Cách xây dựng giai điệu trong hai tác phẩm The Gypsies và Lay of the Gondolier của nhạc sĩ Burgmuller

28/03/2019

Lịch sử âm nhạc cổ điển phương Tây được chia thành bảy thời kỳ lớn: Trung cổ, Phục hưng, Baroque, Cổ điển, Lãng mạn, Hiện đại và Đương đại. Mỗi thời kỳ đều có những đại diện xuất sắc biết kế thừa thành tựu của các tiền nhân và có các bước sáng tạo mới, tạo lập nên các trường phái và phong cách mới. Song, có thể nói thời kỳ lãng mạn đã có một bước tiến dài với nhiều thành tựu rực rỡ trong các thể loại: giao hưởng và thính phòng...trong đó có etude. Thời kỳ này, tác giả đề cao cái “tôi”, cấu trúc ngắn gọn, nội dung thường phản ánh tâm tư tình cảm của con người.

Ở mỗi tác phẩm đều thể hiện được tính hiện thực xã hội, tính văn học, khuynh hướng nhân đạo, giáo dục; đồng thời phản ánh những khát vọng của con người. Những nhà soạn nhạc thời kỳ lãng mạn thường lấy cảm hứng từ văn học, hội họa hay từ những nguồn không gian âm nhạc khác: thiên nhiên, lịch sử, âm nhạc dân tộc. Từ đó tạo cơ sở hình thành nên các tác phẩm sử dụng âm nhạc khắc họa hình ảnh và lời ca. Một trong những nhạc sỹ có nhiều tác phẩm phác họa khung cảnh thiên nhiên, xã hội đương thời để lại dấu ấn đậm nét đi vào lòng người ở thời kỳ này đó là Burgmuller.

Friedrich Burgmuller là nghệ sĩ dương cầm và là nhà soạn nhạc người Đức. Ông sinh ngày 4/12/1806 tại Regensburg, Đức; mất 13/2/1874 tại Paris. Cha và anh trai đều là nhạc sĩ nên từ nhỏ ông đã được tiếp xúc với rất nhiều nhạc cụ và loại hình âm nhạc. Năm 1829, Burgmuller chuyển đến Kassel để theo học Lugwing Spohr và Moritz Haupmann. Năm 1832, ông chuyển đến Paris sống và phát triển phong cách chơi đàn của mình từ âm nhạc Paris. Ông đã viết nhiều bản nhạc cho violin và piano, trong đó có ba tuyển tập etude cho đàn piano op.100, op.105, op.109.

Giống với album “Trẻ thơ” của Traikovsky hay “Bài ca không lời” của Mendelsshon, ba tuyển tập etude của Burgmuller cũng có thể coi là những album âm nhạc. Mặc dù đây là những khúc luyện tập nhưng hơn thế nữa nó còn chứa đựng những nội dung, hình tượng như những bức tranh hiện thực xã hội. Trong đó, tuyển tập 18 etude op.109 với những hình thái và tính chất âm nhạc khác nhau đã để lại nhiều ấn tượng; đặc biệt là hai tác phẩm “The gypsies” và “Lay of the Gondolier” với cách xây dựng hình tượng nhân vật sống động thông qua từng câu nhạc.

“The Gypsies” (người Di-gan) là tác phẩm thể hiện lối sống tự do, phóng khoáng của bộ lạc du mục. Họ là những người say mê ca hát nhảy múa, có sức sống mãnh liệt, luôn lạc quan, sống hết mình cho hiện tại. Phần chủ đề có tính chất nhảy múa sôi động, vui tươi ở tốc độ nhanh nhưng không ồn ào do cách sử dụng cường độ của tác giả. Câu một âm thanh rất nhỏ (pp) như một không gian ở rất xa, sau đó tiến lại gần hơn với cường độ tăng lên (mf). Đoạn chen một (b) được sử dụng chất liệu chủ đề để tô đậm màu sắc giai điệu. Đoạn chen hai (c) thay đổi điệu thức, đồng thời xuất hiện yếu tố mới giúp giai điệu sôi động hơn. Tác phẩm  mang tính chất tươi vui, yêu đời, khỏe khoắn được viết ở giọng c-moll, nhịp 4/4, với hình thức rondo.

Hình thức rondo bắt nguồn từ các bài ca, điệu múa dân gian. Rondo hiểu theo nghĩa đen là vòng tròn. Nó là thể loại âm nhạc vì tính sinh động và thường có đặc điểm nhảy múa làm cho chúng ta có thể liên tưởng đến những cảnh sinh hoạt trong các ngày hội phong tục mà trong đó có điệu nhảy dân gian.

Ta có sơ đồ hình thức:

Trái với những giai điệu nhảy múa, vui tươi của tác phẩm “The gypsies”,  “Lay of the gondolier” (điệp khúc người chèo thuyền) thống nhất một nét giai điệu chung mềm mại đầy chất trữ tình nhưng thay đổi phần coda. Giai điệu ở coda thay đổi do xuất hiện yếu tố mới tạo ra một không gian mở, một cái kết mở. Tác phẩm miêu tả một khung cảnh ban đêm tĩnh lặng chỉ có người chèo thuyền với con thuyền đang lướt đi nhẹ nhàng. Bài được viết ở giọng A-dur, nhịp 6/8, hình thức hai đoạn đơn phát triển |:a:||:b:| 

Ta có sơ đồ hình thức:

Cấu tạo bè và hướng chuyển động của giai điệu

Có thể nói, trong toàn bộ phương pháp diễn tả của âm nhạc, giai điệu chiếm vị trí trung tâm và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc dẫn dắt, tạo đường nét chính cho tác phẩm. Nó là sự nối tiếp các âm thanh thành một bè, có tổ chức về phương diện điệu thức, tiết nhịp và tiết tấu. Thêm vào đó, giai điệu còn là sự tổng hợp của một số phương pháp diễn tả: quãng, âm vực, âm khu… để tạo nên hình tượng của tác phẩm.

“The gypsies” là tác phẩm gồm có nhiều bè (3-4 bè), được cấu tạo theo kiểu chủ điệu. Trong đó, bè chính là soprano mang ý nghĩa dẫn dắt và thể hiện nội dung tác phẩm. Bè bass được giai điệu hóa để hỗ trợ cho bè soprano. Thêm vào đó, bè alto tăng cường cho bè soprano ở các quãng 3, 4, 5 giúp cho giai điệu dày hơn.

Ví dụ 1: đoạn chủ đề

Giống “The gypsies”, tác phẩm “Lay of the gondolier” gồm nhiều bè (2-5 bè). Trong đó, một bè chủ điệu ở tay phải đôi chỗ được tăng cường bè để nhấn mạnh giai điệu. Ngoài ra, bè tay tay trái gồm hai bè đệm hỗ trợ và tăng màu sắc của giai điệu. Một bè chuyển động trên âm nền rải giọng A-dur, một bè đi trì tục quãng 5 (âm 1 với âm 5). Bè ở giữa nhấn mạnh có chủ ý vào những nốt ở đầu phách, nhóm để làm rõ hòa thanh bè bass, đồng thời giúp bè bass có tính giai điệu hóa. Ở đây, ta không còn thấy sự sôi nổi trong giai điệu nữa mà nó mang sự thư thái, êm đềm của nhịp điệu chèo thuyền với những bước đi thong thả, nhịp nhàng (andantino con moto).

Ví dụ 2: phần trình bày – đoạn a

Tóm lại, hai tác phẩm đều có cấu tạo nhiều bè theo kiểu chủ điệu nhưng “The gypsies” có dùng thủ pháp phức điệu và đối vị đơn giản nên giai điệu dày hơn, nội dung chủ đề được nhấn mạnh và rõ ràng hơn.

Để tạo nên một giai điệu đẹp, một tác phẩm hay ta không thể không nói đến hướng chuyển động của giai điệu. Ở mỗi cách di chuyển sẽ thể hiện một đặc điểm âm nhạc khác nhau: vui tươi, kiên nghị, tĩnh lặng, buồn…

Giai điệu của tác phẩm “người Di-gan” chủ yếu chuyển động hình làn sóng kết hợp với một số bước đi ngang. Câu một (x), giai điệu bắt đầu với những bước đi ngang sau đó theo hình làn sóng nhỏ tạo những chuyển động nhẹ nhàng. Thêm vào đó, nhịp 4/4 cùng lối diễn tấu staccato góp phần thể hiện nhịp điệu linh hoạt của một bài múa. Câu một kết thúc ở công năng D-t của giọng c-moll tạo sự hoàn thiện một ý nhạc. Bước sang câu thứ hai (x’) giai điệu nhắc lại câu thứ nhất nhưng được đẩy lên một quãng tám, cường độ mạnh vừa (mf) với những dấu nhấn tạo sự khỏe mạnh, sôi nổi đẩy lên căng thẳng của bài.

Sự phân chia tiết tấu từ những nốt đen sang đơn khiến bè soprano chuyển động nhanh, nhịp nhàng trên âm khu cao như thúc giục, hối hả. Làn sóng quãng tám liên tục từ c1-c2 đẩy giai điệu lên cao tạo căng thẳng cho đoạn chủ đề. Bè tay trái gồm tenor và bass đi theo những âm điệu cũ của câu một làm cho giai điệu chính rõ nét hơn và âm điệu dày hơn. Kết đoạn tác giả đưa về âm chủ (t) cùng với dấu lặng đơn đằng sau tạo điểm ngắt rõ ràng để phân tách giữa các đoạn.

Ta có biểu đồ làn sóng giai điệu câu 1, 2 đoạn chủ đề (a).

Tác phẩm “The gypsies” gồm hai đoạn chen với những đường nét giai điệu khác nhau qua mỗi câu nhạc. Chủ đề khắc họa nội dung hình tượng người múa,   đoạn chen là đoạn nghỉ ngơi cho dàn nhạc đánh.

Ta có biểu đồ giai điệu đoạn chen một (b).

Ta có biểu đồ giai điệu đoạn chen hai (c).

Ví dụ 3: đoạn chen 1

Câu một, giai điệu đi theo hình làn sóng lớn với lối diễn tấu staccato và những dấu nhấn tạo sự rộn ràng, tươi vui. Với hướng chuyển động đi lên liền bậc liên tục từ  g1-g3 và tiết tấu nốt móc đơn, ta thấy được sự linh động, hoạt bát trong điệu múa của những cô gái Di-gan. Giai điệu xây dựng trên âm khu cao nên mang sự tươi sáng, hài hòa. Câu nhạc thứ hai tác giả nhắc lại motip đầu của câu  thứ nhất sau đó tái hiện lại nét nhạc chủ đề ở những bước đi ngang trên bè soprano. Bè bass trở thành giai điệu chính chuyển động liền bậc đi xuống như để đối đáp lại ý nhạc câu thứ nhất. Tác giả sử dụng thủ pháp đối vị tự do giúp giai điệu luân phiên, nối tiếp, đuổi nhau. Kết đoạn, tác giả đưa về D7-t/c-moll tạo sự hoàn thiện một ý nhạc.

Từ nét nhạc chủ đề được tái hiện ở câu hai, nhạc sỹ dẫn ta về chủ đề chính rút gọn để nhắc lại giai điệu chung của tác phẩm và dẫn sang đoạn chen hai với cường độ rất to (ff) tràn đầy năng lượng (energico).

Ví dụ 4: Đoạn chen 2

Ở đây, giai điệu chuyển động hình làn sóng cuộn trào liên tục, đặc biệt ở những nốt hoa mĩ và những âm thêu của chùm ba kép. Tác giả chuyển điệu tính từ c-moll sang giọng cùng tên C-dur với cường độ rất to (ff) đầy năng lượng tạo điểm sáng cho toàn bài. Giai điệu đi lên từ g-g1 cùng với cường độ thay đổi từ rất to (ff) – mạnh đột ngột (sf) đẩy lên cao trào nhằm nhấn mạnh ý nhạc và tạo màu sắc cho giai điệu. Những nốt hoa mĩ xuất hiện liên tiếp cùng với nhóm tiết tấu chùm ba kép-đơn cũng giúp giai điệu mềm mại, uyển chuyển hơn. Thêm vào đó, việc sử dụng âm khu cao với trường độ từ nốt đen sang chùm ba kép-đơn cũng khiến giai điệu trở lên thúc giục, hối hả.

Để quay lại chủ đề chính, tác giả có sử dụng  thêm câu nối sau đoạn chen hai để dẫn về tự nhiên hơn. Ông sử dụng công năng D-T của giọng đô với cường độ thay đổi để làm tăng tính hút dẫn. Ở đây ông nhắc lại độ cao khác của hai điệu thức cùng tên (C-dur, c-moll) tạo màu sắc sáng-tối rõ rệt cho giai điệu. Hình tượng nhân vật giống như đang múa được nghỉ ngơi để lấy lại sức. Đặc biệt C-dur giai điệu làm giảm bớt sự căng thẳng của bè tay phải khi tăng đôi âm đô (c) ở hai quãng tám. Giai điệu bè soprano tái hiện lại chủ đề ở tốc độ nhanh sau đó chậm dần lại để chuẩn bị cho phần chủ đề chính nối tiếp.

Ví dụ 5: nối

Quay lại chủ đề chính, Burgmuller nhắc lại nguyên dạng câu x’. Câu hai (m), ông sử dụng các làn sóng giai điệu nối tiếp nhau theo kiểu mô tiến đi xuống quãng hai. Sau những làn sóng, giai điệu chuyển động đi xuống  theo gam rải của âm bậc hai – rê bảy dẫn thứ để chuẩn bị về kết. Kết đoạn, tác giả dẫn về D-t/c-moll với cường độ rất nhỏ (pp) và chậm dần tạo không khí giàn trải, không muốn dừng. Ở đây, ông có sử dụng thêm kết bổ sung ở những hợp âm bậc I/c-moll với sự hỗ trợ của pedal làm cho âm thanh cứ ngân vang mãi trong không gian.

Ví dụ 6: đoạn a” và kết bổ sung

Giống với “The gypsies”, tác phẩm “Lay of the gondolier” chuyển động chủ yếu  theo hình làn sóng kết hợp với những bước đi liền bậc và bước đi ngang.

Mở đầu đoạn a, giai điệu dẫn vào rất tự nhiên từ nhịp lấy đà với bước đi liền bậc đi lên sau đó là những bước đi ngang nhịp nhàng cantabile (du dương như hát) tạo ra một không gian phẳng lặng, yên tĩnh. Sau đó chuyển động theo hình làn sóng nhỏ kết hợp với những nốt hoa mĩ giúp giai điệu mềm mại, mượt mà hơn. Cùng với nhịp chèo thuyền của bè đệm, ta có thể cảm nhận được một dòng nước phẳng lặng, chỉ có con thuyền đang lướt đi nhẹ nhàng trong sự thư thái của người chèo thuyền. Câu hai (y) nối tiếp câu một (x) nhanh chóng qua lối diễn tấu staccato và dấu luyến phân ngắt ý. Giai điệu chuyển động chủ yếu với bước đi liền bậc kết hợp với làn sóng nhỏ và bước đi ngang.

Sự chuyển động đi xuống nối tiếp câu một mang tính phát triển cho ý nhạc. Ở đây, giai điệu dày hơn do có bè alto hỗ trợ ở những quãng thuận-6T tạo sự hài hòa về màu sắc âm thanh. Thêm vào đó, tác giả cũng sử dụng những biến âm để làm tăng tính hút dẫn của điệu thức. Sau đó, ông đưa giai điệu đi xuống dần về âm chủ với tốc độ chậm dần, giãn ra (dim, rall)  và nhỏ lại ở kết. Đoạn a được nhắc lại nguyên dạng thêm một lần để nhấn mạnh nét giai điệu chủ đề. (xem ví dụ 2)

Sang đoạn b, giai điệu phát triển dựa trên nét giai điệu của đoạn a có hướng chuyển động chủ yếu theo hình làn sóng nhỏ.

Ví dụ 7: phần giữa – đoạn b

Tiết nhịp đầu tiên, tác giả tái hiện lại giai điệu ở phần trình bày làm cơ sở cho hướng chuyển động của giai điệu mới. Giai điệu chuyển động mềm mại hơn do tiết tấu đi đều theo hình làn sóng kết hợp với những nốt hoa mỹ. Ở đây, tác giả chuyển điệu sang giọng song song (fis-moll) tạo màu sắc da diết cho giai điệu. Kết câu một, ông đưa về D7-t/fis-moll để nhấn mạnh nét giai điệu mới. Sang câu hai, ta thấy có nét nhạc ở phần trình bày được nhắc lại, tiếp theo giai điệu được đẩy lên cao với cường độ mạnh đột ngột (sf) cùng với bước nhảy quãng 8 đi lên như đạt đến cao trào của bài. Sau căng thẳng, giai điệu xuống một quãng tám cùng với cường độ nhỏ dần dẫn về kết.

Ở kết đoạn, tác giả nhắc lại nét nhạc ở phần trình bày một lần nữa rồi đưa về kết trọn bậc I giọng A-dur. Đoạn b được họa lại nguyên dạng một lần nữa để nhấn mạnh nét giai điệu chính cũng như hình tượng nhân vật trong tác phẩm.

Để có sự hoàn chỉnh trọn vẹn, Burgmuller có viết thêm phần coda để tóm tắt, tổng kết lại những đường nét chính của tác phẩm.

Ví dụ 8: coda

Phần giai điệu tay phải chủ yếu chuyển động theo hình làn sóng lớn với các bước đi lên quãng 3,4 theo gam dải của công năng t, s/ A-dur sau đó đi xuống liền bậc kết hợp với những âm thêu hoa mĩ và láy rền ở cuối mỗi tiết nhạc. Ở đây giai điệu chạy theo gam rải là sự tổng kết bước đi của bè tay trái nhưng được thay đổi tiết tấu làm giai điệu thêm sinh động hơn. Những nốt hoa mĩ kết hợp với những bước đi liền bậc hay ổn định là nét giai điệu chủ yếu của bè tay phải với sự chuyện động mềm mại, nhẹ nhàng. Bốn ô nhịp cuối, tác giả nhấn mạnh giai điệu bằng hợp âm chủ của bài bằng và đưa về kết hoàn toàn với cường độ rất nhỏ trong không gian tĩnh lặng.

Có thể nói, hai tác phẩm “The gypsies” và “Lay of the gondolier” chủ yếu chuyển động theo hình làn sóng kết hợp với những bước đi ngang. Nhưng ở “người Di-gan” tác giả sử dụng nhiều bước nhảy quãng xa: quãng 4,8,7,6 kết hợp với những quãng hòa thanh nên giai điệu có tính tích cực, tươi vui. Ngược lại, “điệp khúc người chèo thuyền” Burgmuller chủ yếu sử dụng những bước đi liền bậc và bước đi ngang cùng với tính chất của nhịp 6/8 tạo giai điệu mềm mại, du dương như hát (cantabile).

Quãng và âm hình tiết tấu.

Quãng là sự nối tiếp giữa hai âm thanh. Trong đó chia ra hai loại: quãng hòa thanh và quãng giai điệu. Đối với giai điệu, quãng là một khía cạnh quan trọng thể hiện bản chất của giai điệu. Qua các quãng ta có thể hiểu được một cách đầy đủ các khía cạnh khác nhau, các màu sắc khác nhau của từng giai điệu.

Tác phẩm “The gypsies” được cấu tạo dựa trên cả quãng hòa thanh và giai điệu; trong đó quãng giai điệu quan trọng hơn mang ý nghĩa tạo nên giai điệu. (xem ví dụ 1). Đoạn chủ đề, câu một, tác giả sử dụng các quãng hòa âm hẹp (quãng 3,4,5) giúp giai điệu dày dặn hơn, sắc thái nhỏ (pp) tạo cho giai điệu sự kỳ bí xoay quanh nốt đô (c). Câu hai, ông bổ sung các quãng lớn hơn: quãng 5,6,8 sau những bước đi ngang và bước đi liền bậc giúp giai điệu sôi nổi, vui tươi hơn.

Ở đoạn chen một, giai điệu chủ yếu đi liền bậc quãng hai và đi ngang quãng một. Bước đi từ g1-g3 cùng lỗi diễn tấu delicate  tạo cảm giác những bước đi chắc chắn và đẩy căng thẳng lên cao. Quãng hòa thanh được sử dụng đa dạng (từ quãng 3 đến quãng 8). Những quãng xa (quãng 5-8) tạo tính kịch cho giai điệu và làm nổi bật nét giai điệu chính. Sang đoạn chen hai, tác giả chuyển điệu tính sang C-dur với sự dẫn vào mạnh mẽ đầy năng lượng của những quãng chồng âm (quãng 8Đ) và các hợp âm T,D/C-dur giúp giai điệu hào hùng, khỏe khoắn. Tiếp theo, ông sử dụng những bước nhảy quãng 4,5,6 từ nốt hoa mĩ lên giai điệu tạo sự luyến láy; sau đó giai điệu chuyển động nhanh trên các âm thêu trên ở âm khu cao giúp giai điệu tươi vui hơn. Phần nối và kết bổ sung chủ yếu sử dụng quãng hòa thanh và hợp âm bậc I của giọng c-moll để nhấn mạnh và hoàn thiện màu sắc của tác phẩm.

Sang tác phẩm “Lay of the gondolier”, ta thấy quãng giai điệu chiếm ưu thế. Tác giả sử dụng chủ yếu các quãng hẹp với bước đi bình ổn tạo cho giai điệu sự du dương, dịu dàng. Ở cuối mỗi đoạn, ông bổ sung thêm những quãng hòa thanh thuận và bán thuận (quãng 6T,5Đ,3T,3t) để làm rõ màu sắc hòa âm của giai điệu. Phần coda, giai điệu phát triển đi lên quãng 3,4 theo gam rải A-dur khiến căng thẳng lên cao sau đó đi xuống bình ổn để giảm bớt căng thẳng.Bốn ô nhịp cuối bài, ông sử dụng hợp âm chủ nhắc lại liên tiếp có thay đổi âm giai điệu tạo sự giàn trải, âm vang.

Có thể nói, hai tác phẩm mang màu sắc giai điệu khác nhau qua việc sử dụng quãng nhưng vẫn có những nét tương đồng trong lối viết của tác giả. Nếu “Người Di-gan” sử dụng nhiều quãng hòa thanh kết hợp với nhịp hành khúc tạo sự vui tươi, dày dặn trong giai điệu thì “Điệp khúc người chèo thuyền” chủ yếu sử dụng quãng giai điệu đi bình ổn tạo sự mềm mại du dương. Ở cả hai tác phẩm, ông đều sử dụng các quãng hòa thanh và hợp âm chủ ở cuối đoạn, cuối bài để tô đậm màu sắc giai điệu.

Để tác phẩm có tính hoàn thiện, giai điệu trau chuốt, mạch lạc ta không thể không nhắc tới vai trò của tiết tấu. Nó là một trong những yếu tố có tác dụng trực tiếp đến việc tổ chức và tạo hình của một tác phẩm.

Tác phẩm “The gypsies” tiết tấu có tính thống nhất, ổn định trên đường nét của cả một đoạn lớn. Tác giả sử dụng chủ yếu những nhóm tiết tấu cơ bản, ổn định của các nốt đen và đơn. Việc sử dụng kiểu tiết tấu này rất phù hợp với các bài múa, vũ khúc. Đồng thời, giúp giai điệu rõ ràng, sắc nét và tạo cảm giác những bước đi uyển chuyển, nhịp nhàng thông qua lối diễn tấu staccato (nẩy) và delicato (nhẹ nhàng, tinh tế). Sự bừng sáng, tươi vui được nâng lên cao trào thông qua việc thay đổi tiết tấu và điệu thức trong đoạn chen hai (C-dur). Từ nhóm tiết tấu bốn nốt đen, ông biến đổi bằng cách đưa thêm những nốt hoa mĩ sau đó thay đổi từ tiết tấu cơ bản sang tiết tấu tự do tạo màu sắc mới cho giai điệu. Những nốt hoa mĩ và chùm ba kép-đơn có tính trang sức cho giai điệu đi mề mại hơn.

Ví dụ 9: tiết tấu chung đoạn chen hai

Sang “Lay of the gondolier”, ta thấy mỗi phần đều có một nét tiết tấu chủ đạo, chung cho cả đoạn tạo sự thống nhất về nội dung. Ở đây, tác giả sử dụng tiết luật nghiêm khắc nhấn vào đầu phách mạnh giúp giai điệu có nhịp điệu rõ ràng của một bài múa. Đoạn a, giai điệu bắt đầu từ nhịp lấy đà với bước đi mềm mại du dương dẫn dắt cả đoạn như một khúc ru trong đêm.

Ví dụ 10: tiết tấu chung đoạn a

Đoạn giữa (b), tác giả sử dụng chất liệu đoạn a nhưng tiết tấu biến đổi tạo màu sắc mới cho giai điệu.

Ví dụ 11: tiết tấu chung đoạn b

Phần coda thường mang tính chất phụ họa và khái quát chất liệu chủ đề nhưng ở “Lay of the gondolier” tác giả vừa tổng kết âm hình cũ, vừa đưa ra âm hình tiết tấu mới để tạo không gian mở - kết mở, cho tác phẩm. Thêm vào đó, phần coda gồm 11 ô nhịp tương đương với phần chính nên cũng có thể coi là một đoạn của tác phẩm góp phần xây dựng nội dung, hình tượng nhân vật.

Ví dụ 12: tiết tấu phần coda

Nhìn chung, quãng và tiết tấu là hai nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng đường nét giai điệu cho toàn tác phẩm. Hai yếu tố này cùng sự hỗ trợ của cường độ, âm vực, âm khu…giúp cho giai điệu có cấu trúc hoàn chỉnh hơn.

Có thể nói, giai điệu là sự tổng hợp các thành tố âm nhạc khác nhau như: tương quan về cao độ, tiết tấu, âm sắc, hòa âm,..nhằm biểu lộ cảm xúc,tư duy, tình cảm của con người. Thông qua hai tác phẩm “The gypsies” và “Lay of the gondolier” của Burgmuller, em càng thấy được sự liên kết chặt chẽ của các yếu tố có trong âm nhạc là không thể tách rời. Ở mỗi tác phẩm thường sẽ có một hoặc hai yếu tố chính làm nên tính chất của bài. Song, các yếu tố khác hỗ trợ, bổ sung cho yếu tố chính để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Ở đây, để làm nổi bật lên hình tượng của người chèo thuyền và người Di-gan thì tác giả lấy yếu tố giai điệu làm trung tâm của tác phẩm. Giai điệu làm chủ thể kết hợp với những yếu tố khác: tiết tấu, lối tiến hành giai điệu, quãng… tạo nên hình tượng nhân vật rõ nét.

Tóm lại, hai tác phẩm đều cấu tạo chủ điệu, sử dụng giai điệu hình làn sóng kết hợp với những bước đi ngang. Tiết tấu ổn định cùng những quãng thuận và bán thuận giúp giai điệu hoàn thiện điệu tính và cấu trúc, nội dung chủ đề. Thêm vào đó, Burgmuller rất hay sử dụng những dấu nhấn và lối diễn tấu staccato để làm rõ màu sắc giai điệu cũng như hình tượng mà ông muốn thể hiện. Sự tương phản còn được ông thể hiện qua từng bài, với giọng trưởng ta thường nghĩ đến giai điệu vui tươi, rộn rã nhưng ông lại biến đổi thành một tác phẩm đậm chất trữ tình. Ngược lại, với bài giọng thứ, ông đưa nhịp hành khúc với tiết tấu đều đặn thể  hiện niềm vui, sự hứng khởi trong từng điệu múa.

Với sự tinh tế trong cách xử lý âm nhạc, Burgmuller đã xây dựng được hai hình tượng nhân vật hết sức sống động thông qua những giai điệu chứa đầy tình cảm của ông.

Tài liệu tham khảo:

1.Sách giáo khoa Lý thuyết âm nhạc cơ bản của V.A.VA - KH'RA - MÊ - ÉP (NXB Matxcova 1958).
2. Sách giáo khoa Hình thức âm nhạc của Nguyễn Thị Nhung  (NXB âm nhạc).
3.Sách giáo khoa Trích giảng âm nhạc thế giới (phần Châu Âu) của nhóm tác giả Nguyễn Xinh – Thế Vinh – Nguyễn Thị Nhung.
4.Wikipedia.
5.Một số tiểu luận của các học sinh khoá trước.

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...