Ca sĩ Thắng Lợi - Sao mai 2011: Vẫn nguyên đam mê nhạc Thính phòng

07/08/2013

Đối với ca sĩ Vũ Thắng Lợi, giải Nhì phong cách Thính phòng, giải Sao Mai 2011, nhạc thính phòng là niềm đam mê và là con đường mà anh đã chọn, do đó dù có chông gai Thắng Lợi vẫn kiên định vượt qua.

Vòng chung kết Liên hoan truyền hình toàn quốc giải Sao Mai 2013 sẽ diễn ra vào đầu tháng 8 do Đài THVN định kỳ tổ chức 2 năm 1 lần. Có thể nói, Sao Mai là cuộc thi tìm kiếm tài năng thanh nhạc chính thống và uy tín nhất, đào tạo ra những nhân tố mới cho nền nghệ thuật nước nhà.


Ca sĩ Thắng Lợi trong đêm nhạc "Người Hà Nội".  (Ảnh: Internet)

Trước thêm vòng chung kết Sao Mai 2011, phóng viên VTV đã có cuộc trò chuyện với ca sĩ Vũ Thắng Lợi, một trong những giọng ca được đánh giá cao trong phong cách Thính phòng về sự nghiệp âm nhạc hiện tại của anh.

Sau giải Sao Mai 2011, Thắng Lợi đầu quân cho Đoàn Nghệ thuật quân khu II, chọn và gắn bó với dòng nhạc thính phòng cũng đồng nghĩa với việc Thắng Lợi chọn cho mình con đường chông gai hơn để dẫn đến thành công. Tuy nhiên, Thắng Lợi vẫn luôn hài lòng về con đường mà mình đã lựa chọn.

PV: Nhiều khán giả đã xem Vũ Thắng Lợi như một điểm nhấn thú vị trong chương trình "Người Hà Nội" rất thành công, vừa diễn ra gần đây. Sau hai năm, giọng ca giải nhì Sao Mai dường như đã chín muồi hơn?

Ca sĩ Thắng Lợi: Đối với Thắng Lợi, chương trình Người Hà Nội đã cho Lợi nhiều thứ, đó cũng là thử thách đối với Thắng Lợi. Đối với một ca sĩ trẻ như Thắng Lợi rất cần những thử thách như vậy để chứng minh cho khán giả biết, mình đã có, đã làm và sẽ làm được những gì trên con đường nghệ thuật mà mình đã chọn.

PV: Trong suốt thời gian qua, Thắng Lợi vẫn luôn trung thành với dòng nhạc thính phòng, điều gì ở dòng nhạc có thể nói là “khó gần” lại thu hút anh tới vậy?

Ca sĩ Thắng Lợi: Đó là đam mê của Thắng Lợi và đam mê đó mình đã chọn ngay từ thời điểm bước vào con đường nghệ thuật. Có lẽ cũng do một phần là tính cách của mình, sự trầm lắng không thích ồn ào.


(Ảnh: Internet)

PV: Những ca khúc quen thuộc và điển hình như "Hà Nội niềm tin và hi vọng", "Nơi đảo xa"… đã gắn liền với tên tuổi của các ca sĩ rất nổi tiếng. Thắng Lợi làm thế nào để tạo nên dấu ấn của riêng mình trong những ca khúc quen thuộc như vậy?

Ca sĩ Thắng Lợi: Đối với bản thân Thắng Lợi, khi các ca khúc đã quá quen thuộc thì việc làm đầu tiên là cần phải trau chuốt hơn nữa cho tác phẩm. Nghe những điều từ người đi trước đã thể hiện, để học hỏi thêm, sau đó tìm thêm những điểm khác để có thể tô vẽ, trau chuốt thêm cho tác phẩm mà mình thể hiện. Điều quan trọng nhất là phải hát hết mình, hát bằng tâm hồn mình. Thắng Lợi nghĩ, khi luôn dành nhiều tình cảm và sự đầu tư tới tác phẩm của mình, đau đáu với nó, chắc chắn khán giả sẽ hiểu được và cảm nhận được điều đó.

PV: Là một ca sĩ trẻ, Thắng Lợi có cảm thấy sốt ruột không khi bản thân chưa được nổi tiếng bằng bạn bè đồng trang lứa, khi mà họ chọn một dòng nhạc dễ dàng hơn, ví dụ dòng nhạc thường hay gọi là nhạc thị trường?

Ca sĩ Thắng Lợi: Thắng Lợi nghĩ, mình phải kiên định với con đường mà mình lựa chọn. Cho dù nó có chông gai và vất vả bao nhiêu thì mình cũng cần kiên định với điều đó. Dòng nhạc của Thắng Lợi là dòng nhạc kén người nghe, thành ra chính vì việc kén người nghe nên mình càng phải đi những bước vững chắc, để thể hiện các tác phẩm, sao cho qua thời gian, khán giả thấm được dần dần. Chính vì vậy, qua thời gian, người ca sĩ mới có thể có lượng khán giả riêng của mình.

PV: Một người ca sĩ như anh sẽ phải có cách nào đó để tác phẩm của mình nhanh chóng đến gần với khán giả hơn nữa? Ví dụ như tôi thấy những ca khúc mới của Trần Mạnh Hùng: “Gió lộng bốn phương” hay “Lời con muốn nói” của nhạc sĩ Xuân Thủy, Vũ Thắng Lợi đều thể hiện rất thành công và xúc động. Thế nhưng, nó vẫn chưa được phổ biến lắm?

Ca sĩ Thắng Lợi: Chính vì dòng nhạc kén người nghe, trách nhiệm của ca sĩ rất lớn là đưa các bài hát đến được với người nghe. Ví dụ, trước đây khi nhắc tới “Tôi là người thợ lò” khán giả sẽ nghĩ tới NSND Quang Thọ là người đã hát rất thành công bài hát này. Hi vọng sắp tới, trong những chương trình Thắng Lợi được tham gia, Thắng Lợi sẽ giới thiệu thêm những tác phẩm mới của nhạc sĩ thế hệ sau.

(Nguồn: http://vtv.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...