Ca sĩ Lan Anh: Nghệ thuật là đam mê với những tìm tòi sáng tạo
Biết Lan Anh từ khi bước chân vào Nhạc viện (Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đến giờ, vẫn là một Lan Anh cẩn trọng, đam mê và ẩn mình, duy chỉ có giọng hát là thể hiện rõ sự đằm thắm, mượt mà, ẩn chứa trong đó khát khao cháy bỏng và cả những trải nghiệm được mất của cuộc đời.
Nghe Lan Anh hát nhiều với những: Bài ca hy vọng,Tự nguyện, Biết ơn chị Võ Thị Sáu,Sợi nhớ sợi thương, Cô gái vót chông.v.v nhưng chẳng hiểu sao, mỗi khi nghe Lan Anh vocal và hát Miền xa thẳm(Đức Trịnh), lần nào cũng khiến tôi nổi da gà và có một cảm xúc thật khó tả, nhất là những dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ( 27/7). Tiếng hát như xé lòng:“Xa thẳm một miền xa thẳm /Tiếng gọi hồn thiêng núi sông/Một tình yêu như cánh chim từ bi/Bay bay đi tìm nhau/Một tình yêu như bão giông khát khao/Đến bên nhau giữa đạn bom /Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước /Đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh /Đi tìm nhau đi mãi mãi không về /Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”, cứ khiến người nghe day dứt...
Mỗi dự án âm nhạc là một lần " rút ruột nhả tơ"
Gặp Lan Anh khi cô đang gấp rút hoàn thiện Album "Tình ca Xanh". Đây là lần thứ 2 Lan Anh kết hợp với nhạc sĩ Dương Cầm trong dự án âm nhạc của mình.
Những ca khúc thuộc dòng nhạc Cách mạng thường được gọi “nhạc đỏ” - đó là những bài ca đi cùng năm tháng theo dòng chảy của lịch và cho tới hôm nay, những tác phẩm ấy dường như chưa bao giờ cũ và lỗi thời, bởi những tác phẩm ấy luôn được các nghệ sĩ thổi một luồng sinh khí mới mang hơi thở thời đại. |
Ca sĩ Lan Anh cho biết: Cả hai chị em - nhạc sĩ Dương Cầm và tôi đều đã có ý tưởng có dự án âm nhạc Tình ca xanh (vol 2) từ rất lâu. Với Lan Anh, dòng nhạc Cách mạng với những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, lịch sử và có đời sống lâu bền trong lòng công chúng cũng là những tác phẩm đã ăn sâu vào suy nghĩ, giọng hát của mình từ những ngày đầu khi bước chân vào con đường nghệ thuật. Mặc dù cuộc sống cũng có lúc vui, lúc buồn, nhưng sống trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập, muốn tồn tại, mình phải mang được hơi thở mới, dù chỉ là những sáng tạo nhỏ, nhưng làm được như thế cũng đã là mãn nguyện rồi.
Với mong muốn “làm xanh những ca khúc nhạc đỏ”, Album " Tình ca xanh" không chỉ được hòa âm, phối khí làm mới bằng ngôn ngữ âm nhạc mà ngay trong cách xử lý tác phẩm, Lan Anh vận dụng kỹ thuật thanh nhạc tinh tế và học thuật ở những quãng rộng, những nốt cao, đòi hỏi kỹ thuật, và ngay cả những giai điệu trữ tình, đậm chất tự sự, Lan Anh luôn khiến người nghe trào dâng cảm xúc bởi sự da diết, ngọt ngào và đằm thắm.
Album" Tình ca xanh" tập hợp 8 tác phẩm: Bài ca bên cánh võng( Nguyên Nhung), Đưa em đi hái măng rừng(Hoàng Tạo), Ngày mai anh lên đường (Thanh Trúc), Mời anh đến thăm quê tôi( Nguyễn Đức Toàn), Ở rừng nhớ anh( An Thuyên),Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây( Hoàng Hiệp - Phạm Tiến Duật), Tháng 3 Tây Nguyên (Văn Thắng- Thân Như Thơ), Đất nước tình yêu ( Phạm Minh Tuấn). 8 ca khúc là những câu chuyện được Lan Anh khéo léo sắp xếp, tạo thành một mạch tổng thể hoàn chỉnh từ chủ đề, phong cách âm nhạc, tạo nên bức tranh giàu màu sắc.
Khi đã dấn thân thì phải quyết tâm đến cùng
Vẫn biết, lựa chọn dòng nhạc để theo đuổi là sở thích và sự đam mê của từng cá nhân, bởi mỗi dòng nhạc đều có giá trị nghệ thuật và vẻ đẹp thẩm mỹ riêng. Tuy nhiên, người nghệ sĩ cần sáng suốt lựa chọn đường đi của mình, dòng nhạc mà mình theo đuổi. Ở đó cần tìm cho mình những tác phẩm phù hợp với giọng hát, với cá tinh, tâm hồn và cả sự nhạy cảm khi tiếp cận tác phẩm để xử lý và thể hiện tác phẩm được hoàn thiện.
Lan Anh bộc bạch: Nghệ thuật vốn khắt khe, vinh quang đấy nhưng cũng thật chông gai. Chính vì thế, làm mới nhưng không có nghĩa là làm giảm, hay mất đi những giá trị vốn đã định hình về một dòng nhạc, một tác phẩm. Bởi dù làm mới thế nào thì việc tôn trọng tác phẩm gốc cũng là cách người nghệ sĩ trân trọng tác giả, nâng niu những gía trị đích thực của nghệ thuật, bởi đó là sản phẩm trí tuệ của người nhạc sĩ đã dâng trọn đời mình cho nghệ thuật.
Một nghệ sĩ, khi đã nắm bắt chắc chắn kỹ thuật thanh nhạc cổ điển thì mình có thể áp dụng để hát tốt nhiều ca khúc. Và nếu lựa chọn theo dòng nhạc nào thì mình nghiên cứu kỹ phong cách và đặc trưng riêng của từng dòng nhạc để tìm cho mình cách hát phù hợp. Lan Anh cho biết: Kỹ thuật thanh nhạc cũng khá trìu tượng. Trước tiên đó là cảm nhận của từng người. Vậy nên có người nắm bắt nhanh, có người mãi chẳng làm được. Với Lan Anh thì quan trọng nhất là hơi thở và khẩu hình. Bản thân Lan Anh luôn phải tìm tòi, áp dụng xử lý, tiết chế làn hơi của mình trong từng thể loại, với từng câu hát sao cho đạt hiệu quả nhất. Đặc biệt, khi hát cần nhất phải mở khẩu hình sao cho tròn vành, rõ chữ. Làm được điều đó, một phần phụ thuộc vào bản năng tốt, phần còn lại là năng khiếu từ giọng hát trời cho và đó cũng là yếu tố giúp mình thành công, và đương nhiên không thế thiếu nhạc cảm trong mỗi người nghệ sĩ. Chẳng có thành công nào mà không có những mồ hôi, và cả nước mắt của những lần thất bại, những cũng có những lúc khóc vì hạnh phúc vì cảm xúc thăng hoa…
Nghệ thuật là sáng tạo, nhưng cũng còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh và cả thời điểm. Sáng tạo thế nào cũng phải dựa trên nền tảng căn bản của tác phẩm và tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của cuộc sống mà có những sáng tạo cho phù hợp ở những mức độ khác nhau. Và điều quan trọng người nghệ sĩ phải luôn phấn đấu, cống hiến và đam mê.
Lan Anh tâm sự: Bản thân Lan Anh đôi khi cũng rất thích hát những ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng với tiết tấu Bolero, nhưng là ở những khoảnh khắc nào đó bỗng nhiên muốn hát, muốn trải lòng mình ở dòng nhạc ấy. Tuy nhiên, Lan Anh khá khắt khe trong việc lựa chọn tác phẩm, bởi Lan Anh thích những bài có giai điệu đẹp, ca từ hay, đậm chất nhân văn và không quá “sến”. Tuy nhiên, thích là một chuyện, hát lại là chuyện khác và theo đuổi dòng nhạc đam mê đến tận cùng thì là cả một chặng đường dài của sự miệt mài khổ luyện, chứ không phải cứ thích, cứ hợp thì hát là đủ.
Gắn bó với dòng nhạc thính phòng, cổ điển phương Tây; dòng Tân nhạc thời kỳ đầu và dòng ca khúc Cách mạng, nhưng Lan Anh có thể hát được ở nhiều thể loại đề tài khác nhau. Với Lan Anh, quan niệm, đã là nghệ sĩ thì phải hát được nhiều thể loại, còn chọn cho mình hướng đi để định hình phong cách, giọng hát mang một dấu ấn riêng lại là một chuyện hoàn toàn khác. Đó là sự đam mê, là khát khao cháy bỏng với nghề nghiệp. Đó là cả một sự dấn thân và phải biết chấp nhận hy sinh những lợi ích khác để toàn tâm theo đuổi mục đích đến cùng. Nếu không như thế, người nghệ sĩ sẽ rất dễ trượt ngã theo xu hướng của thị trường, bởi ca khúc thị trường thì dễ hát, dễ nghe, còn để có được chỗ đứng trong nghệ thuật và một lượng khán giả nhất định dành riêng cho giọng hát của mình không đơn giản. Vì cái gì dễ thì sẽ nhiều người làm, nhiều người biết và sẽ trở nên đơn điệu, tẻ nhật. Cái khó ít người làm, và khi làm thì không hẳn đã hút được số đông khán giả bởi cái gì cũng cần phải có thời gian đủ để thẩm thấu và lan tỏa.
Mỗi một dự án âm nhạc là gửi đi một thông điệp
Phát hành "Tình ca xanh" (vol 2) không có nghĩa là Lan Anh không yêu thích các dòng nhạc khác. Tuy nhiên, Lan Anh sẽ chỉ chọn dòng nhạc Cách mạng để mang đến cho công chúng - những nguời yêu mến giọng hát và luôn đặt niềm tin ở Lan Anh với dòng nhạc này. Đó là niềm hạnh phúc, mà đã là hạnh phúc thì hà cớ gì Lan Anh lại chối bỏ niềm tự hào ấy?. Chỉ nghĩ đến đó thôi cũng đã khiến cho Lan Anh dâng trào cảm xúc để có thể thăng hoa bay bổng trong những giai điệu nồng cháy khát khao mãnh liệt khi nghĩ về một thời tuổi trẻ “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dạy tương lai”
Chính dòng nhạc Cách mạng đã làm nên tên tuổi của Lan Anh ngày hôm nay, cho Lan Anh những thành công nhất định trên con đường nghệ thuật. Và điều quan trọng, dòng nhạc này đã ăn sâu vào trái tim, khối óc của người Việt Nam mà nó sẽ còn chảy mãi trong huyết quản của mỗi người, nhất là vào những dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, luốn khiến Lan Anh cảm thấy rưng rưng xúc động.
Không chỉ với học trò, Lan Anh khắt khe cả với chính mình?
Cuộc sống chẳng cho ai tất và cũng chẳng lấy hết của ai bao giờ. Con đường mình đã chọn lựa thì không bao giờ nuối tiếc. Lan Anh cũng từng đi hát phòng trà để kiếm sống, nhưng tự mình biết đủ là hạnh phúc. Ngoài việc dạy học tại Học viện âm nhạc Quốc gia, thì giờ Lan Anh cũng ít nhận show, chỉ đi diễn ở các sân khấu mà Lan Anh thấy cần thiết hay những sự kiện trọng đại của đất nước; những chương trình biểu diễn phục vụ đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc; các chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình…và thực hiện những dự án âm nhạc của riêng mình.
Mỗi ngày Lan Anh chơi thể thao, tập thể hình để rèn luyện sức khỏe. Bởi, có sức khỏe, đồng nghĩa với việc giữ được sự cân bằng thể lực, giọng hát.Công việc dạy học cũng là cách giúp Lan Anh rèn luyện lỹ năng và tìm ra những phương pháp xử lý kỹ thuật tốt hơn. Đặc biệt, thói quen nghe nhạc dường như Lan Anh không thể bỏ bới nghe càng nhiều dòng nhạc càng tốt, nó giúp mình mở rộng hiểu biết, cảm nhận được những nét đặc trưng của từng dòng nhạc. Tuy nhiên, khi nào cảm thấy cơ thể hay giọng hát mệt mỏi thì Lan Anh cũng sẵn sàng dừng mọi công việc để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và để giữ cho giọng hát sạch và không làm thanh quản bị ảnh hưởng.
Học trò thì mỗi em một cá tính và sự tiếp thu cũng khác nhau. Vì thế, có những em nhìn thấy con đường của mình là phải học nắm vững kỹ thuật nên việc đi diễn thực hành cũng ở chừng mừng mà thời gian chủ yếu dành cho học tập. Khi các em có một nền tảng vững chắc thì ra ngoài thoả sức sáng tạo. Khi chưa đủ chín mà lao vào diễn nhiều, không trau dồi nghề nghiệp, kiến thức sẽ chỉ mai một dần. Tương lai khó phát triển. Lan Anh luôn định hướng, chia sẻ với các em những trăn trở về nghệ nghiệp cũng chỉ mong các em trưởng thành.
Cuộc sống cứ trôi đi nhưng niềm đam mê âm nhạc thì sẽ mãi mãi còn nguyên vẹn, không thay đổi. Hiện tại Lan Anh cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có. Bởi cô cho rằng: Cuộc sống không cho ai tất cả, có được thì cũng sẽ mất. Hài lòng với cuộc sống không có nghĩa là mình ngừng phấn đấu và ngủ quên, nhưng Lan Anh không muốn bon chen hay tham vọng quá nhiều , sống làm việc bằng cái tâm và khi tâ, thoải mái thì mọi việc mới hanh thông. Trên đời chẳng có gì là hoàn hảo cả. Đôi khi mình phải biết hài lòng để cuộc sống an yên.
Mời nhạc sĩ Dương Cầm làm giám đốc âm nhạc, bởi cả hai chị em đều có cùng quan điểm và sự đồng điệu trong âm nhạc. Dương Cầm có cách nhìn mới, khoáng đạt hơn trong hòa âm, phối khí. Tuy trẻ, nhưng Cầm lại là người rất tinh tế và tỉ mỉ nên hợp với tính cách của Lan Anh cũng như cách hát, cách xử lý tác phẩm. Dường như, khi giao cho Dương Cầm làm nhạc,ì Lan Anh chỉ lo tập và hát sao cho tốt, còn phần âm nhạc chưa bao giờ Lan Anh phải đắn đo điều gì. Dương Cầm hiểu Lan Anh và Lan Anh cũng hoàn toàn tin tưởng giao cho Cầm sáng tạo và quyết định mọi việc liênquan đến hòa âm, phối khí. Quả thực, chỉ khi có sự thấu hiểu, cộng cảm trong âm nhạc thì ca sĩ mới có đất diễn và khi đó nghệ thuật thăng hoa. Vì thế mỗi tác phẩm đều được nhạc sĩ Dương Cầm chau chuốt, sử lý từng câu, từng đoạn, làm sao để phần âm nhạc phải hòa quyện được với giọng hát và cả cách hát của Lan Anh. |
(Nguồn: http://www.tamnhin.net.vn)