Ca sĩ Ánh Tuyết: Tôi cá tính từ nhỏ…
Được biết đến như một trong những người thành danh với nhạc tiền chiến, đồng thời là “bà chủ” của một trong những phòng trà lớn nhất nhì TP. HCM, song ít ai biết, nghệ sĩ Ánh Tuyết là người phụ nữ luôn rực lửa và không chịu dừng bước trước khó khăn. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với chị một số câu chuyện xoay quanh chủ đề này…
- Thời buổi khó khăn, được biết, có thời gian, để phòng trà hoạt động được chị phải bù lỗ một tháng mấy chục triệu. Sao chị không tạm thời đóng cửa mà cứ cố mãi?
- Có những giai đoạn khó khăn thật, song đây là hoàn cảnh chung của giới hoạt động nghệ thuật. Tôi phải mất nhiều năm mới xây dựng được thương hiệu ATB, đóng cửa coi như… tiêu luôn. Bao nhiêu thành viên đang trông chờ vào cái đầu tàu là mình, tôi mà đổ là tất cả đổ theo, biết bao giờ mới lấy lại được cái đã mất, vì thế phải cố gắng mà thoát ra thôi. Thú thực nhiều lúc tôi thấy mình cũng kiệt sức, mệt mỏi rã rời song vẫn gượng dậy để đừng gục ngã. Âm nhạc như cái nghiệp của mình rồi, dứt ra không được.
- Mất quá nhiều tiền để giữ thương hiệu, chị không sợ đến một lúc nào đó sẽ … trắng tay?
- Tôi nghĩ, mình giỏi những gì thuần tuý nghệ thuật và dốt nát chuyện kinh doanh. Thế nhưng, tôi cũng ý thức được rằng, đây là con đường lắm chông gai mà mình phải vượt qua, chứ không phải cứ xông vào một cách liều lĩnh. Tôi làm nên nghiệp lớn là nhờ có âm nhạc, thế nên tôi coi đây là món nợ mình cần trả. Tôi không sợ mất mát tiền bạc và cũng còn lâu nữa mới… trắng tay.
- Không thể phủ nhận, nhiều ca sĩ đã trưởng thành từ cái nôi có tên ATB. Chị có thấy mình làm bầu mát tay?
- Bất cứ ca sĩ nào đến với ATB, tôi đều tạo điều kiện tốt nhất để phát triển. Ngày trước, nhiều sinh viên nhạc viện mới tốt nghiệp vẫn ăn ở luôn tại đây để đỡ khoản tiền thuê nhà. Họ cũng có cơ hội để lên sân khấu biểu diễn thường xuyên cho những khán giả yêu thích dòng nhạc sang trọng này, chứ không phải lo vật lộn ở những nơi xô bồ khác. Nhạc tiền chiến có lượng khán giả tương đối ổn định, miễn ca sĩ phải có chất giọng tốt, chăm chỉ tập luyện. Tôi không biết mình có mát tay hay không nhưng ca sĩ hễ lên sân khấu mà không đoàng hoàng, chỉn chu là… ăn quát liền. Tôi rèn người cũng ghê lắm, không ngọt ngào đâu nhưng mình nói là nói thẳng, nói thật để họ biết rằng cần tôn trọng khán giả và luôn biết vươn lên, đừng ỉ lại vào bất cứ điều gì.
- Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể nói Ánh Tuyết phải vượt qua rất nhiều trở ngại để từ một ca sĩ tỉnh lẻ trở thành nghệ sĩ nổi tiếng như ngày hôm nay. Chị tự nhận xét về mình thế nào?
- Ngày còn nhỏ, tôi đã rất cá tính, muốn gì là phải làm bằng được, vì thế dù đen đủi, xấu xí song tôi vẫn mơ làm ca sĩ nổi tiếng. Tôi rất tự tin, đến nỗi nghe ca sĩ hát trên đài đã dám khẳng định, mình hát hay hơn. Tôi có khá nhiều tài vặt và luôn muốn chứng tỏ bản thân. Ngày ở Đoàn Ca múa Hải Đăng, tôi là người rất năng động, bất cứ hoạt động gì cũng nhiệt tình tham gia từ ca, diễn đến tấu hài nhưng luôn ôm giấc mơ được thoả chí vẫy vùng ở môi trường âm nhạc lớn như thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, ở nơi đô hội này, không ít lần tôi ôm mối uất ức bị đối xử tệ bạc bởi mình không giống những người con gái khác, đong đưa, nịnh nọt người ta. Tôi đã “khăn gói quả mướp” lên đây lập nghiệp mấy lần nhưng vẫn phải quay về bởi tính tự ái quá cao. Đúng là tôi không quen bỏ cuộc nên cố theo đuổi đến cùng.
Nhớ lại những năm tháng ấy, chỉ có mấy cái áo dài thay đi thay lại, đi hát tiền cát xê cũng chẳng đáng là bao. Cũng may, lúc ấy tinh tường, tôi nhận thấy thị trường âm nhạc nơi đây đang bỏ trống dòng nhạc tiền chiến mà nó lại là thế mạnh của tôi, vì thế tôi đã tập trung sức lực để khẳng định mình ở thể loại này. Khi mình đã có tên tuổi, mọi chuyện cũng dễ dàng hơn. Song cái chính, mình có thực lực thì không thể đầu hàng vì bất cứ lý do gì.
- Kỷ niệm chị nhớ nhất ngày ấy là gì?
Ngày ấy, tôi lên Sài Gòn xin việc nhưng chẳng ai nhận vì họ chê gầy và xấu, không có hy vọng trở thành “sao”. Lúc phải quay về, buồn lắm vì túi hết tiền. Không biết làm cách nào, tôi mang tấm vải (dự định để may áo đẹp đi diễn) ra chợ Bến Thành bán. Đưa tấm vải cho người bán hàng, tôi vừa lắp bắp nói “cháu…có…tấm…” đã oà khóc. Thấy tôi như vậy, cô ấy an ủi “cô hiểu rồi”, vậy là tôi có tiền về quê.
- Nghe nói, chị có nhiều mối tình nhưng vẫn kết hôn muộn. Phải chăng vì chị quá tham vọng?
Ngày trẻ, tôi có nhiều mối tình song chẳng đâu vào đâu. Một phần, tôi cũng nam tính, không mấy khi chịu nhẫn nhịn người yêu nên cãi nhau thường xuyên. Đôi khi không kìm được nóng giận, tôi còn dang tay… tát bốp vào mặt người yêu. Phần nữa, tôi cũng là người đa cảm, đa đoan lại lận đận trong sự nghiệp nên lập gia đình hơi muộn.
- Sống với anh chồng người Pháp, đẹp trai lại hiền, có khi nào chị so sánh anh ấy với những người con trai Việt?
Đàn ông phương Tây thường nghĩ thoáng hơn rất nhiều và không ghen tuông vớ vẩn. Chẳng hạn, ông chồng tôi không bao giờ hậm hực khi thấy ai đó tỏ ý ngưỡng mộ quá đáng, thậm chí là ôm hôn vợ mình trên sân khấu. Anh còn cho đó là niềm tự hào của một nghệ sĩ. Nhưng đàn ông Việt, ít người vượt qua rào cản này, họ chỉ muốn vợ là của riêng mình, không ai được đụng đến. Tôi là người thẳng tính, cương trực nên khó sống chung với những người đàn ông quá ích kỷ như thế.
- Chị luôn tất bật, nào đi hát, tổ chức đêm diễn... Bận thế, lấy đâu thời gian chăm lo cho gia đình?
Gia đình tôi cũng đơn giản, thằng con trai đã lớn, đi học nước ngoài, vợ chồng tôi thì tập trung lo cho công việc của mình. Lâu lâu mà không làm cái gì đó ra trò là tôi thấy khó chịu lắm. Mình là người của công việc mà, tuy nhiên khi làm vợ cũng đâu có tồi. Mọi người cứ quan niệm, phụ nữ phải thế này thế khác. Nhưng theo tôi, làm sao để gia đình mình yên ấm, hạnh phúc là được. Phụ nữ cứ hy sinh sự nghiệp cho gia đình, chắc gì đã hay, trong khi nếu cố thì mình sẽ có tất cả.
- Chồng chị có hay can thiệp vào công việc của vợ?
Ông xã luôn ủng hộ tôi, song không can thiệp vào chuyên môn của vợ. Tôi muốn làm gì tùy thích. Ông ấy làm sao giỏi âm nhạc bằng tôi chứ.