Ca sĩ Đào Nguyên Vũ: 25 năm với tình yêu âm nhạc
Nếu ai đó từng nghe Đào Nguyên Vũ hát nhạc kịch, sẽ tưởng như chất giọng Lirico Spinto Tenor (nam cao trữ tình, kịch tính) của anh chỉ tỏa sáng trong những vở opera kinh điển. Nhưng khi nghe Vũ hát nhạc tình, lại nhận ra, Vũ hát rất ngọt và rất đời. Dường như, ở vị trí nào, Đào Nguyên Vũ cũng sẽ cuốn hút người nghe bởi tài năng và sự đắm đuối của mình.
1. Sinh năm 1979 ở Hà Nội, cậu bé Nguyên Vũ ngay từ nhỏ đã được gia đình hướng theo môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Có lẽ ít người nào được học tập chính quy, đào tạo bài bản và được “thọ giáo” với nhiều nghệ sĩ gạo cội của nền âm nhạc nước nhà như anh.
Đó là những giảng viên như: NSND Quý Dương; NSND Quang Huy, NSƯT Đức Lộc; NSND Doãn Tần, NSƯT Lê Gia Hội ở những năm đại học và NSND Trung Kiên trong khoảng thời gian thạc sĩ.
Đến bây giờ khi được hỏi, Nguyên Vũ vẫn nhớ về “bước ngoặt đầu đời” khi bố dẫn đến gặp NSND Quý Dương để “nhờ thầy kiểm tra năng khiếu”. Cậu bé 14 tuổi nghịch ngợm ngày ấy rất tự nhiên và bạo dạn, cậu đã vừa hát vừa nhảy khi được NSND Quý Dương yêu cầu hát thử một bài.
Sau khi nghe Nguyên Vũ hát, ông có ghé vào tai bố anh, khẽ cười và nói nhỏ: “Thằng bé nhà em rất có tố chất nghệ sỹ, em nên cho nó theo nghệ thuật”. Anh đã bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp một cách tự nhiên như thế, tự nhiên như chính con người anh.
Năm 1995, Nguyên Vũ bắt đầu theo học hệ Trung cấp Thanh nhạc tại Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Hai năm sau đó, nhờ sự giới thiệu của NSND Quang Huy, Nguyên Vũ may mắn có được cơ hội vừa học vừa biểu diễn tại Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam, khi đó, anh mới 17 tuổi.
Vào năm 1999, Nguyên Vũ thi đỗ vào hệ Đại học khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với số điểm cao. Đây cũng là năm mà anh đạt được thành công đầu tiên khi đạt giải Nhất cuộc thi tháng do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Một năm sau đó, anh tiếp tục giành được giải Nhì Tiếng hát Truyền hình Hà Nội.
Đến năm 2001, tại cuộc thi Sao Mai toàn quốc, mặc dù không giành được giải thưởng cao, nhưng với ca khúc “Dáng đứng Việt Nam”, dưới sự hướng dẫn của NSND Doãn Tần, Nguyên Vũ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người yêu âm nhạc.
Trải qua nhiều lần thử sức, điều mà Nguyên Vũ cảm thấy quý giá nhất không phải là giải thưởng, mà đó chính là những kinh nghiệm, bài học mà mình có được, để từ đó trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Đối với anh, đó chính là thành công.
Sau những cuộc thi mà mình tham gia, Nguyên Vũ nhận được nhiều lời mời biểu diễn trên khắp đất nước. Anh quan niệm rằng tuổi trẻ là phải đi, phải cống hiến, phải trải nghiệm và phải sáng tạo. Với ý nghĩ như vậy, anh chẳng ngại khó mà hăng say đem hết nhiệt huyết của tuổi trẻ để đưa tiếng đàn, tiếng hát của mình đến với đồng bào và chiến sĩ từ miền biên giới cho đến hải đảo xa xôi.
Nguyên Vũ cười và nhớ lại kỷ niệm khi đi diễn ngày ấy: “Ngày đó trong mỗi buổi diễn ở nhà hát, mình được đảm nhận một lúc hai vai, khi thì đánh đàn, khi thì lại hát. Lúc làm nhạc công ngồi đánh đàn thì không đeo kính, mặc quần áo bình thường. Một lúc sau, khi ra hát thì lại đeo kính trắng, mặc vest, đeo cà vạt cho đúng chất một người ca sỹ…”.
2. Nguyên Vũ vinh dự được nhận vào Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam khi tuổi còn rất trẻ, anh đã từng bước khẳng định chính mình, chinh phục những chuyên gia và khán giả khó tính nhất.
Đến bây giờ, anh vẫn còn nhớ đến lời động viên, khích lệ của NSND Công Nhạc - nguyên Giám đốc nhà hát. Ông nói với anh: “Cậu hãy ngẩng cao đầu bước vào nhà hát vì nhà hát cần những người vừa hồng vừa chuyên như cậu…”.
Những năm tháng tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, được học hỏi các nghệ sĩ nổi tiếng như giáo sư thanh nhạc Michel Ducharme, giảng viên thanh nhạc Majory… cùng với việc được cọ xát với đỉnh cao của nghệ thuật thanh nhạc, đã giúp trình độ của Nguyên Vũ được nâng lên một tầm cao mới. Anh tinh tế hơn trong cách xử lý và bùng cháy hơn trong cách thể hiện.
Ca sĩ Đào Nguyên Vũ và vợ, ca sĩ Phương Nga là học trò của NSND Trung Kiên.
Tên tuổi của anh trở nên quen thuộc trong các chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước, trong những dự án âm nhạc quốc tế như lần anh được mời tham gia biểu diễn tại Thụy Điển, hay những vai diễn quan trọng trong các vở nhạc kịch do các đạo diễn nổi tiếng của thế giới dàn dựng và công diễn tại Việt Nam như: Gaston - La Traviata; Sportin’s life - Porgy and Bess…
Vai diễn đặc biệt gây ấn tượng của anh đó là nhân vật Monotatos trong vở nhạc kịch “Cây sáo thần” của thần đồng âm nhạc người Áo V.A.Mozart.
Đạo diễn Manfred Waba người Áo đã nhận xét: “Dù đã đi nhiều nơi, dựng vở nhạc kịch “Cây sáo thần” tại nhiều nước trên thế giới, nhưng tôi có cảm tưởng vai diễn Monotatos chính là dành cho Nguyên Vũ”.
Vị đạo diễn này đánh giá đây là một vai diễn khó thể hiện, nhưng là một nhân vật đặc biệt, góp phần không nhỏ tạo nên thành công của vở nhạc kịch nổi tiếng này.
Năm 2010, Nguyên Vũ cũng được mời đảm nhận vai trò solist giọng Tenor trong bản Giao hưởng số 9 của nhạc sĩ thiên tài người Đức L.W.Beethoven trong Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Cùng năm này, anh cũng là một trong 3 đại diện của Việt Nam được mời tham gia Hội thảo International voices (Những giọng hát quốc tế) được tổ chức tại London (Anh) với tư cách là giảng viên thanh nhạc.
Nguyên Vũ cùng với sinh viên của mình đã giới thiệu đến bạn bè quốc tế những ca khúc mang nét đặc sắc, độc đáo của âm nhạc dân gian mang âm hưởng ca trù của Việt Nam. Buổi diễn đã gây được tiếng vang lớn, được coi là điểm nhấn của hội thảo và được đưa lên trang BBC của Anh.
Sau đó, Nguyên Vũ cùng với sinh viên được mời biểu diễn trong hai chương trình hòa nhạc nằm trong khuôn khổ những hoạt động hướng tới Olympic 2012 do Hội đồng Anh tổ chức.
Trở về Việt Nam sau chuyến đi, Nguyên Vũ đã lấy cảm hứng trong việc sử dụng chất liệu ca trù kết hợp với nhạc pop để viết nên một tác phẩm mang tên “Khúc xưa thành Thăng Long”, lời ca chính là bài thơ nổi tiếng “Long Thành cầm giả ca” của Đại thi hào Nguyễn Du qua bản dịch của dịch giả Chí Anh.
Tại Sao Mai 2011, qua sự thể hiện của giảng viên thanh nhạc Bích Hồng, ca khúc đã mang lại cho cô thành công lớn khi giành giải “Khán giả yêu thích nhất” hay Giải nhì Sao Mai Phan Ngọc Ánh thể hiện tại Sao Mai 2017.
Nghiệp làm thầy nghệ thuật luôn cần sự đổi mới và sáng tạo. Chàng nghệ sĩ Nguyên Vũ dù đang ở đỉnh cao vinh quang, vẫn luôn đau đáu nỗi niềm làm sao được cống hiến nhiều hơn cho nền âm nhạc nước nhà.
Vào năm 2006, Nguyên Vũ chính thức trở thành giảng viên khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ngôi trường bao năm anh gắn bó, với tâm niệm đào tạo ra nhiều ca sĩ và khai phá được nhiều viên ngọc quý cho nền nghệ thuật thanh nhạc nước nhà.
Bởi anh biết chỉ cần một định hướng đúng đắn, một phương pháp khoa học của người thầy kết hợp với niềm đam mê, tính kiên trì và tố chất của người học trò sẽ đem về những thành quả xứng đáng như chính những gì anh đã may mắn được học khi xưa. Nghĩ vậy nên anh dồn hết tâm sức vào công việc giảng dạy.
Đối với mỗi học trò, anh vừa là người Thầy trong mỗi giờ lên lớp, nhưng lại như người anh, người bạn trong mỗi lần tâm sự, sẻ chia. Những kinh nghiệm, phương pháp học tập trong nhiều năm của mình được anh đem truyền dạy lại cho học sinh.
Đem hết những gì mình có để dạy, nên không có gì lạ khi các học sinh của anh dù mỗi người theo một hướng khác nhau nhưng đều đạt được thành công trên con đường nghệ thuật.
Trong số đó, phải kể tới giọng ca opera thành danh Ninh Đức Hoàng Long - giải nhất nhiều cuộc thi Opera quốc tế tại Budapest (Hungary), Anh Quân Idol, Quân Jakii hay Sao Mai 2015 Trần Hữu Tuấn…
Có câu nói: “Người hạnh phúc là người biết mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh”. Đối với một người làm nghề giáo như Nguyên Vũ, hạnh phúc cũng chỉ đơn giản như thế, khi anh thấy học trò của mình vượt qua được khó khăn, đạt được những thành tựu trong cuộc đời và sự nghiệp.
Anh thường hay tránh đề cập nhiều về mình, nhưng “dân trong nghề” đều hiểu đằng sau thành công của những học sinh là vai trò quan trọng của người thầy giáo.
Tuy nhiên, người thầy giáo này lại chỉ cười trừ trước những thành công trên, rồi tìm cách lảng tránh sang những câu chuyện “trên trời dưới biển”, những mẩu chuyện “thế sự cuộc đời” hay thậm chí cả “tình người viễn xứ”.
Ra mắt album “Hoài niệm trong lòng phố” nhân dịp kỷ niệm 25 năm ca hát của mình, Đào Nguyên Vũ cũng ngầm khẳng định rằng, anh đang và sẽ trên con đường đưa âm nhạc của mình đến gần hơn với công chúng.
(Nguồn: http://cstc.cand.com.vn/)