Ca trù - “đặc sản” văn hóa trong lòng phố cổ

31/08/2018

Từ khi nghệ thuật ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, đến nay số lượng các câu lạc bộ ca trù của Thủ đô thành lập ngày một nhiều hơn. Ngay cả khi, ca trù đối mặt với nguy cơ rơi vào quên lãng thì ở Hà Nội - loại hình nghệ thuật diễn xướng này vẫn mạnh mẽ tồn tại…

Ca trù thịnh hành từ thế kỷ XIV, từng là một loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Tên gọi ca trù cũng đã được tài liệu cổ ghi nhận. Trên các tài liệu Hán Nôm, chữ “trù” trong “ca trù” đều dùng chữ “trù”.

Theo đó, “trù” là thẻ làm bằng tre, trên thẻ có ghi số tiền (hoặc quy định ngầm với nhau là mỗi thẻ tương ứng với một khoản tiền), dùng để thưởng cho đào và kép ngay trong khi biểu diễn thay cho việc thưởng bằng tiền mặt, cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho đào và kép đàn hoặc cho giáo phường. Tuy nhiên ca trù, với ý nghĩa là một lối hát có dùng thẻ để thưởng như đã nói ở trên thì chỉ có ở hát ca trù ở đình đền, tức là hát thờ. Ngoài ra, ca trù còn rất nhiều tên gọi khác như hát ả đào, hát cô đầu…

Ảnh minh họa

Về nhạc cụ biểu diễn, có 3 loại nhạc cụ chính là phách, đàn đáy và trống chầu. Cỗ phách chỉ là một thanh tre hay một mảnh gỗ gọi là bàn phách và hai chiếc dùi gỗ là phách cái và phách con. Gõ hai dùi vào cỗ phách tạo nên tiếng. Nhạc cụ đặc trưng của ca trù chính là đàn đáy. Thùng đàn hình chữ nhật hay hình thang, mặt đàn bằng cây ngô đồng, có mặt mà không có đáy, cần rất dài, gắn mười hay mười một phím bằng tre rất cao, phím đầu ở ngay giữa bề dài của dây đàn. Đàn mắc ba dây tơ, có cách nhấn khác thường, tiếng vê, tiếng vẩy, tiếng lia, lúc chân phương khi dìu dặt, dễ đi vào lòng người. Góp thêm âm hưởng trong ca trù là trống chầu. Trống chầu trong ca trù cũng khác với trống chầu trong tuồng, hát bội… cả ở kích thước lẫn cách đánh.

Từ nhiều năm nay, đình Kim Ngân ở 42 Hàng Bạc là địa điểm thường xuyên diễn ra các canh hát do Câu lạc bộ CLB Ca trù Hà Nội tổ chức. Nơi đây cũng là không gian tín ngưỡng linh thiêng của người Hà Nội và là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian góp phần phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội. Đến đây, các du khách sẽ có dịp được thưởng thức tiếng đàn, nhịp phách cùng những âm thanh trong trẻo của những câu hát ca trù vang vọng trong không gian cổ kính, trầm mặc của ngôi Đình Kim Ngân.

Nicole và Allanca là những du khách Úc lần đầu tiên đến Việt Nam du lịch, đây cũng là lần đầu tiên hai bạn trẻ này được nghe hát ca trù. Cả hai đều rất hào hứng với việc khám phá và tìm hiểu các nhạc cụ trong ca trù. Nicole thì thử sức với cây đàn đáy, còn Allanca lại thích thú khám phá và trải nghiệm với chiếc đàn tì bà.

Một du khách khác lại tò mò với nhịp sênh, nhịp phách… Anh Vũ Thanh Duy, một Việt kiều Mỹ trở lại Việt Nam sau 30 năm chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được trực tiếp nghe các nghệ sĩ hát ca trù. Tiếng hát trong trẻo, làm rung động đến tận sâu trong trong tim tôi. Tôi thấy rất tự hào về nghệ thuật truyền thống của đất nước mình. Các nghệ sĩ thật tuyệt vời”.

Các ca nương, kép đàn của CLB Ca trù Hà Nội đắm mình trong những câu hát “hồng hồng, tuyết tuyết”, từng bước dẫn dắt du khách trở về không gian ca quán xưa của nghệ thuật ca trù, để du khách hiểu thêm về một di sản văn hóa của Việt Nam.Trước mỗi buổi hát, du khách đều được nghe giới thiệu sơ lược về nghệ thuật ca trù, về lịch sử phát triển, những thăng trầm của loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh đó, du khách còn được hướng dẫn “luật” nghe ca trù…

Sau buổi biểu diễn, du khách được dành riêng một khoảng thời gian để tìm hiểu và chơi thử những nhạc cụ được sử dụng trong ca trù như trống, phách, đàn tỳ bà, đàn đáy… Lượng khách đến với canh hát chủ yếu là các khán giả người nước ngoài, sau mỗi buổi biểu diễn, mọi người đều nấn ná chưa muốn về ngay. Ai cũng chờ để được giao lưu với các nghệ sĩ, nghệ nhân để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tò mò muốn tìm hiểu thêm về loại hình nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc của dân tộc Việt. Sau đó là chụp ảnh để ghi nhớ những khoảnh khắc đẹp và kỷ niệm khó phai với các nghệ sỹ.

Nicole và Allanca là những du khách Úc lần đầu tiên đến Việt Nam du lịch, đây cũng là lần đầu tiên hai bạn trẻ này được nghe hát ca trù. Cả hai đều rất hào hứng với việc khám phá và tìm hiểu các nhạc cụ trong ca trù. Nicole thì thử sức với cây đàn đáy, còn Allanca lại thích thú khám phá và trải nghiệm với chiếc đàn tì bà. Một du khách khác lại tò mò với nhịp sênh, nhịp phách… Anh Vũ Thanh Duy, một Việt kiều Mỹ trở lại Việt Nam sau 30 năm chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được trực tiếp nghe các nghệ sĩ hát ca trù. Tiếng hát trong trẻo, làm rung động đến tận sâu trong trong tim tôi. Tôi thấy rất tự hào về nghệ thuật truyền thống của đất nước mình. Các nghệ sĩ thật tuyệt vời”.

Đều đặn một tuần ba buổi, vào các tối thứ Hai, thứ Tư và Chủ nhật, CLB Ca trù Hà Nội lại bắt đầu những canh hát của mình. Khán giả đến với các canh hát chủ yếu là khách du lịch nước ngoài. Ca nương Ngọc Hân – một thành viên của CLB chia sẻ mối nhân duyên đưa cô đến với ca trù cũng thật đặc biệt: “Hân không theo học âm nhạc mà theo học ngành y, một lần tình cờ được nghe hát ca trù, Hân bị mê ngay, Hân cảm thấy môn nghệ thuật này rất cuốn hút, khác lạ dù lúc đó mình còn hiểu rất ngô nghê ý nghĩa của từng lời hát. Rồi Hân quyết định dành thời gian học hỏi từ các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ Bạch Vân. Tới giờ cũng đã gắn bó với CLB hơn 10 năm rồi”.

Nhớ lại những ngày đầu biểu diễn, NSƯT Bạch Vân, Chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội cho biết: “Thời kỳ đầu, nhiều hôm chúng tôi biểu diễn không có ai đến nghe. Chúng tôi cũng rất lo lắng. Nhưng với những giá trị độc đáo, chúng tôi tin rằng dần dần, nghệ thuật ca trù sẽ tìm được chỗ đứng, và nó sẽ trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo với du khách”. Sau một thời gian dài cố gắng, đến nay, lượng khách đến với các canh hát đã khá đều đặn.

Các chương trình biểu diễn của CLB Ca trù Hà Nội đã trở thành một phần của văn hóa phố cổ Hà Nội. “Mỗi buổi biểu diễn, tôi thường dành thời gian trò chuyện với du khách, tìm hiểu xem cảm nhận của họ về bộ môn nghệ thuật này. Hầu hết du khách đều tỏ ra rất thích thú, họ nói rằng, đây là loại hình âm nhạc đặc trưng của Việt Nam, không giống ở các nước khác. Nhiều người còn ngỏ lời cảm ơn tôi vì đã gìn giữ môn nghệ thuật này, để họ có cơ hội được thưởng thức khi đến Hà Nội”, NSƯT Bạch Vân cho biết.

Tuy vậy, NSƯT Bạch Vân cũng bày tỏ mong muốn, để ca trù thực sự trở thành một nét văn hóa phố cổ, là điểm đến hấp dẫn du khách, rất cần có sự chung tay của các nhà quản lý văn hóa, du lịch, của các công ty du lịch trong việc tạo điều kiện và giới thiệu du khách đến thưởng thức loại hình nghệ thuật này. “Nếu chúng ta có thể tạo điều kiện để du khách được thưởng thức âm nhạc dân tộc trong một không gian truyền thống, để du khách nghe, cảm nhận và hình dung ra những nét sinh hoạt văn hóa của người Việt xưa, thì nghệ thuật ca trù sẽ trở thành một điểm đến được nhiều du khách yêu thích, mỗi khi đến Hà Nội”, NSƯT Bạch Vân bộc bạch.

(Nguồn: http://laodongthudo.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...