi, thay vì cố gắng trình tấu âm nhạc theo cách diễn đạt mang tính sáng tạo của cá nhân mình. Ðó chính là lý do khiến cho nhạc sĩ piano Boris Giltburg, ngay sau khi đoạt Giải Nhất “Queen Elisabeth Music Competition” ở Brussels (một trong những cuộc thi đấu piano quan trọng nhất thế giới) vào tháng 6 năm 2013, đã tuyên bố: “Tôi hơi tức giận vì thế giới đã không có một cách khác để phát hiện tài năng, thay vì những cuộc thi đấu.” [5] Rồi anh thề rằng sẽ không bao giờ tham dự một cuộc thi đấu nào khác nữa, mà sẽ tập trung vào việc trình diễn trước khán giả. Anh nói: “Ðó là động lực chính thúc đẩy tôi tiến tới. Ở một điểm nào đó bạn không thể tiến thêm nữa nếu bạn không trình diễn trước khán giả.”

Thay vì khổ công khoe kỹ thuật trước con mắt của một ban giám khảo, Boris Giltburg muốn sáng tạo một bầu không khí âm nhạc của riêng mình và trong bầu không khí âm nhạc đó anh sẽ truyền đạt bản sắc âm nhạc của mình đến với khán giả, không chỉ riêng cho giới khán giả của nhạc cổ điển thuần túy, mà cho khán giả của thế giới âm nhạc muôn màu muôn vẻ.

“Âm nhạc, như một sự sáng tạo của nhân loại, là một trong vài điều thăng hoa cao thượng nhất trong cuộc sống. Tôi muốn mang một cảm thức như thế đến với mọi người.” Boris Giltburg đã nói như thế. Và đó là hoài bão của một tâm hồn âm nhạc đích thực.

_________________________

[1] Austin Prichard-Levy, John Williams Interview, Australian Guitar Journal (1980).

[2] Hannah Ellis-Petersen, “Julian Lloyd Webber: classical music competitions are rife with corruption”, The Guardian, 26/7/2014.

[3] Amanda Angel, “Top Five Competition Controversies”, WQXR, 04/05/2012.

[4] Barry Davis, “Có thế nào chơi như thế”, The Jerusalem Post, 26/2/2010 [Nguyễn Đình Đăng dịch từ nguyên văn tiếng Anh].

[5] Barbara Lewis, “Prize-winning pianist caught between anger and ecstasy”, Reuters, 24/06/2013.

(Nguồn: http://tienve.org)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...