Cao Thanh Lan: "Rong ruổi" từ âm nhạc cổ điển tới sứ giả của nghệ thuật đương đại
Sinh năm 1987 và hiện đang sống tại Áo, Cao Thanh Lan được đánh giá là một trong những tài năng trẻ hàng đầu của âm nhạc đương đại Việt Nam.
Tôi hẹn phỏng vấn Cao Thanh Lan vào buổi ngày cuối năm khi chị vừa kết thúc chuyến lưu diễn tại Chi-lê và đang có những giây phút nghỉ ngơi với gia đình chồng trong một căn hộ tại Vienna (Áo). Thanh Lan hỏi lý do tại sao tôi lại muốn phỏng vấn chị; câu trả lời của tôi là, tại Việt Nam không có nhiều nghệ sỹ trẻ sẵn sàng "dứt áo" từ bỏ âm nhạc cổ điển sau mười mấy năm luyện tập ngày đêm trong phòng tập (và cũng đã được công nhận tài năng) để nghiêm túc theo đuổi con đường nghệ thuật đương đại thách thức hơn rất nhiều. Và không chỉ đang tiệm cận tới tầm quốc tế, người nghệ sỹ này còn luôn trăn trở tìm cách để kết nối khán giả nước nhà với một lĩnh vực nghệ thuật vốn còn khá xa lạ so với thị hiếu đại chúng của Việt Nam.
"Chắc chỉ tầm 10% tác giả, tác phẩm đương đại thế giới thực sự là có chất lượng… nhưng tôi vẫn bị thu hút"
Cao Thanh Lan và chồng, nghệ sỹ Gregor Siedl (ảnh: NV cung cấp)
Cao Thanh Lan sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật với ông bà là đạo diễn và mẹ chơi đàn cello. Nhưng lý do để chị trở thành một học sinh khoa piano lại là "học đàn cho đỡ nghịch ngợm ". Gần 15 năm học tại Học viện Âm nhạc Việt Nam, Thanh Lan đã nhận được sự dìu dắt của những thầy cô uy tín nhất, bao gồm cả Giáo sư, NSUT Trần Thu Hà (chị ruột của NSND Đặng Thái Sơn)…
Từng được giải thưởng trong các cuộc thi tài năng âm nhạc Việt Nam, đồng thời được học bổng theo học thạc sỹ chuyên ngành piano cổ điển tại Bỉ nhưng sau đó, Cao Thanh Lan lại lựa chọn tiếp tục sang Đức theo học âm nhạc đương đại dưới sự hướng dẫn của nghệ sỹ piano người Pháp danh tiếng Pierre-Laurent Aimard. Giải thích cho quyết định trên, chị cho hay: "Cũng giống như nhạc cổ điển, nhiều người viết nhưng cuối cùng chỉ có vài tác giả trở nên bất hủ, nhìn chung các tác giả - tác phẩm đương đại chỉ có khoảng 10% là thật sự có chất lượng". Nhưng chính số lượng ít ỏi này lại thành công thu hút Thanh Lan và trở thành con đường sự nghiệp mà chị theo đuổi lâu dài.
Theo Thanh Lan, học âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp đã khó thì âm nhạc đương đại phải gấp 3,4 lần. "Thời gian ở Đức là lúc tôi cảm thấy áp lực nhất vì vừa phải học tiếng vừa phải học chuyên môn", chị kể lại. "Thầy giáo đòi hỏi cao trong khi kiến thức nền tảng về nghệ thuật đương đại của mình còn hổng nhiều". Đây cũng là khoảng thời gian mà Cao Thanh Lan nhận ra khoảng cách không nhỏ trong tính chuyên nghiệp của âm nhạc Việt Nam so với thế giới. Tuy nhiên, đó cũng là hai năm mà chị học được nhiều nhất và cũng tiến bộ nhiều nhất trong cả sự nghiệp cho tới nay.
Kết hợp yếu tố Việt vào nghệ thuật đương đại: Đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn
Khi thấy tôi gọi chị là nghệ sỹ âm nhạc đương đại, Cao Thanh Lan đã sửa lại và cho biết, mình giống như một nghệ sỹ nghệ thuật đương đại hơn. Các tác phẩm và dự án mà chị tham gia không còn bó gọn trong âm nhạc mà nó đang ngày càng trải rộng ra các loại hình nghệ thuật khác như thị giác, sân khấu, đa phương tiện…
Nói về điểm khác biệt trong phong cách sáng tác của mình với các nghệ sỹ đương đại khác trong và ngoài nước, Thanh Lan chia sẻ: "Tôi ưa thích sự tối giản, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, sự hài hước và tự phản ánh trong mỗi tác phẩm. Dù lớn nhưng tôi vẫn rất yêu thích các câu chuyện cổ tích, vì vậy tôi muốn các tác phẩm của mình mang nét giả tưởng, kỳ diệu, tinh nghịch và huyền ảo".
Tập trung vào sắp đặt âm thanh, sử dụng và thử nghiệm với các nhạc cụ bộ gõ và thiết kế âm thanh điện tử, Thanh Lan cũng từng tìm cách đưa các yếu tố âm nhạc dân tộc Lô Lô và H'mong vào một số dự án nghệ thuật thử nghiệm của mình. Tuy nhiên, cho tới giờ, chị vẫn chưa cảm thấy hài lòng với sự kết hợp đó. Thanh Lan cho rằng, trong hầu hết các tác phẩm đương đại mang nét truyền thống Việt Nam hiện giờ, yếu tố sau vẫn chỉ đang làm nền cho cái trước. "Điều tôi tìm kiếm là một giải pháp thỏa đáng để cái nọ không làm nền hay là hiệu ứng cho cái kia", chị nói. "Đó là một thử thách không hề dễ dàng mà tôi chắc chắn sẽ theo đuổi khi mà mình trở nên sâu sắc hơn, đủ chín để làm được những thứ thật sự hay và có ý nghĩa".
Khán giả Việt Nam thưởng thức nghệ thuật đương đại: "Giống như ăn phở vậy, phải ăn tới 100 lần thì mới có cơ sở để so sánh và đánh giá".
Các dự án nghệ thuật của Cao Thanh Lan và Sield tập trung vào sắp đặt âm thanh, sử dụng và thử nghiệm với các nhạc cụ bộ gõ và thiết kế âm thanh điện tử (ảnh: NV cung cấp)
Nói về vị trí của Việt Nam trên bản đồ âm nhạc đương đại thế giới, Thanh Lan lý giải, âm nhạc đương đại chưa có nhiều tiêu chuẩn đã được công nhận rộng rãi như cổ điển, nên rất khó để so sánh trình độ của Việt Nam với thế giới. Điều quan trọng hơn là người nghệ sỹ có thể sáng tạo ra một tác phẩm mang tính chất riêng của mình.
Tuy nhiên, theo chị, tại những quốc gia có nền âm nhạc đương đại mạnh như các nước Bắc Âu, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật… các nghệ sỹ ở đây vượt trội hơn các nghệ sỹ đương đại Việt Nam ở chỗ họ có nhiều thông tin hơn, có nền tảng về lịch sử âm nhạc thử nghiệm đương đại nhiều hơn và chịu khó học hơn và nhất là "không dễ dàng thỏa hiệp hay hài lòng với bản thân".
"Nghệ sỹ Việt Nam có khó khăn lớn nhất là ngôn ngữ bị hạn hẹp, thiếu thông tin và không có nhiều nguồn ảnh hưởng", Thanh Lan nhận xét. "Nhìn về mặt tích cực, điều này giúp giữ lại được cái riêng, nhưng về mặt tiêu cực, họ lại không được tiếp cận với những chân trời nghệ thuật khác trên thế giới.
Hoạt động nghệ thuật chủ yếu tại Berlin, Vienna và Hà Nội nhưng Thanh Lan cũng liên tục tham gia các festival, sự kiện âm nhạc tại nhiều nước khác trên thế giới như Nhật Bản, Brazil, Trung Quốc, Argentina, Uruguay, Chi-lê, Phần Lan, Pháp, Australia… Đây chính là một lợi thế cho phép chị hiểu được thái độ khác biệt giữa khán giả Việt với khán giả thế giới trước nghệ thuật đương đại.
Khán giả quốc tế khi thưởng thức một tác phẩm đương đại thường đưa ra các đánh giá một cách logic và dựa trên các trường phái triết học, thẩm mỹ học mà họ biết. Trong khi đó, khán giả Việt lại mang tính cảm tính nhiều hơn. "Khán giả Việt tiếp xúc với nghệ thuật đương đại trong tâm thái tò mò, trải nghiệm là chính là không có nhiều đánh giá, phê bình", Cao Thanh Lan cho hay. "Nguyên nhân là khán giả Việt không được tiếp cận nhiều với các tác phẩm đương đại nên khó có thể đưa ra sự so sánh."
Nghệ thuật đương đại ở Việt Nam mặc dù đã xuất hiện nhưng vẫn còn là một lĩnh vực mới cho phần lớn công chúng; vì vậy nếu chỉ được nghe 2, 3 lần/năm thì chắc chắn khán giả sẽ không thể đưa ra được những nhận xét sâu sắc. "Giống như ăn phở vậy, phải ăn 100 lần mới biết được phở chỗ nào ngon và khác biệt giữa các chỗ như thế nào", Thanh Lan hài hước so sánh.
"Người Việt biết cái gì là quan trọng nhất trọng nhất trong cuộc sống"
Cao Thanh Lan thường chia sẻ với chồng, nghệ sỹ Gregor Siedl về những phong tục và tính cách của người Việt Nam (ảnh: NV cung cấp)
Một trong những điều ấn tượng ở Thanh Lan mà không phải ai cũng biết đó là, nhạc sỹ quốc tịch Áo Gregor Siedl - người đồng nghiệp trong hầu hết các dự án nghệ thuật đương đại của chị lại chính là người bạn đời từng "theo đuổi" chị từ Bỉ sang Đức.
Thanh Lan tâm sự, hai vợ chồng là một sự bổ sung tuyệt vời cho nhau nhất là trong những kiến thức và trải nghiệm cần có mỗi khi sáng tạo những tác phẩm mới. Không chỉ tự mình đảm nhận mọi bước từ A tới Z trong mỗi dự án chung, họ còn sát cánh với nhau trong những chuyến lưu diễn trên khắp thế giới.
Là rể Việt, Gregor từng ít nhất hai lần ăn Tết tại Việt Nam. Thanh Lan chia sẻ, nền ẩm thực Việt phong phú là thứ mà chồng chị ấn tượng nhất. Bên cạnh đó, anh cũng rất cảm tình với tính cách linh hoạt, mềm mỏng của người Việt Nam. "Gregor nói, người Việt Nam biết được cái gì là quan trọng trong cuộc sống – điều mà chưa chắc những người dân ở các nước phát triển có được", Thanh Lan kể lại. "Ví dụ như, người Việt Nam biết hưởng thụ cuộc sống, giành nhiều thời gian hơn cho gia đình, hiếu thuận với bố mẹ…"
Bật mí về kế hoạch năm 2020, nữ nghệ sỹ 33 tuổi cho hay, sau 2 năm liên tục trải nghiệm và khám phá, năm nay chị sẽ giành nhiều thời gian hơn cho những "khoảng lặng" để suy ngẫm về những gì mình đã làm được và biến những cái mình đã học được thật sự thành của riêng mình.
Bên cạnh tiếp tục các dự án trong năm 2019, trước mắt, tháng 4, Thanh Lan sẽ trở thành mentor (người hướng dẫn) trong một chương trình nghệ sỹ lưu trú và đào tạo kéo dài trong vòng 3 tháng do nhạc sỹ đương đại Kim Ngọc tổ chức. Các tác phẩm từ chương trình sẽ là nòng cốt cho một festival âm nhạc đương đại trong năm 2021.
Mặc dù e ngại "nói trước bước không qua", nhưng một ý tưởng hợp tác đặc biệt cũng đang dần được lên hình hài giữa Thanh Lan và kẻ "khù khờ chơi nhạc" Lê Cát Trọng Lý. Nếu có thể thành hiện thực, đây chắc chắn sẽ là một dự án nhận được nhiều sự mong đợi của khán giả âm nhạc Việt Nam.
(Nguồn: http://toquoc.vn/)