Ca nhạc thời hội nhập: Ngẫm từ vài hiện tượng qua Internet
Nếu là người dứt khoát nói “không” với internet và kiên quyết quay lưng lại mạng xã hội, thì bạn có thể không thấy rõ là đời sống ca nhạc thời hội nhập muôn ngàn lần rộng mở hơn xưa. Bạn tự tước bỏ cơ hội thưởng thức tác phẩm qua một thư viện khổng lồ, tiếp nhận thông tin đa chiều từ báo chí điện tử và các trang cá nhân, bắt gặp trên mạng xã hội những lời bình luận đáng tham khảo liên quan đến hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá sản phẩm ca nhạc và cảm nhận của công chúng.
Nếu là nhà quản lý nghệ thuật biểu diễn thời công nghệ thông tin mà lại dị ứng và cự tuyệt với internet - một phương tiện hữu hiệu cho việc tìm hiểu, xem xét, lắng nghe và đối thoại, thì nhà quản lý đã tự che mắt, bịt tai..., tóm lại là tự “bó tay” mình rồi.
Còn nếu không phải là người e sợ internet đến mức chối bỏ món quà đắc dụng của nền văn minh nhân loại, biết tận dụng công cụ nắm bắt kịp thời nhiều kênh thông tin khác nhau mà không phải tốn nhiều thời gian và công của, thì bạn có thể nhận thấy và rút ra điều gì về đời sống ca nhạc thời hội nhập này?
Giữa bạt ngàn thông tin của thế giới ảo, chỉ xin có vài dòng chia sẻ về những suy ngẫm của cá nhân tôi trước đôi ba hiện tượng mà thôi.
Internet phản ánh thực tế qua các góc nhìn khác nhau. Dù chưa hẳn là toàn bộ thực tế, song thế giới ảo đã cho thấy hoạt động biểu diễn ca nhạc hiện nay rất đa dạng với các loại hình lớn nhỏ khác nhau. Đây là điều đáng mừng cho sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn, nhưng dường như lại là điều đáng lo cho các nhà quản lý.
Đáng mừng trước hết cho những người yêu nhạc không thể kiếm vé hoặc không đủ tiền mua vé thường xuyên vẫn có thể thưởng thức những chương trình âm nhạc mong muốn. Dù xem qua mạng không sánh được với âm thanh sống, song lại tránh được cảm giác khó chịu vì luôn bị quấy rầy bởi vô số màn hình iPhone iPad nhấp nhoáng xung quanh, chả là quá nhiều khán giả thời công nghệ thông tin trong lúc nghe nhạc cổ điển vẫn thi nhau “sống ảo”trên facebook, hồn nhiên “chat chit”, quay chụp tự sướng, live stream để “loa loa” cho cả thiên hạ biết ta đây đang có mặt nơi thánh đường âm nhạc hàn lâm.
Không thể phủ nhận rằng nhờ mạng xã hội mà dân tình biết đến nhiều hơn các chương trình hòa nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh... Đặc biệt, tuần lễ Festival Âm nhạc mới Á - Âu (2014 và 2016) do Hội Nhạc sĩ tổ chức hội tụ vài trăm nhạc sĩ của trên 30 quốc gia, được coi là ngày hội nhạc giao hưởng thính phòng, nhưng chỉ có một phần giới nhạc chuyên nghiệp quan tâm và sức lan tỏa trong đời sống xã hội chưa đạt hiệu quả mong muốn. Nếu không có những thông tin lưu lại trên mạng thì những sự kiện ý nghĩa như thế dễ mau chóng trôi vào quên lãng.
Không có mạng chắc gì nhiều người đã biết tới sự ra mắt của opera Lá đỏ, một thể loại nghệ thuật chuyên nghiệp tổng hợp đã hoàn toàn vắng bóng trong nhiều thập niên. Được trình diễn tới bốn đợt và có gần 2000 lượt xem sau nửa năm đưa lên trang web Hội Nhạc sĩ, Lá đỏ đã nhen lên chút hy vọng: nhạc kịch đúng nghĩa opera chưa hẳn đã hết đất sống.
Không có mạng càng ít người biết đến những chương trình “áo gấm đi đêm” giới thiệu tác phẩm thính phòng giao hưởng. Rất cần quảng bá những đêm nhạc chuyên nghiệp như Bài ca tình yêu của nhạc sĩ Doãn Nho. Rất cần đầu tư tổ chức thêm nhiều chương trình như thế tôn vinh thể loại romance, bởi ca khúc nghệ thuật có phần piano đang là cái đích cần hướng tới của các tác giả muốn vượt lên trên lối viết ca khúc đại chúng thiếu phần đệm.
Cũng đáng suy ngẫm cho các nhà quản lý sau đêm công diễn giao hưởng thơ Đất nước anh hùng được viết từ hơn nửa thể kỷ trước của nhạc sĩ La Thăng. Nếu không được chọn bởi một nhạc trưởng ngoại quốc uy tín - quý ngài Shalev Ad-El (Israel), thì một tác phẩm đáng ghi nhận trong giai đoạn khởi đầu nền khí nhạc Việt Nam có lẽ chẳng có cơ hội sống bằng âm thanh, chẳng bao giờ được biết đến và lưu lại đời sau. Nếu tác phẩm được đầu tư dàn dựng kịp thời, nếu tác giả được khích lệ xứng đáng, thì nền khí nhạc ở ta từng có những bước khởi đầu khá ngoạn mục như thế giờ hẳn phải đi xa hơn nhiều.
Trở thành sự kiện được quảng bá và chờ đón trên mạng xã hội còn rất nhiều đêm hòa tấu do cá nhân hoặc đơn vị tư nhân tổ chức, các show ca nhạc công phu của một tác giả, như Phó Đức Phương, Nguyễn Trọng Tạo..., hoặc của một ca sĩ, như Thanh Lam, Tùng Dương, Đăng Dương… Nhạc cổ điển cũng phong phú thêm với các chương trình độc tấu của các nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế (hai đêm liền trình tấu năm concerto Beethoven của Đặng Thái Sơn, hai đêm liền trình tấu bốn concerto cho violon của Bùi Công Duy…), các chương trình hòa tấu thính phòng của nhóm ngũ tấu Sông Hồng, nhóm tứ tấu dây Apaixonado gồm bốn cô gái trẻ, Duo May với hai nữ pianist… Gần đây có chương trình Cello Fundamenco của nữ nghệ sĩ trẻ Đinh Hoài Xuân được nâng lên tầm quốc tế nhờ có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ ngoại quốc.
Thấy rõ ngày càng có thêm nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng, yêu nghề, biết tự thân vận động. Chỉ tiếc môi trường hoạt động chưa đủ, điều kiện tổ chức biểu diễn chưa đáp ứng, nhất là với khí nhạc chuyên nghiệp. Sẽ hiệu quả hơn khi có người (gọi nôm na là “ông bầu”) biết nghề biết việc đứng ra lo toàn bộ khâu tổ chức biểu diễn cho nghệ sĩ, để họ dồn toàn tâm toàn ý vào sáng tạo nghệ thuật. Tổ chức biểu diễn là một nghề cần có sự chuyên nghiệp, mà ở ta chưa đào tạo chuyên nghiệp cho ngành này. Đã thiếu người đại diện lo tổ chức biểu diễn, liên hệ truyền thông, quảng bá hình ảnh, lại thêm bao rắc rối do sự mung lung và tắc trách về quy chế cấp phép và tổ chức biểu diễn.
Cấp phép biểu diễn là một đề tài gây nhiều phản ứng cho cộng đồng mạng. Những chỉ trích về các biện pháp chạy theo chữa cháy, về cách vận hành theo cơ chế xin cho, theo tôi, là phản ứng tích cực từ phía công chúng, bởi chính họ luôn là nạn nhân của trăm thứ thủ tục hành chính vốn “hành là chính”. Và họ muốn thấy Cục Nghệ thuật biểu diễn phải là tổ chức đồng hành cùng nghệ sĩ nhạc sĩ, hỗ trợ, khích lệ tổ chức biểu diễn, chứ không phải vật cản, nhăm nhe bắt lỗi và gây khó dễ.
Gần đây còn vụ việc nữa cũng không kém ồn ào liên quan đến “dòng nhạc bolero”. Internet “tiếp sóng” cho hàng loạt chương trình truyền hình Solo cùng bolero, Tình bolero, Kịch cùng bolero, Tình bolero hoan ca, Hãy nghe tôi hát... (Đài Truyền hình Vĩnh Long); Dạ khúc tình yêu (Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh); Thần tượng bolero (Đài Truyền hình Việt Nam)... Ngoài ra còn không ít chương trình liên quan đến trào lưu bolero: Người hát tình ca, Nhạc hội song ca, Tình khúc vượt thời gian, Sol vàng, Hát vui - vui hát, Ngôi sao phương Nam… Ai đúng ai sai giữa nhiều ý kiến trái chiều là câu chuyện dài khiến các nhà quản lý biểu diễn lúng túng. Có một điểm chung là gần như cả hai phía ủng hộ cũng như phản đối đều mặc định công nhận cái tên gọi rất kêu rất Tây do báo giới tung ra, bộc lộ sự thiếu hiểu biết về chuyên ngành âm nhạc và tâm lý sính ngoại, sính hình thức. Cũng như trước đây từ báo giới đã nảy sinh những cụm từ không chuẩn xác - như nhạc tiền chiến, nhạc trẻ…- dù các nhà chuyên môn cố điều chỉnh mãi mà chẳng được. Báo chí còn dùng chiêu nói qua nói lại khích các nghệ sĩ miệt thị nhau, gây scandal không đáng có. Cứ thế, từ sự thiếu hụt kiến thức nghề nghiệp đã dẫn đến những câu chuyện “có vấn đề” về văn hóa ứng xử.
Cũng thuộc phạm trù văn hóa ứng xử là các cuộc tranh cãi về bản quyền âm nhạc, từ đạo nhạc cho đến sử dụng ca khúc không xin phép, kể cả ca khúc được mua bán độc quyền, tự tiện đặt lời mới trên giai điệu bài hát cũ hoặc đặt lời Việt cho nhạc ngoại... Internet như con dao hai lưỡi, vừa tạo thêm cơ hội cho hành vi đạo nhạc, nhưng cũng là nơi giúp công chúng phát hiện và lật tẩy hành vi này dễ dàng hơn. Ngẫm cho cùng, mọi sự vẫn phụ thuộc vào bản lĩnh và nhân cách con người sáng tạo.
Xin dành phần cuối bài viết hơi nhiều câu giả định “nếu…” này để nói tới thị hiếu giới trẻ. Không thể quản lý ca nhạc thời hội nhập bằng biện pháp hạn chế ảnh hưởng của internet. Được nuôi dưỡng trong môi trường âm nhạc lành mạnh, thì tự nhiên mỗi người đã có thể là một bộ lọc tốt, biết tự bảo vệ mình trước mọi nhiễu loạn thông tin, biết cảm nhận cái hay cái đẹp trong thế giới vàng thau lẫn lộn. Hơn bao giờ hết, giới trẻ cần được sẻ chia và thấu hiểu. Đâu phải quá khó nếu như các nhà chuyên môn và các nhà quản lý thực sự muốn làm bạn với thế hệ trẻ, muốn hiểu công chúng trẻ thích gì, cần gì và thiếu gì. Chẳng hạn, chỉ cần tra Google là ra ngay vô số thông tin về một cơn sốt nào đó trên cộng đồng mạng.
Hãy thử coi vài MV đang gây bão trên mạng: Đừng hỏi em của Mỹ Tâm đạt 11 triệu lượt truy cập sau hai tuần xuất hiện trên Youtube, Em gái mưa của Hương Tràm - 69 triệu sau một tháng. Chẳng có gì ngạc nhiên về sự hấp dẫn giới trẻ, cả hai MV đều có hình ảnh đẹp, không đơn thuần chỉ minh họa cho nhạc, mà dựa trên kịch bản điện ảnh, có cốt truyện “thắt nút - mở nút” cho mối tình trắc trở.
Còn ca khúc Lạc trôi của Sơn Tùng, người được Làn sóng xanh trao giải “ca sĩ được yêu thích nhất trong năm 2017” có tới trên 131 triệu lượt nghe trên ZingMP3. Còn trên Youtube MV Lạc trôi có hơn 100 triệu view sau hai tháng xuất hiện, tính đến nay sau 10 tháng đạt gần 160 triệu view với số like gấp 5 lần dislike. Không một tác phẩm chính thống nào, không một nghệ sĩ chuyên nghiệp nào dám mơ tới con số đó! Lạc trôi có tên trong danh sách MV được xem nhiều nhất châu Á. Từ “lạc trôi” có mặt trên wikipedia Việt Nam, thậm chí còn trở thành cụm từ hot được cộng đồng mạng rất ưa xài. Lạc trôi trôi lạc cả vào chương trình văn nghệ học đường, các học sinh tuổi teen cũng “bâng khuâng ta lạc trôi giữa đời, ta lạc trôi giữa trời”. Thực chất, Lạc trôi là gì nhìn từ khía cạnh nghệ thuật?
Có lẽ giới chuyên môn cũng cần biết thêm thông tin về hiện tượng đình đám này. Với chất lượng cao về kỹ thuật hình ảnh và âm thanh, Lạc trôi câu khách bằng bối cảnh chùa chiền và dàn dựng theo kiểu phim kiếm hiệp Trung Hoa. Dù chính tác giả khẳng định đây là sản phẩm “đậm chất Việt”, nhưng nhìn chung vẫn na ná MV ngoại quốc. Tác giả muốn gây ấn tượng về sự kết hợp cổ kim bằng hình thức bề ngoài pha trộn cổ trang với thời trang: ca sĩ để mái tóc dài màu khói dị thường, mang trang phục công tử thời xa xưa nhưng lại cố tình lấp ló áo len cổ lọ và giày sneaker thời thượng. Âm nhạc đương nhiên thuần túy tính giải trí. Phần đệm sử dụng âm sắc nhạc cụ dân tộc kết hợp âm thanh điện tử future bass - một phong cách hòa âm được coi là thời thượng của 2017. Giai điệu pha chút ngũ cung nhưng gần âm điệu Tầu hơn ta, tô điểm thêm vài câu vocal và mấy câu rap. Lời ca gợi lại không gian “hồn bướm mơ tiên” của Tự lực văn đoàn với những mộng mị, phôi phai, sầu bi, biệt ly, trống vắng, sầu tương tư…; nhưng phần nhạc không gây cảm giác não nề sướt mướt mà nhẹ bỗng, lành lạnh, bàng bạc, không rõ tính cách, đúng như dáng vẻ trung tính và giọng hát mai mái của ca sĩ.
Không ít sản phẩm dị thường về hình thức, vay mượn về ý tưởng, nhàn nhạt về tính cách âm nhạc, lẫn lộn về khái niệm bản sắc dân tộc… mà vẫn có hiệu ứng mạnh trên mạng xã hội, vẫn làm con cháu chúng ta thích thú nhờ hình ảnh bắt mắt, đánh trúng thị hiếu, hợp sở thích và cách lý giải đời, cách hiểu đời của giới trẻ. “Mặc kệ nó” lại lo nó làm lệch lạc thẩm mỹ công chúng trẻ, còn không “mặc kệ nó” thì làm gì - miệt thị, ngăn chặn hay cấm đoán ư? Ngăn cấm trong xu thế hội nhập toàn cầu chỉ là biện pháp vô vọng và phản tác dụng mà thôi.
Chẳng cần đến giải pháp cực đoan, vì âm nhạc kể cả chính thống cũng như giải trí mà không có giá trị đích thực thì trước sau gì cũng bị đào thải. Thay vì chỉ trích dòng nhạc này, chê bôi ca khúc nọ, tốt hơn hết là tìm mọi cách làm ra những món ăn tinh thần ngon lành hấp dẫn cho người hưởng thụ. Cách loại trừ hữu hiệu những sản phẩm và xu hướng “có vấn đề” vẫn là đầu tư thích đáng, khích lệ kịp thời những người sáng tạo để những tác phẩm giá trị và những chương trình thực sự hay có điều kiện đi vào đời sống xã hội.
5-10-2017