Cảm nhận sau Liên hoan Âm thanh Hà Nội
Liên hoan Âm thanh Hà Nội đã khép lại, dư âm của nó cũng chấm dứt ngay sau tiếng động cuối cùng của đêm diễn cuối cùng, Ban tổ chức cũng như các nghệ sĩ đã đạt được mục đích chung riêng mà họ đề ra. Tôi băn khoăn tự hỏi: tại sao trước và trong sự kiện các nghệ sĩ cũng như các nhạc cụ và các phương tiện truyền thông đồng loạt cất tiếng ồn ào, thì ngay sau sự kiện tất cả lại đồng loạt im lặng?
Thú thực, trước đây nghe ai đó nói đến nhạc thể nghiệm, bên ngoài tôi không tỏ thái độ, bên trong tôi không yêu mà cũng không ghét, đúng hơn là tôi không quan tâm. Sự kiện âm nhạc thể nghiệm mang tên “Hanoi Sound Stuff – Liên hoan Âm thanh Hà Nội” do nhạc sĩ Trí Minh sáng lập, trong lần tổ chức thứ 6 này có hình thức quảng bá khá nổi bật nên đã gây được sự chú ý cho tôi.
Theo như lời giới thiệu của Ban tổ chức: "Liên hoan âm thanh Hà Nội mong muốn tạo nên một không gian sáng tạo đặc biệt của nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm và nghệ thuật bằng những âm thanh không giới hạn, những buổi biểu diễn và hợp tác sáng tạo của các nghệ sỹ hàng đầu Quốc Tế và Việt Nam với tiêu chí tạo nên sự quan tâm về âm nhạc và nghệ thuật cho giới trẻ Việt Nam".
Là một nhạc sĩ, khi đọc những lời giới thiệu này, tôi tự thấy không thể tiếp tục thờ ơ với một sự kiện âm nhạc nổi bật như thế. Để không bị lạc hậu, không bị các đồng nghiệp bỏ rơi phía sau, tôi quyết định tìm đến Hanoi Sound Stuff từ mọi góc nhìn với tinh thần cầu thị và học hỏi, mong tìm thấy ở đó những cái mới, cái hay, cái đẹp về một loại hình âm nhạc đang còn xa lạ với tôi.
Sau một tuần lặng im, thời gian đủ để tôi chiêm nghiệm được đôi điều mà tôi thấy cần thiết phải trao đổi với các nghệ sĩ đang theo đuổi niềm đam mê âm nhạc thể nghiệm nói chung và các nghệ sĩ trong Liên hoan Âm thanh Hà Nội nói riêng.
1. Có nghiệp dư hóa sự kiện âm nhạc quốc tế?
Gọi là “sự kiện âm nhạc quốc tế” là bởi khâu quảng bá hết sức chuyên nghiệp với các phương tiện truyền thông từ báo mạng đến facebook đồng loạt đưa tin sự kiện Liên hoan Âm thanh lần này hội tụ các nghệ sĩ hàng đầu quốc tế và trong nước, mở ra một sân chơi bổ ích cho cả nghệ sĩ lẫn công chúng yêu nhạc.
Để có cái nhìn toàn diện, tôi đã dành thời gian đến xem buổi tập âm thanh sân khấu của các nghệ sĩ. Trong buổi chạy sân khấu ngày 12/4, Ban tổ chức sắp xếp thời gian chưa đầy 90 phút cho tất cả 6 tiết mục, vì thế mà đạo diễn chương trình là nhạc sĩ Trí Minh yêu cầu các nghệ sĩ không chạy hết tiết mục. Thực tế với quĩ thời gian hơn chục phút trên sân khấu, các nghệ sĩ chỉ đủ để thực hiện 2 công việc là chuẩn bị nhạc cụ và chạy thử âm thanh với micro. Nghĩa là các nhạc cụ, các dụng cụ tạo âm thanh và tiếng động chỉ thử xem có kêu hay không, chứ hoàn toàn không có chuyện các nghệ sĩ trình bày tác phẩm. Với chương trình biểu diễn các loại hình âm nhạc khác, trình bày tác phẩm là công việc bắt buộc trong buổi tập âm thanh sân khấu, nó quyết định chất lượng buổi biểu diễn. Các nghệ sĩ nước ngoài tỏ thái độ khó chịu và bàn tán về việc họ không biết nội dung tiết mục, không được trình bày tác phẩm. Có nghệ sĩ người Việt phản đối cách làm của Ban tổ chức đẩy họ vào thế bị động, không biết sẽ phải làm gì trong buổi biểu diễn. Bản thân tôi nghĩ rằng, các nghệ sĩ dù có là bậc thiên tài về hòa thanh, có kĩ thuật sử dụng nhạc cụ siêu phàm, có khả năng sáng tạo âm thanh tuyệt vời đến mấy chăng nữa, nếu không có sự chuẩn bị trước thì cũng không thể nào kết hợp nổi trong biểu diễn để tạo ra một thứ gọi là âm nhạc thực thụ.
Ngược lại với cách tổ chức thiếu căn bản trong việc tập âm thanh sân khấu trước khi biểu diễn, Ban tổ chức lại chú ý phục vụ khán giả bằng quầy bia, rượu mạnh, nước ngọt, bim bim. Có lẽ vì thế mà âm thanh của các nghệ sĩ khi biểu diễn không thể át đi được tiếng cười đùa, trò chuyện tưng bừng vui vẻ không khác gì ngoài công viên. Quan sát kĩ tôi nhận thấy khán giả không để tâm lên sân khấu, họ chú ý đến câu chuyện của họ, đến ăn và uống, đợi nghệ sĩ biểu diễn xong tiết mục thì họ vỗ tay ầm ầm…
Tôi tự hỏi: liệu Ban tổ chức Hanoi Sound Stuff có nghiệp dư hóa công tác tổ chức một sự kiện âm nhạc mang tầm quốc tế?
2. Đấy có phải là âm nhạc hay không?
Tiết mục mở đầu, các nghệ sĩ sử dụng bộ trộn âm thanh điện tử tạo nên tiếng gào, rú, rít tôi nghe thấy đinh tai nhức óc. Âm thanh rú rít tôi đã gặp từ hồi những năm 70 – 80 của thế kỉ trước, nó gắn với chiếc đài bán dẫn tự lắp thủ công bằng cách lấy thiếc chấm vào nhựa thông hàn lên bảng mạch 3 chiếc bóng và 3 con tụ, lắp thêm chiếc loa để trở thành cái đài. Khi dò sóng phải áp tai vào loa, vặn chiết áp to hết cỡ, đang dò tự dưng nghe thấy tiếng rú rít ù hết cả tai. Cảm giác ấy đến giờ tôi vẫn thấy sợ, mỗi lần nhớ đến là sởn hết da gà, cứ tưởng không bao giờ phải nghe lại. Ấy thế mà trong đêm diễn 12/4, tôi đã nghe đúng những âm thanh rú rít quái đản được các nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu thế giới và Việt Nam mất bao công tìm tòi cầu kì mới chế ra được.
Đến tiết mục của Trí Minh, tôi kì vọng sẽ mang lại những nét mới trong nghệ thuật âm nhạc bởi sự kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống với nhạc cụ phương Tây và các âm thanh điện tử. Nhưng hình như Trí Minh và các bạn của anh thiếu một cái gì đó rất quan trọng ngoài âm nhạc, thành ra tác phẩm nhóm anh biểu diễn trở thành món lẩu thập cẩm đông tây, trong đó các anh cố gắng dùng âm thanh để mô phỏng các hình ảnh trong đoạn video không rõ chủ đề được cắt cúp từ các bộ phim có cảnh đời sống sinh hoạt của Hà Nội từ thời chống Mỹ đến giờ. Âm thanh được tạo ra từ máy trộn ồn ào hỗn độn, có tiếng ghi ta điện, tiếng kèn Tuba, thỉnh thoảng có vài tiếng đàn Tranh cất lên lạc lõng thoi thóp chẳng ăn nhập gì với hình ảnh mà cũng chẳng kết vào được với các âm thanh khác...
Tiết mục tiếp theo, Trí Minh giới thiệu có sự pha trộn âm sắc của nhạc cụ dân tộc Việt Nam với âm thanh điện tử, đây là nhóm nhạc thành công nhất của âm nhạc thể nghiệm, đã đưa các nhạc cụ dân tộc Việt Nam lên vị trí mới, tầm cao mới. Nhóm này gồm: 2 nghệ sĩ chơi nhạc laptop (điện tử) là Trí Minh và một nghệ sĩ Thụy Điển; 1 nghệ sĩ Thụy Điển chơi ghi ta phím lõm là nhạc cụ của Việt Nam; 1 nghệ sĩ Việt chơi đàn Tranh; 1 nghệ sĩ Việt chơi đàn Bầu. Đàn Tranh cất lên những âm thanh trong trẻo có giai điệu. Đàn Bầucùng với đàn Tranh bê nguyên xi một đoạn Chèo cổ. Laptop ồn ào rú rít với tiếng máy khoan, tiếng đục đẽo bê tông, tiếng uốn éo ưỡn ẹo của mèo hoang gọi đực. Nghệ sĩ ghi ta phím lõm gẩy đàn thì ít mà lấy chân gạt nút điều chỉnh âm thanh trên sàn sân khấu thì nhiều…
Cứ thế, mỗi tiết mục kéo dài 30 phút, các nghệ sĩ sử dụng nhạc cụ của mình để tấu lên những âm thanh chả ăn nhập gì với xung quanh. Giống như một cuộc nói chuyện của nhóm người nhiều quốc gia khác nhau, mỗi người chỉ nói tiếng nói riêng của quốc gia mình, không ai biết tiếng của nhau. Khán giả là tôi sẽ chẳng thể hiểu bất cứ thứ ngôn ngữ nào trong đó nên chẳng thể hấp thụ bất cứ điều gì từ cuộc nói chuyện đó. Các khán giả xung quanh tôi thoải mái ăn uống và trò chuyện, chờ hết tiết mục thì vỗ tay ào ào, có những bạn trẻ gào rú thể hiện sự phấn khích và ủng hộ...
Và tôi lại tự hỏi: âm nhạc trong buổi trình diễn Hanoi Sound Stuff liệu có đúng là âm nhạc hay không?