Cảm xúc âm nhạc: Là người, tôi sẽ chết cho quê hương...
Đó là những câu hát một thời của tuổi trẻ, với những ước mơ đẹp đẽ nhất, thanh khiết và trong sáng nhất.
Tôi nhớ, hồi còn học lớp 10, trong 1 chương trình văn nghệ chào mừng giải phóng Miền Nam – Thống nhất đất nước, có một chị học lớp 12, nghe đâu là đội trưởng đội văn nghệ trường, đã hát vang ca khúc Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, khiến cả hội trường như vỡ òa trong niềm tự hào hân hoan.
Cho đến bây giờ, bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in buổi sáng ngày hôm ấy. Sau những vở kịch do chính các bạn học sinh trong trường biểu diễn, rồi đến những khoảnh khắc giao lưu với các bác cựu chiến binh, thì đến tiết mục của chị. Tiếng hát của chị cao vút, tà áo dài trắng tung bay trong gió, cùng nét mặt nghiêm trang, tự hào, bỗng dưng tôi thấy nghèn nghẹn ở cổ, xúc động dâng trào. Bài hát chấm dứt, cả hội trường im lặng không một tiếng vỗ tay, phải đến khoảng gần cả phút sau mọi người mới “choàng tỉnh” vỗ tay rào rào.
Từ giây phút đó, những giai điệu của ca khúc Tự nguyện lúc nào cũng in sâu trong trí tôi. Dù chưa bao giờ một lần cầm đến bài hát nhưng tôi thuộc lòng từng câu chữ, in đậm nét trong kí ức dấu ấn của một thời đã qua, một thời ở tuổi mới lớn không bao giờ quên.
Nếu là chim, tôi sẽ làm loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ làm một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ làm một vầng mây ấm
Là người, tôi xin chết cho quê hương...
Đó là những câu hát một thời của tuổi trẻ, với những ước mơ đẹp đẽ nhất, thanh khiết và trong sáng nhất. Một ước mơ thật to lớn của mọi người lúc bấy giờ: mơ ước đất nước không còn chiến tranh, mơ ước ngày độc lập. Nếu là chim, hay nếu là hoa thì cũng xin được làm loài chim tượng trưng cho hòa bình, loài hoa chỉ biết hướng thẳng về ánh mặt trời, nếu là cụm mây thì cũng xin được làm một vầng mây ấm và, hơn tất cả: làm người, tôi sẽ chết cho quê hương.
Là chim, tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm
Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền
Là hoa, tôi nở tình yêu ban sớm
Cùng muôn trái tim đắp xây hòa bình
Đoạn điệp khúc cao vút và ngọt ngào nói lên sự khao khát của một đất nước bị chia cách, khao khát một ngày cùng “anh em đứng lên cắm cao ngọn cờ”. Đây có lẽ cũng là tiếng lòng của những người con đất Việt, của những con người giàu lòng yêu nước, sẵn sàng đứng lên bảo vệ đất nước trước những ý đồ đen tối của quân xâm lược.
Có thể nói, Tự nguyện đối với tôi là một bài ca sống mãi trong lòng những người đã sống tuổi thanh xuân trong chiến tranh. Bài hát đánh dấu một giai đoạn lịch sử, để nhớ mãi có một thời kỳ như thế, dân tộc đã trải qua như thế, một thời không thể nào quên.
Tự nguyện đối với tôi còn là lời động viên riêng cho mình tiếp bước mỗi khi gặp trở ngại trên đường đời. Những lần vấp ngã, tự nhủ mình hãy làm một vầng mây ấm hay một đóa hướng dương. Giai điệu của bài hát khi ấy cứ vang mãi trong đầu, thôi thúc mình gượng dậy và đứng lên... Quan trọng hơn nữa, bài hát nhắc mình hãy sống thẳng, không cúi đầu dù dưới hình thức nào...
Ngày hôm nay, trong diễn biến căng thẳng của tình hình biển Đông , lắng nghe ca khúc này, qua tiếng hát của Nhật Thủy trong đêm gala Vietnam Idol, biết bao xúc cảm lại ùa về trong tôi, và tôi xin hứa, sẽ cố gắng sống cho hết mình, để bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Khi đất nước gọi, chúng con sẵn sàng...
(Nguồn: http://www.baomoi.com)