Capriccio Tây Nguyên của nữ nhạc sĩ Đặng Hồng Anh và bản Giao hưởng số 9 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam.
Thưa quý vị và các bạn!
Chương trình Giới thiệu âm nhạc TPGH Việt Nam hôm nay, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bản Capriccio Tây Nguyên của nữ nhạc sĩ Đặng Hồng Anh và bản Giao hưởng số 9 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam.
Để tìm hiểu thêm một số thông tin về tác giả, tác phẩm, xin mời quý vị cùng nghe đôi lời giới thiệu của biên tập viên Hoàng Anh về các tác phẩm này.
(Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh. Nguồn: internet)
“Capriccio Tây Nguyên được nhạc sĩ Đặng Hồng Anh sáng tác nhân dịp Festival Âm nhạc Việt – Mỹ 2015 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8 vừa qua Tác phẩm được lấy cảm hứng từ các bài hát dân ca Tây Nguyên. Ba chủ đề âm nhạc chính dựa trên giai điệu ba bài dân ca: Tỏ tình (dân ca Bru - Vân Kiều), Đi cắt lúa (dân ca H’rê) và Nhớ ai ( dân ca Tây Nguyên).
Capriccio Tây Nguyên có cấu trúc của thể loại rondo và mang đôi nét của hình thức sonate allegro. Bản nhạc được xây dựng bằng thủ pháp phát triển 3 chủ đề với các motif âm nhạc tương phản xen kẽ nhau với các nhịp điệu, tiết tấu đa dạng và phong phú.
Bản Cpriccio mở đầu trong âm hưởng mạnh mẽ, dữ dội của chủ đề I tiết tấu nhanh ,đầy chất chất lửa. Trên nền đệm của pizzicato chủ đề II vang lên trong giai điệu duyên dáng thanh thoát của bè Violin II. Tương phản với hai chủ đề đầu, đêm trên cao nguyên mênh mông được thể hiện trong tiếng đàn sâu lắng, trữ tình của đàn Violoncello solo (chủ đề III).
Thể loại capriccio trong tựa đề bản nhạc được thể hiện qua bè Violin solo cũng như trong sự thay đổi thường xuyên và bất ngờ của nhịp điệu, tiết tấu trong cả bản nhạc. Để mang lại cho Dàn nhạc dây những âm hưởng độc đáo, ngoài những kĩ thuật thông thường như kéo bằng vĩ (archet), bật dây bằng ngón tay (pizzicato) tác giả đã sử dụng thêm nhiều kĩ xảo như lấy sống lưng archet đập vào dây (col legno), kéo archet gần ngựa đàn (sul ponticello), kéo archet gần phía cần đàn (sul tasto), dùng dụng cụ hãm thanh (sourdine), dùng ngón tay gõ lên hộp đàn…
Tác giả của bản Capriccio- nữ nhạc sĩ Đặng Hồng Anh sinh năm 1969 tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa Piano và khóa học Sáng tác lớp giáo sư A.I. Golovin tại trường Trung cấp Âm nhạc Quốc gia mang tên Gnesin tại Moskva năm 1988. Tốt nghiệp đại học Sáng tác loại ưu năm 1993 và thạc sĩ năm 1998, theo học lớp giáo sư A.L. Larin Học viện Âm nhạc Quốc gia Liên bang Nga mang tên Gnesin tại Moskva.
Nhạc
Tiếp nối chương trình, mời QV và CB cùng đến với bản giao hưởng số 9
“ Cửu Long dậy sóng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam. Nhưng trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tác giả.
(Nhạc sĩ Nguyễn Văn
Nguyễn Văn Nam được biết đến là một nhạc sĩ chuyên sáng tác ở lĩnh vực khí nhạc với hàng trăm tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau như giao hưởng, tổ khúc, hợp xướng, nhạc thính phòng. Ông đã được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật dành cho các tác phẩm Giao hưởng số 3 “Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh”, Tổ khúc giao hưởng “Tiếng sáo 1”, Thơ giao hưởng “Tưởng Nhớ”, Giao hưởng số 5 “Mẹ Việt Nam”, Giao hưởng số 6: “Sài Gòn 300 năm” . Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam sinh năm 1936 tại xã Vĩnh Kim – huyện Châu Thành – tỉnh Tiền Giang. Năm 1959, ông trúng tuyển vào trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1966, ông được Nhà nước cử sang học chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Léningrad, nay là Nhạc viện Saint - Péterbourg (Nga).Thời gian sau đó, ông tiếp tục được cử đi học nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Leningrad và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ hai ngành Sáng tác và Lý luận.
Hiện nay, ông tham gia cộng tác giảng dạy bậc Cao học chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh. Ông là Hội viên Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh; Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam đồng thời cũng là Hội viên Hội Nhạc sĩ CHLB Nga.
Bản giao hưởng số 9 “ Cửu Long dậy sóng” gồm 4 chương chứa đựng những tình cảm của nhạc sĩ dành cho vùng sông nước miền Tây thân yêu nơi ông sinh ra và lớn lên. Nơi ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc của ông bằng những lời ru âu yếm của mẹ thủa nhỏ và những câu hò, điệu lý quê hương Nam Bộ sau này. Dòng sông Cửu Long- nơi quê hương ông cũng gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ và và đã chứng kiến biết bao tấm gương kiên trung, anh dũng, cùng chiến công của những người con miền Tây Nam Bộ. Quê hương-hai tiếng thân thương ấy đã khắc sâu trong tâm trí nhạc sĩ và là hình ảnh mà ông luôn hướng về mỗi khi xa nhà. Và bản giao hưởng số 9 đã ra đời như lời tri ân của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam dành cho quê hương. Tác phẩm đã giành giải Đặc biệt giải thưởng âm nhạc Hội NSVN 2014.
4 chương của bản giao hưởng có những tên gọi và chủ đề âm nhạc riêng. Chương 1 có tựa đề “Dòng sông tuổi thơ”. Chương 2 mang tên “Bức tranh thiên nhiên”. Chương 3 nhan đề “Đêm trăng Tháp Mười” và chương 4 “Cửu Long cuộn sóng dâng trào”có sự tham gia thể hiện của dàn hợp xướng .
Trong giới hạn thời lượng của chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu tới QV và CB chương I của tác phẩm này
Chương I có tựa đề Dòng sông tuổi nhỏ - là chương chậm mang tính chất suy tư, hồi tưởng về những kỷ niệm tuổi thơ với nhiều cảm xúc đan xen của chính tác giả. Mở đầu chương nhạc, giọng nam cao diễn xướng một trích đoạn lời thơ trong bài “ Dòng sông tuổi nhỏ” của nhà thơ Lê Anh Xuân .
Dòng sông tuổi nhỏ.
Mấy nhịp cầu ngang.
Mẹ dắt ta sang.
Giữa mùa nước rong mênh mông.
Nước ròng mẹ đi xúc cá.
Ta đi theo mẹ.
Chân lún trong phù sa.
Dòng sông tuổi nhỏ.
Sóng lao xao.
Ôi! Những chiếc thuyền mo cau.
Đã chở tuổi thơ ra biển cả…
Sau đó giọng nữ cất lên tiếng hò đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long đưa người nghe trở về những hình ảnh thân thương của tuổi thơ cùng nét giai điệu man mác buồn do bộ dây diễn tấu. Âm nhạc dẫn dắt người nghe trở về miền ký ức với nhiều cung bậc cảm xúc của một vùng quê sông nước đã sản sinh và nuôi dưỡng những người nhạc con anh hùng cho đất nước”.
(Nguồn: Giới thiệu âm nhạc TPGH Việt Nam VOV3 – do BTV Hoàng Anh thực hiện)