Cần tìm kiếm, phát hiện những khả năng sáng tạo cho ngành đào tạo sáng tác âm nhạc hiện nay

08/01/2015

Như chúng ta đã biết, sáng tác âm nhạc là một bộ môn có tính đặc thù riêng biệt, trước hết nó đòi hỏi phải có năng khiếu tức là khả năng sáng tạo được thể hiện qua năng lực mang tính bẩm sinh và càng ngày năng lực sáng tạo ấy càng được phát triển qua quá trình đào tạo ở các cơ sở học viện âm nhạc. Vì vậy, năng khiếu là một yếu tố mang tính quyết định, ở đây không thể nói “cần cù bù thông minh” được. Cho nên, việc bắt đầu của quá trình đào tạo chuyên ngành sáng tác âm nhạc là phải bắt đầu từ việc tìm kiếm, phát hiện những năng lực sáng tạo ngay từ cuộc sống, từ những con người cụ thể trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở khắp các vùng miền đất nước. Công việc này đòi hỏi rất nhiều khâu về mặt tổ chức mà trước hết là phải có một cách nhìn ở tầm vĩ mô để rồi từ đó có một kế hoạch mang tính chiến lược lâu dài thì mới phát huy, phát triển được công tác đào tạo ở một lĩnh vực mang tính đặc thù này. Trên cơ sở ấy, tôi xin được đề xuất số nội dung sau về công tác đào tạo sáng tác âm nhạc trong tình hình hiện nay:

1. Chấm dứt ngay việc đào tạo sáng tác âm nhạc theo chỉ tiêu bắt đầu ngay từ khâu lập kế hoạch tuyển sinh tại cơ sở đào tạo âm nhạc. Việc lập chỉ tiêu trong tuyển bộ môn sáng tác chẳng những không thích hợp với tính chất của môn học này là tìm kiếm tài năng (mà tài năng không bao giờ là số đông) nó còn không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay là được đào tạo ra không có môi trường làm việc, không có môi trường để phát huy, phát triển khả năng âm nhạc đã học được.

2. Để đảm bảo chất lượng “đầu vào” cho công việc đào tạo chuyên ngành đặc biệt này cần phải tiến hành tuyển chọn cho được những tài năng âm nhạc thực sự ngay từ các cấp học từ mẫu giáo trở đi cho đến các cấp học và cả các trung tâm văn hóa từ các cơ sở địa phương cho đến trung ương. Đây là một công việc đòi hỏi rất nhiều công sức và trí tuệ, đồng thời phải được sự đồng thuận, hưởng ứng của các cấp, các ngành trong xã hội.

3. Hội Nhạc sĩ Việt Nam với tư cách một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp với hơn 1.200 hội viên sinh hoạt trong các chi hội ở khắp các vùng miền đất nước rất có nhiều điều kiện cung cấp những năng lực sáng tạo âm nhạc thông qua các hoạt động mang tính nghề nghiệp của mình cũng như ở các Hội Văn học - Nghệ thuật các địa phương trong nước với các hoạt động âm nhạc hàng năm, đặc biệt là các giải thưởng âm nhạc thường niên và các Trại sáng tác âm nhạc do Hội trung ương và địa phương tổ chức.

4. Kịp thời phát hiện những tài năng âm nhạc qua đào tạo từ địa phương cho tới trung ương để tập trung thành những lớp chuyên biệt như các lớp chuyên toán, các đội tuyển Olympic âm nhạc quốc gia để từ đó nâng cao năng lực sáng tạo cho họ với nhiều hình thức học, phát huy khả năng và phong cách cá nhân thông qua những tác phẩm âm nhạc giàu cá tính và bản sắc dân tộc. Điều này có thể bắt đầu ngay từ trong các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên ngành, khi phát hiện những năng lực đó được chuyển sang học bộ môn sáng tác hoặc học song song với bộ môn mà các em đang học. Kinh nghiệm ở Việt Nam cho thấy rất nhiều các nhạc sĩ thành danh đã bắt đầu bằng con đường học nhạc cụ, đặc biệt là nhạc cụ truyền thống.

5. Kết hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức có chức năng để tổ chức giới thiệu những sáng tác mới có chất lượng của các tài năng sáng tác trẻ thông qua các hình thức biểu diễn giới thiệu tác phẩm mới, tổ chức các câu lạc bộ sáng tác trẻ nhằm trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ tạo điều kiện cho việc phát huy khả sáng tạo, tìm tòi, khám phá những yếu tố mới trong sáng tác âm nhạc. Trong điều kiện có thể, sẵn sàng giới thiệu những tác phẩm tốt của các em tham gia các sinh hoat âm nhạc nước ngoài như các cuộc thi, các festival âm nhạc quốc tế.


Nhạc sĩ Cát Vận (Ảnh: Nguyễn Thị Minh Châu)

Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc tìm kiếm, phát hiện, đào tạo những tài năng âm nhạc đã khó, song việc sử dụng những tài năng được đào tạo bài bản này còn khó hơn, vì rất khó có cơ quan ban ngành nào dám “dũng cảm” tuyển dụng những tài năng này về làm việc ngoài các nhạc viện, mà con số biên chế ở đây cũng rất hạn chế. Và vì vậy, đa số những người học sáng tác khi ra trường đều phải chấp nhận “trái ngành, trái nghề”, đương nhiên sự chấp nhận này là đồng nghĩa với “sự thui chột” khả năng sáng tạo và “thui chột” luôn cả những kiến thức đã học được trong nhà trường. Ở đây, chưa nói đến sự lãng phí tiền của của nhà nước, của xã hội dành cho công việc đào tạo, mà còn ảnh hưởng tới tương lai của sự phát triển âm nhạc nước nhà. Có điều lạ lùng là, trong biên chế của nhà nước hiện nay không có bậc lương cho ngạch bậc sáng tác, nên từ nhiều năm nay các nhạc sĩ vẫn phải “âm thầm” núp dưới danh nghĩa một công việc nào đó để lĩnh lương như một công việc làm “chui”, ngay cả ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhiều nhạc sĩ đã phải núp dưới cái “vỏ biên chế” như cán bộ chuyên trách công đoàn, cán bộ phụ trách công tác địa phương, phụ trác thanh nhạc, khí nhạc, đối ngoại, v.v… và gì, gì đó! Còn đa phần các sinh viên tốt nghiệp các nhạc viện hiện nay đều rất “mơ ước và vinh dự” được công tác tại các cơ quan thông tấn đại chúng lớn như phát thanh, truyền hình các báo và tạp chí lớn ở trung ương. Như vậy việc “trái ngành, trái nghề ” đã trở thành sự thật hiện hữu.

Hiện nay, chúng ta còn một khó khăn khác nữa là công chúng Việt Nam chưa có thói quen thưởng thức âm nhạc không lời, âm nhạc hòa tấu, đặc biệt là nhạc đàn phương Tây; trong nước cũng quá ít các dàn nhạc giao hưởng, các nhóm hòa tấu âm nhạc chuyên nghiệp, ngoài các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là một trong những yếu tố liên quan mật thiết tới công tác đào tạo chuyên ngành âm nhạc.

“Đi đâu? Về đâu?” luôn là câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta đang ngồi đây và các nhà quản lý, cả các nhà hoạch định chính sách, trong đó đương nhiên có các học viên đang được đào tạo tại các nhà trường âm nhạc tại Việt Nam!

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...