Ca sĩ Tuấn Ngọc: Có phúc lắm mới được làm nghệ sĩ

19/02/2017

Trong cuộc trò chuyện dài hơn ba tiếng, dù vốn kiệm lời, danh ca Tuấn Ngọc đã rộng lòng chia sẻ nhiều chuyện của ngày cũ trước ngày trở lại với Cung đàn xưa.


Danh ca Tuấn Ngọc: “Tôi luôn phải tự học mỗi ngày để có thể hát tốt hơn. Và ở tuổi này tôi
vẫn học hát, học nhạc mỗi ngày” - Ảnh: Gia Tiến

Hơn 40 tuổi mới tập hát nhạc Việt

* Các đêm nhạc Phạm Duy hay Tuấn Ngọc đã vài lần diễn ra tại Việt Nam. Vậy nên với Cung đàn xưa vào đêm 25-2, khán giả hẳn sẽ mong đợi điều gì đó mới mẻ hơn khi Tuấn Ngọc trở lại?

- Cung đàn xưa là đêm nhạc kỷ niệm 35 năm thành lập Công ty Văn hóa Phương Nam với các tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy. Tôi không biết nhiều và cũng không được phép tiết lộ các bí mật của đêm diễn.

Tôi chỉ biết rằng có 10 nhạc phẩm được cấp phép gần nhất của nhạc sĩ Phạm Duy: Bao giờ biết tương tư, Tạ ơn đời, Khối tình Trương Chi, Tiễn em, Mùa thu chết, Tình nghèo, Còn chút gì để nhớ, Em hiền như ma soeur, Thà là giọt mưa rơi trên tượng đá và Bên cầu biên giới sẽ được các ca sĩ trình bày trong chương trình. Trong những bài này, có bài tôi từng thu cho cuốn băng Lời gọi chân mây, có thể coi là cuốn băng nhạc trữ tình Việt Nam đầu tiên của tôi được thu khoảng cuối năm 1988.

* Năm 1988? Anh đã ca hát từ năm lên 5 (Tuấn Ngọc sinh năm 1947) mà mãi đến năm 1988 mới có cuốn băng nhạc Việt 
đầu tiên?

- Từ 5 - 11 tuổi tôi là thành viên của ban nhạc nhi đồng. Nhưng từ tuổi 11 tôi bắt đầu nghe nhạc Mỹ, rất thích và từ đó hát nhạc Mỹ luôn. 13 tuổi tôi đã đi hát ở những câu lạc bộ Mỹ tại Sài Gòn. 17 tuổi làm ca sĩ chuyên nghiệp, lập ban nhạc riêng và cả ban nhạc chung với các anh chị em trong gia đình (Khánh Hà, Anh Tú...) nhưng cũng toàn chơi nhạc Mỹ.

Năm 1975, tôi theo gia đình sang Mỹ và cũng không hát nhiều nhạc Việt. Vì một chuyện buồn khó giãi bày, tôi đã một mình qua Hawaii sống năm năm, từ 1984 - 1989, và chơi với những ban nhạc Mỹ ở đây. Mỗi ngày tôi đàn hát sáu tiếng cho hai nơi làm việc khác nhau, tối từ 9h30 - 12h30 ở khách sạn Sheraton và sáng từ 1h - 4h ở quán bar.

đến cuối năm 1988, khi trung tâm Diễm Xưa ngỏ lời mời tôi mới có cuốn băng riêng đầu tiên với những bài nhạc trữ tình Việt Nam.

* Điều gì khiến một người tôn sùng văn hóa Mỹ, nhạc Mỹ như anh khi đó lại nhận lời hát 
nhạc Việt?

- Thật trùng hợp khi đó tôi bất thình lình bị mất một trong hai chỗ làm. Tôi là người yêu nhạc, yêu đến mức hồi trẻ chỉ cần có cái máy hát để nghe nhạc là thấy cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc rồi. Và tôi cũng là một loner (tạm dịch: người thui thủi một mình).

Thời trẻ, tôi luôn nghĩ nghệ sĩ và khán giả là hai thế giới riêng biệt, không có gì chung hay liên quan cả. Tôi chơi nhạc của tôi và tôi thấy hạnh phúc là được rồi, không quan tâm khán giả nghĩ gì, có thích hay không...

Nhưng khi đi làm ở Hawaii thì tôi nhận ra nghệ sĩ cần khán giả ghê lắm! Hawaii nhỏ, khi đó chỉ có năm, sáu khách sạn lớn, ban nhạc phải chơi làm sao để khách chọn mình mà không chọn nơi khác. Tôi quan sát cách người trưởng ban nhạc xuống từng bàn để làm khách vui lòng, cách các đồng nghiệp tương tác với khán giả...

Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả không giản dị như tôi nghĩ từ trước đến giờ. Và từ đó tôi cũng thấy rằng nghệ sĩ không thể cứ khư khư ôm cái tôi của mình. Mình hạnh phúc trong thế giới riêng của mình nhưng sẽ hạnh phúc hơn và tiến bộ hơn khi có được sự sẻ chia, đồng điệu từ khán giả. Tôi quay về đất liền chính là vì lẽ đó. Khi đó tôi không biết chắc là mình có được cộng đồng người Việt đón nhận hay không, nhưng chắc chắn là tôi lại được ở gần gia đình cùng cơ hội chinh phục lại thế giới âm nhạc mà tôi đã bỏ quên là nhạc Việt.

* Tuấn Ngọc đã là “hiện tượng” tại hải ngoại và được yêu mến đến hôm nay. Chắc phải có bí quyết riêng?

- Thật ra, Lời gọi chân mây chỉ là cuốn băng đánh dấu việc tôi chính thức gầy dựng sự nghiệp bằng nhạc Việt. Trước năm 1975, tôi thường hát ở phòng trà Tự Do (góc đường Đồng Khởi và Nguyễn Du bây giờ).

Ca sĩ Lệ Thu khi đó rất thích tiếng hát của tôi và ngỏ lời mời thu băng Tứ quý, gồm: Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác và Tuấn Ngọc. Khi thu chị toàn trêu tôi là “ông Tây hát nhạc Việt” vì tôi ảnh hưởng nhạc Anh, Mỹ từ cách hát đến phát âm. Kể từ khi nhận lời thu âm cho Diễm Xưa, tôi bắt đầu nghe lại nhạc Việt, nghe lại những bài mình sẽ thu và nghiên cứu cách hát để không bị gọi là “ông Tây hát nhạc Việt” nữa.

Thời đó, người ta thích nghe nhạc trữ tình thật mượt mà, thổn thức. Nhưng tôi lại muốn những bản thu của mình phải thật đàn ông. Hát không nức nở dễ bị cho là khô khan, thiếu cảm xúc. Làm sao để bản thu của tôi giản dị mà không khô khan, đầy tình cảm mà không cần nức nở?

Tôi phải nghiên cứu, học hỏi nhiều lắm chứ không phải tự nhiên mà hát được. Nghề nào cũng vậy, muốn thành công nhất định phải trau dồi nghề nghiệp của mình, phải siêng năng và cần may mắn. Trong sản phẩm đầu tay, tôi tự thấy mình có nhiều may mắn khi được đón nhận nồng nhiệt. Nhưng cũng từ đó tôi luôn phải tự học mỗi ngày để có thể hát tốt hơn. Và ở tuổi này tôi vẫn học hát, học nhạc mỗi ngày.

Đàn ông lỗi lầm như Phạm Duy thì nhiều lắm, nhưng...

* Bạn yêu nhạc thường than phiền giờ đây quá hiếm ca khúc hay. Anh có thấy vậy?

- Music from the heart (Âm nhạc từ trái tim). Âm nhạc hôm nay nếu không hay là bởi nó không đến từ trái tim hay tâm hồn mà đến từ... máy tính. Không riêng gì Việt Nam, ở Mỹ cũng vậy, người ta vẫn đang tranh luận về điều này và cũng có xu hướng tìm về những giá trị cũ.

Những tác phẩm của Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn... rồi sẽ trở thành những tác phẩm classic, không bao giờ chết và luôn được tìm đến khi chúng ta muốn nghe âm nhạc có giá trị.

Nhưng không có gì trên đời này là hoàn toàn xấu hay hoàn toàn tốt. Mình phải chấp nhận thời thế, nhìn thấy được những cái tốt trong cái xấu và phòng điều xấu trong cái tốt.

Chẳng hạn với những bài nhạc mà mọi người vẫn cho là thị trường, hời hợt thì nếu xét về giá trị nghệ thuật, tính lâu dài, rõ ràng là nền âm nhạc đang đi xuống; nhưng nếu xét về giá trị thực tiễn thì có khi nền âm nhạc lại đang đi lên bởi người ta đang kinh doanh có lời.

Cũng như trước đây tôi từng “đau đầu” vì băng đĩa của mình bị bán lậu tại Việt Nam tràn lan. Đó là chuyện không hay nhưng hóa ra lại là chuyện hay, khi nhờ vậy mà mọi người biết và yêu mến tôi trước khi tôi có dịp trở về và hát.

* Trở về VN thực hiện sô đầu tiên vào năm 2006. Và người ta thấy một Tuấn Ngọc giàu sức sống hơn sau những lần về Việt Nam với nhiều thử nghiệm mới mẻ, kể cả thử nghiệm gây nhiều ý kiến trái chiều với Sơn Tùng M-TP vừa qua?

- Ồ, tôi không nghĩ kết hợp này lại ầm ĩ đến thế! Khi người ta mời và tôi nhận lời thì tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng đây là một cuộc giao lưu như tôi từng hát với Hồ Ngọc Hà hay Uyên Linh vậy thôi.

Thời trẻ khi hát nhạc Mỹ tôi cũng tung tẩy lắm, “quậy” hơn Tùng bây giờ nhiều. Hát kiểu của Tùng với tôi không có gì khó cả vì tôi từng hát kiểu như thế mỗi đêm. Nhưng tôi cũng có hỏi ý kiến vài người. Có người tán thành và bảo rằng cậu này hay đấy, nhưng cũng có người cản tôi với lý do ca khúc của cậu ấy bị nghi là đạo nhạc.

Thú thật, tôi chưa nghe nhạc Sơn Tùng trước đó, càng không biết những chuyện ồn ào đạo nhái. Tôi chỉ nghĩ rằng trên đời này có ai dám tự tin nói rằng mình không ảnh hưởng bất kỳ một ai, không lấy bất kỳ thứ gì từ người khác? Sơn Tùng được yêu mến đến thế chắc cậu ấy phải có cái tài của riêng mình.

Cũng như việc người ta hay hỏi tôi về những xìcăngđan của ông Phạm Duy (ba vợ Tuấn Ngọc). Tôi chỉ biết nói rằng trên đời này, đàn ông lỗi lầm như Phạm Duy thì nhiều lắm, nhưng đàn ông để lại cho xứ sở một gia tài âm nhạc đồ sộ, tuyệt vời như Phạm Duy thì chỉ vài người. Vậy nên hãy quên những lỗi lầm ấy đi.

* Người ta vẫn tò mò vì sao cả gia đình anh lẫn gia đình vợ đều không có con cháu nào theo âm nhạc khi cả hai gia đình đều là những nghệ sĩ tên tuổi?

- Có người còn hỏi thẳng liệu chúng tôi có cấm đoán gì không? Không, con tôi mà đi hát là tôi hạnh phúc lắm! Đối với tôi, có phúc lắm mới được làm nghệ sĩ. Con, cháu hai bên gia đình của chúng tôi đều là những đứa trẻ cực kỳ có năng khiếu, yêu âm nhạc. Nhưng chẳng có cái gì thúc đẩy chúng trở thành nghệ sĩ cả.

Tôi từng hỏi bố mình rằng ông đã dạy hát cho anh em chúng tôi thế nào, bố tôi nói ông có dạy gì đâu, cứ mỗi ngày ôm đàn là chúng tôi nghe và tự khắc hát theo. Tôi cũng đàn, hát cho bọn trẻ từ khi chúng lọt lòng và các cháu vì thế cũng yêu âm nhạc. Nhưng bấy nhiêu chắc chưa đủ điều kiện để tạo duyên. Vậy nên “đủ duyên” như tôi thì có lý do gì để phải tính toán với âm nhạc?


Danh ca Tuấn Ngọc - Ảnh: Gia Tiến

Live show Cung đàn xưa sẽ diễn ra một đêm duy nhất vào tối 25-2 tại nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) qua phần dàn dựng của đạo diễn Phạm Hoàng Nam. Đêm nhạc sẽ chú trọng phần hòa âm với sự kết hợp ăn ý giữa bốn giọng nam: Tuấn Ngọc - Tấn Minh - Đức Tuấn - Hồ Trung Dũng với bốn nhạc sĩ hòa âm bậc thầy hiện nay: Hoài Sa - Việt Anh - Võ Thiện Thanh - Đức Trí.

Bên cạnh đó là những giọng ca khách mời: Nguyên Thảo, Uyên Linh, nhóm Năm Dòng Kẻ và nhóm Mặt Trời Mới. Đây cũng là chương trình tâm điểm nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Công ty Văn hóa Phương Nam bên cạnh rất nhiều hoạt động văn hóa khác diễn ra trước và sau đêm nhạc.

(Nguồn: http://tuoitre.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...